Saturday, July 26, 2008

Từ Dokdo - Takeshima Đến Hoàng Sa - Trường Sa





Trần Hùng

Vào giữa tháng 7, người dân Nam Hàn đã giận dữ xuống đường biểu tình. Hình ảnh chiếu trên truyền hình cho thấy đông đảo thanh niên Nam Hàn tập trung trước tòa đại sứ Nhật ở thủ đô Seoul, chất đống những hộp carton tượng trưng cho những quyển sách giáo khoa của Nhật, rồi châm lửa đốt. Sự giận dữ của họ liên quan đến việc tranh chấp những hòn đảo nằm trên vùng biển phân cách giữa hai nước Nhật Bản và Đại Hàn ở miền Đông Bắc Á châu. Những hòn đảo này mang 2 cái tên khác nhau. Người Nam Hàn gọi nó là đảo Dokdo. Còn đối với Nhật Bản, nó mang tên là Takeshima. Đây là một nhóm khoảng gần 90 hòn đảo nhỏ, miệng núi lửa, bãi đá ngầm hoặc mảng san hô, trong số đó có 2 hòn đảo lớn là đảo Đông và đảo Tây, nằm cách nhau 150 thước.



Cả 2 nước Nam Hàn và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo nói trên. Mỗi bên đều trưng dẫn những tài liệu lịch sử từ nhiều thế kỷ trước cũng như sự kiện thực tế từ sau thế chiến thứ 2, để chứng minh rằng quần đảo đó thuộc về mình. Nhưng cả đôi bên đều không chấp nhận lý lẽ của đối phương, vì thế nó đã là điểm nóng giữa 2 nước từ nhiều năm nay, có trường hợp đi đến cả nổ súng. Nam Hàn hiện có quân trấn giữ trên những đảo này, và đã thiết lập nhiều cơ sở hành chánh cũng như một ngọn hải đăng, nhưng Nhật Bản vẫn dùng mọi cơ hội để nói lên đòi hỏi của mình. Vào tháng 7 năm nay, bộ giáo dục Nhật cho in lại một số tài liệu hướng dẫn giáo khoa, trong đó lưu ý thầy cô giáo phải nhắc nhở các em học sinh đừng bao giờ quên chủ quyền của Nhật Bản đối với những hòn đảo bé nhỏ này. Tài liệu đó đã làm cho người Đại Hàn giận dữ, xuống đường biểu tình. Chính phủ Nam Hàn đã triệu hồi đại sứ của mình tại Tokyo, như một thái độ bầy tỏ sự bất bình.



Sự tranh chấp lãnh thổ là việc thường xẩy ra giữa nhiều quốc gia, nhất là sau những năm tháng dài chinh chiến. Có nhiều trường hợp một quốc gia phải tranh chấp nhiều vụ khác nhau cùng một lúc. Trong khi tranh chấp với Nam Hàn quần đảo Takeshima ở phía Tây-Nam, Nhật Bản đồng thời cũng tranh chấp với Nga 2 quần đảo Kuril ở phía Đông Bắc và Sakhalin ở phía Tây Bắc của nước Nhật. Những quần đảo này đã bị đổi chủ giữa Nhật Bản và Liên Xô nhiều lần từ đầu thế kỷ thứ 20 cũng như trong thời gian thế chiến thứ 2. Khi Nhật thua trận đại chiến, Nga chiếm đảo và xua đuổi cư dân Nhật ra khỏi đảo. Chính vì vấn đề tranh chấp này mà Nga và Nhật không thể ký với nhau hiệp ước đình chiến, mặc dù quân đội Nhật đã buông súng từ lâu. Cho đến nay, việc tranh chấp giữa Nga và Nhật vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên Nhật Bản vẫn luôn luôn xác định chủ quyền đối với 2 quần đảo Kuril và Sakhalin nói trên, ngay cả trong thời kỳ chiến tranh lạnh khi Liên Xô còn là một cường quốc quân sự đứng đầu khối cộng sản. Chính phủ Nhật mặc dù duy trì liên hệ ngoại giao với Nga, nhưng người dân Nhật vẫn được quyền biểu tình chống đối việc Nga chiếm đóng đảo của mình, mà không bị chính phủ ngăn cấm hay xử dụng cảnh sát để đàn áp.

Việc tranh chấp quần đảo Dokdo-Takeshima giữa Nam Hàn và Nhật Bản cũng vậy. Dù e ngại "sức mạnh chính trị - kinh tế của Nhật" như lời của giáo sư đại học Hwang Gwi Yeon ở thủ đô Seoul của Đại Hàn, nhưng Tổng thống Nam Hàn Lee Myung-bak vẫn phát biểu lập trường mạnh mẽ. Ông tỏ ý “rất thất vọng và hối tiếc” vì thái độ của Nhật. Và thanh niên Nam Hàn vẫn không ngại ngùng xuống đường đả đảo Nhật Bản, hô to khẩu hiệu xác định chủ quyền của mình mà không hề bị công an giải tán.

Quần đảo Dokdo - Takeshima



Sức mạnh quân sự hay chính trị, kinh tế của đối phương không hề làm nhụt lòng yêu nước của những dân tộc này. Nhật Bản nhận biết rất rõ về ưu thế quân sự của Liên Xô. Cũng tương tự như vậy, Nam Hàn ý thức được sự vượt trội về kinh tế, chính trị của Nhật Bản. Tuy nhiên, khi liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền của đất nước, không một sức mạnh nào có thể làm cho họ khiếp nhược. Từ vị nguyên thủ quốc gia cho đến mọi thường dân, tất cả đều cương quyết tìm cách bảo vệ lãnh thổ của mình. Họ dõng dạc nói lên chủ quyền của mình. Nếu ngày hôm nay chưa đi đến kết quả thì ngày mai sẽ đến. Nếu thế hệ này chưa thành công thì thế hệ sau sẽ tiếp nối. Ý chí đó được bầy tỏ một cách công khai và thẳng thắn. Họ là những người thực tâm yêu nước. Và họ hết lòng bảo vệ giang sơn do cha ông để lại.


Chuyện tranh chấp đảo cũng xẩy ra giữa Việt Nam và Trung Hoa, liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nhiều người Việt Nam đều biết. Hai quần đảo này thuộc về nước Việt từ nhiều thế kỷ nay, và điều này đã được trưng dẫn qua những tài liệu lịch sử như bản đồ, sách sử, văn thư của triều đình nhà Nguyễn hay thư tín của các phái bộ truyền giáo Tây phương. Chẳng những vậy, chính phủ VNCH trước 1975, và nhà nước CSVN sau này, đều cho quân đến trấn giữ những hòn đảo thuộc chủ quyền của mình. Tuy nhiên, với bản tính cường quyền cố hữu, Trung cộng đã đem quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào đầu năm 1974, khiến 71 chiến sĩ hải quân VNCH hy sinh, và đánh chiếm quần đảo Trường Sa vào tháng 3-1988 sát hại 64 bộ đội cộng sản Việt Nam. Khi bị Trung cộng đánh chiếm Hoàng Sa, chính phủ VNCH đã xử dụng tất cả những phương tiện của mình để lên tiếng trước dư luận quốc tế, lên án hành động xâm lăng của Trung cộng, đồng thời xác định chủ quyền "không thể có gì lay chuyển nổi" của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Ngược lại, khi Trung cộng xâm chiếm Trường Sa, cộng sản Việt Nam không dám mở miệng phản đối, khiến sự hy sinh của những người bộ đội của họ trở nên hoàn toàn vô nghĩa.

Dân Việt phẫn nộ, biểu tình phản đối trước sứ quán Trung Quốc, ngày 9-12-2007

Thái độ khiếp nhược của CSVN càng khuyến khích thêm tham vọng bành trướng của bá quyền Trung cộng. Đầu tháng 12 năm 2007, trong mưu đồ hợp thức hóa những phần đất mới lấn chiếm, Trung cộng ban hành quyết định thành lập đơn vị hành chánh Tam Sa, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trước việc lãnh thổ bị cưỡng chiếm, thanh niên Việt Nam đã can đảm đứng lên. Trong 2 ngày 9 và 16-12, sinh viên học sinh đã biểu tình trước sứ quán của Trung cộng tại Hà Nội và Sài Gòn. Những cuộc biểu tình này đã bị công an ra tay đàn áp, khiến phong trào tranh đấu sớm bị dập tắt. Không phải thanh niên Việt Nam kém yêu nước hơn thanh niên Nam Hàn hay Nhật Bản, nhưng cơ chế độc tài tại Việt Nam đã bóp nghẹt lòng yêu nước của họ.

Nhưng người ta không thể để cho Việt cộng trói tay người dân bằng những chỉ thị độc đoán đòi giao khoán việc giải quyết cho nhà nước, mang danh nghĩa "thương thảo ngoại giao" nhưng trên thực tế chỉ là tương quan giữa thái thú với chư hầu. Đây chỉ là cách nguỵ biện để che dấu bản chất khiếp nhược của CSVN. Đành rằng việc dụng binh không luôn luôn là chọn lựa thích hợp, nhất là trước một đối thủ có nhiều lợi thế về quân sự. Tuy nhiên, không áp lực nào có thể ngăn cản chúng ta dõng dạc lên tiếng trước quốc tế về quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của mình, và nghiêm khắc cảnh cáo đối phương phải chấm dứt những hành động khiêu khích và xâm lấn.




Lãnh đạo đảng CSVN triều cống Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, Hoàng Sa và Trường Sa cho quan thầy Trung Quốc.




Người dân Việt cần lên tiếng trong tất cả mọi cơ hội để tố cáo hành động xâm lăng của Trung cộng, cần xử dụng tất cả mọi hình thức để xác định với quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với những quần đảo này cũng như những phần lãnh thổ, lãnh hải mà CSVN đã bán, nhượng phi pháp cho Trung cộng. Đi xa hơn nữa, việc bảo vệ lãnh thổ đòi hỏi quy tụ một sức mạnh hợp nhất của tất cả 85 triệu người dân. Sức mạnh đó chỉ có được khi Việt Nam có một chính quyền dân chủ thực sự đại diện cho dân tộc Việt Nam. Chỉ trong trường hợp này, chính quyền đó mới đạt được sự nể trọng của quốc tế, và chính quyền đó mới làm cho đối phương phải e dè. Chỉ trong trường hợp như vậy, việc thu hồi và bảo vệ lãnh thổ mới có cơ may thực hiện được.

Vì thế, việc lên tiếng xác định chủ quyền lãnh thổ, song song với việc tố cáo hành vi bán nước của CSVN, là những nỗ lực đấu tranh cần thiết trong công cuộc thực hiện dân chủ cho Việt Nam, chấm dứt chế độ độc tài, và đó vẫn luôn luôn là mục tiêu hàng đầu của chúng ta.

Trần Hùng

No comments: