Thursday, July 31, 2008

Tội ác cs: tâm thư gởi đồng bào tôi (NNP)

Tâm thư gửi đồng bào tôi

Nguyễn Ngọc Phách

Lời ngỏ : Ngày 25/1/2006, Hội Ðồng Âu Châu đã thông qua Nghị Quyết 1481 nhằm kêu gọi thế giới lên án những tội ác của các chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Ðiều 7 của Nghị Quyết này đã viết : "Việc đánh giá về đạo đức và lên án các tội ác đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục các thế hệ trẻ".

Dưới sự thống trị của đảng CSVN từ hơn 60 năm qua tại miền Bắc và từ hơn 30 năm trên cả nước, dân tộc Việt Nam đã và đang là nạn nhân của một chế độ với những chính sách cai trị vô cùng khắc nghiệt như: Cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, cuộc tàn sát Tết Mậu Thân, chính sách tù cải tạo, đàn áp những tiếng nói dân chủ v.v....

Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Ðảng mong được góp phần cùng đồng bào trong việc phổ biến những tài liệu tố cáo tội ác của đảng CSVN.

Tâm thư này, tôi đã có ý viết từ hồi mùa hè 2005, khi còn có thói vào mạng lưới www để xem báo tiếng Việt ở các nơi. Hồi đó, các cơ quan thông tin điện tử ăn khách đều có bài về nỗ lực lập hai đài tưởng niệm những đồng bào đã bỏ mình trên đường đi tìm Tự do. Hôm 30 Tháng Tư trước đó, cũng có tin nhiều toán cựu thuyền nhân đã ghé đảo Galang và cù lao Bidong, làm một chuyến hành hương về chốn tạm dung cũ - cũng là nơi nhiều người đã mắc kẹt cả mấy năm trường nên có thì giờ suy ngẫm về tình hình trong nước và thân phận con người.

Hôm đó, tôi ở tận Úc Ðại Lợi, "vùng đất phúc lợi không đâu bằng" (the Lucky Country), mà cũng cảm thấy ngậm ngùi, buột miệng đọc hai câu thơ đầy cay đắng mà thấm thía của Ôn Như Hầu:

Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia, cỏ này.


Chuyện đài kỷ niệm thuyền nhân vô danh đơn giản chỉ có vậy. Ấy thế mà hồi trung tuần Tháng Sáu, tờ Bưu báo ở Jakarta đã có bài nói Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) áp lực nhà cầm quyền Nam dương đẽo bỏ Ðài Tưởng niệm Galang. Như báo này tiết lộ thì Hà Nội "cho rằng hàng chữ nổi trên đài có lời lẽ xúc phạm thanh danh chế độ CHXHCNVN." Mấy tháng sau, chính quyền Kuala Lumpur cũng lại nhượng bộ Hà Nội và cho lịnh dẹp bỏ Ðài Bidong. Trong công hàm trao đổi với Mã lai A&, quan chức chế độ Cộng sản cũng kêu là CHXHCNVN đã bị bôi nhọ.

Nhưng thử hỏi thuyền nhân đã viết gì mà các vị phải nổi giận đến thế? Ở Galang, Ủy ban Xây Dựng Ðài Tưởng niệm chỉ đã viết thuyền nhân muốn có chỗ hàng năm làm lễ "cầu an cho hương hồn cả trăm ngàn người đã bỏ mình trên đường đi tìm Tự do..." và ở Bidong, là nơi riêng trong năm đầu đã tiếp nhận 58,000 thành phần tỵ nạn, Ủy ban chỉ viết muốn "ghi ơn nhân dân Mã Lai Á đã mở lòng nhân từ như hải hà đùm bọc hàng chục vạn người dưng nước lã lúc cùng đường mạt lộ." Sự thực thì phản ứng của Hà Nội đã không hề làm cho giới thuyền nhân ngạc nhiên chút nào. Người Việt chúng ta thì dù còn ở trong nước hay đã ra hải ngoại, đều biết tập đoàn này đã quen tật gian dối - nói dối mà không cả ngượng miệng - chỉ cốt giữ độc quyền yêu nước, độc quyền lẽ phải, độc tài chuyên chế vạn tuế cầm quyền.

Chẳng thế mà hai năm trước khi Trung tướng Trần Ðộ từ giã cõi đời, nhân vật đã có thời chủ trì Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, đã ghi ở trang 42 cuốn NHậT KÝ RỒNG RẮN: Nói thì dân chủ, vì dân mà làm thì chuyên chính, Phát xít... Chế độ này bắt mọi người phải đóng trò, bắt trẻ con phải đóng trò, bắt người già phải đóng trò... (Họ đã) hình thành một xã hội dối lừa: lãnh đạo dối lừa, Ðảng dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn giả dối, giáo dục giả dối, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối...

Vụ Hà Nội đòi Jakarta và Kuala Lumpur phải đục bỏ đài kỷ niệm thuyền nhân vô danh chỉ đã xác quyết những lời trối trăng của Tướng Trần Ðộ nhưng theo ngu ý thì tình hình nước ta còn tệ hại hơn thế nữa: Nhà cầm quyền chỉ còn là một lũ sâu dân mọt nước!

Thực vậy, tuy Chính phủ Hà Nội lúc nào cũng leo lẻo cái miệng họ làm việc nước là nhân danh mọi thành phần xã hội - trong đó Việt kiều hải ngoại cũng được kể là một - đất nước ta hiện nay đang bị phân hóa rã rời: trong hàng ngũ dân tộc, sự chia rẽ thật là rõ rệt giữa khối đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam (ÐCSVN) và những người ngoài đảng, giữa thiểu số cầm quyền miệng thét ra lửa và quần chúng lê dân thấp cổ bé miệng, kẻ giàu thì giàu nứt đố đổ vách và người nghèo thì nghèo đến rớt mồng tơi, người Bắc và người Nam, dân thành thị và người nhà quê, giới vô thần và dân có đạo, người Kinh và người Thượng, dân trong nước và Việt kiều hải ngoại... Ngay trong hàng ngũ cán bộ đảng viên, giới thạo tin cũng biết ông nào bà nào ngày ngày ngồi sổm trên luật pháp và những thành phần cắc ké đụng tới luật lệ là chỉ có nước sưng trán u đầu...

Tình hình trong nước không phải bỗng dưng mà thê thảm như thế. Hiện tình nát bấy ở đất tổ là hậu quả của sách lược Chia Ðể Trị mà ÐCSVN đã cấy trong những chiến dịch đấu tranh hận thù cao ngất. Chỉ riêng ở đồng bằng sông Hồng, vụ Cải cách Ruộng Ðất và trò đấu tố đi kèm đã làm cho 172.008 người bất đắc kỳ tử và nửa triệu người khác chết chùm theo thì thử hỏi đến bao giờ nông thôn mới trở lại cuộc sống bình thường chan chứa tình bà con láng giềng thủa trước. Tiếng than thời lưu "bao giờ cho đến ngày xưa" chỉ có nghĩa là thế! Chỉ xin đan cử thêm một tỷ dụ: từ ngày tệ ăn tiền có kích thước một quốc sỉ, nhà cầm quyền đã ban bố bao nhiêu là pháp lịnh, nghị quyết, nghị định, thông tư nhằm tiễu trừ tham nhũng nhưng những văn bản này có làm cho họa kia suy suyển đi chút nào hay không? Thưa không! Như một thứ thiên văn hắc khổng (black hole), nó đã ngốn, đã nghiến tất cả những ai, những gì khi không đã xích lại gần nó, nên bị nó nuốt chửng đến cái ực!

Nhưng như cha ông ta vẫn thường nhắc nhở con cháu, "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Vậy thì chúng ta có thể làm gì trong lúc này? Ngay trong hiện tại, có lẽ mỗi người chúng ta phải có nỗ lực suy tư về tình hình tối mù trong xứ - mà suy tư một cách độc lập mà can đảm, chân thực mà rộng lượng nhưng phải sòng phẳng với cả người lẫn ta. Khi nghĩ về họa tham nhũng, chẳng hạn, có lẽ ai nấy nên tự nhủ chính mình phải "làm một cái gì" đi chứ! Thực vậy, nếu gặp một toán Cảnh sát Giao thông đòi ăn tiền mãi lộ (như trong truyện "Chị Cả Bống" của Phạm Văn Lưu) mà ai nấy đều cương quyết từ khước thì có lẽ tệ nạn này cũng bớt đi phần nào chăng?

Nếu một ngày đẹp trời nào đó, dân mình ai cũng nhất quyết đòi lại quyền làm người thì ngay một chế độ độc tài toàn trị đã giữ quyền sinh sát cả sáu chục năm liền cũng có lúc phải chào thua là cái chắc. Ta hãy thử nhìn lại những bước dân chủ hóa ban đầu ở mấy nướêc Ðông Âu thì đủ rõ.

Thực vậy, Công đoàn Ðoàn Kết Ba Lan, phong trào đập phá Bức Tường "Ô Nhục" ở Bá Linh, vụ Cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc, và mới cách đây hơn một năm, cuộc Cách mạng màu Da Cam tại Ô Khắc Lan (Ukraina) đều là những hiện tượng chính trị không phải ngày một ngày hai mà có được. Những hiện tượng đó đều đã bắt đầu với một hai hành vi phản đối nhè nhẹ. Ở Ba Lan, có lẽ nó chỉ là quyết định xuống đường của một hai trăm công nhân ụ đóng tàu ở Gdansk, đòi tăng khẩu phần ăn khi phải làm việc nặng nhọc. Tuy nhiên, nếu những hiện tượng phản đối lẻ tẻ đó đi vào nền nếp thì chúng có cơ chuyển mình thành những phong trào quần chúng qui tụ được muôn vạn người lúc nào không biết. Nói tóm lại, lấy riêng từng vụ việc mà xét thì ngay những hoạt động bước đầu của Công đoàn Ðoàn kết cũng chẳng có mấy ý nghĩa lâu dài nhưng đến một lúc nào đó, chúng làm như có khả năng xúc tác, biến nhân tâm thành một trận cuồng phong tâm lý không bạo chúa nào có thể cưỡng nổi: yếu tố quyết định Mạnh Kha gọi là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" chỉ là thế!

Trong trường hợp Việt Nam, yếu tố này ra vẻ vẫn còn vắng bóng. Như thế là tại làm sao?

Như thế là tại vì chúng ta quá lơ là chuyện chính trị, chúng ta làm như muốn khoán trắng cho đảng cầm quyền việc kinh bang tế thế, chúng ta biết quá ít về những biến chuyển lớn trong thời cận kim, những chuyện còn đủ gần với chúng ta để có thể làm chúng ta thắc mắc, để lương tâm chúng ta còn bị cắn rứt và thúc đẩy quảng đại quần chúng có phản ứng mạnh dạn.

Khi nói thế, tôi đặc biệt có ý muốn trình đồng bào về 13 hồ sơ lịch sử sau đây:

[1] Vụ Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh, bán nhà cách mạng và tư tưởng Phan Bội Châu cho Mật vụ Pháp năm 1925, lấy một món tiền thưởng khổng lồ, và chính sách của ÐCSVN đối với tập thể trí thức trong và ngoài nước, nhất là vụ Nhân văn Giai phẩm dưới thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) và lịnh đốt sách cấm nhạc Miền Nam ngay sau khi họ chiến thắng năm 1975 và khi mới thành lập chế độ CHXHCNVN;

[2] Những chiến dịch ám sát đại qui mô ÐCSVN đã phát động suốt hai phần ba thế kỷ, mục đích chỉ là để thủ tiêu các thành phần quốc gia - mà tiêu biểu nhất là Phạm Quỳnh, Ngô Ðình Khôi, Trần Khánh Giư, Tạ Thu Thâu, Lý Ðông A, Huỳnh Phú Sổ, Vũ Nhất Huy, Lê Hữu Bôi, Nguyễn Văn Bông, Trần Văn Văn... Riêng năm 1945 và chỉ ở Quảng ngãi mà thôi, 2.791 tín đồ Cao đài đã bị Việt Minh đồ sát, không để lại tăm tích gì;

[3] Chính sách tôn giáo ÐCSVN đã đeo đuổi từ khi lập đảng - xem đạo nào cũng tệ hại như thuốc phiện nên chùa chiền, nhà thờ, miếu đường đều phải đập phá, mọi giá trị tinh thần đều phải tiêu diệt. Sách lược bài tôn đó đã đi ngược tất cả những khái niệm truyền thống ta xem là linh thiêng, kể cả "hồn thiêng sông núi," nên trong bãi sa mạc đạo đức đã làm cho lương tri, trí tuệ và hồn phách Việt Nam khô héo từ một Hoa giáp nay, nỗ lực võ trang tinh thần để bài trừ tham nhũng nào cũng đổ vỡ;

[4] Những đợt thanh trừng hàng ngũ Kháng chiến quân không có chân trong ÐCSVN, ngụy trang dưới những mỹ từ như Chỉnh Phong, Chỉnh Huấn, Chỉnh Quân (1952-53);

[5] Số nạn nhân các chiến dịch đánh địa chủ, đánh tư bản tư doanh - tên chính thức gọi là Cải cách Ruộng Ðất, Cải tạo Công Thương nghiệp - nhất là vụ sát lục tập thể ở nông thôn Miền Bắc mấy năm 1953 56: trong đại họa này, 5,6% dân số đã bị chôn sống, bỏ giọ trôi sông, đánh đập trí mạng... nên nhiều người đã "xin" được bắn một viên đạn vào đầu; [6] Quyết định của Hồ Chí Minh trở lại phương thức đấu tranh võ trang vào đầu 1959, tức là có bốn năm sau khi Chiến tranh Việt Nam I kết thúc và vào lúc nhân tâm còn xao xuyến cùng cực vì những vụ đấu tố trong kỳ Cải cách Ruộng Ðất và vụ Nhân văn Giai phẩm;

[7] Số người bị lùa vào trại cải tạo tập trung trong kỳ Chiến tranh Việt Nam I, hồi Hồ Chí Minh mới phát động Chiến tranh Giải phóng Miền Nam (ở Miền Bắc), và sau khi chiến tranh Việt Nam II chấm dứt (ở Miền Nam);

[8] Thái độ khinh rẻ nhân mệnh - không cả bằng con giun con dế - nhất là qua những con số thương vong của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QÐNDVN) suốt 30 năm khói lửa; chỉ cần biết là riêng trong ba tháng đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh, tức là cuộc Tổng Tấn công Tết Mậu Thân (1968), Võ Nguyên Giáp đã nhìn nhận với nhà báo Ý Oriana Fallaci là QÐNDVN của ông bị thiệt hại 500,000 người thì đủ hiểu;

[9] Ai đã ra lịnh cho QÐNDVN sát phạt dân chúng như họ đã tru lục nhân dân Huế trong 28 ngày chiếm đóng cố đô năm 1968 và vì lẽ gì mà trong lúc dân chúng đã bỏ chạy - như trên Quốc lộ 1 trong kỳ Mùa Hè Ðỏ Lửa (1972) và ở Ðường số 7 trong cuộc triệt thoái rút bỏ Cao nguyên (1975) - mà họ vẫn pháo như mưa, khiến cho cả ngàn người chết không toàn thây;

[10] Số phận hẩm hiu của cả mấy triệu người bị đuổi đi Kinh tế Mới, nhất là con số những người đã bỏ mạng ở các vùng rừng thiêng nước độc;

[11] Chiến dịch đánh tư sản và bài Hoa ÐCSVN phát động hồi cuối thập niên 1970, khiến kinh tế quốc gia kiệt quệ mà vẫn không làm cho nhóm Lê Duẩn nghĩ lại nên cả triệu người bị trục xuất ra bể và cả trăm ngàn người phải chết trong bụng cá;

[12] Sự hiện diện của hơn 300.000 lính Trung Cộng - chính danh là Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung quốc (QGNT) - ở Miền Bắc từ 1965 đến 1973, những việc họ đã làm suốt tám năm dài, và lý do tại sao chính quyền Hà Nội đã không hề đả động gì đến chuyện này;

[13] Những con số viện trợ khổng lồ của Mạc tư khoa và Bắc kinh dành cho Hà Nội, thực tế đã biến QÐNDVN thành một đoàn lính đánh thuê; thực vậy, không có sự viện trợ đó - suốt cả 15 năm Chiến tranh Việt Nam II, luôn luôn lên đến hai phần ba ngân sách quốc gia - thì không làm sao Hà Nội có thể tiến hành chiến dịch xâm lăng Miền Nam được.

Mười ba hồ sơ vừa phác họa không phải là tất cả những việc đại gian đại ác lịch sử có thể gán cho họ Hồ và cấp lãnh đạo ÐCSVN nhưng ngay từ bây giờ, chúng ta không thể để cho họ vừa ăn cướp vừa la làng và nhờ thế, che đậy một sự thực ai cũng đã ngờ ngợ nhưng chưa cầm chắc: chủ nghĩa Cộng sản chính là sợi chỉ xuyên suốt, cái mẫu số chung của tất cả các chính sách phi nhân, hại nước. Nói như các thám tử đời nay thì "cái lăn tay di tử" (DNA fingerprint) nối kết những hành vi phạm pháp chỉ có thể là chủ nghĩa Mác Lê vì mỗi hồ sơ tội ác kia đều có liên hệ với 12 cái còn lại và tổng hợp tạo nên một thiên trường hận ca đầy máu và nước mắt chưa một lần được đề cập một cách sòng phẳng trên căn bản dân sinh, dân quyền (1) trong mấy vạn bộ sách xuất bản suốt 60 năm qua.

Nhưng Cộng sản Âu châu đã ngoan cố mà Cộng sản Việt Nam thì còn dính chất phong kiến, gia đình trị nên còn ngoan cố gấp bội! Vì thế mà ngay khi bị bắt quả tang, mấy ông mấy bà trong ÐCSVN cũng cứ cãi chầy cãi cối... mà khi không còn cách nào khác thì họ vẫn cứ chối bai bải (2). Thái độ "ba không" người Cộng sản Việt Nam thường bày tỏ khi bị kẹt, không biết phải ăn nói ra sao - không biết, không nghe, không thấy - thực quả không khác gì cái im lặng đầy ngoan cố của Ðảng Mafia Ý. Ðã đến lúc người Việt mình, trăm người như một, phải bắt tay nhau lật mặt nạ bọn Ác đảng thì tập đoàn này mới có ngày bị lòi chân tướng. Như triết gia Anh Francis Bacon đã nói từ Thế kỷ XVII, scientia postestas est, "kiến thức là sức mạnh", có hiểu biết thì mới chế ngự được bạo quyền. Hình như Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã có lần phán: "Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ biết mới sống!" Ta có biết thì mới không để cho bọn chính trị ma đầu lừa bịp, làm điều bất nhân bất nghĩa mà vẫn muốn được ca ngợi là yêu nước, thương nòi. Cũng chỉ vì thế mà ÐCSVN đã tìm đủ mọi cách giữ tiệt nhân dân ta trong vòng u u minh minh, không biết tí ti gì về những chương sử đầy tang tóc của dân tộc và, do đó, dễ tin những lời đường mật ba xu của bọn phù thủy chính trị dưới trướng họ Hồ.

Nhưng từ khi tham nhũng nhập vào xương tủy chế độ (3) thì ÐCSVN đã để lộ chân tướng độc địa, và nay đã đến lúc con dân Việt Nam chúng ta phải có phản ứng. Như tôi cũng trộm nghĩ thì ta chỉ có thể bắt đầu nỗ lực cứu mình, cứu người bằng cách vén tấm màn bí mật đã bao che những hành vi bỉ ổi của một tập đoàn cường quyền số một trong lịch sử.

Nhưng ngay trong lúc này, giấy tờ, hồ sơ gì thì cũng còn bị xem là bí mật quốc gia nên chưa ai có thể vào các trung tâm văn khố nghiên cứu những vấn đề làm ta thắc mắc. Do đó, người mình ai cũng có bổn phận tìm hiểu về những chuyện đã xẩy ra cho thân nhân bè bạn và từ đó, nói lên tất cả những chi tiết mình phát hiện được cho mọi người cùng biết. Ai có cha mẹ, anh em, bà con bị oan khiên điều gì, ta cũng phải tìm cho ra hết lẽ, rồi viết chuyện đó lên giấy trắng mực đen, đóng góp vào 13 Hồ sơ Lịch sử có ngày giúp ta đánh giá vai trò đích thực của ÐCSVN trong lịch sử hiện đại.

Khi viết mấy dòng này, tôi đặc biệt nghĩ đến các thành phần đã bỏ Ðảng, kể cả những người đã ra nước ngoài hay còn ở trong nước. Chẳng hạn, tôi muốn hỏi cựu Ðại tá Bùi Tín, tác giả cuốn HOA XUYÊN TUYẾT và cũng là một chứng nhân lịch sử có hạng, tại sao ông chưa nói gì về sự hiện diện của hàng mấy trăm ngàn binh sĩ Trung Cộng ở Miền Bắc từ 1965 đến 1973. Không biết là trong tương lai, họ Bùi có sẽ đả động gì đến những việc lính Trung Cộng đã làm ở Việt Nam suốt tám năm thiên địa phong trần đó hay không nhưng ngay từ khi biết ít nhiều về vụ này, ta cũng phải hiểu Bắc Kinh đã gửi ngần ấy bộ đội sang nước ta không phải là để cho họ đi nghỉ hè ở một xứ quanh năm nắng ấm. Bắc Kinh làm vậy chỉ là để giúp Bộ Tư lịnh Hà Nội được rảnh tay phái hai mươi mấy sư đoàn vào chiến trường Miền Nam.

Chính vì thế mà tôi phải thắc mắc không biết Bùi tiên sinh và các vị ly khai còn kẹt ở bên nhà hiện đã hoàn toàn chọn nếp sống, nếp nghĩ dân chủ tự do hay chưa hay là các vị vẫn còn ở trong giai đoạn chống đối một vài bộ mặt cầm quyền chứ trong lòng thì còn lưu luyến "Tư tưởng Hồ Chí Minh"! Tôi cũng thắc mắc không biết các vị đã thực sự lột xác, gột bỏ hẳn lối tư duy cũ, xem dân Miền Nam, chỉ vì đã lựa đứng liên minh với Hoa Kỳ, là đã chọn kiếp làm "chó săn Ðế quốc", chứ còn chính các vị, thì tuy đã ngửa tay nhận viện trợ đại qui mô của Trung quốc và Liên Xô, lại vẫn là những người yêu nước trung trinh, đã không làm gì có thể chê trách!

Tôi lại còn thắc mắc không biết trong số các vị, có còn ai vẫn tin là khi cố Tổng thống Ngô Ðình Diệm đưa Tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh, tự Ba Cụt, lên đoạn đầu dài thì họ Ngô đã chứng tỏ bản chất khát máu đủ rõ nét để họ Hồ có cớ phát động cuộc chiến tranh "giải phóng Miền Nam"?

Hơn nữa, phải chăng vẫn còn một số vị trong thâm tâm còn nghĩ là họ Hồ, mới vài ba năm sau khi cho lịnh chém giết mấy trăm ngàn đồng bào trong vụ Cải Cách Ruộng Ðất, lại có lý do chính đáng để đẩy đất nước vào một cuộc binh biến trường kỳ làm cả triệu dân mình thương vong mà vẫn còn đáng được nhân dân kính mộ và tri ân?

Ðã đành là tôi còn vô số thắc mắc khác nữa nhưng trong thư này, chỉ xin hỏi một điều chót: Tôi không biết các vị nghĩ sao nhưng cách đây ba chục năm, nếu cặp Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ không quá duy ý chí ra lịnh cho nhân dân cả nước phải cố "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa" - bè lũ hai tên họ Lê làm thế nên đã đẩy CHXHCNVN đến chỗ suýt vỡ nợ, mấy mươi triệu nhân dân ta trường kỳ không có cơm ăn, áo mặc - thì có vị nào còn ủng hộ một chế độ đã gieo rắc đau thương triền miên cho hàng triệu con người, buộc bao nhiêu triệu đồng bào ta phải sống cơ cực, lầm than suốt hai ba thế hệ! Xin các vị hãy đốt nén hương lòng rồi thành khẩn tự trả lời câu hỏi đó xong thì hãy đọc tiếp lá thư này.

Ðược cái hồi gần đây, khi đọc mấy kiến nghị người dân trong nước gửi Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam (BCTƯ/ÐCSVN) để chuẩn bị kỳ Ðại hội X tới, tôi đã có cảm tưởng như vừa thoáng thấy một vài dấu hiệu hơi đáng khích lệ. Ðáng nói nhất là trường hợp Ðại tá Ðặng Văn Việt - nên tôi xin phép được "đối thoại" với ông như một trường hợp điển hình mà thôi.

Vậy thì Ðặng Văn Việt là ai? Gia thế như thế nào? Học vấn, tính tình, con người ra sao?

Là con trai vị Tham tri Bộ Hình cuối cùng của Triều Nguyễn, năm 1945, cậu Việt còn đang học Trường Ðại học Y khoa Hà Nội thì Nhật đảo chính Pháp; hai ngày sau Vua Bảo đại tuyên bố Việt Nam độc lập và một tháng sau giao cho học giả Trần Trọng Kim lập Nội các. Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ cầm quyền được mấy tháng ngắn ngủi nhưng cũng đã tạo được mấy thành tích cực lớn - như thu hồi xứ Nam kỳ, Việt hóa nền giáo dục Pháp Nam, cứu đói ở đồng bằng sông Hồng, thả hầu hết chính trị phạm, và lập Trường Thanh niên Tiền tuyến, tiền thân của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn - nhưng Cách mạng Mùa Thu vừa bùng nổ thì Ðặng Văn Việt đã về Huế, tự giao cho mình nhiệm vụ đi bắt cựu Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh (4) và cựu Tổng đốc Quảng ngãi Ngô Ðình Khôi, giao họ Phạm và họ Ngô cho Ủy ban Cách mạng Thành phố Nguyễn Tri Phương (Huế) và mấy bữa sau thì cả hai vị đại quan cựu trào này bị đánh đến hộc máu ra mà chết. Cũng nên biết là khi chuyện vừa kể xẩy ra thì thân phụ cậu Việt, Tham tri Ðặng Văn Hướng, còn ngụ ở trong Thành nội.

Trường hợp Ðặng Tham Tri còn có dăm ba chi tiết đáng nói thêm. Sau ngày Toàn quốc Kháng chiến (19 Tháng Chạp năm 1946), Ông Hướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh vời ra chiến khu tham gia Nội các nhưng sáu năm sau, đang khi Ông Bà Bộ trưởng về chơi quê nhà ở Nho lâm, Nghệ an, thì bị kẹt trong Chiến dịch Cải cách Ruộng Ðất và bị mang ra đấu tố đến chết cực kỳ bi thương. Cũng nên biết khi Ông Hướng giữ chức Tham tri ở Huế thì Ông Bùi Bằng Ðoàn (5) làm Thượng thư ở cùng bộ, tức là "xếp lớn" của quan Tham tri và, do đó, khi họ Bùi được họ Hồ vời ra phục vụ trong hàng ngũ Quốc hội thì Ông Hướng cũng được họ Hồ chiếu cố.

Trong khi đó thì Ðặng Văn Việt tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân và phục vụ trong QÐNDVN của Võ Nguyên Giáp. Ðầu năm 1950, Việt đã mang lon cấp Tá và chỉ huy một trong mấy trung đoàn đầu tiên, có công lớn trong mấy chiến dịch biên giới - nên được dân chúng vinh danh là Anh hùng Ðệ tứ Lộ Vương. Tuy công lao như vậy nhưng Ông Việt có gốc "phong kiến" nên cứ lẹt đẹt ở hàm Ðại tá cho đến khi giải ngũ năm 1975. Tuy có lúc phải "đổi đời" đi giao bánh ngọt cho mấy tiệm cà phê bình dân ở Sài gòn, Ðại tá Việt còn nổi tiếng đã nhiều lần nói: "Việt này không đời nào chống Ðảng!" Nhưng cách đây hai năm, sau khi đi một vòng hải ngoại, ra vẻ ông đã nghĩ lại và từ ngày về nước, đã viết mấy lá thư gửi BCTư/ÐCSVN đòi cải cách dân chủ. Ông Việt cũng đã viết cuốn hồi ký NGƯờI LÍNH GIà, tiết lộ mấy chuyện ghê gớm như vụ bắt giữ và thủ tiêu học giả họ Phạm. Nhưng theo ý tôi thì ngay những tiết lộ động trời như thế cũng chỉ mới là phần nổi của một băng sơn ác kế, toàn là những điều bất nhân bất nghĩa, ÐCSVN đã bí mật giựt dây trong mấy chục năm qua.

Khi đọc lá thư ông Việt mới gửi ngày 12 tháng Hai vừa qua, tôi còn muốn hỏi ông làm vậy là để nhằm đích gì. Trong lá thư 5000 chữ đó, ông Việt đã nói nhiều nhất về nhu cầu cải cách dân chủ [1], hậu quả xấu xa của độc quyền lãnh đạo [2] và vấn đề tham nhũng [3]. Lẽ dĩ nhiên, tất cả những điều ông viết đều có lý có tình cả, nhưng trước ông Việt, vô số người đã lập những kiến nghị nội dung có chất lượng hơn thế nữa. Vậy thì - chỉ nói về cái tiểu ngã, cái tôi chủ quan của ông - ông Việt làm vậy vì còn tin tưởng BCTư/ÐCSVN sẽ lắng nghe những đề nghị của ông một cách chăm chú, nghiêm túc hơn hay sao?

Hay là ông Việt cũng chẳng ngù ngờ gì mà nghĩ thế nhưng ông là người có nguyên tắc nên ông vẫn cứ phải làm... cho lương tâm bớt cắn rứt?

Hay là ông làm vậy chỉ là để chuộc tội với oan hồn hai cụ thân sinh?

Cũng có thể, ông làm vậy chỉ là để đỡ mất mặt với con cháu và các thế hệ sau này?

Nói tóm lại, khi tự vấn lương tâm về bốn năm nghi vấn trên, Ðại tá Việt - hay bất cứ ai đã từng có hành vi tương tự - cũng phải chân thành với chính mình và sòng phẳng với người khác, kể cả những người đã có lúc mình xem là thù hay bạn. Tôi không được hân hạnh quen biết Ðại tá Việt nhưng chỉ cần nói chuyện với mấy người đã quen ông trước Cách mạng, tôi cũng biết ông còn sáng trí để biết Ðảng của ông cũng chẳng sáng suốt và thần thánh gì... nên chuyện dân chủhóa guồng máy Ðảng, dân chủhóa đất nước cũng chỉ là chuyện đãi bôi. Chính vì thế mà muốn cho ÐCSVN nghĩ đến nhân dân và đất nước hơn là chính mình - thực tế là mấy ông mấy bà trong Bộ Chính trị và BCTư/ÐCSVN - có lẽ chúng ta chỉ còn một cách, là lôi ra ánh sáng tất cả những tội tày trời của Ðảng thì may ra nhân dân cả nước, nhất là những người nay vào trạc tuổi ông Việt hồi Cách mạng Tháng Tám, mới biết và có phản ứng quyết liệt, đòi ÐCSVN phải cải cách từ trong nội bộ ra xã hội bên ngoài.

Ðại tá Ðặng Văn Việt có thể đóng góp rất nhiều vào nỗ lực chung này nếu ông thành khẩn nhớ lại những việc đã qua, nhất là vì sao, tự đâu mà ông đã nhúng tay vào việc sát hại một học giả như Phạm Quỳnh (6) rồi công bố những chi tiết mấu chốt đó cho bàn dân thiên hạ rõ. Rất có thể, ngay đến bây giờ, vẫn còn có người nghi họ Phạm là một quân bài của Ðế quốc Pháp - và dĩ nhiên là hồi mùa thu năm 1945, Ba Lê có âm mưu trở lại Ðông Dương - nhưng tôi vẫn không thể hiểu tại sao một thanh niên lòng đầy nhiệt huyết, lại được đào tạo trong không khí học đường có truyền thống nhân bản tốt đẹp nhất ở cả trời Ðông và trời Tây, mà bỗng dưng lại có thể giành cho mình quyền tước đoạt đời sống của người khác. Chính vì thế mà tôi vẫn cứ nghĩ quyết định tàn sát Phạm Quỳnh phải có nguyên ủy sâu kín hơn. Vào thời điểm đó, Ðặng Văn Việt đã gia nhập ÐCSVN và, do đó, phải nhân danh Ðảng mà làm chuyện tày trời kia. Vậy thì - chỉ bàn về yếu tố bên ngoài - Ai đã mớm lời, đề nghị, hay chỉ thị cho cậu sinh viên Việt làm một việc gớm ghiếc như vậy?

Ðảng ủy cấp quận, cấp tỉnh hay cấp cao hơn? Nếu là cấp cao hơn thì cao hơn đến mức nào?

Chính ông Việt và những người có ý nghiên cứu vụ việc này phải hướng nỗ lực khảo sát vào cấp ủy nào? Vào nhân vật nào ?

Vào những bộ mặt cao nhất Thành ủy Thành phố Nguyễn Tri Phương (tức là Huế) hay là phải ra đến Bắc bộ Phủ ở Hà Nội ?

Hay phải chĩa mũi dùi vào chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không chừng ?

Nếu Ðại tá Việt kể lại được một cách hoàn toàn vô tư, sòng phẳng, tất cả câu chuyện vụ sát hại học giả họ Phạm thì một số những chi tiết ông chỉ còn nhớ mong manh, cũng có thể giúp chúng ta hiểu thêm được phần nào những đợt Khủng bố Ðỏ lớn lao hơn, chẳng hạn như vụ tổ chức Việt Minh ở Quảng ngại tru lục gần 3000 tín đồ Cao Ðài. Ta đã biết chính mấy ông Việt Minh ở Quảng ngãi đã hạ sát Tạ Thu Thâu khi họ Tạ đang trên đường từ Sài gòn ra Hà Nội tham gia Cách mạng. Vào thời điểm này, người cầm bút còn là một cậu bé 12 nên tôi không biết gì mấy nhưng không khí ở Hà Nội và các tỉnh Miền Bắc cũng ghê rợn không kém. Hồi mùa thu 1945 thì tôi đang "chạy loạn" ở Phúc Yên nên một hôm, ngẫu nhiên được chứng kiến một tai biến lịch sử. Hôm đó, cơn nước đang lớn, tỉnh lỵ sắp lụt, thì một đoàn mấy chiếc ghe ghé tỉnh tránh cơn lũ. Trên ghe, có khoảng 100 thanh niên, ai nấy trông đều thông minh sáng sủa, nhưng chỉ mấy phút sau thì tất cả đã bị nhân viên Sở Liêm Phóng bắt và lùa vào Khám đường Tỉnh... Cũng hôm đó, anh cả tôi bị Cảnh sát chìm đến nhà, lôi sềnh sệch vào tù. Hai bữa sau, tôi theo bà chị dâu vào thăm nuôi anh thì mới biết số thanh niên kia đều là con nhà gia giáo và họ đã bị bắt là vì có ý lên Vĩnh Yên tham gia những hoạt động cách mạng của Việt Nam Quốc dân Ðảng (VNQDÐ), ở thị trấn đó thì là do ông Ðỗ Ðình Ðạo cầm đầu... Mấy tháng sau nữa, tôi lại nghe tin đa số các thanh niên đó đã bị Việt Minh cho đi "mò tôm, mò cua" hết. Tôi tin chắc là trong đám nạn nhân trường hợp Khủng bố Ðỏ này, thế nào Ðại tá Việt cũng phải quen một số người và có thời chơi thân với họ. Nếu ông biết gì về bi kịch này thì có lẽ ông cũng nên kể cho người đời nay hay!

Khi đề nghị Ðại tá Việt và những người như ông kể lại cho hậu thế nghe những chuyện chính họ đã tham dự, chứng kiến, hay biết chắc 100%, tôi không có ý buộc tội cá nhân nào hết. Tôi không cả có ý kêu gọi họ đấm ngực xưng tội như tín đồ Thiên Chúa Giáo vẫn thường làm. Nhưng tôi tin là tất cả chúng ta, những người còn sống, đều "mắc nợ" người bị oan khiên rất nhiều và để "trả món nợ" này, chúng ta chỉ có cách truy cứu ra sự thật và nói cho con cháu họ hay. Những chuyện bất công to lớn như vậy chỉ có thể dịu đi phần nào nếu hậu thế khám phá ra các sự kiện liên hệ và kể lại các sự kiện đó ra một cách chi tiết, đầy đủ nhất.

Ở Cộng hòa Nam Phi, sau khi Ông Tù Thời đại Nelson Mandela lên nhiếp chính (1994), Mandela đã không tìm cách trừng trị những kẻ chủ trương hay thực thi thuyết A-pác-tai (Cách ly Chủng tộc) mà ông chỉ đòi Nhà Nước Nam Phi cho thành lập những Ủy ban Phát hiện Sự Thật và Hòa giải Hòa hợp Dân tộc (PHST&HGHHDT). Ông Mandela đã làm thế chỉ vì ông nghĩ là người Nam Phi, cả dân da trắng lẫn dân da đen, chỉ có thể dẹp quá khứ đau thương qua một bên và chung sức lo chuyện tương lai nếu nhân dân Nam Phi sống theo châm ngôn "vãng giả bất truy"7 - nhưng không phải là "bất truy" với bất cứ giá nào. Thực vậy, trong những phiên họp của Ủy ban PHST&HGHHDT, đa số những người bị cáo giác đứng đằng sau nhiều tội tày trời chỉ đã phải ra trình diện nạn nhân của họ (hay vợ con những người đã chết), trình bày tất cả sự thật mình biết, rồi xin lỗi nạn nhân. Cứ xem một số những việc đại gian đại ác của giới chủ trương A-pác-tai trước kia thì ai cũng đã phải lấy làm lạ là những cuộc chạm trán này đã có phen đưa hai bên đến chỗ thông cảm ít nhiều, gần như xóa bỏ được cái hận thù tưởng như không đời nào vơi đi được.

Nhưng sau một chuyến chu du thiên hạ, ông Việt ra vẻ cũng đã nhìn đời với một nhãn quan mới. Thực vậy, cho đến mấy năm gần đây, thái độ chính trị của ông có thể thu gọn trong một câu ông hay nói: "Việt này không bao giờ chống lại Ðảng!" Nhưng trong lá thư mới nhất vừa gửi BCTư/ÐCSVN, ông đã viết lại là: "Việt này không bao giờ chống lại Ðảng, đi ngược lại quyền lợi của nhân dân! Việt này không sợ bất cứ một cường quyền nào, chỉ sợ mình làm sai!"

Tôi muốn hỏi thêm ông Việt: "Thế Ðảng đi ngược lại quyền lợi của nhân dân thì ông chọn bên nào? Có chống Ðảng để bênh dân không? Chỉ sợ mình làm sai mà có người chỉ cho biết mình đã làm sai thì ông có tìm cách sửa sai hay không?"

Dù đã có lần lên tiếng ở chốn công khai hay còn giữ nỗi đau riêng ở tận đáy lòng, nói chung thì người Việt chúng ta chỉ muốn biết việc gì đã xẩy ra trong quá khứ đau thương của ta, ai hay những ai đã nhân danh cái gì mà làm những việc ác độc đó. Trong số mười nhân vật tôi nêu danh ở Hồ sơ số 2, tôi chỉ quen thân có hai vị, biết sơ hai vị khác, còn sáu vị còn lại thì chỉ mới nghe danh, biết mặt qua hình ảnh trên báo nhưng chỉ cứ quan sát sự đau buồn của vợ con họ cho đến ngày nay thì tôi cũng phải nói "vãng sự bất tất hưu đề" (8) nếu gia đình, họ hàng bà con họ không được thông báo họ đã từ giã cõi trần trong tình huống nào. Nói cách khác, thân nhân, con cháu những người đã khuất còn không cả biết ngày giỗ kỵ ông bà, cha mẹ, anh em họ thì khó ai có thể để cho "vãng sự hưu đề" (9) luôn. Nếu những người đã chết trong lúc bị tra tấn, bị chôn sống trong những nấm mồ tập thể, bị hạ sát ở một góc rừng đầy đỉa vắt, bị quẳng xuống một khúc sông đầy cá sấu, hay chết ngộp trong một vùng Biển Ðông... không về báo mộng cho thân nhân biết họ đã chết như thế nào thì chúng ta, những người còn sống - ở cả bên này hay bên kia chiến tuyến, hay chẳng thuộc phe phái nào - đều còn nợ họ một món nợ không kiếp nào trả hết. Chỉ vì thế mà việc Hà Nội đòi Jakarta và Kuala Lumpur phá bỏ hai đài tưởng niệm thuyền nhân đã khuất mới là chuyện vô lại, tắc trách, phi nhân! Như Oscar Wilde đã viết10 thì "ở đất nào có chuyện đau thương thì đất đó ắt phải linh thiêng. Rồi đây, có lúc người đời sẽ hiểu qui luật muôn thủa đó. Nhưng nếu chưa cả ý thức được đời là vậy thì người ta cũng chưa thể có một ý niệm, dù là mơ hồ, về giá trị vô biên của cuộc sống." Chính quyền CHXHCNVN chỉ chứng tỏ là họ không hiểu mảy may gì về cuộc sống ở phần thâm thúy nhất trong cõi nhân sinh.

Như tôi còn nghĩ thì trong vụ đục đẽo đài tưởng niệm thuyền nhân vô danh, đám đồng chí và đồ đệ họ Hồ, những kẻ lúc nào cũng tự cao tự đại là đỉnh cao trí tuệ loài người, kể cả về mặt đạo đức, không những đã chứng tỏ họ không biết gì về đạo nghĩa mà họ còn đã làm một điều cực kỳ vô chính trị. Dường như họ đã quên là mỗi năm Việt kiều vẫn gửi khoảng bốn tỷ đô la về nước nên cứ có dịp là họ lại chê bai, sỉ vả Việt kiều đủ mọi điều. Người phương Ðông mình gọi thế là "dĩ oán báo ân" - Nôm na thì là "ăn mật trả gừng" - nhưng người phương Tây thì nói là "cho chó ăn, chó cắn tay" có lẽ không được văn vẻ cho lắm nhưng lại xác thực hơn, thích đáng hơn. * * * Cách đây đúng một nửa thế kỷ - vào khoảng ba năm sau ngày Josef Stalin về chầu "cụ Mác, cụ Lê nin" - Ông Nikita S. Khrushchev đã đọc một diễn từ bí mật ở Ðại hội XX Ðảng Cộng sản Liên bang Xô viết (ÐCLX) và trong bài này, đã tố cáo Stalin nhiều tội đáng cho voi dày ngựa xé, kể cả tội phát động chủ nghĩa tôn thờ cá nhân và sát phạt cả chục triệu người dân vô tội.

Trong thuyết trình trường giang đại hải này, Khrushchev đã nói nhiều điều nhưng tôi nhớ nhất là cáo trạng sau đây: "Thay vì vận động quần chúng ủng hộ những sách lược mình đề ra, Stalin luôn luôn áp đặt giải pháp ông chủ xướng và thủ tiêu các phần tử chính trị đối lập - dù cho những người này đã không làm gì có thể gọi là chống đối - đối với Ðảng và Nhà Nước Liên Xô."

Diễn từ này có nhiều đoạn tiết lộ nhiều chuyện khủng khiếp đến nỗi có người trong cử tọa đoàn đã té xỉu, không biết trời trăng gì nữa. Một tháng sau, Boleslaw Bierut, lãnh tụ Cộng sản Ba Lan, mới có dịp đọc nguyên văn bài thuyết trình để đời của Khrushchev mà ông ta cũng bị ngay một cơn đau tim và ngã lăn ra chết tốt!

Cũng nên biết là bài diễn văn lên án Stalin đã được ghi nhận vào lúc ở Bắc Việt, các nhà văn nhà báo đứng đằng sau vụ Nhân văn Giai phẩm bị Ðảng và Nhà Nước "ta" đánh tơi bời hoa lá. Bài này còn được xem như đã lần hồi tạo ra nhiều rạn nứt, gây ra vụ tranh chấp Trung Xô vào khoảng năm 1960, rốt cuộc làm cho Khối Cộng sản đổ vỡ tan tành. Hồi năm 1956, Mikhail Gorbachev mới 25 tuổi nhưng theo lời cha đẻ hai khái niệm Glastnost (Trong Suốt) và Perestroika (Cải tổ Cơ cấu) thì "không có bài diễn văn đó thì không làm sao tôi có thể đề ra thuyết Cải tổ Cơ cấu".

Ðối với phần lớn nạn nhân của Stalin và con cháu họ thì bản văn của Khrushchev là một trong những diễn biến quan trọng nhất Thế kỷ XX. Theo lời Bác sĩ Helen Lezvinskaya, cháu ruột một cặp vợ chồng trí thức đã bị đày sang Xi bia suốt hai chục năm trời, thì "có bài diễn văn đó thì tôi mới biết nhân dân nước tôi đã sống kiếp đời khổ ải đến chừng nào..." Chỉ khi nào bàn cờ chính trị Việt Nam có một Nikita Khushchev và cái ông Khrushchev Việt Nam này dội cả trăm gáo nước lạnh trên đầu nhân dân cả nước - nhưng chuyện này ra vẻ còn khó khăn quá! (11) - thì chúng ta mới có hi vọng có ngày biết được thực chất cuộc Cách mạng của ông Hồ Chí Minh. Nhưng nếu tất cả chúng ta chịu khó đánh giá lại một số những biến chuyển chính ta đã chứng kiến phần nào thì may ra chúng ta có thể chặt đứt những xiềng xích đã trói chặt chúng ta với một quá khứ đầy máu và nước mắt. Và chỉ khi nào cắt được những sợi dây vô hình còn níu kéo chúng ta lại với họ Hồ và ÐCSVN thì chúng ta mới có thể hi vọng đưa phong trào cách mạng dân tộc, dân chủ, dân quyền của cụ Phan Bội Châu đi được đến nơi phải đến, về đến chốn phải về.


* * *

Vì có ý chuyển lá Tâm thư gửi Ðồng bào Tôi: 13 Hồ sơ Lịch sử này đến tất cả mọi người còn ưu tư vận mạng đất nước, tôi sẽ tìm cách gửi tài liệu này theo dạng thiên linh chuỗi (chain letter) cho 13 người quen biết rồi yêu cầu mỗi vị đó gửi tiếp cho 13 vị khác, đồng thời kêu gọi người nhận thư tìm hiểu thêm về một số trường hợp oan khiên có ít nhiều liên quan đến họ, đến gia đình họ, và xin họ công bố cho người khác hay những điều mới khám phá.

Chẳng hạn, trong trường hợp Ðại tá Ðặng Văn Việt - hay bất cứ ai có người thân bị đấu tố trong kỳ Cải cách Ruộng Ðất - tôi sẽ yêu cầu ông kể lại trong trường hợp nào hai cụ thân sinh ra ông đã từ giã cõi trần [1], bao lâu sau thì chính ông mới hay biết về số phận của cha mẹ [2], trong chính giới buổi đó, có ai làm gì để cứu hai cụ hay không [3], chính bản thân Ðại tá có làm gì để cứu song thân hay không [4], ông có biết cha mẹ có được chôn cất đàng hoàng hay không, hay là vong hồn người đã khuất hãy còn đi vơ vẩn đâu đó [5], một khi mọi sự đã rồi, Chính phủ Kháng chiến đã làm gì để vãn hồi danh dự cho hai cụ [6], Chủ tịch Hồ Chí Minh có gửi thư phân ưu hay lời chia buồn với ông hay không [7], sau khi Tướng Võ Nguyên Giáp được lịnh trên xin lỗi đồng bào thì bao lâu sau, ông Việt mới về được quê lo việc chôn cất song thân [8].

Lẽ dĩ nhiên, Ðại tá cũng nên tìm hiểu là hồi năm 1953, làng ông có bao nhiêu dân đinh và trong số này thì bao nhiêu bị quy là điền chủ, bị đấu tố đến chết, gia đình họ có bao nhiêu người chết chùm theo, bao nhiêu gia đình tán gia bại sản mà sửa sai rồi cũng vẫn bại sản tán gia...

Chỉ cần dăm trăm người tham gia cuộc "thảo luận" này là nhân dân ta sẽ có một ý niệm khá rõ nét về thời kỳ Hồ Chí Minh chủ trương "thà giết oan mười người vô tội còn hơn để sót một tên địch."

Tôi hi vọng những câu hỏi ghi trong 13 hồ sơ lịch sử trên đây sẽ được dân chúng đáp ứng và nghiên cứu rồi từ đó, tự đặt ra thêm nhiều câu hỏi và trả lời những câu hỏi đó một cách thành khẩn, khách quan, đầy đủ thì chỉ cần bốn đợt gửi như thế - 134 đã là 942.513 người - là chúng ta sẽ có một cuộc tranh luận công khai mà lớn rộng thế nào cũng sẽ giúp chúng ta vẽ được một bức tranh trung thực về 13 đợt Khủng bố Ðỏ, xác minh chúng phát xuất từ Tư tưởng Hồ Chí Minh và phải xem như 13 cột trụ chống đỡ cho Tòa Nhà Chính trị CHXHCNVN khỏi đổ. Lúc đó, dư luận trong nước mới có thể trong sáng, vô tư và quân bình. Và ta mới có thể hi vọng đất nước chưa đến hồi mạt vận.

Nguyễn Ngọc Phách
25 tháng 2 năm 2006

Chú thích

(1) Trong chuyến Mỹ du của Thủ tướng Phan Văn Khải (2005), khi bị một ký giả trong vùng Seattle chất vấn về chuyện vi phạm nhân quyền, Ông Khải đã nổi giận quát tháo: ’"Thằng này láo! Ðuổi nó ra!" Thế rồi ông bỏ ngang cuộc họp báo. Cứ xét nghĩa vụ bảo vệ dân sinh, dân quyền của bất cứ chính thể nào thì chuyện vừa kể quả có... lạ! Thế mà Nhà Nước ta vẫn cứ cao rao họ là "người đầy tớ của nhân dân". Làm như ông Khải thì có khác gì đầy tớ mà mắng chửi chủ nhà!

(2) Muốn biết ÐCSVN có thể cãi chầy cãi cối đến mức nào, chỉ cần nghe phát ngôn viên chính thức thì sẽ vỡ lẽ ngay. Mỗi khi Hà Nội tống ngục các lãnh tụ tôn giáo, họ lại nói là những vị chân tu đó chỉ bị bỏ tù là vì các vị đã "phạm tội hình sự".

(3) Muốn biết tham nhũng XHCN đã tiến nhanh, tiến mạnh như thế nào, độc giả chỉ cần biết là theo báo Ðảng, mới hồi năm 1998, Phạm Văn Phước bị kết án tử hình vì nhiều tội, kể cả tội vứt năm bảy ngàn đô la lên chiếu bạc mỗi canh. Năm nay, chỉ một lần cá độ, Bùi Tiến Dũng đã thua 2.000.000 đô la Mỹ. Bọn sâu mọt này làm gì mà có lắm tiền thế!

(4) Dưới triều Nguyễn, Nội các không có chức Thừa tướng - nay gọi là Thủ tướng Chính phủ - nên ai giữ Bộ Lại cũng được xem như cầm đầu Lục Bộ. Chính vì thế mà sách vở của người phương Tây thường nói là hồi 1932, ông Ngô Ðình Diệm là người đứng dầu Nội các. Sau khi ông Diệm từ chức thì người giữ vai vế đó là ông Phạm Quỳnh.

(5) Ðể lượng định cái thế gian Việt Nam của chúng ta nó nhỏ bé đến chừng nào, độc giả cũng nên biết là hồi ông Hồ Chí Minh còn phải đánh lá bài dân chủ (1945-46), ông đã vời cựu Hình bộ Thượng thư Bùi Bằng Ðoàn ra giữ vai Chủ Tịch Quốc Hội thứ nhất của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Họ Bùi lại là thân phụ của cựu Ðại tá Bùi Tín, sĩ quan QÐNDVN đầu tiên vào Dinh Ðộc lập sau khi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tan rã. (6) Theo cái nhìn bình thường đầy tình người của dân ta thì hành vi đó là một tội ác nhưng theo cái nhìn Mác Lê thì là việc nên làm, phải làm cũng không chừng. Ai muốn hiểu thêm về đạo lý Mác xít Lê nin nít thì phải đọc cuốn ÐÊM HAY NGàY của Arthur Koestler (bản tiếng Anh nhan đề là Darkness at Noon và bản tiếng Pháp là Le Zéro et l’Infini).

(7) Chuyện đã qua thì đừng đeo đuổi nữa.

(8) Chuyện đã qua nhưng không nhất thiết phải cho qua luôn. (9) Chuyện đã qua thì hãy để cho qua luôn.

(10) Vì bản dịch Việt ngữ của tôi không được hoàn chỉnh, xin đăng cả nguyên văn Anh ngữ: "Where there is sorrow, there is holy ground. Some day, people will realize what this means. They will know nothing of life till they do."

(11) Nhưng khó quá không có nghĩa là không thể. Hồi năm 1989-90, nếu Ủy viên Bộ Chính trị ÐCSVN Trần Xuân Bách biết khai thác những mâu thuẫn trong hàng ngũ chóp bu ÐCSVN thì không chừng chính sách Ðổi Mới của Nguyễn Văn Linh đã có phần kết thúc có lợi cho dân, cho nước hơn là cái quái thai "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" - chí có lợi cho mấy ông mấy bà tư bản đỏ hay con ông cháu cha trong chế độ tư bản rừng rú này.

Ngay giờ đây, nếu mấy người như ông Võ Nguyên Giáp - hay mấy đảng viên kỳ cựu, đã có thời ngồi ở những cương vị then chốt - chịu khó nhớ lại chuyện cũ, nhất là những việc phải táng tận lương tâm mới làm nổi, và viết một bài "tự kiểm" theo tinh thần Khrushchev thì rất có thể họ cũng đánh động được lương tâm con người Cộng sản và buộc được ÐCSVN lột xác

No comments: