Wednesday, July 30, 2008

Thành phần thứ tư - Nguyễn Ðạt Thịnh

Xã hội nào cũng gồm có 4 thành phần: sĩ, nông, công, thương, và triết lý dân gian của Việt Nam có câu "nhất sĩ, nhì nông; hết gạo chạy rông, nhất nông, nhì sĩ". Câu tục ngữ này cho thấy quan niệm quý trọng học vấn của người Việt Nam, cái quan niệm dễ thương giải thích sự thành công của thế hệ thứ nhì Việt Nam tại hải ngoại: họ tiến thân bằng học vấn.

Thực tiễn hơn chúng ta, xã hội Mỹ đặt thương gia lên vai trò quan trọng nhất; họ khuyến khích tiểu thương với quan niệm thương mại tạo ra job cho cả 3 thành phần sĩ, nông, và công.

Nhưng Việt Cộng lại quan niệm khác; xã hội của họ chỉ có 3 thành phần mà Nông Ðức Mạnh, trong bài diễn văn bế mạc hội nghị 7, gọi là "công, nông, trí"; trí là trí thức, là thành phần "sĩ" Việt Nam.

Mạnh chỉ thị thiết lập "liên minh công-nông-trí" để siết chặt sinh hoạt của người Việt Nam, bắt những người này đóng vai trò "động lực phát triển để vượt qua bế tắc".

Không tạo ra bế tắc, nhưng ba thành phần này lại bị đảng "chiếu cố", trong lúc thành phần tạo bế tắc, thương gia, không được nhắc tới.

Tại sao?

Lý do vô cùng giản dị: thương gia, những kẻ chính phạm tạo ra lạm phát tiền đồng, lũng đoạn kinh tế, và khủng hoảng xã hội, lại không ai khác hơn là đảng và những đảng viên cộng sản.

Ðảng viên lập ra những công ty tư doanh, mượn tiền vốn của ngân hàng không cần thế chấp, nhập cảng vung vít xa xỉ phẩm, bán ra để tạo tư lợi, rồi biến tiền công khố thành tư sản, khai khánh tận để không phải trả nợ.

Mặt khác, Ðảng đem tiền công khố ra đầu tư vào những công ty lớn hơn, cũng do đảng viên làm chủ tịch tổng giám đốc, hè nhau tham nhũng, rút ruột, khiến công ty nào cũng chỉ còn cái xác

Mạnh bào chữa, "khó khăn đang vấp phải là khó khăn tự nhiên trong tiến trình phát triển, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế".

Ông đề cập chi tiết các biện pháp "phải tiếp tục thực hiện" như thắt chặt tiền tệ, tiết kiệm chi tiêu; hoãn đầu tư những công trình chưa thật sự cấp bách; đẩy mạnh xuất cảng, hạn chế nhập cảng, để kiềm chế lạm phát".

Khủng hoảng nằm trên địa hạt kinh tế, trong địa hạt này ông Mạnh không đưa ra một chỉ thị nào mà ông Dũng chưa làm; nhưng trên địa hạt khai thác 3 thành phần "công, nông, trí" Mạnh tỏ ra mạnh tay hơn.

Ông chỉ thị siết chặt bàn tay của Ðảng trên chính sách tam nông (nông nghiệp-nông thôn-nông dân), và "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên".

Về công tác "xây dựng đội ngũ trí thức" đảng cộng sản nhìn nhận sự thất bại của họ: trường đại học Việt Nam bị chính trị lũng đoạn và áp lực, phải phát bằng cấp tốt nghiệp cho những sinh viên kém cỏi, hậu quả là tạo ra một thế hệ tiến sĩ giấy, cử nhân không có thật tài.

Hội nghị 7 giải quyết tệ trạng này bằng quyết định mời gọi những chuyên gia, kỹ thuật gia người Việt hải ngoại về nước làm việc. Quyết định này sẽ không thực hiện được, vì ngoài vấn đề lương bổng thù lao, Việt Cộng còn vấp phải khó khăn chính kiến bất đồng: thanh niên trí thức Việt Nam quen cuộc sống thật và tự do ở ngoại quốc sẽ không sinh hoạt được trong môi trường giả trá, và hệ thống quyền lực nặng chính trị, nhẹ kỹ thuật.


Trong suốt 9 ngày hì hục bàn thảo, vài trăm đảng viên cao cấp của Việt Cộng chỉ bò quanh miệng chén, bò bao lâu rồi vẫn trở về khởi điểm. Họ chỉ giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện tại ngày họ đem thành phần thứ tư –giới thương gia-- đặt vào bàn cờ.

Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ có lần khuyến cáo Việt Cộng nhìn sang Nam Hàn và Bắc Hàn để so sánh và rút kinh nghiệm: Nam hàn có thương gia thực sự, những người lời ăn, lỗ chịu, nên dốc lòng, lăn xả vào làm ăn, sản xuất xe hơi, máy lạnh, đóng tầu, làm điện thoại, truyền hình, phim ảnh, … trong lúc Bắc Hàn, thiếu vai trò thương gia, để công, nông, sĩ, chỉ làm mướn cho một ông chủ duy nhất –nhà nước—và không bao giờ tiến bộ được.

Chỉ có cách trở lại với xã hội 4 thành phần mới giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nguyễn Ðạt Thịnh

No comments: