Monday, July 28, 2008

Công nhân Việt ở Mã Lai: Nô lệ thời đại mới

Công Nhân Việt Ở Mã Lai: Nô Lệ Thời Đại Mới
Phim tài liệu về nỗi khổ nhục của công nhân Việt ở Mã Lai






Xin bấm vào đây để xem video


Yến, quê ở Hải Dương: “Trước khi sang đây thì con phải rời bỏ… lúc đó đang đi học đại học, vì gia đình không có tiền phải từ bỏ…” (nức nở).

Thu, quê ở Bắc Giang: “Khi mà bọn em qua đây thì cũng chỉ với một hy vọng rất là nhỏ. Đấy là mong muốn đi làm kiếm được một chút tiền gì đó để giúp đỡ gia đình cho bố mẹ ở nhà hoàn cảnh đỡ khổ hơn. Thế nhưng mà không ngờ qua đây thì lại gặp phải công ty không hề có việc. Rất là khó khăn và khổ sở. Đến giờ phút này thì bọn em tiền đã hết rồi, không còn biết dựa dẫm vào ai nữa.”

Từ năm 2002 đến nay Việt Nam đã xuất cảng 180 ngàn công nhân sang Mã Lai. Hiện nay 130 ngàn người trẻ Việt đang đổ mồ hôi và nước mắt ở đất nước hồi giáo này.

Họ ra đi với ước mong cải thiện đời sống cho gia đình.

Sự, quê ở Tuyên Quang: “Con gái nói, 'mẹ, con nhớ mẹ lắm. Bao giờ mẹ mới về với con?'” (khóc sụt sùi)

Nhưng thực tế phũ phàng phá vỡ giấc mơ nhỏ bé ấy. Mỗi người một cảnh khổ, họ trở thành nạn nhân của sự lừa đảo, bóc lột. Họ bị buôn bán và trao đổi như một món hàng. Nhân phẩm của họ bị di xuống bùn đen.

Các công nhân ở Mã Lai sống chen chúc, cực khổ. Có những nơi họ sống chui rúc trong các chuồng gà hết năm này sang năm khác. Có những công nhân không đủ ăn và phải nương nhờ sự thương xót và tiếp viện của các mạnh thường quân bản xứ.

Việc làm nặng nhọc và đầy nguy hiểm đến sức khoẻ. Nhiều công nhân bị thương tích, trở thành tàn phế, hay bỏ mạng tại đất khách quê người. Họ bị tước bỏ mọi quyền con người và không hề nhận được sự bảo vệ của toà đại sứ Việt Nam.

Dựa vào chính sách xoá đói giảm nghèo của nhà nước, các công ty môi giới ở Việt Nam lừa néo những dân quê chất phác với các hợp đồng nguỵ tạo. Họ hứa hẹn đồng lương cao và điều kiện lao động tốt để khuyến dụ dân đóng tiền phí và ký quỹ lên đến nhiều chục triệu đồng. Công nhân rời nước để lại đằng sau cả một gia tài nợ, với nhà cửa, ruộng vườn thế chấp cho ngân hàng.

Yến: “Gia đình con vay hai mươi nhăm triệu ngân hàng cho con sang đây. Trả tiền lãi hàng tháng mất bốn trăm nghìn... Nhận ở bên đây một ngày là 18 Ringgits.”

Khi hoàn tất hợp đồng lao động 3 năm, cô vẫn sẽ chưa trả dứt nợ.

Các công ty môi giới Việt Nam và chủ sử dụng lao động Mã Lai như hai con đỉa hút máu những công nhân chất phác và cô thế; chính quyền VN thì vô trách nhiệm. Điển hình là vụ Polar Twin Advance ở Penang, một công ty chuyên sản xuất dụng cụ điện tử cho thị trường quốc tế. Cuối năm 2006 họ tuyển dụng 70 công nhân Việt, hứa trả 700 Mã kim, tương đương 225 Mỹ kim, một tháng. Sau hơn một năm bị cắt lương thất thường, gần 80 công nhân Việt và Nam Dương yêu cầu gặp Ông Tổng Giám Đốc Lý A Cẩu.

Thay vì đối thoại, ông ta thẳng tay trả thù công nhân.

Thu: “Bọn em cũng đã ký hợp đồng với Polar Twin đó là mỗi một năm công ty Polar Twin phải bảo đảm tiền lương cho chúng em là 8400 Ringgits. Bọn em sẽ được hưởng mức lương là 700 Ringgits mỗi tháng. Đấy là mức lương bảo đảm cho chúng em. Thì suốt cái thời gian mà em qua đây cho đến bây giờ là đã được hơn một năm rồi thế nhưng mà công việc của công ty không hề có, và công ty đã cắt tiền lương của em rất là nhiều. Khi đó thì em cũng có hỏi ông chủ của em. Người ta cũng chỉ nêu được lý do để trả lời cho em đó là do để móng tay dài rồi là không buộc tóc… rồi nhiều lý do vớ vẩn lắm.

“Ngày 8 tháng 5 thì bọn em có tập trung lên công ty để hỏi, muốn gặp Tổng Giám Đốc công ty để hỏi tại làm sao lại cắt lương của chúng em trong khi đó em đi làm vẫn tuân thủ rất là đúng luật lệ của công ty đã đề ra.”

Thao: “Tổng Giám Đốc không trả lời và cũng không gặp chúng em, mà lại gọi police đến đe doạ chúng em, nói là nếu chúng em không về, không im miệng thì police bắt chung em về đồn. Nhưng chúng em cùng mọi người đã đứng lên đấu tranh thì chúng em không sợ. Chúng em đợi đến quá 3 giờ chiều. Quá 3 giờ chiều có ca khác đến làm, Tổng Giám Đốc không trả lời thì bọn em lại về. Về thì đến sáng ngày mồng 9 chúng em lại đi làm bình thường. Nhưng mà khi ra đến cửa bảo vệ thì bảo vệ khoá cửa không cho chúng em đi làm. Chúng em có hỏi thì tại sao lại không cho chúng em đi làm.”

Thu: “Người ta đã giải thích cho bọn em đó là, 'đây là lệnh của Tổng Giám Đốc công ty là từ bây giờ là không cho chúng em vào công ty nữa'. Từ ngày đó cho đến giờ vẫn không giải quyết cho chúng em một vấn đề gì cả cho đến tận bây giờ, nghĩa là đã hơn hai tháng rồi. Trong khi đó bọn em ở nhà không hề có công ăn việc làm, không có tiền tiêu mà công ty cũng không hề nhòm ngó, không quan tâm gì đến chúng em cả.”

Thao: “Chúng em sống rất khổ sở và khó khăn. Giờ tiền chúng em cũng hết, không có tiền ăn và hàng ngày cứ chiều tối chúng em phải đi hái rau và đi xin đu đủ về luộc để ăn để sống cho qua ngày.”

Cuộc trao đổi giữa các công nhân ở ký túc xá của Polar Twin Advance, trong bữa ăn trưa:

- Chắc bố mẹ minh thấy thề này chắc chết quá. Rau thì đi xin, đu đủ đi xin.
- Hôm nào cũng ăn như vậy chán lắm rồi chị ơi.
- Cố gắng ăn đi em ạ. Ăn đi. Ăn đi mà sống. Chiến đấu.
- Chưa thấy cái công ty nào nó khổ sở, mà nó tàn tệ như cái công ty này. Tiền lương thì trả không đủ.

Thu: “Ở nhà gia đình em cũng phải ký bản hợp đồng với lại công ty Intraco, có nghĩa là phải vay mượn ngân hàng thế chấp nhà cửa với giá trị tiền là hơn 20 triệu đồng tiền Việt Nam. Thì chúng em ở bên này tình hình xẩy ra như vậy thì bọn em cũng có điện về và nói phản ánh lại tình hình của chúng em như vậy thì công ty Intraco ban đầu thì cũng có một chút can thiệp nhưng sau đó thì bỏ bẵng chúng em và thường xuyên lừa dối gia đình chúng em, mà thông báo với gia đình chúng em những cái tin không hề có thật, là người ta đã đổi công ty cho chúng em nhưng thực tế bọn em vẫn nằm ở nhà và vẫn không hề có công ăn việc làm.”

Tối 16 tháng 7, hai nhân viên toà đại sứ Việt Nam cùng với đại diện công ty môi giới đến từ Việt Nam theo chân ông tổng giám đốc công ty đến ký túc xá yêu cầu các công nhân Việt ký giấy cam kết trở lại làm việc mà không được đòi tiền lương trả thiếu.

Gia đình của các công nhân này ở Việt Nam đều sắp mất nhà và ruộng vườn thế chấp vì không đủ sức trả tiền lãi ngân hàng.

Công nhân Việt ở Mã Lai còn phải đối phó với tình trạng trấn lột, và đối với phụ nữ là tình trạng hãm hiếp, bởi thành phần bất hảo.

Một thiện nguyện viên:

“Cái xe của Indo tới, nó xẹt thằng kia đi ra, ngã bên lề đường, rồi nó bắt cô này đem vô trong rừng. Nó hãm hiếp tới mức độ sau mấy tiếng đồng hồ, cô này về trong người không còn một cái manh áo… máu me.”

Nạn nhân hãm hiếp:

“Hai người thì đã tóm lại hai tay của mình đẩy vào trong xe. Trong xe có một người thanh niên nữa. Thế là mình chẳng có thể chống cự nổi, chỉ cắn được họ, chỉ đá… Bắt đầu họ lái xe họ đi, thì họ đưa vào trong rừng. Lúc đấy họ bắt đầu hành hạ mình, bắt mình cởi quần áo ra. Mình cởi lâu họ lại tát rất là đau và rất là nhiều nữa. Thế là từ lúc đấy họ làm nhục mình mà cảm thấy là không thể chịu nổi nữa bởi vì nó đau quá. Họ bảo là bắt buộc mình phải uống nước đái của họ, nó bẩn thỉu, mà thật sự là nó ghê tởm lắm. Lúc họ mặc quần áo thì mình cố để thoát thân. Cái lúc đấy thì biết là chỉ trong một tích tắc giữa cái sống và cái chết thôi… Cảm thấy tủi thân và khổ sở lắm. Thực sự mình cũng không biết để nhờ vả ai. Nghề nghiệp, con cái nữa… rất là khó. Mong mọi người giúp đỡ.”

Thu: “Em cũng chỉ mong sao được sự quan tâm và giúp đỡ của tất cả mọi người cũng như của anh chị ở đây, giúp đỡ đòi lại sự công bằng cho chúng em.”

Để giải trừ nạn buôn người, tháng 2 năm 2008, bốn tổ chức cùng nhau thành lập Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, tên tiếng Anh viết tắt là CAMSA, với kế hoạch hành động toàn diện gồm ba bước:

(1) can thiệp và bảo vệ nạn nhân;
(2) trừng trị thủ phạm buôn người bằng biện pháp kinh tế và luật pháp;
(3) áp lực các chính quyền chấp hành và cải tổ luật pháp để bảo vệ nạn nhân và truy tố thủ phạm.

Vụ can thiệp thành công cho 2,600 công nhân, phân nửa là người Việt, ở đảo Penang vào tháng 3 2008 chứng tỏ sự hữu hiệu của kế hoạch toàn diện này.

Hiện nay CAMSA hoạt động thường trực ở Mã Lai và thu hút được nhiều thiện nguyện viên người bản xứ và ngoại quốc. Đường dây điện thoại trợ giúp toàn quốc được thành lập cho công nhân Việt ở khắp lãnh thổ Mã Lai.

Ngoài ra, Liên Minh CAMSA còn mở ra nhiều sinh hoạt để giúp công nhân thăng tiến về kiến thức và đời sống, như dậy Anh văn, hướng dẫn về sức khoẻ và tài chánh, và tổ chức các sinh hoạt tập thể và tương thân tương trợ.

Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của quý vị để phát triển hoạt động của Liên Minh CAMSA.

Mọi đóng góp xin gởi về:
BPSOS/CAMSA
P.O. Box 8065
Falls Church, VA 22041
USA


Nguồn:
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1353

No comments: