Monday, July 21, 2008
Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ cờ truyền thống của dân tộc Việt Nam
Nguyễn Chính Kết
Cờ vàng ba sọc đỏ không phải chỉ là cờ của nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa, mà đã có từ thời vua Thành Thái từ năm 1890 kéo dài 30 năm cho đến năm 1920 (1*). Đến thời Bảo Đại khi ông Trần Trọng Kim làm thủ tướng, cờ truyền thống nền vàng ba sọc đỏ đã được chính thức công nhận là quốc kỳ bằng sắc lệnh số 3 ngày 2/6/1948, do Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân ký với tư cách thủ tướng chánh phủ lâm thời Quốc Gia Việt Nam lúc ấy (2*).
Cờ Việt nền vàng bắt nguồn từ truyền thống dân tộc Việt có từ thời Hai Bà Trưng, được cải tiến nhiều lần qua thời gian và cuối cùng có hình dạng nền vàng ba sọc đỏ như hiện nay. Để biểu lộ lòng yêu dân tộc và trung thành với truyền thống dân tộc Việt thì cờ của dân tộc Việt Nam phải có nền vàng.
Người viết tham dự cuộc diễn hành văn hóa quốc tế tại New York ngày 21/7/2008
Như vậy, cờ vàng ba sọc đỏ – đã có từ 118 năm trước (tính đến năm nay, 2008) – không phải chỉ là cờ của một chế độ hay một thể chế chính trị nào, mà là quốc kỳ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Khi Việt Nam bị chia đôi thành hai miền Nam Bắc, các Chính phủ Miền Nam dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, do trung thành với truyền thống dân tộc, đã dùng lá cờ vàng của dân tộc làm quốc kỳ. Dưới ngọn cờ biểu tượng cho chính nghĩa Tự Do này, tập thể dân quân miền Nam Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu để tự vệ, chống lại cộng sản xâm lược từ miền Bắc vốn được Liên Sô và Trung Quốc đắc lực trợ giúp vũ khí và nhân sự.
Việt Sử là một lịch sử tranh đấu hào hùng, dai dẳng và kiên trì cho nền tự do, độc lập của toàn dân tộc khi bị giặc Hán cai trị hàng ngàn năm, bị giặc Tây đô hộ gần 100 năm, và hiện nay đang bị giặc nội xâm cộng sản toàn trị suốt mấy chục năm qua. Qua các cuộc tranh đấu cứu nước, cờ của dân tộc, dù thay đổi tùy thời đại, luôn luôn có nền màu vàng. Người Việt hải ngoại và các chiến sĩ tự do đang đấu tranh ở quốc nội coi Cờ Vàng là biểu tượng cho cuộc tranh đấu dành lại tự do, dân chủ và độc lập cho dân tộc Việt Nam. Vì thế, cờ vàng ba sọc đỏ minh nhiên là cờ chung của cả dân tộc Việt Nam và của những người Việt Nam đang theo đuổi lý tưởng tranh đấu cho tự do dân chủ.
Năm 1975, cộng sản miền Bắc đã cưỡng chiếm được Miền Nam bằng bạo lực tàn ác và những thủ đoạn chính trị gian xảo, nước Việt Nam được thống nhất dưới chế độ cộng sản độc tài hà khắc. Đảng cộng sản đã áp đặt người dân hai miền phải dùng lá cờ nền đỏ sao vàng. Nền đỏ là nền cờ của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như của Đảng Cộng Sản Quốc Tế (với hình búa liềm). Nó hoàn toàn không có tính dân tộc hay tình tự dân tộc. Người Việt gọi là "cờ máu" rất đúng vì cờ này được xây dựng trên máu xương của hàng triệu người dân vô tội đã chết cách hết sức oan uổng. Thật vậy, dưới lá cờ này, người dân Việt Nam đã phải hy sinh quá nhiều xương máu một cách thê thảm, phí phạm và vô ích. Những lá cờ nền đỏ của các nước cộng sản đều có nhiều nét tương tự nhau: cờ Liên Sô có một sao đỏ và hình búa liềm, cờ Trung Cộng có 1 sao lớn 4 sao nhỏ màu vàng. Lá cờ CSVN có một sao lớn màu vàng y hệt như lá cờ của tỉnh Phúc Châu Trung Quốc. Nó chỉ có thể là cờ riêng của một chế độ CSVN, một chế độ độc tài tàn ác, đàn áp bóc lột nhân dân, tước đoạt mọi quyền của con người, kể cả quyền tự do tôn giáo và quyền căn bản nhất là quyền tự vệ trước sự đàn áp bóc lột của chế độ. Đó quả là một chế độ hoàn toàn ngược lại với ý chí và quyền lợi của dân chúng. Vì thế, cờ đỏ sao vàng của CSVN hoàn toàn không phải là cờ của dân tộc, trái lại, nó là lá cờ thù nghịch với dân tộc Việt Nam, thù nghịch với các tôn giáo, các tín đồ tôn giáo.
Không sống nổi dưới chế độ phi nhân này, trên 3 triệu người Việt đã phải vượt biên vượt biển tìm tự do, mang theo lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu bắt nguồn từ truyền thống dân tộc. Kể từ đó, lá cờ này đã trở thành biểu tượng của Tự Do cho toàn thể khối người Việt tự do trên khắp thế giới.
Tóm lại, qua những trình bày trên, ta thấy cờ vàng là cờ truyền thống của dân tộc Việt Nam, vì dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đã chọn màu cờ vàng là cờ của quốc gia dân tộc. Trung thành với truyền thống đó, cờ vàng ba sọc đỏ chính là cờ truyền thống của dân tộc Việt Nam, chứ không phải của riêng một thể chế nào.
Tôi rất lấy làm lạ khi thấy nhiều người từ trong nước ra hải ngoại – kể cả những tu sĩ, những chức sắc cao cấp nhất, trí thức nhất trong các tôn giáo – lại tỏ thái độ tránh né lá cờ Tự Do, lá cờ truyền thống của dân tộc đã tồn tại từ 118 năm nay. Tại sao? Tại sao khi đến với đồng bào hải ngoại thân thương ruột thịt, họ lại tỏ ra e ngại, tránh né, thậm chí xúc phạm đến biểu tượng mà người Việt hải ngoại hết sức trân quý, yêu thương, cũng là biểu tượng cho Tự Do Dân Chủ, một nhu cầu tối yếu mà chính người trong nước đang khao khát nhưng chưa có? Phải chăng họ e sợ khi trở về nước sẽ bị công an trong nước bắt bẻ, hành tội một cách phi lý? Là người trí thức, có khả năng ăn nói mạnh mẽ và lý luận cao hơn người thường, lẽ nào họ lại không biết cách giải thích phân minh cho công an, cán bộ cộng sản hiểu rằng: lá cờ vàng ba sọc đỏ không chỉ là cờ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà còn là cờ truyền thống của dân tộc, của lý tưởng tự do dân chủ của người Việt? Nếu CSVN đã công nhận người Việt hải ngoại là "khúc ruột ngàn dặm" của họ thì mặc nhiên họ đã công nhận biểu tượng hay lá cờ của "khúc ruột ngàn dặm" ấy rồi!
Các tu sĩ tôn giáo chắc chắn phải biết lá cờ nào là thù nghịch với tôn giáo, với niềm tin tôn giáo của họ. Họ phải biết lá cờ nào đã từng chủ trương tiêu diệt họ, hạn chế tự do tôn giáo của họ, và cờ nào là cờ đang tranh đấu cho chính họ để họ được tự do hành đạo chứ! Chẳng lẽ họ không phân biệt được cờ nào là bạn, cờ nào là thù?
Biết bao thường dân nhỏ bé, thậm chí là "liễu yếu đào tơ", tiếng nói ít sức mạnh và ít ảnh hưởng hơn họ rất nhiều, thế mà vẫn dám đứng thẳng lưng trước bạo quyền… Gương của những Lê thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Tiến Nam… là những người mới chỉ khoảng 30 tuổi đầu, đã dám đối đáp với bạo quyền với tất cả khí phách của mình, gương đó đang sờ sờ trước mắt họ! Lẽ nào đường đường là những "đấng", những "ngài", những "bậc" với tiếng nói "có gang có thép" – lại chấp nhận khom lưng, run sợ bạo quyền tới mức độ không dám hành xử theo lẽ phải, theo lương tâm mình? Lẽ nào lại sẵn sàng làm những điều trái với lương tâm, trái với chủ trương của đạo giáo mình, trái với những lời thề nguyền của mình trước những đấng thiêng liêng (3*) …?
Tôi xin chấm dứt bài này bằng nhận định xác đáng của Gs Nguyễn Ngọc Huy:
"Hiện nay, quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ không còn được chánh thức dùng bên trong nước Việt Nam, nhưng mọi người Việt Nam ở quốc nội đều biết rằng nó là lá cờ tượng trưng cho nền độc lập và tự do của Tổ Quốc, chống lại chế độ cộng sản tàn ác, phi nhân và nô lệ ngoại bang. Bên ngoài Việt Nam, nó cũng được người ngoại quốc xem là biểu tượng của phía người Việt Nam chống lại chế độ cộng sản. Không biểu tượng nào khác có thể thay thế cờ vàng ba sọc đỏ về các mặt này. Vậy, việc tỏ lòng tôn trọng Quốc Kỳ nền vàng ba sọc đỏ và dùng nó một cách rộng rãi ở nơi nào có người quốc gia Việt Nam là một công cuộc đóng góp lớn vào việc giải phóng đất nước khỏi ách độc tài Cộng Sản" (4*).
Washington DC, ngày 21/7/2008
Nguyễn Chính Kết
__________________________
Chú Thích:
(1*) Tài liệu "Quốc Kỳ Việt Nam: Nguồn Gốc và Lẽ Chính Thống" của KS Nguyễn Đình Sài (http://lichsuviet.cjb.net/view_article.asp?id=301&cat=3 ) viết: "Năm 1890, nhà vua [=Thành Thái] xuống chiếu thay đổi quốc kỳ chữ Hán [của thời Đồng Khánh] bằng quốc kỳ mới. Lá cờ nền Vàng Ba Sọc Đỏ lần đầu tiên được cấu tạo và được dùng làm quốc kỳ". (Note: những chữ trong ngặc móc […] là giải thích của người viết).
(2*) Cũng theo tài liệu trên.
(3*) Trong số những kinh do các vị chức sắc Công giáo đặt ra, kinh "Suy tôn Nữ vương Gia đình" thường được giáo dân đọc trước 1975 có một lời thề nguyền: "Gia đình con xin nguyền không theo thuyết Cộng Sản vô thần! " Lẽ nào những người soạn ra, những người từng khuyến khích mọi người đọc kinh này lại chóng quên đến thế lời thề nguyền ấy?
(4*) Xem bài "Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy", phần D (http://www.danviet.net/biensoan/print.asp?Article_ID=61 ), số 3 §2.
__________________________
Phụ lục:
Hình Cờ Vàng truyền thống qua các triều đại
http://www.trangdenonline.com/ArticleDetail.asp?item_id=1966&
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment