Saturday, July 26, 2008

Nói Dối Bằng Con Số Chính Xác



Ngô Nhân Dụng


Một chế độ độc tài muốn nói dối rất dễ, vì họ kiểm soát tất cả các nguồn thông tin. Mà tin tức của nhà nước nói về chính sách kinh tế của nhà nước thì bao giờ cũng tô hồng! Rất ít người dân các nước nghèo tò mò đi tìm nguồn tin tức ngoại quốc để so sánh. Nếu cần thì chính quyền bịa đặt tin tức; nhưng khi người dân đã trưởng thành thì đánh lừa bằng cách bịa đặt cũng khó. Cho nên phải tìm phương pháp mới. Một cách đánh lừa người ta mà không cần bịa đặt là trình bày các con số cho phù hợp với mục tiêu tuyên truyền. Có thể dùng các con số chính xác để nói dối, thí dụ những thống kê về lạm phát.

Lạm phát tức là tình trạng giá sinh hoạt gia tăng. Người ta cộng những món tiền chi phí của một gia đình tiêu biểu, cộng tất cả các món chi tiêu từ ăn, uống, đến quần áo, di chuyển, và nhà cửa, giải trí, du lịch, vân vân. Tính con số đó từng ngày, từng tuần, từng tháng, người ta có thể so sánh để biết giá sinh hoạt đã tăng bao nhiêu trong một ngày, một tháng hay một năm. Giá sinh hoạt tăng 3% trong một năm là nhẹ, nhưng nếu tăng 0.5% trong một tháng thì nặng. Vì cứ mỗi tháng tăng 0.5% thì cả năm sẽ tăng tới hơn 6%! Nếu nhà nước muốn dân cảm thấy lạm phát nhẹ thì chỉ nói tới con số nửa phần trăm một tháng, không quan tâm đến con số 6% một năm!

Ngày hôm qua, các bản tin thế giới loan báo tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam đã tăng lên trong Tháng Bẩy. Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đã cảnh cáo đảng Cộng Sản Việt Nam là nếu không ngăn bớt lạm phát thì có thể bị khủng hoảng tài chánh và kinh tế.

Tất nhiên chính quyền Cộng Sản Việt Nam không muốn dân chúng nghe mãi những tin xấu về lạm phát. Cho nên, cùng trong một ngày, báo, đài ở trong nước cũng loan tin tức về tỷ lệ lạm phát, nhưng khi trình bày lại nhấn mạnh tới những con số khiến người dân đọc hoặc nghe tin tức xong có cảm tưởng như mối đe dọa lạm phát ở nước ta đã giảm bớt!

Theo sở thống kê của chính quyền Cộng Sản thì giá sinh hoạt trong Tháng Bẩy 2008 đã tăng 27.04% so với cùng thời gian năm ngoái; nói cách khác, tỷ lệ lạm phát Tháng Bẩy là 27.04%. Một số thống kê chỉ có ý nghĩa khi được so sánh. Cho nên khi loan tin này, các bản tin quốc tế đều cho biết tỷ lệ lạm phát của Tháng Sáu là 26.8%. Có hai con số đó, người ta thấy giá cả ở Việt Nam vẫn tiếp tục leo thang trong tháng qua. Năm nay dự kiến lạm phát ở Việt Nam sẽ lên đến 25% cho cả năm. Bên Trung Quốc, người ta dự báo chỉ có 9%, và ở Mỹ đoán là 4%.

Nhưng nhật báo Nhân Dân ở Hà Nội lại thêm những chi tiết khác khi loan báo tin về tỷ lệ lạm phát trong Tháng Bẩy. Họ cho các độc giả biết rằng trong Tháng Sáu, giá sinh hoạt đã tăng thêm 2.14% so với Tháng Năm. Nhưng đến Tháng Bẩy, tỷ lệ tăng thêm chỉ có 1.13% mà thôi! Từ mức gia tăng trên 2% mà bây giờ chỉ tăng có 1.13%, người đọc có cảm tưởng là nạn lạm phát đá có phần suy giảm! Chưa đủ, báo Nhân Dân còn vui vẻ loan báo rằng trong Tháng Bẩy này giá lương thực sẽ có hy vọng giảm bớt 0.37%! Nghe như vậy, bà con phải thấy mát ruột! Muốn cho người đọc hồ hởi phấn khởi hơn, báo Nhân Dân cho biết trong bẩy tháng đầu năm 2008, tỷ lệ lạm phát là 21.28%. Nếu ai nhớ là lạm phát trong Tháng Sáu là 26.8% thì họ có cảm tưởng là giá sinh hoạt sang Tháng Bẩy đã xuống!



Nếu nghe ai nói nạn lạm phát ở Việt Nam trầm trọng hơn trước, những người chỉ đọc mấy con số do báo Nhân Dân đăng sẽ cãi ngay. Họ có những số liệu để làm chứng: Tháng trước tăng 2.14%, tháng này chỉ tăng 1.13%, như vậy là bệnh đã thuyên giảm, làm sao có thể nói là tình trạng nguy kịch hơn được?

Nhưng bất cứ người Việt Nam nào biết suy nghĩ cũng phải suy đi nghĩ lại, xem có cái gì bị che giấu đằng sau các con số của báo Nhân Dân. Bởi vì ai cũng biết mỗi ngày đi chợ thấy giá tăng lên, đổ xăng ở đầu đường thấy đau lòng xót dạ, ai có thể tin rằng cơn bệnh lạm phát đã thuyên giảm?

Cùng những con số thống kê, tại sao người đọc có cảm tưởng khác nhau? Chúng ta có thể dùng một thí dụ. Một nền kinh tế bị lạm phát có thể ví như một người bị cơn sốt hành hạ.

Thử tưởng tượng một bệnh nhân đang bị sốt, con cháu chờ nghe tin tức. Thầy thuốc đo nhiệt độ xong, báo tin: “Hôm qua, nhiệt độ của ông cụ tăng từ 37 độ lên 39 độ; tức là hôm qua tăng những 2 độ! Hôm nay tăng từ 39 lên 40 độ, chỉ tăng một độ thôi! Bằng một nửa bữa qua!”

Như vậy gia đình bệnh nhân có nên coi đó là một tin mừng hay không? Muốn cho tin tức của mình “gây ấn tượng” mạnh, vị thầy thuốc có thể làm con tính về tỷ lệ mà nói, “Hôm qua nhiệt độ tăng hơn 5% (2 chia cho 37) nhưng hôm nay nhiệt độ chỉ tăng 2.% (1 chia cho 39). Quý vị có thể yên tâm! ”

Trong trường hợp bệnh nhân này, nếu ngày thứ ba nhiệt độ tăng thêm một nửa độ nữa thôi, tức là chỉ tăng có hơn 1% thôi, càng đáng mừng hơn nữa! Nhưng tới mức đó thì bệnh nhân sắp qua thế giới bên kia rồi!

Tại sao người ta có cảm tưởng trong hai ngày nhiệt độ đã xuống? Vì người loan tin cho biết số gia tăng của nhiệt độ, tăng 2% rồi tăng 1%; khiến bệnh nhân quên rằng điều quan trọng là nhiệt độ nó tăng, nó còn tăng, dù chỉ tăng nửa phần trăm, cũng cho thấy bệnh nặng hơn! Chỉ khi nào nhiệt độ nó giảm, nói theo lối toán học, là số gia tăng thành số âm, thì mới coi là bệnh bớt nguy hiểm.

Báo Nhân Dân loan tin giá sinh hoạt Tháng Năm tăng 3.% so với Tháng Tư, Tháng Sáu tăng 2.4% so với Táng Năm, rồi tháng này chỉ tăng 1.3%, khiến những người đọc nhanh không kịp suy nghĩ có cảm tưởng là lạm phát đang xuống! Thực ra, dù tăng ít hơn, chỉ tăng 1% thay vì 2%, thì vẫn là tăng! Người dân mong giá sinh hoạt mỗi tháng giảm đi, ít nhất là không tăng nữa! Khi còn nghe đến chữ tăng là đủ khổ rồi! Có thể đánh lừa người đọc, viết là giá sinh hoạt trong Tháng Sáu tăng theo tỷ lệ 26% một năm, nhưng tính chung cả bẩy tháng đầu năm chỉ tăng 21%, điều đó đúng, nhưng cũng không có nghĩa là lạm phát sang tháng thứ bẩy đã giảm bớt. Vì khi nói giá cả trung bình trong 7 tháng người ta phải tính chung hết những tháng đầu năm, khi lạm phát mới chỉ là 15% hay 17%; cộng các con số nhỏ đó vào khiến tỷ lệ trung bình nhẹ đi.

Nói thế nào thì nói, tình trạng kinh tế Việt Nam nguy kịch thật, điều này đã hiển nhiên, người dân có thể trông thấy ở trạm xăng hoặc ngay trong mâm cơm nhà mình. Trong khi báo chí của đảng cố tình giảm bớt cảm tưởng lạm phát gia tăng thì giá xăng đã tăng vọt thêm hơn 30% rồi. Nhưng có những con số không được ai chú ý mà ẩn chứa những dấu hiệu báo nguy. Ðảng Cộng Sản cho biết đã ngưng hơn 5,000 dự án của nhà nước, tổng số là 35 tỷ đồng Việt Nam, tức 2 tỷ Mỹ kim. Như vậy thì tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Bao nhiêu người sẽ mất việc? Họ sống bằng cái gì?

Cán cân thương mại của nước ta đã khiếm hụt nặng hơn. Cả năm 2007 khiếm hụt trên 14 tỷ Mỹ kim. Năm nay mới hơn 6 tháng đã khiếm hụt 15 tỷ rồi. Tiền ở trong nước chạy ra nhiều hơn tiền từ ngoài đổ vào. Giới đầu tư quốc tế đã báo động là từ đầu năm tới nay nhiều món tiền lớn đã rút ra khỏi Việt Nam, khiến người ta nghĩ tới tình trạng Thái Lan hồi 1997. Ai rút tiền ra? Bao nhiêu phần là giới đầu tư quốc tế, bao nhiêu phần là dịch vụ chuyển tiền của các tư bản đỏ?

Ngô Nhân Dụng

No comments: