Wednesday, July 23, 2008

Thấy gì qua vụ Trung Quốc buộc ExxonMobil hủy bỏ hợp tác với Việt Nam

Thấy gì qua vụ Trung Quốc buộc ExxonMobil hủy bỏ hợp tác với Việt Nam
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-07-23

Phần âm thanh

Tải xuống âm thanh

Trung Quốc đã liên tục gây sức ép buộc công ty ExxonMobil của Mỹ chấm dứt hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí trong Biển Đông.

Photo: AFP
Trụ sở chính của ExxonMobil ở Fairfax, VA.

Việc Bắc Kinh liên tục gây sức ép lên công ty ExxonMobil của Mỹ, yêu cầu công ty này rút lại những quyết định cùng với Việt Nam thăm dò để đi đến khai thác các mỏ dầu ngoài khơi vùng biển Miền Trung Việt Nam, đã khiến dư luận cho rằng Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách bá quyền của nước mạnh, bất kể công luận quốc tế và những chứng cứ lịch sử về chủ quyền quốc gia của các nước láng giềng.

Theo tin của hãng Reuters trích dẫn một bài viết từ South China Morning Post thì các nhà ngoại giao của Trung Quốc tại Washington DC đã liên tục vận động với công ty ExxonMobil của Mỹ để công ty này chấm dứt những hoạt động của họ trong việc hợp tác với Hà Nội thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi vùng biển Miền Trung của Việt Nam.

Những vận động ngầm này được công khai xác định chính thức vào ngày hôm nay. Nhiều tờ báo trong và ngoài Bắc Kinh có những thông tin mà Tân Hoa Xã cho rằng hai phía Việt Nam và ExxonMobil đã làm việc chung với nhau trong nhiều năm trước đây nhằm thăm dò, đánh giá trữ lượng dầu và tiến đến việc khai thác trong tương lai.

Sự kiện này khiến người ta nhớ lại cách đây không lâu, Trung Quốc đã áp lực mạnh mẽ khiến hãng dầu BP của Anh Quốc phải bỏ cuộc nửa chừng vào năm ngoái, khi đang khai thác giếng dầu tại một khu vực ngoài khơi Việt Nam. Tuy nhiên theo báo South China Morning Post thì BP đã thay đổi lập trường, và sẽ tiếp tục lại những cuộc thăm dò địa chất trong năm nay.

TQ bất bình với cam kết của TT Bush?
ExxonMobil cũng phản ứng khác với BP trước yêu cầu của Bắc Kinh. Công ty đã chính thức tuyên bố rằng chưa ký hợp đồng khai thác nào với Việt Nam, nhưng những khu vực mà ExxonMobil nhắm hợp tác thăm dò và lượng giá đều nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam.

Câu trả lời mạnh mẽ này phải chăng là một cú sốc cho Trung Quốc phát sinh từ những sự kiện hồi gần đây khi Thủ Tướng Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Hoa Kỳ đã nhận được cam kết rằng nước Mỹ sẽ ủng hộ chủ quyền quốc gia cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam?

Ông Trần Bình Nam, một cây viết bình luận có nhiều năm theo dõi tình hình Trung Quốc qua những nhận xét:

"Đây là một vấn đề có tính cách khá quan trọng. Mặc dầu trước đây hơn một năm khi hãng dầu BP của Anh Quốc ký giao kèo với Việt Nam khai thác dầu hoả phía gần đảo Côn Sơn thì Trung Quốc đã có một lần can thiệp như vậy và áp lực hãng BP và cuối cùng hãng BP đã bỏ giao kèo, thì lần này hành động cũng có vẻ tương tự như vậy nhưng tôi thấy nó rất là khác biệt với nhau vì BP thuộc nước Anh là một nước thực tế không mạnh lắm, nhưng còn ExxonMobil là một hãng dầu của Hoa Kỳ.

Mặc dầu ExxonMobil là một hãng của tư nhân nhưng việc ký giao kèo với Việt Nam thì nó cũng có liên quan đến vấn đề quyền lợi của Hoa Kỳ. Cho nên tôi nghĩ khi mà Trung Quốc đã quyết định làm một hành động áp lực hãng Exxon như vậy thì đây là hình thức mà có thể nói rằng, dĩ nhiên Trung Quốc trên danh nghĩa là nói để bảo toàn lãnh thổ của mình nhưng mà sự thật đây cũng phải hiểu là một sự tranh chấp, một sự đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của Hoa Kỳ tại vùng Thái Bình Dương.

Ông Trần Bình Nam
Mặc dầu ExxonMobil là một hãng của tư nhân nhưng việc ký giao kèo với Việt Nam thì nó cũng có liên quan đến vấn đề quyền lợi của Hoa Kỳ.
Cho nên tôi nghĩ khi mà Trung Quốc đã quyết định làm một hành động áp lực hãng Exxon như vậy thì đây là hình thức mà có thể nói rằng, dĩ nhiên Trung Quốc trên danh nghĩa là nói để bảo toàn lãnh thổ của mình nhưng mà sự thật đây cũng phải hiểu là một sự tranh chấp, một sự đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của Hoa Kỳ tại vùng Thái Bình Dương."

Chúng tôi hỏi ý kiến của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc Hội Việt Nam người có nhiều hiểu biết về vấn đề biên giới Việt Trung thì được ông đưa ra nhận định:

"Việc Việt Nam tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa thì là những tuyên bố lịch sử và đã có đầy đủ những căn cứ lịch sử để xác nhận điều đó.
Vừa qua chính quyền Mỹ đã tuyên bố là tôn trọng lãnh thổ của nước Việt Nam thì tuyên bố đó có thể gây sốc với ai đó chăng, nhưng mà tôi nghĩ rằng việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam là chuyện đương nhiên và lẽ ra nước nào cũng cần tuyên bố như vậy, bởi vì toàn vẹn lãnh thổ là chuyện có căn cứ, có lịch sử.
Tôi thấy rằng là, tôi tin rằng là những tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc đã nhiều lần lập đi lập lại, tôi tỉn rằng là mọi chuyện đều có thể giải quyết được và thương lượng hoà bình."

Chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh
Mặc dù Nhà nước Việt Nam luôn tỏ ra mềm dẻo nhưng đổi lại Trung Quốc luôn mang đến những chèn ép lộ liễu khó thể chấp nhận. Thế nhưng lần này có những diễn biến khác xa với những lần trước, sau khi Thủ Tướng Việt Nam sang Mỹ. Công ty BP của Anh trở lại tiếp tục nghiên cứu, và hãng dầu mà Trung Quốc chống đối là công ty của Hoa Kỳ, không dễ bức hiếp.

Sau khi sự việc xảy ra, một giới chức hành pháp của Mỹ tiết lộ rằng Bộ Ngoại Giao Mỹ đã cho Đại Sứ Quán Việt Nam tại Washington biết những động thái này của Trung Quốc vào sáng hôm nay.

Hành động này nói lên mối quan tâm của chính phủ Mỹ đối với sự việc là có thật và vì vậy cuộc tranh chấp mà phía Trung Quốc luôn giành phần thắng có thể sẽ trở nên khó khăn hơn. Ông Trần Bình Nam cũng đồng ý với những nhận định vừa nêu:

"Trong vòng năm bảy năm qua thì mình thấy quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hết sức là tế nhị mặc dầu hai nước luôn luôn dòm ngó lẫn nhau nhưng bên ngoài thì những động thái của hai nước đối với nhau thì sự thật rất là tế nhị.

Nói cách khác, đối với phần Trung Quốc thì tôi thấy Trung Quốc khi nào cũng tránh việc có đụng chạm trực tiếp với Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ cũng vậy, có những việc không có gì quan trọng lắm thì Hoa Kỳ cũng ít khi lên tiếng về những vấn đề gì có đụng chạm đến Trung Quốc.

Nói cách khác, đối với phần Trung Quốc thì tôi thấy Trung Quốc khi nào cũng tránh việc có đụng chạm trực tiếp với Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ cũng vậy, có những việc không có gì quan trọng lắm thì Hoa Kỳ cũng ít khi lên tiếng về những vấn đề gì có đụng chạm đến Trung Quốc.

Ông Trần Bình Nam
Tôi lấy thí dụ một việc thôi là tháng 12-2007 khi Quốc Hội Trung Quốc ra nghị quyết thành lập thành phố Tam Sa, trong đó gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, thì sự thật việc này cũng có đụng chạm tới vấn đề Hoa Kỳ chớ không phải là không, vì Hoàng Sa - Trường Sa nằm trên đường biển thông thương từ Ấn Độ Dương lên Miền Bắc Thái Bình Dương, nhưng mà Hoa Kỳ cũng đã tế nhị, không có lên tiếng. Tuy nhiên, lần này động thái của Trung Quốc đối với việc áp lực hãng ExxonMobil thì tôi nghĩ Hoa Kỳ trong lần này khó mà không lên tiếng."
Dư luận quốc tế cho rằng vai trò của Việt Nam thật ra rất khó khăn trong khi phải đối phó với một nước vừa giàu vừa mạnh lại vừa nhiều tham vọng như Trung Quốc.

No comments: