Thursday, July 31, 2008

CHIÊU BÀI HÒA GIẢI HÒA HỢP DÂN TỘC CỦA CỘNG SẢN HÀ NỘI

Khi bàn về chủ nghĩa và cơ chế Cộng Sản (CS), phần đông các nhà chính trị và các phân tích gia trên thế giới đều đồng ý rằng, chủ nghĩa và cơ chế sinh ra bởi nó đã đưa các nước theo chủ nghĩa này thành nghèo đói, lạc hậu, bất an và hận thù. Hiện nay, thế giới chỉ còn lại 4 nước vẫn bám giữ vào chủ nghĩa này, đó là Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba đang gặp những khó khăn nghiêm trọng về mọi mặt và ở vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Trong lúc đó, lại có những cuộc tranh luận giữa hàng ngũ người Việt hải ngọai về một thái độ cần thiết và nhất trí đối với hiện tình quê hương Việt Nam hiện nay.


Ðể cuộc góp ý đạt được những nhận định sáng suốt, chúng ta cần xác định lại mục tiêu đấu tranh của dân tộc ta một cách chính xác, để không bị lạc hướng bởi sự lầm lẫn giữa mục tiêu và phương thức, giữa chiến thuật và chiến lược.


Lịch sử đấu tranh cận đại của dân tộc ta khởi đi từ ngày Pháp đặt nền đô hộ trên lãnh thổ ta. Cuộc đấu tranh được diễn ra với nhiều hình thái một cách liên tục không ngừng nghỉ, tuy không được hướng dẫn bằng một lý thuyết cách mạng rõ ràng; nhưng bản chất của cuộc đấu tranh vẫn liên tục. Dân tộc ta, lúc thì đứng lên đánh đuổi thực dân, đế quốc, nêu cao ngọn cờ độc lập và tự chủ; lúc thì đứng lên đạp đổ độc tài, quân phiệt, nêu cao ngọn cờ dân chủ, tự do; lúc thì hy sinh xương máu ngăn chận làn sóng xâm lăng CS, chống đối chủ nghĩa quốc tế phi nhân, nêu cao ngọn cờ dân tộc để thực hiện một quốc gia độc lập tự chủ với một chế độ dân chủ, tự do, nhân bản và giầu mạnh. Ðó là mục tiêu cao cả và sáng ngời mà biết bao người đã hy sinh theo đuổi.


Thực vậy, dù hiện nay ở quốc nội hay ở hải ngoại, tuy có nhiều tổ chức đấu tranh với cương lĩnh, tiến trình hay hình thức đấu tranh khác nhau; nhưng mục tiêu vẫn là dân tộc, độc lập, tự do, dân chủ và nhân bản; trong khi các trào lưu đấu tranh của các dân tộc trên thế giới hiện nay cũng nhằm đạt đến các điểm nêu trên. Cuộc đấu tranh của nhân dân Tây Tạng và các sắc tộc thiểu số tại Ðông Âu, đều nhằm vào mục tiêu dân tộc, độc lập. Cuộc đấu tranh của nhân dân tại các nước độc tài Nam Mỹ, Phi Châu, Á Châu nhằm vào mục tiêu dân chủ, tự do. Còn các cuộc đấu tranh của các dân tộc có cơ chế CS cũng nhằm vào mục tiêu tự do, dân chủ và nhân bản.Vậy thì khái niệm dân tộc, độc lập, tự do, dân chủ và nhân bản, không những là khái niệm căn bản cho cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc ta mà còn là khái niệm căn bản cho hướng tiến của nhân loại hiện tại và trong tương lai nữa. Ðây chính là mục tiêu đấu tranh của chúng ta và đây cũng là những điểm căn bản để khởi sự cho mọi lý luận, mọi hành động và mọi hướng đi.


Lịch sử nhân loại cũng cho thấy rằng, sự thất bại lớn lao hay đột ngột, sự sụp đổ nhanh chóng hay đang ở ưu thế trở thành yếu thế đều phát xuất từ sự không hiểu chiến thuật của đối phương hay đi vào thế trận mà đối phương mong chờ. Sự khó khăn nhất của nhà quân sự không phải nằm ở chỗ chiến thuật tấn công mà nằm ở chiến thuật rút lui. Sự nguy hiểm nhất của một chế độ độc tài không phải là lúc gia tăng sắt máu mà là lúc phải nới rộng bàn tay cai trị để cứu vãn các phương diện khác. Cho nên, để tiến tới việc có một thái độ chung hợp lý đối với các thay đổi hiện nay tại Việt Nam, không những chúng ta phải thống nhất các nhận định về thực chất của tình hình, xác định rõ mục tiêu đấu tranh, mà còn phải thấy rõ chiến thuật, chiến lược của kẻ thù.


Ðể cứu vãn nền kinh tế suy sụp hiện nay, Cộng Sản Hà Nội (CSHN) phải đưa ra các biện pháp kinh tế mới như đã được trình bày ở phần trên. Các biện pháp cải tổ kinh tế, chấp nhận kinh tế thị trường tự do ở một số lãnh vực mà CSHN đã thất bại, chấp nhận sản xuất cá thể, chấp nhận nguyên tắc đầu tư,v.v…là hệ quả đương nhiên CSHN phải nới lỏng chính trị. Chính vì phải nới lỏng sự cai trị mà CSHN phải đưa ra chiến thuật mới nhằm mục đích ngăn chận sự đứng dậy của nhân dân quốc nội cũng như vô hiệu hóa sức đấu tranh của đồng bào quốc ngoại. Ðối với nhân dân quốc nội, CSHN xoa dịu nỗi căm phẫn của quần chúng bằng cách, một mặt, nới lỏng báo chí, dùng báo chí như một cái «van» của chiếc «bánh xe quần chúng», cho phép báo chí nói lên nỗi bi đát, bất công xã hội; mặt khác, bạo quyền đặt nặng vấn đề an ninh nội bộ và tăng cường kiểm soát quần chúng;-Ðối với đồng bào quốc ngoại, CSHN không trực tiếp đàn áp được, nên chúng phải dùng chiêu bài «hòa giải, hòa hợp dân tộc» vừa để vô hiệu hóa sự chống đối, vừa âm mưu thu vét ngoại tệ của kiều bào, cũng như tạo mâu thuẫn giữa những ngưòi có lập trường và những người không có lập trường. CSHN tuy không đưa ra danh từ «hòa giải, hòa hợp»; nhưng nội dung của chiêu sách là hòa giải, hòa hợp. Nghị quyết của CSHN từ Ðại Hội Ðảng kỳ 6 năm 1986 đến nghị quyết Ðại Hội Ðảng kỳ 10 tháng 4 năm 2006, chúng đều ghi rõ: «đại hội nhiệt liệt hoan nghênh đồng bào ta ở nước ngoài, luôn hướng về tổ quốc, tích cực góp phần xây dựng đất nước»; đồng thời, các nghị quyết đó, còn nhấn mạnh: «tạo điều kiện để kiều bào sinh sống ở nước ngoài xây dựng khối đoàn kết cộng đồng, vừa hòa nhập vào xã hội sở tại, vừa liên hệ mật thiết gắn bó với quê hương, góp phần ngày càng nhiều vào công cuộc xây dựng đất nước». Trái với những gì khi chúng vừa thôn tính được Miền Nam từ 30 tháng 4 năm 1975, mà mỗi khi đề cập tới nguời Việt hải ngoại, chúng luôn luôn phân chia thành 2 thành phần, một bên là «Việt kiều yêu nước» và một bên là «tàn dư Mỹ ngụy bỏ chạy ra nước ngoài,…». Nhưng hiện nay, CSHN không cần phân biệt và gọi chúng ta – thành phần mà chúng gọi là có nợ máu và là tàn dư Mỹ ngụy, thành «Việt kiều yêu nước, công dân nước ngoài, khúc ruột ngàn dặm của tổ quốc,…».


Với nguồn ngoại tệ từ 3 triệu người Việt hải ngoại gửi về thực vô cùng quan trọng đối với CSHN hiện nay, khi mà chính sách «hòa giải, hòa hợp» của chúng chưa có ảnh hưởng được vì đại đa số người Việt hải ngoại vẫn tiếp tục kiên trì tranh đấu, hỗ trợ đồng bào quốc nội trong sự nghiệp đấu tranh cho một Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ, nhân bản và giầu mạnh. Chỉ vì lòng thương yêu bà con, họ hàng, bạn bè và kể cả một thiểu số buôn bán vì mục tiêu tối thượng là tiền, tổng số ngoại tệ gửi về nước dưới nhiều hình thức, từ một con số 300 triệu Mỹ kim năm 1986, đến 10 tỷ Mỹ năm 2007, càng làm cho CSHN riết ráo đưa ra những xảo thuật, những quỷ kế và những chiêu bài, để đến một lúc nào đó, số tiền gửi về nước của người Việt hải ngoại sẽ tăng lên hàng chục tỷ Mỹ kim mỗi năm, để kinh tế của CSHN vượt qua được những khó khăn thường trực. Lẽ tất nhiên, với mục đích cố hữu của CSHN là quyết nắm giữ quyền lực, tiếp tục thống trị đất nước mà thôi. Trong khi đó, hàng ngũ người Việt hải ngoại lại tiếp tục xuất hiện các lập luận: cầu hòa, thỏa hiệp, hòa giải hòa hợp dân tộc, hoặc giao lưu văn hóa với bạo quyền CSHN ngày một nhiều.


Trước hết, chúng ta gạt bỏ ra ngoài những kẻ tôn thờ chủ nghĩa CS và bọn tay sai của bạo quyền CSHN tại hải ngoại, chúng đang thi hành chiến thuật do bạo quyền vạch ra, để làm cho người Việt quốc gia quên đi mục tiêu cao cả và sáng ngời của cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc bằng các chiêu bài hấp dẫn, có tính cách đoản kỳ. Chiêu bài «dân tộc, quê hương», một lần nữa lại được CSHN lợi dụng:


- Năm 1946, trong lúc Hồ Chí Minh và các cộng sự viên của tên tội đồ dân tộc này, chủ trương nhường bước thực dân Pháp qua hiệp định sơ bộ để rảnh tay tiêu diệt phe quốc gia, chiêu bài «đại đoàn kết toàn dân» được chúng đề cao.


- Năm 1972, sau khi ký Hiệp Ðịnh Paris, CSHN chuẩn bị lực lượng quân sự tổng tấn công Miền Nam, chiêu bài «hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc» được chúng cổ súy rầm rộ.


- Năm 1975, trong lúc tổng tấn công Miền Nam, CSHN đã chuẩn bị hàng ngàn địa điểm tập trung nơi rừng thiêng nước độc để trả thù và lao động cưỡng bách quân dân cán chính miền Nam, thì «chính sách 10 điểm hòa giải, hòa hợp và đoàn kết toàn dân» được chúng rầm rộ tuyên xưng.


Như vậy, trong những năm cuối của thập niên 1980, trước hoàn cảnh kinh tế ngày một lụn bại, trước sự chống đối của nhân dân quốc nội và hải ngoại ngày càng dâng cao, CSHN và bọn tay sai, nếu có đưa ra giải pháp «thỏa hiệp và hòa giải hòa hợp dân tộc» thì cũng không có gì đáng chúng ta ngạc nhiên. Thứ đến, chúng ta cũng cần gạt bỏ ra ngoài những kẻ cơ hội chủ nghĩa, những kẻ không có lập trường và mục tiêu đấu tranh. Gió mạnh chiều nào họ ngả theo chiều đó. Trước đây, họ chống Cộng hay bây giờ họ thỏa hiệp với Cộng cũng chỉ vì danh hay vì lợi, hay vì cả danh lẫn lợi. Ðối với họ không có vấn đề tương lai dân tộc và đất nước, không có vấn đề lương tâm và trách nhiệm. Họ đổi chính kiến như loài tắc kè đổi mầu da. Bản chất và hiện tượng của họ đồng nhất theo nhu cầu và hoàn cảnh cá nhân. Sự góp ý và bàn luận đối với bọn người này là việc làm vô ích. Chúng ta chỉ bàn luận với những người thực lòng yêu nước và lo lắng cho dân tộc. Do đó, những điểm sau đây chúng ta cần dựa vào như những lập trường căn bản để bàn luận :


a/ Thứ nhất, mục tiêu của cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc ta là độc lập, tự do, dân chủ và nhân bản. Không nắm vững mục tiêu đấu tranh thì chúng ta dễ lạc hướng, dễ thỏa hiệp khi gặp khó khăn, và dễ lầm lẫn chiến thuật và chiến lược.


b/ Thứ hai, bản chất cơ chế CS và thực chất những đổi thay tại Việt Nam. CSHN đề ra đổi mới tư duy và sửa đổi cơ cấu sản xuất từ năm 1986. Nhưng những căn bản của chế độ chuyên chính vẫn nguyên vẹn. Hiến pháp 1946 được tu chính 1976, rồi được sửa đổi 1992, trong đó chủ nghĩa Mác-Lê được đề cao như kim chỉ nam cho mọi hoạt động xã hội, cũng như đảng CS vẫn được tuyên xưng là đảng duy nhất, tiền phong lãnh đạo dân tộc vẫn được duy trì. Ngoài ra, guồng máy cai trị tàn bạo người dân với gần 4 triệu đảng viên, hàng trăm ngàn công an đủ loại, hệ thống luật pháp tối tăm chỉ nhằm phục vụ mục tiêu chính trị của tập đoàn thống trị CSHN. Cộng đảng tiếp tục đứng trên tổ quốc, trên mọi tranh luận và trên luật pháp và mọi quyết định vẫn nằm trong tay Ðảng vẫn còn y nguyên. Do đó, nếu chúng ta không nắm vững bản chất của cơ chế CSHN và thực chất các chương trình đổi thay của chúng, thì chúng ta - một lần nữa - lại bị CSHN lừa bịp bằng những xảo thuật nhất thời mà chúng đang dương ra để bẫy những phần tử nhẹ dạ, cầu an, tiêu cực. Bây giờ, chúng ta thử xét về lập luận «hòa giải, hòa hợp dân tộc».


Danh từ hòa giải, hòa hợp dân tộc được nhắc đến nhiều nhất là giai đọan sau hiệp định Paris. Hiệp định này ấn định việc thành lập «Hội Ðồng Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc» gồm ba thành phần để lo việc tổ chức tổng tuyển cử, tái lập hòa bình. Ba thành phần được ấn định là thành phần đại diện cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), thành phần đại diện cho chính phủ Lâm Thời Cách Mạng Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTGPMNVN), tức Mặt Trận Giải Phóng – công cụ xâm lăng miền Nam của Hà Nội - và thành phần thứ ba được định nghĩa là thành phần đứng giữa, không thuộc vào hai thành phần kể trên.


Ở đây, chúng ta cũng không mất thì giờ đề cập tới chiến thuật của CSHN thời bấy giờ về việc âm mưu dùng Hội Ðồng Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc như một chính phủ liên hiệp chuyển tiếp mà CSHN nắm đa số bằng cách đề cử những người đại diện thành phần thứ ba là người của chúng, chịu ảnh hưởng chúng hoặc bị chúng chi phối. Chúng ta chỉ bàn đến ý nghĩa của Hội Ðồng Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc thuần túy trên lý luận. Khi muốn chấm dứt cuộc chiến giữa hai lực lượng có khả năng chiến tranh, tinh thần hòa giải hòa hợp và cơ chế hòa giải hòa hợp thật cần thiết cho việc tái lập hòa bình qua các tiến trình và các điều khoản của hiệp định đình chiến qui định.


Vì thiếu tinh thần hòa giải hòa hợp thực sự thì những điều khoản ký kết để tái lập hòa bình chỉ là những điều khoản tạm thời chấp nhận để rồi sẵn sàng vi phạm khi có đủ khả năng. Vì thiếu cơ chế hòa giải hòa hợp thì không có cơ chế thi hành các điều khoản hai bên đã ký kết. Cho nên, nếu có hai cơ chế hai lực lượng, hai khả năng đối nghịch nhau, muốn tái lập hòa bình, trước hết tinh thần hòa giải hòa hợp, thứ đến các cơ chế thi hành và phát huy sự hòa giải hòa hợp là điều cần phải có. Nhưng hiện trạng của đất nước và dân tộc ta sau 1975 đã khác hẳn: một bên là chế độ CS và một bên là nhân dân Việt Nam.


Về chế độ CS, bao gồm gồng máy cai trị dân vừa tinh vi vừa tàn bạo lại được hướng dẫn bởi chủ nghĩa Mác-Lê, là một chủ nghĩa phản tự nhiên, phản khoa học và phản lại các gía trị nhân bản, cho nên không những nó tiêu diệt các quyền công dân mà nó còn tiêu diệt các quyền làm người của dân tộc Việt Nam nữa. Cơ chế này áp dụng các nguyên tắc sinh hoạt kinh tế chỉ đem dân tộc đến tình trạng đói kém, lạc hậu, và hận thù.

Về nhân dân Việt Nam, bao gồm cả người kinh lẫn người thiểu số từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu và các hải đảo, cả hải ngoại lẫn quốc nội, không phân biệt địa phương, tôn giáo, giầu nghèo, đang đấu tranh cho một nước Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và có một chế độ bảo đảm tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền để toàn dân chung lưng đấu cật đưa đất nước đến phú cường và tham dự vào công cuộc bảo vệ hòa bình và phát triển văn minh nhân loại.

Trong tình trạng đau thương của quê hương đất nước như vừa nêu trên, chúng ta xét xem lập luận «hòa giải hòa hợp dân tộc» ở một số khía cạnh, như sau:

1/ Trước hết, nếu lập luận hòa giải hòa hợp dân tộc nhằm mục đích vận động và kêu gọi chúng ta hòa giải hòa hợp với CSHN thì lập luận này mang ý nghĩa và có thực chất kêu gọi chúng ta đầu hàng CSHN.


Như đã trình bày ở phần trên, trước tình trạng kinh tế suy sụp, trước sự chống đối và bất hợp tác của nhân dân quốc nội cũng như đồng bào hải ngoại ngày càng dâng cao, CSHN phải đưa ra chiến thuật mới từ Ðại Hội Ðảng kỳ 6 của chúng vào năm 1986. CSHN không dùng danh từ «hòa giải hòa hợp dân tộc», nhưng chính sách là «xóa bỏ hận thù» với đồng bào hải ngoại, trái với những gì mà chúng hành xử sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, CSHN gọi chúng ta là «thành phần có nợ máu» hay «tàn dư Mỹ ngụy bỏ chạy ra nước ngoài»; nhưng chỉ 11 năm sau, CSHN lại gọi chúng ta là «đồng bào sinh sống ở nước ngoài, khúc ruột ngàn dặm của tổ quốc».

Chiêu bài «hòa giải hòa hợp dân tộc» của CSHN đối với chúng ta nhằm mục đích chính trị và kinh tế. Ðó là vừa vô hiệu hóa sự chống đối chúng, bằng cách tạo mâu thuẫn nội bộ giữa người có lập trường và người không có lập trường, vừa âm mưu thu vét ngoại tệ cho nền kinh tế ngày càng suy sụp. Ðiều cần nhấn mạnh ở đây là chiêu bài «hòa giải hòa hợp» do CSHN đưa ra dưới nhiều dạng thức, như khơi động tình yêu quê hương và dân tộc hay đánh động lòng tự ái giống nòi về vị thế kinh tế của Việt Nam.

- CSHN khơi động tình yêu quê hương và dân tộc bằng cách mời gọi chúng ta về thăm quê hương, đưa vốn đầu tư về giúp phát trển đất nước. Mỗi khi chúng ta về thăm quê hương hay đưa vốn về đầu tư, mặc nhiên chúng ta chấp nhận chủ nghĩa và cơ chế CS và mặc nhiên chúng ta từ bỏ những mục tiêu đấu tranh.


- CSHN đánh động lòng tự ái giống nòi bằng cách tách rời kinh tế ra khỏi chính trị, lý luận rằng thời đại này là thời đại hòa hoãn, thời đại của những giải pháp hòa dịu, của phát triển kinh tế, vì vậy chúng ta có trách nhiệm cùng đồng bào quốc nội đưa đất nước đi lên. Ðiều mà CSHN không bao giờ thành thật nhìn nhận là chính chủ nghĩa Mác-Lê và cơ chế chuyên chính, không những cản trở đất nước tiền bộ mà còn là nguyên nhân đưa đất nước thoái hóa, lạc hậu và hận thù.


Chủ nghĩa và cơ chế CS xuất hiện trên quả địa cầu đến gần một thế kỷ, đã có cơ hội ứng dụng lý thuyết Mác-Lê về kinh tế, xã hội trên nhiều phần đất thế giới với nhiều dân tộc có văn hóa, cơ cấu, xã hội khác nhau.Nhưng kết quả giống nhau, đó là chậm tiến, nghèo đói, bất an và tàn bạo, hận thù. Vì vậy chúng ta không thể nào chấp nhận hòa giải hòa hợp với CSHN được, ngoại trừ chúng ta từ bỏ các mục tiêu đấu tranh và đầu hàng chúng.


2/ Nếu lập luận hòa giải hòa hợp dân tộc nhằm mục đích kêu gọi sự đồng thuận giữa các thành phần dân tộc thì lập luận này không cần thiết. Ðồng bào ta từ trước đến nay không hề có vấn đề thù hận nhau nên không cần hòa giải.


Một trăm năm Pháp thuộc, hai phần ba thế kỷ bị CSHN áp đặt chủ Mác-Lê và cơ chế chuyên chính từng phần hay toàn bộ, bị thực dân rồi CS chia để trị, lấy địa phương, tôn giáo và giai cấp gây mâu thuẫn, lấy chủ nghĩa và quyền lợi gây hận thù; nhưng những âm mưu đó không kết quả là bao. Sự giao hảo giữa dân di cư và dân chúng địa phương năm 1954 cũng như tình trạng giao thương giữa dân chúng hai miền Nam Bắc vỹ tuyến 17 sau năm 1975 đã minh chứng sự kiện này. Ðặc biệt những ai rời nước sau 1975 đều thấy rõ ở Việt Nam chỉ có một lằn ranh phân cách, một bên là những phần tử chấp nhận chủ nghĩa và cơ chế CS, phần còn lại là đồng bào chịu đựng chủ nghĩa và cơ chế này trong đau khổ và căm hờn. Thành phần thứ hai này bao gồm dân chúng thành phố lẫn nông thôn, kể cả những đồng bào ủng hộ chế độ VNCH trước năm 1975 hay đồng bào ở các vùng có tiếng là đã ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam hay quân chính qui Hà Nội.Tóm lại, dân tộc VN đại đa số không chấp nhận của nghĩa CS, không có hận thù nhau, nên lập luận hòa giải hòa hợp dân tộc là điều không cần thiết.


3/ Vấn đề hòa giải hòa hợp chỉ đặt ra nếu có 2 hay nhiều lực lượng đối kháng nhau. Ngày hôm nay, chế độ VNCH và cơ chế MTGPVN không còn nữa. Nếu những người thuộc thành phần thua hôm nay còn tham gia cuộc đấu tranh dưới một hình thức nào đó, chắc chắn không phải để trở về quê hương xây dựng lại chế độ cũ, trật tự xưa. Cũng như thành phần bị lừa, tham gia đấu tranh không phải là để đòi hỏi CSHN dành cho một chức vụ trong cơ chế CS. Những thành phần này còn đấu tranh, bởi vì họ bị lừa bằng những chiêu bài mà CSHN tuyên xưng khác với bản chất chủ nghĩa và cơ chế chuyên chính.


Thành phần bị thua hay thành phần bị lừa, nếu còn dấn thân, chắc chắn là muốn chung sức với toàn dân trong cuộc đấu tranh trường kỳ để tiến đến mục tiêu cao cả, đó là muốn xây dựng một quốc gia độc lập, tự do, dân chủ, nhân bản và giầu mạnh. Hơn nữa, đặt vấn đề hòa giải hòa hợp giữa hai thành phần trên là một điều thừ thãi. Sự thực từ trước đến nay, ngay cả khi chưa thua, thành phần không chấp nhận chủ nghĩa và cơ chế CS và thành phần bị lừa luôn luôn thân hữu và chiến đấu cùng một chiến tuyến. Với chính sách chiêu hồi của VNCH trước năm 1975, hàng trăm ngàn cán bộ chính trị và quân sự đã từ bỏ CS khi thấy mình bị lừa, đều tìm thấy bình an trong tình thương yêu dân tộc. Có một ít người đã nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền thời đó ; - Và, ngay cả khi ở vị thế là kẻ thua, đồng bào hải ngoại cũng không bao giờ tỏ ra chua cay với những anh em bị lừa. Hầu hết người Việt hải ngoại đều nồng nhiệt hoan hô thái độ từ bỏ dứt khoát chế độ CSHN của ông Ðoàn Văn Toại, ông Nguyễn Công Hoan hay như ông Trương Như Tảng, v.v… Sự xét đoán kỹ càng của đồng bào hải ngoại, nếu có, không phải chỉ dành riêng cho những người bị lừa, mà thái độ đó còn áp dụng cho bất cứ ai kể cả những người từng là lãnh đạo chế độ VNCH. Sau lần thất bại, sự xét đoán của đồng bào về chủ trương, đường lối, lập trường của những người muốn lãnh đạo, bao giờ cũng nghiêm khắc, cẩn trọng hơn. Ðặc biệt, ông Trương Như Tảng, cựu bộ trưởng Tư Pháp của MTGPMN – trên lý thuyết - phải chịu trách nhiệm bởi hàng ngàn vụ hành quyết thường dân vô tội và vụ chôn sống người tập thể ở Huế trong dịp tết Mậu Thân; nhưng tất cả đồng bào, kể cả những cựu tù nhân chính trị đào thoát ra nước ngoài, cũng nhiệt liệt hoan hô khi ông Trương Như Tảng từ bỏ chủ nghĩa và cơ chế CS. Vì sao ? Vì chúng ta chống chủ nghĩa phi lý, chống cơ chế tàn bạo. Sự chống đối của chúng ta không đặt trên căn bản chống con người. Tình thương yêu và đùm bọc của người Việt tự do lại càng thể hiện hơn nữa đối với anh em văn nghệ sỹ thuộc các tổ chức văn hóa CS từ bỏ chế độ chuyên chính. Người thua trận hay là kẻ bị lừa đều là người Việt Nam. Ðã là người Việt Nam, đều có trách nhiệm đối với tổ quốc và dân tộc. Tóm lại, thành phần bị lừa khi biết mình bị lừa đã trở thành thành phần bị thua vì có cùng một mục tiêu đấu tranh. Ðã có chung một mục tiêu đấu tranh, lại có chung một tổ quốc để phụng thờ, chung một dân tộc để phục vụ thì vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc đặt ra là thừa thãi và vô lý. Vấn đề phải đặt ra là vấn đề đoàn kết được toàn dân. Ðoàn kết được toàn dân – Ðó là vấn đề quan yếu. Muốn đoàn kết được toàn dân thì đường lối, chủ trương phải phù hợp với toàn dân. Khát vọng «tự do, dân chủ, ấm no và nhân bản» đã trở thành khát vọng cấp bách của dân tộc. Vì còn CSHN ngày nào, quyền làm người bị tiêu diệt ngày đó và khát vọng «tự do, dân chủ, ấm no và nhân bản» càng trở thành xa vời.


4/ Nếu lập luận hòa giải hòa hợp dân tộc nhằm mục đích lôi kéo những phần tử còn trong hàng ngũ CS, để nhóm chóp bu CSHN sẽ bị cô lập tức khắc và không còn đất sống thì đây là một chiến thuật hay một sách lược thì không thể thay thế cho chiến lược hay mục tiêu cuối cùng được. Mục tiêu cuối cùng là làm cho nhóm chóp bu CSHN bị cô lập và không còn đất sống, tức là tiêu diệt chế độ vô sản chuyên chính. Muốn như vậy thì chúng ta phải đấu tranh.


Nếu trong chiến tranh không có gì thay thế cho chiến thắng được thì trong sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, không có gì thay thế được cho mục tiêu cuối cùng. Muốn đạt được mục tiêu cuối cùng tức là tiêu diệt chế độ vô sản chuyên chính, chúng ta có thể thay đổi chiến thuật tùy theo hoàn cảnh. Chưa có một lực lượng đấu tranh, chưa bước vào con đường đấu tranh, chúng ta chưa thể võ đoán được chiến thuật nào hay, chiến thuật nào dở. Và không có gì bảo đảm được là chiến thuật đó không thay đổi bởi thời gian và hoàn cảnh. Hơn nữa, chiến thuật hòa giải hòa hợp, nếu có được một số người hoan hô và hỗ trợ như chính sách chiêu hồi của VNCH trước đây, thì đó không thể thay thế cho chủ lực đấu tranh. Chỉ có lập trường, chủ trương, đường lối đứng đắn và mục tiêu tối thượng là «giải cứu quê hương ra khỏi bóng ma CSHN» mới có thể qui tụ thành khối chủ lực đấu tranh được.


Tóm lại, lập luận hòa giải hòa hợp dân tộc, nhìn từ mọi khía cạnh hoặc là chúng ta không thể chấp nhận được nếu hòa giải hòa hợp với CSHN, hoặc là không cần thiết vì dân tộc ta không thù hằn lẫn nhau. Nếu có, vấn đề cần thiết phải đặt ra là vấn đề đoàn kết toàn dân để hoàn thành những mục tiêu tối thượng mà đồng bào cả nườc đang khát vọng.



Sự thực thì cuộc tranh luận trong hàng ngũ người Việt hải ngoại đã được chính CSHN và bọn tay sai góp ý từ sau Ðại Hội 6 của Cộng đảng năm 1986 cho đến các Ðại Hội kế tiếp 7, 8, 9 và 10 tháng 4 năm 2006, đã nói lên rõ ràng thực chất đổi thay ở Việt Nam là CSHN vẫn xác tín vào chủ nghĩa Mác-Lê và cương quyết bảo vệ cơ chế vô sản. Vậy thì thỏa hiệp hay hòa giải hòa hợp với CS chẳng qua là một sự đầu hàng CSHN vô điều kiện mà thôi.



Giữ vững niềm tin và kiên định lập trường là hai bước căn bản để chúng ta giữ vững hàng ngũ đấu tranh và cùng đồng hành với dân tộc trong tương lai.



Hoa Kỳ ngày 25 tháng 7 năm 2008

Liên Minh Tự Do Việt Nam

http://www.vietnamexodus.org/vne0508/vnenews/chantroiviet/Chieu%20bai%20hoa%20giai%20hoa%20hop%20dan%20toc%20cua%20CSHN%203.htm

No comments: