Friday, July 25, 2008

Chiến lược bao vây Hoàng Sa

Nguyễn Ðạt Thịnh

Trung Cộng đang rõ rệt bao vây Hoàng Sa bằng sức mạnh quân sự; ngoài việc cho nhân viên sứ quán tại Hoa Thịnh Ðốn phản đối miệng với hãng Exxon, Trung Cộng còn cho tầu chiến bắn bổng cảnh cáo chiếc tầu chở chuyên viên Exxon đi thăm dò khả năng khai thác giếng dầu trong vùng quần đảo Hoàng Sa.

Giáo sư kinh tế học Peter Navarro (trường UC Irvine), viết cho hãng thông tấn CNBC, trình bày, “thái độ hà hiếp và hung hãn của Trung Cộng đang làm chậm trễ việc mở rộng nguồn cung cấp dầu hỏa đang vô cùng cần thiết cho Á Châu trong lúc nguồn cung cấp dầu hỏa trên thế giới đang ngày một thắt nhỏ hơn. Thỏa thuận với nhau để khai thác những giếng dầu này tạo lợi nhuận cho mọi quốc gia liên hệ và làm giảm áp lực về phía cung, trên thị trường dầu hỏa.”


Peter Navarro Một trong 3 chiếc hàng không mẫu hạm của Trung Cộng.

Trung Cộng không dùng văn thư mà chỉ phản kháng miệng với Exxon, cho rằng hãng dầu này đã vi phạm vào lãnh hải Trung Cộng; lý do họ không muốn để lại bút tích có thể vì khó khăn xác định Hoàng Sa nằm trong lãnh hải Trung Cộng.

Trung Cộng đã chiếm đoạt 9 hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa bằng sức mạnh quân sự; hành động xâm lược này bắt đầu vào năm 1974, Trung Cộng tấn công lực lượng quân sự VNCH, chiếm Hoàng Sa và 2 hòn đảo nhỏ gần đó; năm 1988 chúng tấn công một lần nữa, chiếm thêm 6 hòn đảo nhỏ, nâng tổng số lên 9 hải đảo bị chúng chiếm giữ.

Năm ngoái Trung Cộng cũng đã ép hãng dầu Anh Quốc BP (British Petroleum) ra khỏi vùng giếng dầu Hoàng Sa. Exxon ước lượng giếng dầu Hoàng Sa chứa đựng khoảng 20 tỉ thùng dầu thô; ước lượng của Trung Cộng lạc quan hơn 10 lần, 200 tỉ thùng; chúng ước tính Hoàng Sa có thể cung cấp cho chúng mỗi ngày hai triệu thùng, một phần tư nhu cầu nhiên liệu 8 triệu thùng mỗi ngày của chúng.

Nguồn lợi quá lớn khiến Trung Cộng không muốn nhả ra, mặc dù sức chống đối không chỉ đến từ bọn Việt Cộng, vốn là tay sai của chúng; những quốc gia khác đã lên tiếng đòi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa là Ðài Loan, Phi luật Tân, Mã Lai, và Miến Ðiện.

Giáo sư Arthur Waldron, đại học Pennsylvania, và cũng là phó chủ tịch Trung Tâm Ðịnh Lượng Chiến Lược Quốc Tế cho rằng miếng mồi Hoàng Sa quá lớn và khó nuốt cho con mèo Trung Cộng, vì Nhật, Ðài Loan, Ấn Ðộ và Hoa Kỳ đều không muốn thấy Trung Cộng khống chế Thái Bình Dương.

Waldron nói chiến tranh có thể xẩy ra nếu Trung Cộng khai thác giếng dầu Hoàng Sa, và trong giả thuyết này Hoa Kỳ có thể phong tỏa eo biển Malacca nối liền Thái Bình Dương vào Ấn Ðộ Dương, con đường nhập cảng dầu thô của Trung Cộng.


Arthur Waldron eo biển Malacca

Một giả thuyết khác là Trung Cộng có thể thay đổi những người cầm quyền Việt Nam nếu giải pháp xoa đầu cho kẹo không kết quả. Cục kẹo hiện nay là nhà máy lọc dầu thứ 3 của Việt Nam đặt tại Khánh Hoà.

Vũ Ngọc Hải, chủ tịch Petrolimex, nói phần lớn vốn đầu tư vào nhà máy lọc dầu này là của công ty dầu hỏa Trung Cộng Sinopec. Hai nhà máy lọc dầu trước tại Dung Quất và Nghi Sơn vẫn chưa hoạt động.

Nhà máy Dung Quất tại Quảng Ngãi sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng Hai sang năm với khả năng lọc mỗi năm 6 triệu rưỡi tấn dầu thô. Vốn đầu tư vào Dung Quất hoàn toàn của Việt Nam.Vốn xây dựng nhà máy Nghi Sơn, tại Thanh Hoá, gồm nhiều cổ phần của PetroVietnam, Kuwait Petroleum International, và hai công ty Nhật Idemitsu Kosan Corp và Mitsui Chemicals Inc.

Hiện Việt Nam vẫn xuất cảng dầu thô, mặc dù giếng dầu Hoàng Sa còn đang tranh chấp chưa khai thác; sáu tháng đầu năm 2008, Việt Nam bán ra được 6.7 triệu tấn dầu thô, trị giá 5.6 tỉ mỹ kim. Con đường dầu hỏa chắc chắn sẽ đưa đất nước đến chỗ cực thịnh, nếu Việt Cộng giải quyết được nạn tham nhũng và đối phó được với chiến lược bao vây của Trung Cộng.

Tài nguyên của đất nước vô cùng sung mãn, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn nghèo, vẫn đói, vì cả hai việc bài trừ tham nhũng và phá vòng vây Trung Cộng đều không thể làm nếu chế độ cộng sản vẫn cứ còn đó.

Nguyễn Ðạt Thịnh

http://anhduong.info/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=1804&Itemid=1

No comments: