Ngô Văn
Trong tháng 7 này, Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Đây là cơ quan trọng yếu nhất của Liên Hiệp Quốc, gồm 15 Ủy viên, trong đó có 5 Ủy viên thường trực có quyền phủ quyết là Anh, Pháp Mỹ, Nga và Trung quốc; cùng với 10 Ủy viên không thường trực; những uỷ viên này được Đại hội khoáng đại của Liên Hiệp Quốc bầu lại hai năm một lần , trong số những quốc gia ứng viên, được phân phối theo các châu lục. Theo hiến chương liên hiệp quốc, một quốc gia uỷ viên không thường trực không được giữ ghế này hai nhiệm kỳ liên tiếp. Các thành viên của hội đồng Bảo An, bất kể thường trực hay không thường trực, theo thứ tự ABC của tên nước, sẽ luân phiên làm Chủ tịch trong vòng 1 tháng.
Hội đồng Bảo An có ba Ủy ban trực thuộc là: Ủy ban xét đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc, Ủy ban Tham mưu quân sự và Ủy ban hoạt động duy trì hòa bình thế giới. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không họp định kỳ như Đại hội khoáng đại, nhưng có thể triệu tập phiên họp bất cứ lúc nào để giải quyết những vấn đề quan trọng đang xảy ra, đặc biệt là những biến cố có ảnh hưởng lớn đến nền an ninh thế giới hay an ninh khu vực. Một Nghị quyết muốn được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua phải có sự tán đồng của 9 Ủy viên trở lên. Nếu một nghị quyết bị một trong 5 Ủy viên thường trực dùng quyền phủ quyết để bác bỏ, thì Nghị quyết đó coi như bị đóng băng, nhưng được ghi vào biên bản phiên họp ; và có quyền đưa ra tái biểu quyết trong những lần họp tới.
Quốc gia nào lên nắm quyền Chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thì tên tuổi sẽ được thế giới chú ý đến nhiều, dễ tạo uy tín đối với các nước Nhưng ngược lại trách nhiệm rất nặng ,vì phải điều hành những buổi họp bàn về vấn đề hòa bình và an ninh thế giới. Ngoài ra cũng dự phần vào các biểu quyết. Muốn đảm nhận trọng trách này cho được trôi chảy, trước hết phải có đội ngũ chuyên viên am hiểu tường tận về tình hình thế giới, nghiên cứu cặn kẽ về những vấn đề rắc rối đang xảy ra. Thứ hai là phải có lập trường độc lập và theo mục tiêu, tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc, đó là bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới. Sự vi phạm nhân quyền trầm trọng ở một số quốc gia nào đó cũng là một đe dọa cho hòa bình thế giới. Khi một thành viên, thường trực hay không thường trực , muốn đưa một nghị quyết ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bàn luận, thì quốc gia chủ tịch đương nhiệm phải chấp thuận, chứ không được tránh né vì bất cứ lý do gì. Cho dù nghị quyết đó lên án chính quốc gia chủ tịch đương nhiệm. Việc nghị quyết đó được thông qua hay không lại là một vấn đề khác. Tóm lại, chỉ cần giữ ghế không thường trực là có thể yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thảo luận một vấn đề nào đó mà mình cho rằng đang là điểm nóng tranh chấp Nếu vì lý do nào đó, chẳng hạn như nghị trình quá nặng, không đủ thì giờ thảo luận... thì quốc gia giữ ghế Chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có quyền đề nghị điểm qua vấn đề này ngay trong những phiên thảo luận.
Khi biết được sự vận hành của Hội Đồng bảo An Liên Hiệp Quốc như vừa kể, người ta sẽ thấy rằng, tháng bảy này là cơ hội bằng vàng để Việt Nam đưa vấn đề tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Trung Quốc chắc chắn sẽ sử dụng vai trò ủy viên thường trực của mình trong Hội Đồng Bảo An, để phủ quyết bất cứ một Nghị Quyết nào của Liên Hiệp Quốc liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa. Tuy nhiên, Trung Quốc không có quyền ngăn cản Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đem ra thảo luận, hay bàn qua một chút trong các buổi họp. Trung quốc luôn sử dụng cái ghế uỷ viên thường trực để bao che cho những tham vọng của Bắc Kinh, thì Việt Nam cũng phải tận dụng vai trò Chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của mình. Hà Nội vẫn viện cớ cần giải quyết ôn hoà vấn đề này với Trung Quốc , thì Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chính là cơ chế giải quyết các tranh chấp ở khắp nơi bằng sự ôn hòa. Không những thế, Hoàng Sa – trường Sa cũng là vấn đề đe dọa an ninh khu vực từ 60 năm qua, tức là điều mà Hội Đồng bảo An Liên Hiệp Quốc phải giải quyết.
Hôm 17 tháng 7 vừa qua, Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã chủ trì phiên họp của Hội Đồng Bảo An về vấn đề Trẻ em trong xung đột vũ trang, và được báo chí của nhà nước khua chiêng gióng trống ầm ỹ; nhưng vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa không hề được đề cập tới.. Chỉ còn một tuần lễ nữa là Việt nam chấm dứt vai trò chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trong cương vị hiện tại, liệu Cộng Sản Việt Nam có dám đưa vấn đề tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa vào nghị trình để thảo luận hay không? Đây là vấn đề đã và đang gây đe dọa cho an ninh trong khu vực. Đồng thời cũng đe dọa nặng nề cho sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam. Hiện nay cơ hội đang nằm trong tầm tay, nếu Cộng Sản Việt Nam không làm được điều này thì rõ ràng những khua môi múa mỏ về lòng yêu nước của những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam từ trước đến nay chỉ là bịp bợm .
Nghe audio:
http://www.radiochantroimoi.com/spip.php?article4068
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment