Wednesday, July 30, 2008

Đương cự với sóng gió biển đông

Dại Dương

PetroVietnam và ExxonMobil đã ký thỏa thuận khung về hợp tác tại khu vực Biển Ðông nhân chuyến công du Hoa Kỳ của Thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng vào cuối tháng 6/08.

Phản ứng của Chính phủ Bắc Kinh rất gay gắt qua tuyên bố hôm 22/07 của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, Lưu Kiến Siêu "Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Nam Hải rất rõ ràng và kiên định. Trung Quốc phản đối bất kỳ hoạt động nào vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc tại Nam Hải".

Vì tầm quan trọng của khối nhiên liệu vùng Nam Hải (Biển Ðông) nên Bắc Kinh bất chấp bộ mặt hiền hòa rất cần cho thời kỳ tiền-Olympic để gây sóng gió.

Cơ quan Thông tin Năng lượng của Hoa Kỳ xác định trữ lượng dầu hỏa tại khu vực Nam Hải vào khoảng 7 tỉ thùng (barrel) và khảo sát địa chất cho biết có thể thêm 20 tỷ thùng nữa. Tuy nhiên, Trung Quốc ước lượng đến 200 tỉ thùng để khai thác 2 triệu thùng/ngày, tương đương 25% mức tiêu thụ tại Hoa Lục.

Lê Dũng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao tuyên bố trong cuộc họp báo 25/07 "Chúng tôi khẳng định rằng tất cả các dự án hợp tác của VN với đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí đều được thực hiện trong lãnh thổ và đặc khu kinh tế của VN ... hoàn toàn thuộc chủ quyền của VN và phù hợp Công ước Luật Biển của LHQ ký năm 1982 ... sẽ bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả Trung Quốc khi họ hoạt động ở VN trên cơ sở tôn trọng chủ quyền VN".

Tập đoàn Dầu khí British Petroleum (BP) cho biết PetroVietnam đang tiến hành hoạt động thăm dò các lô 5.2 và 5.3 mặc dù phía Việt Nam chưa xác nhận. Theo Reuters 26/07/08.

Năm ngoái, BP đã quyết định ngưng thăm dò địa chất lô 5.2 cách bờ biển Việt Nam 370km do áp lực từ Bắc Kinh. Khu Ðặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone = EEZ) của mỗi quốc gia được Luật Biển 1982 quy định 200hải lý (nautical mile) tương đương 370km.

Tranh chấp Biển Ðông từng xảy ra liên tục giữa 6 nước liên hệ gồm Việt Nam, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Nam Dương, Ðài Loan, Mã Lai Á, Brunei trên các lĩnh vực chủ quyền quốc gia, khai thác dầu khí, vùng đánh cá.

Năm 2002, Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) phổ biến Bản Tuyên bố về Cách ứng xử của các Bên trên Nam Hải (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea). Chính phủ Bắc Kinh công nhận, nhưng không cam kết thực thi.

Tại sao bế tắt cho đến nay vẫn chưa được khai thông?

Thứ nhất, Trung Quốc khăng khăng có chủ quyền trên toàn bộ Nam Hải đi ngược lại luật pháp quốc tế về Biển cũng như thiếu chứng cớ chủ quyền khả chấp.

Chính phủ Bắc Kinh không chịu đàm phán tay đôi với ASEAN hoặc đa phương. Bắc Kinh sử dụng cách thức đàm phán song phương để dễ bề gây áp lực. Trung Quốc đàm phán với "người đồng chí vừa là anh em" Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiều lần đều gặt hái phần lợi lớn. Từ đó, Bắc Kinh làm đòn bẩy để dịch chuyển tảng đá ASEAN.

Trong quá khứ, Trung Quốc chưa hề nhượng bộ về lãnh thổ đối với Nga, Ấn Ðộ và Việt Nam là những nước có tiềm năng quân sự lớn. Hiện tại, đường lối này vẫn không thay đổi.

Thứ hai, Việt Nam chấp nhận đàm phán song phương nên đã làm suy yếu thế lực của ASEAN trong vụ tranh chấp Biển Ðông. Cả thế giới đều biết mặc dù bị Bắc Kinh bắt nạt nhiều lần, nhưng Chính phủ Hà Nội cứ cúi đầu cam chịu.

Mối tình "môi hở răng lạnh" với Trung Quốc khiến cho ASEAN không thể nào tin tưởng Việt Nam sẽ đứng chung chiến tuyến trong vụ tranh chấp Biển Ðông.

Việt Nam "đặt cược" vào Trung Quốc nên vị trí trong ASEAN chỉ ở mức "đồng sàng dị mộng". Do đó, khi Việt Nam bị Trung Quốc hiếp đáp thì ASEAN cũng như các cường quốc làm ngơ.

Thứ ba, ASEAN với chủ trương không can thiệp vào vấn đề nội bộ của nhau tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc bẻ từng chiếc đũa. Mỗi quốc gia tìm cách luồn lách để vừa thân Trung Quốc vừa dính với Tây Phương, đặc biệt với Hoa Kỳ. Chính sách này tạm thời có thể tránh được cuộc xung đột trực tiếp với Trung Quốc, nhưng mối đe dọa vẫn ám ảnh triền miên.

Dù các quốc gia ASEAN đang cố tăng cường tiềm lực quân sự, nhưng luôn luôn yếu thế trước Trung Quốc. Hơn nữa, ASEAN chưa có một bộ máy điều hợp sức mạnh quân sự mà trong tương lại gần chắc gì sẽ được hình thành.

ASEAN và Việt Nam dù muốn đưa vấn đề tranh chấp Biển Ðông ra quốc tế phân xử cũng sẽ không được Trung Quốc chấp nhận như từng từ chối 2 lần đề nghị của nước Pháp khi còn bảo hộ Việt Nam.


Thứ tư, Tây Phương, Nhật Bản, kể cả Hoa Kỳ chỉ muốn duy trì và bảo đảm hải lộ quốc tế được thông suốt từ Ðông Bắc Á ra Ấn Ðộ Dương mà sẽ không lên tiếng bênh vực bất cứ phe nào trong cuộc tranh chấp Biển Ðông.


Làm sao vượt qua cơn biển động tại Biển Ðông?


Việt Nam không nên mắc vào cổ xe tham vọng của chủ nghĩa Ðại Hán mà phải vươn ra nắm lấy bàn tay của các cường quốc trên thế giới để hợp lực chế ngự đầu óc điên cuồng của Bắc Kinh.


Trung Quốc không thể lấn chiếm Việt Nam suốt thời Pháp thuộc cũng như khi quân Mỹ còn đồn trú tại miền Nam vĩ tuyến 17.


Mấy thế kỷ trước, Việt Nam phải cầu hòa dù có thắng quân Trung Hoa vì không có cường quốc nào để liên minh. Ngược lại, vào thế kỷ toàn-cầu-hóa, mối liên hệ giữa các quốc gia tạo điều kiện cho việc kết thân với nước ngoài vì an ninh của Tổ Quốc.


Người ta chỉ có thể cứu nguy cho đồng minh chí cốt chứ khó lòng bảo vệ cho một quốc gia vẫn còn nuôi lòng thù hận. Vì thế, Việt Nam ắt phải đơn phương chống đỡ kẻ thù Phương Bắc.


Việt Nam, Phi Luật Tân, Brunei, Mã Lai Á, Nam Dương cần hợp lực để tìm ra giải pháp khả chấp trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, kể cả chia phần cho Trung Quốc. Như thế, ASEAN có dịp phát triển đất nước bằng chính nguồn lợi thiên nhiên thay vì mãi lo tranh cãi về chủ quyền toàn bộ Biển Ðông.


Ðồng thời, ASEAN cũng mở rộng các mối giao dịch để những quốc gia khai thác tài nguyên thiên nhiên trên Biển Ðông sẽ góp sức lưu giữ môi trường an ninh cho khu vực và thế giới nói chung.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở vào vị thế bấp bênh nhất so với các nước trong vùng trước mưu đồ tranh đoạt quyền bá chủ toàn cầu của Trung Quốc.

Nếu Việt Nam không tạo được niềm tin đối với ASEAN cũng như các cường quốc thì sẽ bị vùi dập lúc biển động trên Biển Ðông.

( T D)

No comments: