Wednesday, July 23, 2008

Chấm dứt trò gian dối

Tuesday, July 22, 2008



Ngô Nhân Dụng

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=81806&z=7

Trong bài phát biểu nói trên đài ti vi ở Hà Nội ông Nguyễn Phú Trọng đã báo tin rằng chỉ trong ba năm nữa thôi “Hội Ðồng Lý Luận Trung Ương” của Ðảng ông sẽ hoàn tất việc nghiên cứu để tìm ra một “Học thuyết xây dựng chiến lược Việt Nam trong thế kỷ 21.” Ông Trọng cũng nhắc nhở đảng Cộng Sản vẫn theo chủ nghĩa Mác Lênin như thường lệ. Dân Hà Nội có ngạn ngữ “Giàu như Phú, lú như Trọng...” chính là ông Trọng này. Cho nên chúng ta không biết cái “học thuyết” mà ông sẽ đưa trình làng vào năm 2011 nó sẽ ra sao.

Trong khi đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn loay hoay xây dựng một học thuyết Nông Ðức Mạnh hay là một chủ nghĩa Nguyễn Tấn Dũng như vậy, thì thế giới bên ngoài người ta cứ thế tiến tới, không chờ đợi một chủ thuyết nào chỉ đường dẫn lối cả. Bởi vì trước hết loài người phải sống đã, chứ không ai chờ có một chủ thuyết nào rồi mới bắt đầu sống!

Cái bệnh đi tìm chủ thuyết phát sinh ở nước ta là do ảnh hưởng Phương Tây. Các ông Tây duy lý từ mấy trăm năm trước đã xây dựng những chủ thuyết để dẫn dắt người khác theo mình, nó thành một thứ bệnh truyền nhiễm trong giới trí thức. Bệnh nặng nhất là ông Karl Marx, truyền xuống ông Lenin, lây dần dần sang nhiều người khác. Chỉ vì chủ nghĩa đó là thế giới chia đôi, hai khối tư bản và cộng sản đánh nhau, mà người Trung Hoa, người Hàn Quốc, người Congo, người Việt Nam chết nhiều nhất. Từ giữa thế kỷ 20 loài người bắt đầu trị bệnh chủ nghĩa, và đến mười năm sau cùng của thế kỷ thì hầu như mọi người đã trừ được loài vi khuẩn đó. Ngoại trừ ở những nước vẫn bế quan tỏa cảng, ngăn cấm thông tin, không cho dân được mở cái đầu ra, cho nên trong giới trí thức vẫn còn nhiều người mơ màng về một chủ thuyết nào đó. Khi thấy chế độ cộng sản ở Nga và Âu châu sụp đổ, có những người ở Việt Nam lo lắng một cách thành thật rằng sau khi lý thuyết Mác Lê bị dẹp bỏ thì không biết mình sẽ nương tựa vào một ý thức hệ nào để mà sống!

Nhưng con người sinh ra để sống chứ không phải để chuẩn bị sống, như một nhân vật của Boris Pasternak đã phân trần. Hay nói như Trang Tử, vì có người đi mà có đường đi (Ðạo hành chi nhi thành), chứ không phải vì có con đường rồi nên mới sinh ra con người để bước đi trên đó coi con đường có đẹp hay không! Biết vậy, nhưng vẫn phải chờ tới khi chế độ cộng sản hoàn toàn thất bại ở Nga, thất bại hiển nhiên trên mặt kinh tế, thì người ta mới vỡ lẽ ra là tất cả câu chuyện chủ nghĩa là những chuyện tầm phào! Như vậy thì trong kinh tế học người ta không cần chủ nghĩa nào hay sao? Ðúng như vậy. Mọi môn khoa học đều không cần và không nên có chủ nghĩa. Vì các kiến thức khoa học đều là những giả thuyết, người ta tạm dùng cho đến khi nào bị đánh đổ vì có chứng cớ trái ngược. Trong thiên văn bây giờ mọi người tin ở thuyết Big Bang nhưng không ai tôn thờ nó như một chủ nghĩa. Trái lại, ai tìm ra được một kẽ hở nào trong lý thuyết đó sẽ được cả làng thưởng công to! Trong kinh tế học cũng vậy, không có các lý thuyết vĩ đại với tham vọng giải quyết mọi vấn đề nhân sinh, mà chỉ có những tìm kiếm và khám phá cụ thể.

Tuần trước, Giáo Sư Leonid Hurwicz, một nhà kinh tế lỗi lạc mới qua đời, thiếu hai tháng nữa thì ông đầy 91 tuổi. Ông sinh ở Matx Cơ Va trước Cách Mạng Tháng Mười, khi cha mẹ ông chạy từ Ba Lan sang Nga để tị nạn quân Ðức chiếm đóng. Sau đó họ lại đem con chạy trở về Ba Lan năm 1919 để tránh chế độ cộng sản. Tốt nghiệp luật khoa ở Ðại Học Varzawa, ông sang Anh học về kinh tế, rồi năm 1940 sang Mỹ làm nghề dạy học cho đến khi chết.

Ðối với những người đã sống trong các xã hội cộng sản và tư bản, một đóng góp đáng nhớ của Hurwicz là ông đã thoát khỏi cái “Giấc Mơ Chủ Nghĩa,” nói riêng là Chủ Nghĩa Xã Hội. Không phải vì ông đã công kích chủ nghĩa này, mà vì ông không phí thời giờ khai triển cũng như chống đối nó. Ông chỉ đặt ra những vấn đề thực tế để giải quyết từng chuyện một. Nhưng cách đặt vấn đề của ông khiến mọi người thấy chúng ta không thể cứ nghĩ việc giải quyết các vấn đề lớn của xã hội nếu không chú ý đến động cơ kinh tế của mỗi cá nhân trong từng lãnh vực nhỏ một.

Hurwicz chịu ảnh hưởng của những giáo sư kinh tế nổi danh ở London khi ông theo học ở đó, như Friedrich Hayek, Nicholas Kaldor, và Ludwig von Mises. Vào những thập niên 1930, 40, có những nhà kinh tế cổ động cho việc cải thiện hệ thống xã hội chủ nghĩa, như Oskar Lange. Tuy không đồng ý với lý thuyết kinh tế của Karl Marx và cũng không thích chế độ độc tài kiểu Stalin, Lange đã nảy ra ý tưởng kết hợp kinh tế thị trường với Chủ Nghĩa Xã Hội. Bây giờ vẫn còn nhiều người thích một thứ lý thuyết “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa,” ý kiến đó là do Lange khai phá.

Trong khi đó, Hayek và von Mises nhìn thấy nhược điểm cơ bản của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa, là vấn đề thông tin. Sống trong thời đại tin học chúng ta hiểu vấn đề này nhanh, nhưng vào thập niên 1940 thì đây là một khám phá. Ðời sống kinh tế dựa trên tin tức, các quyết định kinh tế dựa trên thông tin. Trước khi trao đổi sức lao động, hàng hóa, tiền bạc, người ta thế nào cũng trao đổi tin tức. Không một ủy ban kế hoạch nhà nước nào có thể thu lượm đầy đủ thông tin về nhu cầu cũng như khả năng của mọi người trong xã hội. Ngược lại, trong một hệ thống thị trường thì mọi người tự động tiết lộ những thông tin về nhu cầu và khả năng cung ứng của họ, qua giá cả khi họ mua bán, trao đổi với nhau. Hơn thế nữa, như Friedrich Hayek biện luận trong hàng chục năm, khi kinh tế được tập trung chỉ huy thì cuối cùng sẽ thất bại; rồi vì thất bại cho nên phải cưỡng chế, dẫn đến cảnh nô lệ hóa mọi con người. Một chế độ kinh tế tập trung chỉ huy cuối cùng sẽ làm mọi người mất hết tự do. Từ đó, đến nhân phẩm cũng mất.

Ở nước ta, từ thời chủ nghĩa Mác du nhập, đã có nhiều người sáng suốt nhận thấy việc thực hành chủ nghĩa đó sẽ dẫn tới cảnh nô lệ hóa và mất phẩm cách con người. Nhưng, vì ảnh hưởng của tinh thần duy lý Tây Phương, nhiều người vẫn bỏ công xây dựng những chủ thuyết khác, để đối đầu với Mác xít, hoặc vượt lên trên chủ nghĩa Mác. Ðến khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ khắp thế giới, khuynh hướng đi tìm chủ nghĩa thay thế vẫn còn. Chúng ta có thể hiểu, vì nhiều người lớn lên trong chế độ suốt ngày đêm chỉ nghe truyền giảng chủ nghĩa Mác, giống như một tôn giáo, họ đã quen sống như vậy. Buông chủ nghĩa ra, người ta cảm thấy bơ vơ. Cho nên cứ tưởng rằng phải tìm ngay một chỗ tựa khác mới sống được. Ðó là một ảo tưởng, cũng là một căn bệnh.

Leonid Hurwicz thoát khỏi giấc mơ Chủ Nghĩa Xã Hội là nhờ những chịu ảnh hưởng những nghiên cứu của Hayek về vai trò thông tin trong đời sống kinh tế. Ông không đi tìm xây dựng một chủ thuyết nào cả. Ông chỉ nêu ra những vấn đề cụ thể. Một trong các đề tài ông theo đuổi là làm cách nào khiến mọi người tham dự một cuộc chơi kinh tế chịu tiết lộ tin tức của mình, chứ không giữ kín để hưởng lợi. Hay là làm thế nào để những người làm việc cố gắng hết lòng cho công việc chứ không làm lấy lệ. Trong tất cả các vụ đó, phải vẽ ra cách thưởng phạt để người ta có động cơ nói thật, có động cơ làm hết lòng. Nhưng chính khi đi tìm những động cơ thích hợp để giúp một cơ chế kinh tế nào đó đạt kết quả, Hurwicz đã giúp chúng ta hiểu tại sao chế độ cộng sản thất bại.

Một thí dụ về phương pháp tạo động cơ thích hợp là câu chuyện chia đôi cái bánh. Bà mẹ có thể cắt cái bánh thật công bằng, chia cho hai con. Có thể trao nhiệm vụ cắt bánh cho anh, khuyên nhủ anh phải chia đều với em. Nhưng thế nào mỗi đứa con cũng thấy phần của mình nhỏ hơn, có thể sinh ra ganh tị trong lòng. Bây giờ có thể bầy ra một “cơ chế” như vầy: Một đứa con sẽ cắt bánh làm hai phần, nhưng đứa kia sẽ được chọn phần bánh trước. Với “cơ chế” như vậy, đứa trẻ có nhiệm vụ cắt bánh sẽ cố cắt hết sức công bằng, không cần phải nghe lời Ðức Khổng Tử dạy hay là bị quản giáo nhồi sọ về chủ nghĩa xã hội.

Với những phương pháp thiết lập “động cơ thích hợp chúng ta có thể cho kinh tế hoạt động tự do mà vẫn theo đuổi những mục tiêu ngoài kinh tế, như tôn trọng công bằng xã hội, trọng người già hoặc giúp trẻ em, vân vân, mà không cần cưỡng bức hay “giáo dục” người tham dự. Ðiều quan trọng là không cần một thứ chủ nghĩa nào để biến thành một tôn giáo bắt mọi người đi theo.

Chỉ cần một xã hội được sống trong dân chủ tự do và tôn trọng luật pháp, loài người có thể tìm cách giải quyết những vấn đề của cuộc sống bằng từng biện pháp nhỏ cho từng vấn đề nhỏ. Ðời sống tự do dân chủ không phải là một chủ nghĩa. Dân chủ chỉ là một luật chơi, giống như luật đá banh vậy. Khi có tự do, người ta được chọn, khi cần phải cùng nhau chọn, đặt ra những quy tắc chọn lựa chung, thí dụ như bỏ phiếu. Cứ như vậy, loài người sẽ sống hạnh phúc hơn mà không cần tôn thờ một chủ nghĩa như lối người cộng sản trong thế kỷ trước.

Như bây giờ nhiều người cộng sản ở Việt Nam vẫn còn muốn tôn thờ những chủ nghĩa và tư tưởng của tổ tiên họ, đó là một ảo tưởng! Phải giải trừ căn bệnh đó. Nhưng đa số những người cộng sản bây giờ, nhất là những người đang có quyền và có tiền, thì họ không tin vào chủ nghĩa nào nữa, chỉ tin ở thế lực kim tiền! Những công việc của “Hội Ðồng Lý Luận Trung Ương” chỉ là cách đánh lừa các người nhẹ dạ mà thôi. Phải chấm dứt trò gian dối đó.

No comments: