22 Tháng 7 2008 - Cập nhật 14h33 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080722_arthur_waldron_interview.shtml
Không có thống kê chính xác về chi tiêu quân sự của Trung Quốc
Một chuyên gia về Trung Quốc có tiếng tại Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam cần tăng cường khả năng quân sự để đối phó với nước láng giềng.
Arthur Waldron, giáo sư Quan hệ Quốc tế của Đại học Pennsylvania, cho biết ông đã đọc tin về việc Trung Quốc đòi tập đoàn dầu lửa ExxonMobil của Hoa Kỳ phải rút khỏi dự án với Việt Nam “mặc dù theo luật quốc tế, thềm lục địa và vùng biển là thuộc về chủ quyền Việt Nam”.
Waldron, được xem là thuộc nhóm trí thức bảo thủ Mỹ có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nói ông “bi quan về triển vọng có dân chủ thực sự ở Trung Quốc” nhưng nhấn mạnh “sớm hay muộn, hệ thống phải thay đổi đơn giản vì nó không bền vững”.
Arthur Waldron: Trung Quốc có vẻ là một siêu cường khi anh nhìn từ ngoài. Nếu ngồi trong Trung Nam Hải, hình ảnh mà lãnh đạo thấy là một đất nước ngày càng hỗn tạp và khó kiểm soát.
Về câu hỏi các nước nên làm gì với Trung Quốc, tôi luôn thấy thú vị khi cái tên Hoa Kỳ được nhắc tới đầu tiên. Nhưng nếu Trung Quốc trở thành siêu cường quân sự hung hăng, chính các láng giềng sẽ cảm nhận sức mạnh ấy trước tiên.
Tôi vừa đọc tin cho hay Trung Quốc vừa bảo với công ty khoan dầu của Mỹ ngừng dò tìm dầu trên thềm lục địa Việt Nam, mặc dù theo luật quốc tế, thềm lục địa và vùng biển là thuộc về chủ quyền Việt Nam. Và dĩ nhiên còn chuyện đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm trong những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam.
Còn có nhiều vấn đề giữa Trung Quốc và các láng giềng gần. Và có ba nước láng giềng quan trọng nhất. Nhật Bản có tiềm năng trở thành nước mạnh nhất châu Á nếu họ quyết định có quân đội. Nga đã cung cấp vũ khí cho Trung Quốc, nhưng Nga có đường biên giới dài với Trung Quốc và giữa hai nước có khả năng bất đồng về mặt chiến lược. Nước thứ ba là Ấn Độ, với đường biên giới trực tiếp sát ngay Trung Quốc sau khi Tây Tạng bị chiếm và thôi không còn là vùng đệm.
Như thế, sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc sẽ tạo ra các vấn đề cho Trung Quốc về đối ngoại. Và cả đối nội, bởi vì tốc độ thay đổi quá nhanh đến mức không thể kiểm soát.
Nói về Hoa Kỳ, chúng tôi là đồng minh của nhiều nước trong khu vực. Nhưng hiện tại, chính quyền Mỹ tự ru ngủ mình, tin rằng Trung Quốc rất có ích trong vụ Bắc Hàn, Iran. Vì thế Mỹ ngày càng hy sinh quyền lợi của bạn bè như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, để có quan hệ tốt với Trung Quốc.
Tôi nghĩ Việt Nam sẽ càng ngày càng gặp sức ép từ Trung Quốc, khi mà Trung Quốc đã có căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam. Sẽ là vấn đề cho Việt Nam khi nghĩ phải làm gì để an toàn trước Trung Quốc.
Vị trí chiến lược của Việt Nam trong tương quan với Trung Quốc vô cùng có lợi
BBC:Nhưng Việt Nam thì có thể làm gì trước một siêu cường ngay trước mặt?
Việt Nam không phải là một nước nhỏ, tầm thường. Vị trí chiến lược của Việt Nam trong tương quan với Trung Quốc vô cùng có lợi. Các bạn có đường biển dài bao quát toàn bộ các tuyến đường ra bên ngoài của Trung Quốc. Điều đầu tiên các bạn cần làm là khôi phục sức mạnh của hải quân. Phải có tên lửa chống hạm chất lượng cao, như Đài Loan, tàu ngầm như Hàn Quốc. Khi đó, các bạn ở trong vị trí có thể chống đỡ mọi đe dọa biển của Trung Quốc. Các bạn phải bảo đảm đường biên giới, buộc quân đội đúng nghĩa là quân đội, rút họ ra khỏi các dịch vụ làm ăn.
Điều thứ ba tôi nghĩ các bạn cần làm là tái phát triển chương trình hạt nhân. Tôi cho rằng các bạn sẽ không được an toàn chừng nào chưa có vũ khí hạt nhân.
BBC:Nhưng chính phủ Việt Nam đã khẳng định Việt Nam chỉ áp dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, thưa ông.
Tôi không khuyến cáo Việt Nam có vũ khí hạt nhân như Ấn Độ. Nhưng trừ phi Trung Quốc bớt “ăn hiếp” Việt Nam, các bạn sẽ phải tăng cường khả năng quân sự và tìm kiếm đồng minh.
Việt Nam ở trong vị trí khó khăn vì đã có cuộc chiến hai miền Nam – Bắc, rồi Hoa Kỳ dính líu vào. Sau đó Việt Nam nói vì là nước cộng sản, nên ta phải làm bạn với Trung Quốc, Bắc Hàn. Nhưng có lợi nhất cho Việt Nam là làm thành viên trong cộng đồng các nước dân chủ, tự do, hợp tác với nhau bảo vệ quyền lợi chung. Nếu ở trong những nước như thế, người ta không cần vũ khí hạt nhân.
BBC:Nhưng thật khó thuyết phục các lãnh đạo cộng sản Việt Nam rằng họ có thể nhờ cậy đồng minh phương Tây. Ít nhất về danh nghĩa, Trung Quốc và Việt Nam vẫn có điểm tương đồng là chế độ cộng sản.
Tiểu sử GS. Arthur Waldron
Bằng tiến sĩ Harvard 1981
Dạy ở ĐH Pennsylvania
Sáng lập và là phó chủ tịch Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, Washington, DC
Sách: The Great Wall of China: from History to Myth (1992)
From War to Nationalism: China’s Turning Point 1924-1925 (1995)
Đúng vậy. Hồ Chí Minh và các đồng chí đã có quyết định mang tính định mệnh, tức là họ nghĩ có một đảng cộng sản nắm quyền là điều quan trọng nhất, dẫu cho phải giết nhiều người Việt Nam yêu nước và mời cố vấn từ Nga, Trung Quốc. Để giải quyết những vấn đề của mình, theo tôi, nhân dân và chính phủ Việt Nam phải xem xét lại văn hóa Việt Nam có gì chung với Lenin, với Marx?
BBC:Nhiều người ở Việt Nam vẫn nghĩ rằng mô hình Trung Quốc gần gũi cho Việt Nam hơn cả.
Vài năm trước, tôi thăm Hà Nội, tôi rất vui vì đó là một nơi tuyệt vời. Thu nhập đầu người có vẻ ở khoảng 900 đôla một năm, tương đương với Đài Bắc, khi tôi học ở đó gần 40 năm trước.
Mô hình các bạn nên học là Đài Loan hay Hàn Quốc: phát triển kinh tế để đứng hàng đầu thế giới, nâng cao giáo dục và rồi chuyển đổi sang dân chủ. Mô hình độc tài của Trung Quốc, Singapore đem lại mức sống cao nhưng nhiều khiếm khuyết trong hệ thống kinh tế, sẽ không tồn tại được lâu dài. Nó hủy hoại tinh thần con người.
Tôi tin rằng người Việt Nam hiểu dân chủ là gì, tự do là gì. Chắc chắn họ biết đi bầu cử, tự ra quyết định. Giống như người dân Trung Quốc, người Việt không cần ông Hồ Cẩm Đào chỉ bảo họ.
Bạn đọc có ý kiến xin chia sẻ với Diễn đàn BBC ở địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk hoặc sử dụng hộp tiện ích bên tay phải
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment