Tuesday, July 1, 2008

Chuyện ông Võ Văn Kiệt

Tuệ Chương Hoàng Long Hải

Người xưa, khi khen chê, phê phán một người nào đó, họ không vội kết luận. Chờ khi người đó qua đời thì người ta mới “cái quan định luận”. “Cái quan” là đóng nắp hòm lại, rồi sau đó mới “định luận” người ấy tốt xấu, độc ác hay nhân từ ra sao!

Ngày nay, chuyện luận định một người theo kiểu ông bà chúng ta ngày xưa hơi khó. Cuộc sống của người xưa đơn giản, không quan hệ nhiều với người chung quanh, với thế giới bên ngoài, cho nên việc luận định một người nào, không khó lắm, nhất là những người chỉ sống trong làng, không quan quyền chức tước gì; hoặc giả có làm gì đi nữa, cuộc đời họ cũng không có gì phức tạp, mờ ám. Thậm chí, có người thi đổ nhưng không làm quan, hoặc làm quan nhưng xin về trí sĩ khi còn trẻ, rồi làm nghề gõ đầu trẻ, truyền thụ lời giáo huấn của thánh hiền cho đám hậu sinh. Do đó, việc luận định cuộc đời họ, con người họ tương đối dễ dàng. Căn bản của chế độ phong kiến ngày trước là trung hiếu. Ai vẹn toàn hai chữ trung hiếu thì coi như để được tiếng tốt cho đời.

Ngày nay không thế, cuộc sống trong làng xã, trong quốc gia đã phức tạp mà quan hệ sinh hoạt quốc tế lại càng phức tạp hơn, thì việc luận định con người ta khó khăn hơn, rắc rối hơn.

Đối với những nhân vật lớn, công việc lại càng khó khăn bội phần.

Chẳng hạn như các ông Bảo Đại, ông Ngô Đình Diệm, ông Nguyễn Văn Thiệu, ông Dương Văn Minh, ông Hồ Chí Minh, việc phê phán cái tốt cái xấu của họ, mặc dù người ta cũng có ít nhiều tài liệu chứng tỏ cái sai cái đúng của họ. Cái tốt cái xấu của mỗi người tương đối rõ ràng, chứng minh được, nhưng nếu như muốn có một lời kết thúc một đời họ, phê phán một câu, lại không phải dễ dàng, nếu muốn hoàn toàn khách quan, trung thực.

Thực vậy. Tuy không nhiều, ngày nay cũng có người lên tiếng bênh vực vua Bảo Đại, bày tỏ sự thông cảm đối với một người “làm vua một nước nô lệ”. Trường hợp tổng thống Ngô Đình Diệm lại phức tạp, khó khăn hơn. Với người miền Bắc, Việt Cộng gọi ông Ngô Đình Diệm là “Thằng Diệm”, gọi chung phe miền Nam là “Mỹ Diệm”. Cách gọi như thế, không có chi phải bàn, không đáng cho ta bận tâm. Đó là cách gọi tuyên truyền, quá khích, phỉ báng, bôi lọ, không cần phải trái, không cần đúng sai, và dĩ nhiên họ chẳng có một chút lương tâm nào.

Điều đáng nói là ngay trong những người miền Nam, người khen, kẻ chê không phải là ít. Việc khen chê ấy không thiếu phần chủ quan, thậm chí nhiều khi có dụng ý, có ý đồ. Có ý đồ nên không thể khách quan được.

Di chúc của Nhất Linh có câu: “Đời tôi để lịch sử xử…”

Trước hết, Nhất Linh muốn nói ông Ngô Đìnhh Diệm không thể đem Nhất Linh ra tòa để xử có tội hay không có tội được; lại càng không thể xử ông là người yêu nước hay không yêu nước được.

Lời ấy khá chí lý. Chúng ta có quyền gì, đứng trên lập trường, quan điểm nào, vị thế nào để phán xét người nầy có công, người kia có tội. Sự phán xét ấy thuộc về thuộc về xã hội. Nhưng thậm chí, trong nhiều trường hợp, xã hội hiện tại cũng không thể phê phán đúng về một ai.

Ông quan tòa đứng lên tuyên án người nầy người kia là có tội, không có tội, rồi cho người nầy người kia ở tù dài ngắn khác nhau, thậm chí chung thân tử hình, tha bổng. Ấy là quan tòa căn cứ trên luật pháp. Nhưng liệu luật pháp đó có đúng không, có hoàn hảo không, có sai lầm không. Điều rất rõ khi các ông quan tòa ấy là người của những chế độ độc tài, có bao giờ họ tuyên án đúng đâu!

Vậy về trường hợp ông Võ Van Kiệt thì sao?

Về ông Võ Văn Kiệt, người khen kẻ chê loạn xà ngầu. Ai khen đúng, ai chê sai. Hầu hết đều chủ quan. Những người Cộng Sản, nhất là những người từng theo phe ông Kiệt, những người không thuộc phe Lê Đức Anh, Đỗ Mười, những người từng bị Anh, Mười bỏ tù, cách chức, cho “nghỉ hưu sớm” thì khen loạn cả lên, cả Lê Hồng Hà, người từng là nạn nhân nghị quyết 31 do ông Kiệt ký, cũng khen ông Kiệt ghê gớm, thân ái gọi ông Kiệt bằng anh. Những kẻ theo phe Anh, Mười thì miệng câm như hến, khen thì không được, mà chê thì không dám chê công khai. Tựu chung, cả hai đám nầy, khen chê ông Kiệt không vô tư, không vì công lý, công bằng mà vì phe phái, quyền lợi, v.v… Dĩ nhiên, người Việt hải ngoại, những ai từng là nạn nhân Việt Cộng thì khen ông Kiệt thế nào được. Chuyện gia đình tan nát, ly tán, mất mát, chết chóc, gian khổ, đau đớn là do Việt Cộng. Trong đám Việt Cộng đó, lại không có Việt Cộng Võ Văn Kiệt hay sao?!

Tuy nhiên - lại tuy nhiên - nhìn vấn đề một cách trung thực, lương tâm, - đúng lương tâm của người Việt Nam, - không mặc cảm, không định kiến, không vì ai cả, thì phải nhìn Võ Văn Kiệt một cách khác, trước hết là nói về những cái đáng thương và sau đó, sẽ nói tới những cái sai lầm, mà sai lầm đó của ông Kiệt lại chính là tội ác của Võ Văn Kiệt đối với dân chúng, với dân tộc, ở mức độ nghiêm trọng chứ không bình thường.

Khi nghe nói vợ ông và bốn người con bị bắn chết khi đang đi trên một chiếc ghe trên sông Saigon, ngang chỗ bây giờ là bến đò đi qua Dầu Tiếng, tôi không khỏi xúc động. Đó chỉ là cái bản tính tự nhiên của một người Việt Nam. Những người chết thì đã đành, yên thân, nhưng với môt người chồng, người cha, khi nghe tin vợ và các con mình chết thảm, ai không đau đớn. Cái xúc cảm ấy là bình thường.

Tuy nhiên, với Cộng Sản thì không bình thường. Vì không bình thường nên sẽ có người chê trách tôi trong sự xúc động tôi vừa nói đấy. Ai lại có thể thương xót cho Việt Cộng!? Việt Cộng đối với chúng ta tàn ác như thế nào, “triệt để” như thế nào, chúng ta quên được chăng? Chuyện chúng ta mất cái “loon”, mất cái ghế, một chức vị, danh vọng, nói cho cùng, chẳng có gì đáng kể. Nhưng việc gia đình chúng ta ly tán, chết chóc, mất cái nhà để ở, mất cái xe để đi, con cái bị thất học, chúng ta bị tù đày, đàyđọa, bị nhục mạ, mất nhân phẩm, thì không thể là bình thường, không đáng kể được. Việt Cộng đàn áp con cái chúng ta khi chúng còn trong trứng nước. Do đó, việc vợ con ông Võ Văn Kiệt chết thảm trên sông Saigon thì cũng chỉ là “ân oán”, hại người người hại, có chi mà phải xúc động.

Tôi nghĩ tôi là người Việt Nam, tôi có những xúc cảm bình thường của một người Việt Nam. Tuy nhiên, nhưng người không đồng ý với tôi, họ có cái lý của họ, khi gia đình họ bị cuộc “cách mạng triệt để” của Việt Cộng đàn áp đến mức độ triệt để, nhất là đối với con cái của họ.

Nhiều người chế độ cũ bị bắt đi “tù cải tạo”, gia đình trải qua muôn ngàn gian khổ. Nay đuợc định cư ở Mỹ, con cái có cơ hội đi học trở lại, và thành công. Giả tỉ gia đình họ còn tiếp tục ở lại Việt Nam thì con cái họ ra sao, học hành như thế nào hay vẫn còn bị Việt Cộng đàn áp, không cất đầu lên được, tương lai mù mịt. Trong sự tàn ác đó, há không có sự đóng góp của Việt Cộng Võ Văn Kiệt hay sao?

Nhìn vấn đề một cách sâu sắc hơn, chúng ta thấy một điều rất căn bản: Vì chủ nghĩa Cộng Sản, vì đảng Cộng Sản, vì tham vọng của những tên Việt Cộng đầu sỏ, nên dân tộc Việt Nam rơi vào một cuộc chiến tranh rất tàn ác, mà lòng người thì ly tán, chia cách, thù hận, ghét bỏ nhau đến độ tán tận lương tâm, triệt tiêu cả tấm lòng nhân ái truyền thống của dân tộc. Trách nhiệm nầy, đảng Cộng Sản Việt Nam không đổ vấy cho ai được.

Về cá nhân ông Võ Văn Kiệt, tôi đưa ra một vài sự kiện cụ thể như sau:

Khi làm chủ tịch nhân dân “thành phố Hồ Chí Minh” ông là người thi hành chương trình “Kinh Tế Mới” (KTM) của Việt Cộng.

Kết quả của chương trình nầy như thế nào?

Bao nhiêu người bị bắt buộc bỏ nhà bỏ cửa ra đi, bị đày đọa trong các khu kinh tế mới, đói khổ, thiếu thốn, chết chóc vì bệnh hoạn, gia đình tan tác; nói sao cho hết. Đối với dân chúng Saigon, những ai là nạn nhân Kinh Tế Mới, chính là nạn nhân của ông Võ Văn Kiệt.

Sau khi “tù cải tạo” về, lang thang ở Saigon, tôi được nghe câu chuyện như sau:

Khi làm chủ tịch ủy ban nhân dân TPHCM, thi hành chương trình KTM, một đêm khuya Võ Văn Kiệt đi ra chỗ hồ Con Rùa thì gặp mấy con ma đói, con ma nào cũng ăn mặc rách rưới, dơ bẩn, đang nói chuyện với nhau. Một con ma hỏi hai con kia:

- “Anh chết hồi nào?”

Con ma kia trả lời:

- “Tôi chết hồi chiến tranh thế giới thứ hai.”

- “Còn anh?” Con ma thứ nhất tiếp tục hỏi.

- “Tôi chết hồi “Nam bộ kháng chiến.”

Thấy vậy, con ma thứ ba bèn nói:

- “Không! Tôi không phải là ma! Tôi mới từ khu Kinh Tế Mới mới trốn về.”

Tại sao không phải ai khác mà chính Võ Văn Kiệt ra hồ Con Rùa lúc đêm khuya để gặp ma. Người đặt ra câu chuyện ma nầy muốn nhấn mạnh ở chỗ, chính Võ Văn Kiệt là người đã tạo ra “Những con ma Kinh Tế Mới.”

Sau khi thôi làm chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, có lần Võ Văn Kiệt mai mỉa: “Không phải khu Kinh Tế Mới mà chính là khu Kinh Tế Khác”. Có nghĩa ông ta muốn chê chương trình KTM. Nó không có gì gọi là Mới cả, chỉ mà một khu kinh tế khác mà thôi.

Ông ta biết KTM là sai lầm, và ông ta có nói như thế, cũng chỉ nói trong đám thuộc hạ của ông, với một ít trí thức miền Nam ở lại hợp tác với Việt Cộng. Chưa bao giờ Võ Văn Kiệt công khai xác nhận chương trình Kinh Tế Mới là một sai lầm lớn của đảng (CS) chứ đừng nói Võ Văn Kiệt xác nhận đó là một tai họa cho dân chúng, cho đất nước, là một tội ác, như câu nói của Khổng Tử: “Làm chính trị mà lầm là hại một nước.” Ông ta thiếu sự thành thật hay ông ta thiếu cái Dũng của người xưa. Nói như thế đều sai: Có bao giờ Việt Cộng thành thật công nhận họ đã làm sai, nghĩ bậy. Có bao giờ Việt Cộng noi theo cái Dũng của người xưa, mà họ từng phê phán, đã kích là “Phong kiến phản động.”

Khi tiếp xúc với trí thức miền Nam ở lại sau tháng Tư – 1975, Võ Văn Kiệt mới thấy Việt Cộng dốt quá. Miền Bắc “chi viện” cán bộ cho miền Nam, những cán bộ đó i-tờ quá, không biết gì, không làm được gì, trong khi đó thì trí thức miền Nam ở lại chính là những người “mở mắt” cho Võ Văn Kiệt, vì vậy, ông ta yêu cầu cán bộ Việt Cộng không được gọi họ là “ngụy” như đường lối chính sách của đảng (Cộng Sản). Võ Văn Kiệt nói: “Gọi họ là “ngụy” mà chúng ta phải học hỏi nơi họ thì nghe kỳ quá.” Một vài người tôi quen ở trong “Hội Trí Thức Yêu Nước”, số 42 đường Nguyễn Thị Minh Khai kể cho tôi nghe câu chuyện đó, và họ phê phán rằng ông Võ Văn Kiêt cũng không dám công khai nói thẳng việc ấy ra để sửa đổi phương cách tuyên truyền của Việt Cộng. .

Những người khen ông Võ Văn Kiệt cho rằng ông là “kiến trúc sư” của chương trình đổi mới, cởi trói… gì đó. Một người học chưa quá bậc tiểu học nhìn và thấy được tình hình đất nước như thế, đổi mới như thế thì cũng gọi là tạm được.

Tại sao tôi gọi là tạm được?

Là bởi ông Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Văn Linh, những người chủ trương đổi mới cũng chỉ là người đi học mót người ta chớ có phải sáng kiến, tiên tri, tiên đoán gì đâu. Chẳng qua thấy bên Liên Xô, ông Gorbachov đổi mới, cởi trói thì “quý ông” bên Việt Nam cũng làm theo cho đúng với bài bản của sư phụ, chứ không phải tự họ thông minh, sáng kiến, tìm được com đường phải đi. Còn lòng dạ họ thì một mực trung thành với chủ nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa Mác. (Bây giờ người ta chỉ nghe ông Võ Văn Kiệt nói chủ nghĩa Mác mà không nói Mác-Lê(nin). Họ thấy được Lênin là tay “bá đạo” rồi chăng?

Võ Văn Kiệt chỉ thuộc bài có nửa chừng, còn nửa kia, thì không thuộc vì nhát gan hay tối dạ?

Nửa kia là nửa gì?

Gorbachov, tiếp nối là Yeltsin. Yeltsin cũng là môt ủy viên trung ương đảng Cộng Sản Liên Xô nhưng ông ta sổ toẹt vào cái ủy viên đó, vào cái đảng đó. Yelsin từ bỏ đảng Cộng Sản, đuổi nó ra khỏi chính quyền, thành lập một nước Nga mới có dân chủ, có tự do. Nhờ đó nên Yeltsin trở thành anh hùng của dân tộc Nga. Dân Nga ngày nay thoát ách độc tài đảng trị, có tự do, có dân chủ, chính là nhờ sự sáng suốt và can đảm, dứt khoát của Yeltsin.

Võ Văn Kiệt không thể đi tiếp đoạn đường thứ hai mà Yeltsin đã đi. Do đó mới có cái quái thai “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Võ Văn Kiệt không thể là một anh hùng, một người cứu dân cứu nước như Yeltsin đã làm. Đảng Cộng Sản Việt Nam không có anh hùng, hay Việt Cộng đã làm tiêu tán tinh thần anh hùng của Lê Lợi, của Nguyễn Biễu, của Nguyễn Thái Học, Ký Con. v.v…và tạo ra những con thiêu thân Phan Đình Gíot, Cù Chính Lan, Lê Mã Lương rồi tuyên truyền họ là những anh hùng xã hội chủ nghĩa.

Kết quả đổi mới của ông Võ Văn Kiệt đã đem lại được gì?

Trước hết là một giai cấp mới: giai cấp đảng viên tư sản đỏ. Giai cấp nầy càng giàu lên mau chóng thì thành phần đối nghịch là người nghèo càng ngày càng nghèo hơn. Càng đói rách hơn, sự phân biệt, hố chia cắt giữa giàu nghèo càng rộng lớn hơn. Nhìn chung, đa số dân chúng vẫn cứ tiếp tục sống đời nghèo khổ, thiếu thốn. Dù Võ Văn Kiệt có lòng thương người, thương dân thì kết quả việc ông làm có kết quả trái ngược lại.

Hiện giờ, dân tộc còn lầm than, đói khổ, thiếu thốn, không có tự do, dân chủ, cũng chính là Võ Văn Kiệt góp phần không nhỏ vậy. Đó là chưa kể điều đáng phê phán nhứt là Nghị quyết 31 do Võ Văn Kiệt ký. Đó là một biện pháp đàn áp những người yêu dân chủ, tự do một cách hiệu quả nhứt, tàn ác nhứt, phi dân chủ nhứt, trái luật pháp nhứt, vi phạm hiến pháp nhứt dù đó là hiến pháp của Việt Cộng.

Tục ngữ Tây phương có câu: “Trong đám người mù, kẻ chột là vua”. Đám chóp bu ngồi ở Bắc Bộ phủ là một đám mù, mặc dù như Lê Đức Anh, trong thực tế, chỉ mới bị chột. Trong số đó, Võ Văn Kiệt là người chột. Dù ông ta có tài ba khôn khéo, lòng dạ tốt như thế nào, thì ông ta nhìn mọi vấn đề đất nước, dân tộc chỉ mới bằng một mắt, thua xa người nhìn vấn đề bằng cả hai mắt.

Thật ra, Võ Văn Kiệt vẫn còn tin tưởng một cách triệt để vào chủ nghĩa Mác, vẫn còn mù quáng khi ông còn cho rằng “Mác là vĩ đại”. Từ chỗ mù quáng đó, Võ Văn Kiệt cho rằng chính nhờ chủ nghĩa Cộng Sản nên Cộng Sản Việt Nam đã thắng Pháp năm 1954, thắng Mỹ năm 1975 và đổi mới năm 1985, sau “mười năm giải phóng, thống nhứt đất nước”

Từ chỗ mù quáng đó, Võ Văn Kiệt không thấy rằng Cộng Sản Việt Nam đã gây nên biết bao tội lỗi: Tàn sát những người yêu nước không theo Cộng Sản, giết chết hàng vạn người trong “Cải Cách Ruộng Đất”, gây chiến tranh làm cho hàng triệu người chết khi “xâm lược miền Nam Việt Nam”… Cũng chính vì sự mù quáng đó mà Võ Văn Kiệt đã đẩy hàng vạn người lâm vào cảnh đói khổ, chết chóc ở các khu Kinh Té Mới do chính Võ Văn Kiệt lập ra.

Nói cho cùng, Võ Văn Kiệt có tán tận lương tâm cũng chính vì cái tham vọng quyền lực của ông ta cũng như những tên ngồi trong bộ chính trị, những tên chóp bu Việt Cộng.

Họ chỉ là một nhóm người hơn mười người. Họ cho người nầy làm vua (Chủ tịch nước), người kia làm thủ tướng, người nọ làm sếp sòng quốc hội, làm bộ trưởng, thứ trưởng, v.v… Họ chính là những kẻ “Siêu quyền lực”, “siêu quốc gia”, “siêu dân tôc”. Vua cũng từ đám đó mà ra, quyền lực cũng từ đám đó mà ra, “quốc gia” cũng từ đám đó mà ra, “dân tộc” cũng từ đám đó mà ra.

Dù Võ Văn Kiệt, dù Lê Đức Anh, hay Đỗ Mười, không dễ gì họ từ bỏ cái tham vọng quyền lực. Không từ bỏ tham vọng quyền lực thì không thể từ bỏ Cộng Sản vì chính đảng Cộng Sản là nền tảng quyền lực của họ. Không thể từ bỏ Cộng Sản thì đất nước không thể có tự do, dân chủ. Do đó, không ai có thể nào thương yêu hay kính trọng đám người đó được, chưa nói căn ghét, thù hận.

Đảng Cộng Sản Việt Nam biết bao giờ mới có được một người như Yeltsin, biết nhìn vấn đề, có đủ khôn ngoan và can đảm để làm mọt cuộc cách mạng, đem lại tự do, dân chủ cho dân chúng bằng cách tự ý ra khỏi đảng và đẩy đảng Cộng Sản ra khỏi chính quyền???!!!

hoànglonghải

Phụ lục:

Yeltsin từng là một thành viên Đảng cộng sản Liên xô (CPSU) từ 1961 đến tháng 7, 1990, Trong 30 năm hoạt động với tư cách một đảng viên cộng sản, Yeltsin đã phát triển các mối quan hệ với những nhân vật chủ chốt bên trong cơ cấu quyền lực Sô viết.

Ông được chỉ định vào Bộ chính trị, và kiêm chức "Thị trưởng" Mátxcơva. Năm 1987, sau một cuộc đối đầu với Yegor Ligachev, người theo đường lối cứng rắn, Yeltsin bị hất khỏi các cương vị cao trong đảng. Ngày 21 tháng 10, 1987 trong phiên họp toàn thể Ủy ban trung ương Đảng cộng sản Liên xô, Yeltsin, to tiếng lên án Bộ chính trị, đòi từ chức khỏi bộ chính trị. Những lời chỉ trích của Yeltsin tiếp tục diễn ra ngày 11 tháng 11, 1987 tại phiên họp của Ủy ban đảng thành phố Mátxcơva. Ông không bị phát vãng hay bị bỏ tù như những trường hợp trước đó, Ông ở tình trạng rối loạn và nhục nhã nhưng đã bắt đầu sắp đặt kế hoạch trả thù. Cơ hội của ông đến khi Gorbachev thành lập Đại hội đại biểu nhân dân. Ông phục hồi chức vụ và bắt đầu chỉ trích mạnh mẽ Gorbachev, lấy sự chậm chạp trong quá trình cải tổ ở Liên xô làm mục tiêu.

Những lời chỉ trích của Yeltsin nhắm vào bộ chính trị và Gorbachev khiến ông phải chịu một chiến dịch bôi nhọ chống lại mình. Những người tổ chức chiến dịch bôi nhọ đó chắc chắn đã tin rằng việc tống khứ Yeltsin quá dễ dàng để thực hiện với những vụ scandal gây ra bởi cách cư xử vụng về của ông Yeltsin. Tuy nhiên, tình cảm bất mãn của dân chúng với chế độ lúc ấy rất mạnh mẽ, và bất kỳ một nỗ lực nào nhằm bôi nhọ Yeltsin chỉ càng khiến ông nổi tiếng hơn.

Tháng 3 năm 1989, Yeltsin được bầu vào Đại hội đại biểu nhân dân với tư cách đại biểu quận Mátxcơva và giành được ghế trong Sô viết tối cao. Tháng 5 năm 1990, ông được bầu làm chủ tịch Đoàn chủ tịch Sô viết tối cao Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Sô viết Nga (RSFSR). Ông được cả những thành viên theo hướng dân chủ và bảo thủ trong Sô viết tối cao, đang tìm cách nắm thêm quyền lực trong tình hình chính trị biến động của đất nước, ủng hộ.. Trong một nỗ lực nhằm giành thêm quyền lực vào tay mình, ngày 12 tháng 6, 1990, Đại hội đại biểu nhân dân RSFSR đã đồng ý đưa ra một tuyên bố về chủ quyền và Yeltsin rời khỏi Đảng cộng sản tháng 7, 1990.

Ngày 12 tháng 6, 1991, Yeltsin thắng 57% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống dân chủ của nhà nước cộng hòa Nga, đánh bại ứng cử viên được Gorbachev hậu thuẫn, Nikolai Ryzhkov.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, Yeltsin đã chỉ trích “sự chuyên chính của trung ương”, nhưng không đưa ra đề xuất về một nền kinh tế thị trường. Thay vào đó, ông nói rằng ông sẽ đưa đầu vào đường ray tàu hỏa nếu giá cả tăng lên. Yeltsin nhậm chức ngày 10 tháng 7.

Ngày 18 tháng 8, 1991, một vụ đảo chính lật đổ Gorbachev do những người cộng sản theo đường lối cứng rắn dưới sự lãnh đạo của Vladimir Kryuchkov diễn ra. Gorbachev bị giữ tại Crimea trong Yeltsin chạy vội tới Nhà trắng Nga (trụ sở Sô viết tối cao RSFSR) ở Mátxcơva để dẹp cuộc đảo chính. Nhà trắng bị quân đội bao vây nhưng quân đội đã thay đổi thái độ khi đối diện với những cuộc tuần hành lớn của nhân dân. Yeltsin đã phản ứng với cuộc đảo chính bằng một bài diễn văn đáng nhớ trên tháp pháo một chiếc xe tăng. Tới ngày 21 tháng 8, đa số lãnh đạo cuộc đảo chính đã phải bỏ chạy khỏi Mátxcơva và Gorbachev đã được “giải cứu” khỏi Crimea. Sau đó Gorbachov quay lại Mátxcơva. Sau này Yeltsin được những người ủng hộ trên khắp thế giới ca ngợi vì đã kêu gọi dân chúng đứng lên tuần hành phản đối vụ đảo chính.

Tháng 11 năm 1991, Yeltsin ra một nghị định cấm Đảng cộng sản trên toàn bộ nước Nga.
(VNE)

No comments: