Monday, July 21, 2008

Vẫn chuyện cờ vàng, cờ đỏ

Hồi tháng 4/2008, ĐH Southern California (USC) ra quyết định không bỏ việc treo cờ đỏ sao vàng

21 Tháng 7 2008

Nguyễn Ước
Gửi cho BBC từ Toronto, Canada


Trước hết, xin được đóng góp đôi chút tư liệu và sau đó là vài ý kiến về lời của Hồng Y Phạm Minh Mẫn.
Theo chỗ tôi biết, cờ đỏ sao vàng không phải là cờ của đảng Cộng sản Việt Nam, vốn có hình búa liềm màu vàng trên nền đỏ.

Cờ đỏ sao vàng

Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc Nam kỳ khởi nghĩa từ ngày 22/11/1940 tới ngày 31/12/1940 do Xứ ủy Nam kỳ của Ðảng Cộng sản Ðông dương lãnh đạo.

Sáu tháng sau, cờ đỏ sao vàng được dùng làm cờ của Mặt trận Việt Minh, thành lập trong hội nghị Pắc Bó từ ngày 12-19/5/1941, do Hồ Chí Minh triệu tập.

Chiều ngày 17/8/1945, trong cuộc mít tinh lớn của dân chúng tại Nhà hát lớn Hà nội do Tổng hội viên chức tổ chức để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, Ủy ban khởi nghĩa của Việt Minh cướp diễn đàn.

Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện công khai trước dân chúng Hà thành.

Kể từ chiều ngày 2/9/1945, cờ đỏ sao vàng được dùng làm quốc kỳ cho Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được thành lập khi Hồ Chí Minh tuyên bố trong Tuyên ngôn Ðộc lập, tại vườn hoa Ba Ðình, Hà Nội.

Từ ngày Mặt trận Giải phóng Miền Nam được Ðảng Lao động thành lập (20/12/1960), lá cờ “quân giải phóng-Việt cộng” dùng là lá cờ “mượn”của đàng Dân chủ 20 năm trước tại Hà Nội (cụ Hoàng Minh Chính từng là Tổng thư ký của đảng này), với hai màu xanh đỏ có ngôi sao vàng ở giữa.

Ðây cũng là lá cờ của nước Cộng hòa Miền nam Việt Nam, được quân quản từ mùa xuân 1975.

Ngày 2/7/1976 là ngày chính thức gom Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nước Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam lại thành một. Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca.

Cờ vàng ba sọc đỏ

Cờ vàng trong cuộc biểu tình của Việt Kiều phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Washington DC hồi tháng 6/2008

Cờ vàng ba sọc đỏ được dùng làm quốc kỳ cho Nước Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Ðại thành lập năm 1948.

Lá cờ này cũng được tiếp tục dùng cho Nước Việt Nam Cộng Hòa do Ngô Ðình Diệm thành lập ngày 26/10/1956.

Từ sau năm 1975, cờ vàng ba sọc đỏ vẫn tiếp tục tung bay tại các trại tị nạn ở Ðông Nam Á và tại những nơi định cư của người Việt chống chế độ cộng sản.

Cờ vàng ba sọc đỏ có mặt trong hầu hết các buổi sinh hoạt tập thể, có tính hội đoàn và cộng đồng, kể cả văn hoá, xã hội, tôn giáo, v.v. của người Việt ra đi từ miền Nam.

Trong ba mươi năm qua, việc sử dụng cờ vàng ba sọc đỏ như một ngọn cờ tụ nghĩa và đấu tranh đã và đang đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hóa giải những xung khắc trong cộng đồng người Việt và khiến cho cờ đỏ sao vàng hầu như không có chỗ đứng công khai và trước đám động tại hải ngoại.


Về lá thư của Hồng y Mẫn

Người Việt hải ngoại nói chung không chống đối cờ vàng ba sọc đỏ nhưng trên thực tế, không phải hết thảy mọi người đều chấp nhận và sẵn sàng đứng xếp hàng dưới lá cờ ấy.

Nếu lấy năm 1975 làm dấu mốc, thời gian càng kéo dài thì “cộng đồng hải ngoại” của người Việt càng đa dạng.


Tôi rất khó chịu khi nhìn thấy lá cờ đỏ này. Vì nó mà gia đình tôi vượt biên năm 1977


Phương Nguyễn, sinh viên USC

Thành phần của cộng đồng không chỉ những thành phần ra đi từ miền Nam, mà còn có thêm (1) những người vượt biên từ miền Bắc; (2) những người đi lao động hoặc du học ở Nga, Ðông Âu ở lại sau “biến động 1990” của thế giới cộng sản; (3) những sinh viên học sinh du học ở lại; (4) các cựu đảng viên cộng sản “hạ cánh an toàn” cùng với “gia đình hai họ”; (5) những người sinh ở VN sau 1975, ra đi vì kết hôn, đoàn tụ gia đình; (6) những người ra đi theo những con đường khác…

Do đó, nên bình tâm xét lại câu nói cho rằng cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ của “cộng đồng hải ngoại”.

Và nay đã đến lúc, có lẽ cũng khá trễ, tìm kiếm một phương cách mới để vừa sử dụng hữu hiệu cờ vàng ba sọc đỏ làm ngọn cờ tụ nghĩa và đấu tranh, vừa không gây ra những xung khắc hoặc tâm lý bị cưỡng bách, phản tác dụng trong tập thể người Việt hải ngoại.

Tránh gây xung khắc

Tôi nhìn những điều Hồng y Phạm Minh Mẫn viết về cờ vàng ba sọc đỏ dưới ba khía cạnh:

1. Tư cách của người viết thư. Hồng Y Phạm Minh Mẫn viết với tư cách cá nhân của ông ấy tuy ông ấy là Hồng Y.

2. Những câu có tính cách ý kiến “biểu trưng cho một thói đời đối kháng” hay “mẹ Việt Nam khi mặc áo vàng khi mặc áo đỏ”, là của cá nhân Phạm Minh Mẫn, dù ông ấy nói khi đang mang phẩm phục Hồng Y.

Trên nguyên tắc, nếu có một ý kiến không được người nghe đồng ý, thì sẽ có sự thảo luận dựa trên tự thân ý kiến ấy. Những thảo luận về các chi tiết chung quanh nó chỉ là phu, thí dụ địa vị, thời điểm, nhập gia tùy tục...

Còn những thảo luận dựa trên suy diễn thì chắc chắn không có giá trị, thí dụ như 'đánh phá cờ vàng', 'quốc doanh đầu hàng cộng sản', 'cờ đỏ của hồng y đỏ', 'nằm trong chiến dịch của nhà nước Việt Nam'.

Phát biểu rằng "cờ vàng gây cản trở hiệp thông' của Hồng y Phạm Minh Mẫn đã gây tranh cãi trong cộng đồng Việt ở Úc và Mỹ

3. Câu có tính cách sự kiện về “gây trở ngại hiệp thông”, theo tôi là đúng. Tôi hiểu hiệp thông theo hai nghĩa: (1) Hiệp thông lâu dài trong tình nghĩa tín hữu của một tôn giáo, đặc biệt giữa giáo hội trong nước và giáo hội hải ngoại; (2) Hiệp thông nhất thời trong Ðại hội trẻ 2008 và nay mai, giữa các giáo sĩ, tín hữu, đặc biệt thanh niên nam nữ trong nước ra tham dự các sinh hoạt tôn giáo với các cộng đoàn Kitô hữu hải ngoại.

Phát biểu rằng "cờ vàng gây cản trở hiệp thông' của Hồng y Phạm Minh Mẫn đã gây tranh cãi trong cộng đồng Việt ở Úc và Mỹ

Cách đây khoảng năm sáu năm, khi ÐGH Gioan Phao lô II còn sống và chủ tọa Ðại hội Thanh niên tại Toronto, Canada, là nơi tôi đang sống, có xảy ra sự kiện đáng buồn và quả thật “gây trở ngại hiệp thông”.

Ðể có chỗ sinh hoạt phụng vụ, văn nghệ, cắm trại...Giáo xứ Công giáo Việt ở Toronto có lập một nơi sinh hoạt chung gọi là Làng Việt Nam.

Thế rồi, ngoài dự trù của Ban Tổ chức, cờ vàng ba sọc đỏ do một vài tổ chức chính trị, mang tới và cắm khắp nơi trong Làng, đặc biệt chung quanh khán đài văn nghệ và cũng là nơi sẽ làm lễ đồng tế của các giám mục trong và ngoài nước.

Ban tổ chức và cả chính tôi, cố gắng trình bày với những thanh niên đang “biểu dương lá cờ” ấy cho họ hiểu về tình cảnh khó khăn mà “các giáo sĩ giáo dân trong nước” có thể gặp phải khi nhà nước muốn khai thác những bức hình hay đoạn phim có “các phái đoàn trong nước” đứng dưới là cờ vàng ba sọc đỏ.

Chúng tôi khẩn khoản yêu cầu họ nên bớt cờ hoặc gom vào một chỗ, thì bị họ lớn tiếng mắng mỏ và suýt bị hành hung.

Hậu quả là thánh lễ đồng tế của các Giám mục bị hủy bỏ, các bạn trẻ và các phái đoàn Công Giáo trong nước cảm thấy ngại ngùng khi tiếp xúc, sinh hoạt với các thanh niên Công Giáo ở hải ngoại.

Những người “hăng say và tích cực” ấy quên mất một điều căn bản là họ đã vi phạm nguyên tắc tổ chức, và quyền riêng tư; ho có thể bị cáo buộc phạm pháp. Trong bất cứ cuộc sinh hoạt có tổ chức nào, bạn không có quyền phát tán tài liệu hoặc có những sinh họat tại hiện trường mà không được sự cho phép của ban tổ chức.

Nhịp cầu tương thông


Nếu sử dụng một cách vụng về, cực đoan, với luận cứ cường điệu thì chính mình làm hại cho ý nghĩa và giá trị của lá cờ


Nhà văn Nguyễn Ước

Các sự kiện và ý kiến trên đưa tôi đến kết luận rằng, hiện nay, không ai có thể phủ nhận ý nghĩa, giá trị tụ nghĩa và hiệu quả đấu tranh của cờ vàng ba sọc đỏ.

Nhưng những phẩm tính ấy nằm trong phạm trù “tình”, chứ chưa hẳn là “lý”. Vì về mặt pháp lý thì Nước Việt Nam Cộng Hoà đã mất, sự kế tục của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là chính thống, còn nữa, lá cờ vàng ba sọc đỏ cho tới nay chưa được sự xác nhận của một thủ tục hợp lý nào để kết luận rằng đó là lá cờ chính thức của tập thể hải ngoại.

Nếu khéo sử dụng, một cách hợp lý, đầy tình người, không mâu thuẫn với lý tưởng đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, đa nguyên thì cờ vàng ba sọc đỏ vẫn là phương tiện chưa có gì có thể thay thế và là vũ khí diệu dụng.

Nếu sử dụng một cách vụng về, cực đoan, với luận cứ cường điệu và thái độ cưỡng bách không tưởng thì chính mình làm hại cho ý nghĩa và giá trị của lá cờ ấy, phung phí máu xương của những người đã đổ ra để bảo vệ nó.

Và nhất là gây thêm phân hoá trong cuộc vận động dân chủ hóa đất nước vốn đang cần tới từng bàn tay của mọi thành phần người Việt tại hải ngoạI, đồng thời giữ nhịp cầu tương thông, hòa hợp với mọi tâm hồn ở trong nước.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/07/080721_covangcodo.shtml
------------------------------------------------------------------------

Lá thư gây tranh cãi của đức Hồng y


Hồng y Phạm Minh Mẫn thường đi công tác mục vụ di dân
Tổng giám mục địa phận Sài Gòn, Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, vừa có lá thư gây tranh cãi trong cộng đồng gốc Việt tại hải ngoại.
Tháng trước, nhân Đại hội Giới trẻ Công giáo Thế giới (WYD) 2008 sắp diễn ra tại Sydney, Australia, Ngài đã gửi thư ngỏ tới ba vị đại diện cho Công giáo Việt Nam sẽ có mặt tại đại hội.

Thông điệp hiệp thông trong bức thư và khuyến cáo của đức Hồng y rằng việc giương lá cờ vàng ba sọc đỏ có thể cản trở con đường hiệp thông của các bạn trẻ từ VN đã khiến một số người tức giận.

Trên các diễn đàn của người Việt hải ngoại xuất hiện nhiều ý kiến phản đối Hồng y Mẫn, và cũng có kêu gọi tổ chức biểu tình phản đối các hoạt động của Ngài.

Đức Hồng y hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ trong chuyến đi mục vụ di dân.

Nhà báo tự do Bùi Văn Phú từ San Jose nói với BBC rằng theo kế hoạch đáng ra Ngài phải cử hành hai Thánh lễ tại đây vào cuối tuần rồi nhưng chương trình đã bị hủy vì lý do đức Hồng y "cáo bệnh".

"Các chương trình của Ngài tại California đã bị hủy bỏ. Hiện thời Hồng y Phạm Minh Mẫn vẫn ở Hoa Kỳ, nhưng Ngài sẽ đi một số tiểu bang khác như Washington."

Con đường hiệp thông

Theo lời mời của đức Tổng giám mục Sydney George Pell, Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn sẽ sang Úc để tham dự đại hội WYD, được tổ chức tại Sydney từ 15/7-20/7.

200 thanh niên Công giáo đã từ Việt Nam sang Úc để tham gia sự kiện thu hút hàng trăm ngàn bạn trẻ từ khắp nơi trên toàn cầu này.

Trong thư ngỏ gửi ba vị đại diện cấp cao là chủ tịch Ủy ban Giám mục đặc trách Mục vụ Giới trẻ, chủ tịch Ủy ban Giám mục đặc trách Giáo lý Đức tin và Đức cha Juse, Giám mục Lạng Sơn, Hồng y Mẫn viết rõ rằng Ngài muốn giúp cho các bạn trẻ khai thông con đường hiệp thông với Chúa và với nhau.


Có lúc lá cờ được coi là biểu tượng của đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng cho một chủ nghĩa... có lúc chỉ biểu trưng cho một thói đời mang tính đối kháng.


Trích thư ngỏ của Hồng y Phạm Minh Mẫn

Thư có đoạn: "Có một sự kiện mà một số bạn trẻ ở một số nơi coi như một sự cố làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ VN".

"Sự cố đó là lá cờ vàng ba sọc đỏ được giương lên trong lúc các bạn trẻ VN từ nhiều châu lục quy tụ lại để cử hành phụng vụ hoặc sinh hoạt chung."

Đức Hồng y phân tích: "Có lúc lá cờ được coi là biểu tượng của đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng cho một chủ nghĩa... có lúc chỉ biểu trưng cho một thói đời mang tính đối kháng".

Ngài cho rằng lịch sử đã xác minh rằng tinh thần hiệp thông chưa bao giờ được xây dựng trên nền tảng một chủ nghĩa trần thế.

Tuy không viết ra trực tiếp, thông điệp hòa hợp hòa giải của đức Tổng giám mục hiện ra rất rõ khi Ngài viết: "Người mẹ Việt Nam, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ)... vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân Việt Nam".

Vì những dòng này mà nhiều người Việt tại Hoa Kỳ đã lên án đức Hồng y là 'Cộng sản' và chỉ trích Ngài.

Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn sinh tại Cà Mau năm 1934. Ngài đã du học giáo lý tại Hoa Kỳ.

Ngài nhậm chức Tổng giám mục TP Hồ Chí Minh năm 1998 và được tấn phong Hồng y vào tháng 10/2003.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080707_cardinalman_letter.shtml

No comments: