Lê Mạnh Hùng
“… Kết quả này đã chấm dứt một cuộc chiến nhưng lại gây mầm cho một cuộc chiến khác tàn khốc hơn mà chỉ kết thúc hai mươi mốt năm sau đó …”
Cách đây 54 năm, hội nghị Genève kết thúc cuộc chiến tranh Việt Pháp và phân chia Việt Nam thành hai miền Nam Bắc. Kết quả này đã chấm dứt một cuộc chiến nhưng lại gây mầm cho một cuộc chiến khác tàn khốc hơn mà chỉ kết thúc hai mươi mốt năm sau đó. Những gì đã xảy ra trong hội nghị và liệu có thể nào có kết quả gì khác hay không? Trong bài này chúng ta thử lật lại những trang sử cũ và tìm hiểu những chuyện gì đã xảy ra trên sân khấu và trong hậu trường của hội nghị. Nhưng trước khi các phe phái ngồi vào bàn Hội nghị thì tình hình Đông Dương và quốc tế vào những ngày cuối của năm 1953 và đầu năm 1954 như thế nào?
Đình chiến tại Triều Tiên vào cuối năm 1953 đặt cho Việt Minh và Trung Cộng một vấn đề lớn. Liệu được rảnh tay tại Triều Tiên, Mỹ có thể gia tăng can thiệp bằng quân sự vào Đông Dương hay không. Mối lo này lại càng tăng khi mà viện trợ của Mỹ cho cuộc chiến tại Đông Dương ngày càng mạnh chiếm trên 50 phần trăm chi phí của cuộc chiến vào năm 1953. Trong khi đó, tình hình kinh tế tại khu vực do Việt Minh kiểm soát ngày càng trở nên bi đát hơn. Khrushchev trong hồi ký nhắc lại một cuộc gặp gỡ với Chu Ân Lai vào đầu năm 1954, trong đó Chu Ân Lai cho Khrushchev biết rằng:
- Đồng chí Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết là tình hình tại Việt Nam đang trở nên tuyệt vọng. Nếu chúng tôi không tìm cách đạt được một sự đình chiến, phía Việt Nam không còn có thể chiến đấu lâu thêm nữa chống lại người Pháp và họ muốn Trung Quốc sẵn sàng gởi chí nguyện quân sang Việt Nam như đã làm tại Bắc Hàn."
Nhưng Trung Quốc thì cũng không mặn mà gì trong việc tham chiến tại Đông Dương. Trên phương diện kinh tế, kế hoạch ngũ niên đầu tiên vừa được chính phủ của Mao đưa ra đòi hỏi những món tiền đầu tư khổng lồ mà sẽ không thể có được nếu họ tham gia vào một cuộc chiến tại Đông Dương. Trung Quốc cũng ngần ngại bị đẩy vào một cuộc phiêu lưu mới giống như tại Triều Tiên. Thành ra mặc dầu vẫn giúp đỡ cho Việt Minh một cách giới hạn để cầm chân được Pháp, họ tìm cách giữ cho cuộc chiến không lan rộng ra quá khiến cho Mỹ có cớ nhẩy vào. Về phần Liên Xô, với cuộc tranh chấp quyền hành sau khi Stalin chết, Khruschev và các đồng sự của ông đều không mong gì hơn là một giai đoạn yên tĩnh để củng cố nội bộ.
Về phía chính phủ quốc gia Việt nam vào cuối năm 1953, chính phủ Nguyễn Văn Tâm bị Bảo Đại giải nhiệm và thay thế bằng chính phủ Bửu Lộc. Những cố gắng của chính phủ Nguyễn Văn Tâm nhằm thu hút nhân tâm như cải cách ruộng đất đã bị phá hỏng vì sự chống đối của những đại dịa chủ miền Nam cùng với những điền chủ người Pháp. Cuộc bầu cử thí nghiệm hội đồng tỉnh và thành phố mà chính phủ Nguyễn Văn Tâm đưa ra nhằm tạo một cơ sở quần chúng cho chính quyền bị thất bại nặng. Đại đa số cử tri đã không đi bầu cho thấy thiếu ủng hộ của dân chúng đối với Bảo Đại và chính quyền quốc gia. Điều quan trọng là cá nhân ông Bảo Đại. Bác sĩ Phan Huy Quát, bộ trưởng quốc phòng của chính phủ thời đó đã phải có những nhân định khá cay đắng về Bảo Đại như sau:
- Ông ta đúng là một ông hoàng phương Đông, nghi ngờ tất cả mọi người. Ông không bao giờ nói rõ những gì ông muốn cho bất cứ một ai, ngoại trừ đôi khi với một vài người thân cận. Ông ta không biết nhiều bởi vì ông ta lười. Ông ta cứ tuyên bố là ông ta sẽ tích cực hơn khi nào ông biết ông không là đồ chơi trong tay người Pháp. Ông ta nghĩ là nước Pháp yếu và không thể nào dùng ai thay thế ông được. Nhưng ông ta tin tưởng là ông Tâm đang tìm cách chơi ông. Ông chỉ quan tâm thật sự đến quân đội. Đối với người Mỹ, Bảo Đại thất vọng, vì ông không biết là người Mỹ thật sự muốn gì và cũng vì người Mỹ đã không thúc đẩy mạnh đủ cho nền độc lập của Việt Nam."
Về phía Pháp, đến cuối năm 1953 thì người Pháp cũng đã biết là nước Pháp đang đi đến lúc kiệt quệ và không thể tiếp tục cuộc chiến lâu dài tại Đông Dương. Những cố gắng để đạt đuợc một thắng lọi quân sự nhằm lập lại một thế quân bình đã dẫn các tướng lãnh Pháp tại Đông Dương thiết lập căn cứ quân sự tại Điện Biên Phủ với hy vọng là có thể kéo lực lượng Việt Minh về đó để dùng không quân và pháo binh tiêu diệt. Nhưng nguợc lại Điện Biên Phủ đã trở thành một thất bại lớn với những đoàn quân thiện chiến nhất của Pháp bị bao vây mà không có hy vọng được giải cứu.
Hy vọng độc nhất của Pháp có thể ở lại được vùng này là kéo Mỹ can thiệp vào. Vấn đề là Pháp lại không muốn trả độc lập toàn diện cho ba nước Việt, Miên, Lào như Mỹ đòi hỏi. Đặc biệt, ngoại trưởng Pháp George Bidault e sợ một cuộc can thiệp của Mỹ vào một thuộc địa cũ của Pháp có thể tạo nên một tiền lệ dẫn đến sự sụp đổ của đế quốc Pháp.
Tháng 3 năm 1954, khi tình hình Điện Biên Phủ trở nên nguy ngập, Pháp gởi tướng Ely, tham mưu trưởng quân lực sang Mỹ cầu viện. Ely được phía Mỹ tiếp đón nồng hậu. Ngày 29 tháng 3 năm 1954, ngoại trưởng John Foster Dulles đọc môt bài diễn văn tại Overseas Press Club nói đến nguy cơ của một Á châu nhuộm đỏ, và chính quyền Eisenhower bắt đầu tham khảo Quốc Hội về một khả năng can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ.
Tuy nhiên Quốc Hội chỉ chịu chấp thuận cho Mỹ can thiệp với ba điều kiện, thứ nhất Pháp phải trả độc lập toàn diện cho ba nước Đông Dương, thứ hai Pháp phải cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến dù cho Điện Biên Phủ có thất thủ và thứ ba, Mỹ chỉ can thiệp vào Đông Dương nếu có sự tham gia của các nước khác, đặc biệt là Anh quốc.
Nhưng quan điểm của Anh thì lại không muốn mở rộng cuộc chiến, e ngại rằng điều này sẽ dẫn đến sự tham chiến của Hồng quân Trung Hoa và có thể dẫn đến một thế chiến thứ ba vói Liên Xô. Và dù bằng cách nào chăng nữa dân chúng Anh cũng không chấp nhận cho chính phủ gởi quân Anh sang tham chiến cho Pháp. Ngày 27 tháng 4 năm 1954, khi tiếp kiến đại sứ Pháp Massigli đến yêu cầu chính phủ Anh ủng hộ việc can thiệp của Đồng Minh vào Đông Dương, thủ tướng Churchill đã trả lời thẳng thừng:
"Nếu nước Anh có thể rút ra khỏi được Ấn Độ thì nước Pháp cũng có thể rút ra khỏi được Đông Dương."
Mọi phe phái do đó đều chào đón một hội nghị Genève để giải quyết những vấn đề chung và riêng. Những quyền lợi đó đã tập hợp hay đụng độ như thế nào tại chính hội nghị.
Hội nghị Genève về Đông Dương bắt đầu họp vào ngày 8 tháng 5 năm 1954, chỉ một ngày sau khi Điện Biên Phủ thất thủ với sự tham dự, một bên là Mỹ, Anh, Pháp và ba quốc gia liên kết- Quốc gia Việt Nam, Lào, và Cao Mên, bên kia bao gồm Liên Xô, Trung Quốc và Việt Minh. Riêng phái đoàn Mỹ thì ngoại trưởng Dulles không tham dự mà để thứ trưởng Bedell Smith đại diện. Trong khoảng thời gian từ 8 tháng Năm cho đến 21 tháng Bảy khi hiệp định được ký kết có tất cả 8 phiên họp khoáng đại và hai mươi mốt phiên họp giới hạn.
Trong các phái đoàn tham dự hội nghị Geneve, phái đoàn Trung quốc là đông và hùng hậu nhất. Lần đầu tiên tham gia một hội nghị quốc tế với tư cách ngang hàng với các cường quốc hàng đầu trên thế giới, Chu Ân Lai đã mang theo một đoàn tùy tùng lên đến 200 người trong đó bao gồm những nhân vật tài giỏi nhất mà nhiều người sau này như Vương Bình Nam, Hoàng Hoa và Kiều Quán Hoa đã trở thành những nhân vật tên tuổi trong giới ngoại giao thế giới.
Nhưng chuyến đi này của Chu Ân Lai không phải thuần túy nhằm giải quyết các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương mà còn có mục đích xa hơn là tìm cách phá thế bao vây và phong tỏa kinh tế của Mỹ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Chính vì vậy mà Chu sẵn sàng nhân nhượng Pháp và Anh để ngăn chặn Mỹ có thể nhẩy vào sâu thêm tại Đông Nam Á. Cũng chính vì vậy trong một bữa tiệc ngày 18 tháng 5 giữa Vương Bình Nam, phó trưởng đoàn Trung quốc, với đại tá Guillermaz, chuyên viên quân sự của phái đoàn Pháp, và Paul Boncour, đại sứ Pháp tại Thụy Sĩ, Vương Bình Nam sau khi nhắc lại việc Trung quốc vừa đưa ra kế hoạch ngũ niên đầu tiên vào năm trước và những cố gắng kinh tế này đã khiến Trung quốc phải hướng các cố gắng ngoại giao vào việc tìm các giải pháp hoà bình, đã nói thẳng với Guillermaz rằng:
- Chúng tôi không đến đây để bảo vệ quan điểm của Việt Minh mà để làm tất cả những cố gắng có thể làm được để đạt đến hòa bình.
Cầu Hiền Lương 1954
Sau đó Vương cũng nói với Paul Boncour rằng
- Chúng tôi không khuyến khích quân đội Việt Minh tiến về phía đồng bằng.
Một lời hứa có tính cách cực kỳ quan trọng với Pháp lúc đó đang bối rối về việc bảo vệ cho Hà Nội và Hải Phòng. Dù gì chăng nữa, ngày 25 tháng 5, trong một phiên họp giới hạn, Phạm Văn Đồng đưa ra một đề nghị đánh dấu khúc quanh đầu tiên của cuộc thương thuyết. Đề nghị của Đồng bao gồm một cuộc đình chiến với việc tập trung quân mỗi bên một vùng có đủ điêu kiện cần thiết cho các hoạt động hành chánh và kinh tế. Đây là lần đầu tiên Việt Minh chấp nhận từ bỏ tham vọng chiếm toàn bộ lãnh thổ. Đề nghị này được nói rõ ra hơn khi trong cuộc gặp gỡ riêng với các sĩ quan Pháp, ngày mùng 9 tháng 6 vào lúc 23 giờ 30, Tạ Quang Bửu lấy ra một bản đồ Đông Dương và đặt tay lên đồng bằng Xông Hồng và nói:
- Toàn bộ đồng bằng miền Bắc đối với chúng tôi là một nhu cầu cần thiết cả về những lý do chính trị, kinh tế và văn hoá. Chúng tôi phải có được Hà Nội. Chúng tôi cần phải có hải cảng.
Việc chia đôi đất nước như vậy là do chính Việt Minh đưa ra. Tuy nhiên các cuộc thương thuyết đến lúc đó bị bế tắc, một phần vì chính phủ Laniel của Pháp đổ ngày 12 tháng 6, một phần vì những tắc nghẽn trong vấn đề đại diện của hai nhóm Pathet Lào và Khmer Issarak. Ngày 17 tháng 6, theo lời khuyên của Ngoại trưởng Anh, Anthony Eden, ngoại trưởng Pháp George Bidault, vừa từ nhiệm nhưng còn xử lý thường vụ, đến gặp Chu Ân Lai mà theo Eden thì có thể thuyết phục Việt Minh rút quân ra khỏi Căm Bốt và Lào. Chu xác nhận với Bidault rằng tình hình tại Căm Bốt và Lào khác với tình hình Việt nam và tất cả quân đội ngoại quốc, kể cả quân đội Việt Minh cần phải được triệt thoái ra khỏi hai nước này. Nhưng Chu nói thêm:
- Chúng tôi muốn thấy hai nước này trở thành những quốc gia hòa bình và dân chủ như những nước khác tại Á Châu tỷ như Indonesia, Miến Điện hay Ấn Độ. Nếu họ muốn họ vẫn có thể ở trong Liên Hiệp Pháp và sống chung hoà bình với tất cả các nước khác. Nhưng chúng tôi không muốn Lào và Căm Bốt trở thành những căn cứ quân sự của Mỹ. Đó sẽ là một đe dọa cho an ninh của chúng tôi.
Với sự ủng hộ của Chu vấn đề Lào và Căm Bốt được giải quyết. Nhưng còn vấn đề Việt Nam. Trong lúc ở Pháp, Mendès France thành lập chính phủ mới vào ngày 17 tháng 6, thì tại Sài Gòn ngày 18 tháng 6, ông Ngô Đình Diệm cũng thành lập một chính phủ mới thay hoàng thân Bửu Lộc. Bác sĩ Trần Văn Đỗ được cử làm ngoại trưởng thay Luật sư Nguyễn Quốc Định. Mendès France được Quốc hội Pháp cử lên làm thủ tướng với sứ mạng kết thúc cuộc chiến tại Đông Dương và tự ra một hạn chót là 20 tháng 7 phải kết thúc nếu không ông sẽ từ chức. E ngại rằng Mandès France có thể bỏ rơi Đông Dương cho cộng sản, ngày 23 tháng 6, trưởng phái đòan Mỹ tại Genève, tướng Bedell Smith gởi về môt phúc trình đầy bi quan trong đó ông dự trù là Pháp và Anh có thể chấp thuận một việc chia cắt trao một phần lớn Việt nam cho Việt Minh và một cuộc bầu cử sau đó thống nhất toàn bộ Việt nam dưới tay Hồ Chí Minh. Ông đề nghị Hoa Kỳ xét lại toàn bộ việc tham gia hội nghị này và tách rời khỏi mọi giải pháp chính trị mà hội nghị có thể thoả thuận.
Trong lúc đó, ngày 25 tháng 6 thủ tướng Anh Churchill và ngoại trưởng Eden đến Washington để thảo luận về tình hình với tổng thống Eisenhower. Ngày 29 tháng 6 Eisenhower và Churchill ký một bản tuyên bố chung đưa ra bảy điểm mà bất kỳ một giải pháp nào về Đông Dương cũng đều phải có:
Hoa Kỳ và Anh quốc sẽ chỉ chấp nhận một thỏa hiệp nếu:
1. Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Lào và Căm Bốt và bảo đảm rằng quân đội Việt Minh rút ra khỏi các nước này.
2. Bảo đảm ít nhất là miền nam Việt nam cho chính phủ quốc gia và nếu có thể một khu vực tại đồng bằng Xông Hồng. Trong mọi trường hợp đường phân cắt không thể nằm phía nam Đông Hà.
3. Không áp đặt các chính quyền tại Lào, Căm Bốt và nam Việt Nam các giới hạn khiến họ không thể tự thiết lập những chính quyền không cộng sản ổn định và đặc biệt không ngăn chặn họ có những lực lượng quân sự độc lập có quyền nhập cảng các vũ khí hoặc dùng cố vấn quân sự nước ngoài.
4. Không có những điều khoản chính trị có thể dẫn những vùng này rơi vào tay Cộng Sản.
5. Không loại trừ việc thống nhất hai miền Nam Bắc Việt nam bằng các phưong pháp hoà bình
6. Có dự trù việc di chuyển dưới sự kiểm soát quốc tế những ai không muốn di chuyển sang khu vực mình muốn.
7. Có dự trù một cơ cấu kiểm soát hữu hiệu của quốc tế về thỏa hiệp này.
Đó là những điều kiện tối thiểu mà Mỹ đặt ra để chấp thuận thỏa hiệp. Nhưng về phía Việt Minh, Phạm Văn Đồng muốn lợi dụng điều mà họ cho là thế yếu của Mendès France nhất quyết đòi hỏi một đường ranh chia cắt ở vĩ tuyến 13 và một thời hạn sáu tháng để tổ chức tổng tuyển cử. Pháp đề nghị một đường ranh tại vĩ tuyến 18 và một thời hạn hai năm.
Trong lúc Churchill và Eden sang Mỹ thì Chu Ân Lai cũng rời Geneve. Cùng với Kiều Quán Hoa, Chu rời Genève ngày 24 tháng 6 để đi sang Ấn Độ. Mặc dầu trung lập và bang giao với các chế độ Cộng Sản, Nehru đã tỏ ra rất e ngại về khả năng cộng sản có thể chiếm đóng toàn bộ Đông Dương. Bản thông cáo chung 8 điểm giữa hai nước đưa ra ngày 29 tháng 6 đã phản ánh những quan ngại của chính phủ Ấn về vấn đề này. Vị thủ tướng Trung quốc bảo đảm với Ấn rằng ông sẽ làm hết sức để quân đội Việt Minh rút ra khỏi Lào và Căm Bốt. Riêng về Việt nam, một phúc trình của toà tổng lãnh sự Ấn tại Sài gòn đã nói rõ, một cuộc bầu cử trong thời hạn Phạm Văn Đồng đòi hỏi chắc chắn sẽ mang lại một chiến thắng cho phe Cộng. Nếu Ấn muốn cho miền nam Việt nam thoát khỏi tầm kiểm soát của Cộng Sản một thời hạn từ 18 cho đến 24 tháng là tối thiểu.
Không biết rằng những điều này có được đưa ra thảo luận giữa Nehru và Chu Ân Lai hay không. Nhưng sau khi ở Ấn về Chu gặp Hồ Chí Minh tại Liễu Châu thuộc miền Nam Hoa từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 7. Không biết Chu và Hồ thảo luận những gì, nhưng sau cuộc gặp gỡ này thái độ của Việt Minh mềm dẻo hẳn đi. Có điều chắc rằng ba thỏa hiệp viện trợ kinh tế mà Chu và Hồ ký với nhau có đóng một phần trong sự thay đổi thái độ của Việt Minh. Các thỏa hiệp này dự trù một số lượng hàng hóa viện trợ quan trọng cho Việt Minh trong năm 1954 và đòi hỏi phải mất nhiều thời giờ để sửa soạn. Việc trì hõan ký thỏa hiệp viện trợ cho năm 54 đến giữa năm mới ký cho thấy những dấu hiệu là Trung quốc đã dùng áp lực kinh tế để ép buộc Việt Minh đi theo đường lối của họ.
Dù thế nào chăng nữa, khi Chu quay trở về Genève, thì thái độ của Việt Minh đã thay đổi hẳn. Ngày 13 tháng 7 Phạm văn Đồng đột nhiên đề nghị với Mendès France đường ranh chia cắt tại vĩ tuyến 16. Chiều 13 tháng 7 Đồng với Phan Anh đi tháp tùng đến gặp bác sĩ Trần Văn Đỗ trưởng phái đoàn Quốc Gia Việt nam, lần đầu tiên kể từ khi hội nghị Geneve bắt đầu. Hai bên thảo luận thời điểm để có thể tổ chức bầu cử. Tuy nhiên Đồng vẫn nhất định đòi một hạn kỳ chỉ sáu tháng và chia cắt ở vĩ tuyến thứ 16.
Ngày 17 tháng 7, Chu Ân Lai gặp Mendès France. Và đến ngày 19, Vương Bình Nam gặp phái đoàn Pháp cho biết:
- Phái đoàn Trung Quốc chấp nhận và đã thuyết phục phái đoàn Việt Minh chấp thuận rằng đường chia cắt nằm cách phía Bắc của Quốc lộ số 9 10 cây số".
Tuy nhiên Đồng vẫn chưa chịu chấp nhận phân chia tại vĩ tuyến thứ 17. Phải đến ngày hôm sau, ngày 20 tháng 7 và lần này dưới áp lực trực tiếp của Molotov, Đồng mới chịu chấp nhận đường ranh chia cắt tại vĩ tuyến thứ 17 và một thời hạn 2 năm để tổ chức bầu cử. Hội nghị Geneve đã kết thúc vào ngày 21 tháng 7 bằng một hình thức pháp lý khá kỳ lạ. Chỉ có ba thỏa hiệp đình chiến về quân sự được ký kết giữa các đại diện về quân sự của các bên. Giải pháp chính trị được đưa ra dưới hình thức một bản tuyên ngôn cuối cùng của hội nghị mà không một ai ký kết vì các phái đoàn Hoa Kỳ và Quốc gia Việt Nam không chịu ký. Bác sĩ Trần Văn Đỗ, nhân danh chính phủ quốc gia Việt nam, yêu cầu hội nghị ghi vào biên bản sự cương quyết phản đối của chính phủ ông đối với việc phân chia Việt Nam và cung cách mà hội nghị đưa ra để đạt được cuộc đình chiến và nói chính phủ Việt Nam dành quyền tự do hành động tuy rằng hứa sẽ không dùng vũ lực để chống lại việc đình chiến
Trong suốt cuộc thương thuyết người ta có thể thấy rõ Trung Quốc và ở một mức độ nhỏ hơn, Liên Xô, đã áp đặt Việt Minh phải chấp nhận những điều kiện cần thiết để có thể đạt được môt thỏa hiệp mà họ muốn. Có lẽ mưu tính của phía Trung Quốc đã thể hiện rõ nhất trong một sự kiện xảy ra sau khi hội nghị kết thúc. Ngày 22 tháng 7, trước khi lên đường rời Genève, Chu Ân Lai mở một bữa tiệc khoản đãi các phái đoàn Đông Dương. Đặc biệt đây là lần đầu tiên mà Chu mời đại diện của chính phủ quốc gia Việt nam trong đó có ông Ngô Đình Luyện, đại diện cá nhân của thủ tướng Diệm theo dõi hội nghị. Sau khi ép buộc các phái đoàn phải nâng ly chúc sức khỏe quốc trưởng Bảo Đại, Chu nhắc đến Đài Loan và nhấn mạnh rằng bên kia eo biển Đài Loan cũng có rất nhiều người thành thật thương yêu tổ quốc. Khi bữa tiệc bắt đầu, trong lúc hai phái đoàn Lào và Căm Bốt được sắp ngồi tại hai bàn bên cạnh, Chu sắp hai phái đoàn Việt Nam ngồi chung bàn với mình, và đặt Ngô Đình Luyện ngồi cạnh Tạ Quang Bửu - hai người vốn xưa vẫn là bạn học tại Pháp. Trong lúc đang nói chuyện đến Việt Nam, đến những tàn phá của chiến tranh tại Việt Nam, Ngô Đình Luyện nhắc đến việc cuộc chiến đã làm hư hại một phần Văn Miếu tại Hà Nội thì Chu bỗng nói:
- Văn miếu tại nước tôi vẫn còn nguyên, nếu ông thích tại sao không đến Bắc Kinh thăm một chuyến.
Khi Ngô Đinh Luyện lên tiếng hỏi là ông lấy tư cách gì mà đi đến Bắc Kinh thì Chu trả lời không ngần ngại: "Tại sao các ông không đặt một phái bộ tại Bắc Kinh". Lời mời bất ngờ đã khiến cho Phạm Văn Đồng nhẩy dựng lên. Thấy vậy, Chu Ân Lai bồi thêm:
- Cố nhiên là ông Đồng gần gũi với chúng tôi hơn về phương diện ý thức hệ, nhưng điều đó không ngăn cấm miền nam có đại diện. Dù sao chăng nữa chẳng phải các ông đều là người Việt nam và chúng ta đều là người Á Châu cả.
Tuy nhiên mọi chuyện đến đây là chấm dứt và không có gì xảy ra thêm nữa. Nhưng chắc hẳn Phạm Văn Đồng và giới lãnh đạo Hà Nội đã nghĩ đến chuyện đó khi vào những ngày đầu năm 1979, Hà Nội đưa ra cuốn bạch thư tố cáo Trung Quốc đã phản bội đối với họ ngay từ khi hội nghị Genève.
Lê Mạnh Hùng
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2977
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment