Nguyễn Anh Tuấn
TINH THẦN CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC: THÁNH KINH LÀ LUẬT THIÊN NHIÊN
Tại thế giới Tây phương, Cựu Ước và Tân Ước đã truyền vào Âu châu từ năm 42 AD, tức 2000 năm nay, nhưng những lời cảnh cáo của Thiên Chúa đã không hiểu thấu đáo. MƯỜI ĐIỀU PHÁN TRUYỀN CỦA LUẬT GIAO ƯỚC (Ten Commandments) về cái nguy hiểm cho con người khi họ tôn thờ ngẫu tượng và bái vật trong đời sống. Lúc đó con người sẽ vi phạm luật giáo ước đã ký kết với Thiên Chúa và sống xa rời Thiên Chúa và xa rời Thiên lý, cũng như đã bỏ mất luật của Trời cao. Vì sống nghịch Thiên, nên con người đã chứng kiến và lãnh nhận bao hình phại kinh hoàng bởi sự phẫn nộ của Thiên Chúa. Hình ảnh ngẫu tượng của bò vàng mà dân Do Thái thờ lạy cũng có nghĩa là con người đã quay qua tôn thờ và đặt trọn niềm tin của họ vào những giá trị phù phiếm giả tạo của thế giới thuần túy vật chất hữu hình của thế gian để quay lưng trước luật Giao Ước (covenant) mà Moses đã được Thiên Chúa trao tận tay trên núi Sinai từ 3500 năm nay. Đây là luật của đạo đức vĩnh cửu dành để xây dựng con người, xây dựng gia đình và xây dựng quốc gia Do Thái. Tất cả phải xây dựng trên nền móng căn bản đạo đức ấy. Tất cả các luật về tôn giáo, luân lý, đạo đức, xã hội, chính trị hay kinh tế đều từ đó mà ra. Những luật lệ (the code of law) đó chi phối và hướng dẫn mọi khía cạnh của đời sống người dân và MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA DÂN VỚI THIÊN CHÚA, VÀ MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA NGƯỜI VÀ ANH EM ĐỒNG LOẠI.
Đối với các vương quyền, Thiên Chúa dặn rằng: "Người cầm quyền không được phán đoán xét xử bất công, không tôn trọng những người nghèo khó, hoặc không tôn kính những người có quyền năng đạo đức và phải xử dụng sự công chính để phán xét anh em các ngươi." (lev. 19, 15).
Các ngươi không được làm méo mó sự xét xử phán đoán, không được thiên vị, cũng không được nhận của hối lộ của kẻ khác, bởi vì hối lộ sẽ làm cho mắt các ngươi trở nên mù quáng và làm băng hoại lời người công chính.
Ngươi hãy sống theo những gì ta đã giao ước, để được sống an bình, và thừa hưởng Đất Hứa mà ta đã ban cho các ngươi (lev. 16:19, 20).
Sau này đến thời các tiên tri, họ cũng sống như các nhà hiền triết hay các thiền sư Phật giáo Đông phương. Tất cả qui tâm hướng nội để lắng nghe tiếng réo gọi của đấng Tạo Hóa. Sống một đời cô đơn, một cuộc đời lẻ loi đơn độc để cầu nguyện và hợp thông với Thiên Chúa. Những lời giảng dậy của các tiên tri thời Cựu Ước mang những đặc tính linh động.
Họ đã chiếu ánh sáng vào mỗi thời đại bằng cách nói về những nguyên tắc vĩnh cửu của trời đất luôn luôn cần thiết cho bất cứ hoàn cảnh nào của các thời đại. Công trình của Thiên Chúa từ bao ngàn năm qua vẫn còn có giá trị cho tất cả các thời đại. Họ đã lên tiếng chỉ trích những thói hư tật xấu trong đời sống xã hội, các vua chúa, các tư tế, các vương tôn và các nhà quý tộc.
Các tiên tri gồm có Amos, Hosea, Isaiah, Micah, Jeremiah, hay Ezekiel thời lưu đày.v.v...Các tiên tri đã đặt ra những nguyên tắc một cách rõ ràng để hướng dẫn, dìu dắt ngay trong đời sống về cách hành xử và ứng xử trên căn bản của luật đạo đức. Họ là những con người có phẩm hạnh cao quý, thường xuyên chống lại loại người chỉ muốn làm trọn phận sự bên ngoài như một bổn phận thông thường. Tiên tri thường nổi giận, thúc dục, lên tiếng phản đối ,đứng dậy một mình để đưa ra những đòi hỏi mạnh mẽ về việc áp dụng những nguyên tắc đạo đức vĩnh cửu trong đời sống tôn giáo và chính trị. Họ cho rằng, dìu dắt, hướng dẫn trong cuộc sống con người trong thực tế quan trọng hơn tế lễ nhiều. Họ kêu gọi cải cách luân lý đạo đức và báo động về sự nguy hiểm khi làm hư hoại tâm của con người.
Mỗi thời đại cần phải duyệt xét lại lịch sử. Muốn duyệt xét lịch sử thì phải nhìn vào hoàn cảnh của xã hội để tìm hiểu về tôn giáo, chính trị, xã hội và kinh tế, nghĩa là phải nhìn vào mọi khía cạnh nền tảng cho cuộc sống của con người. Để có thể có được một sự giải thích về lịch sử, con người không thể thiếu sót mục đích tối hậu của Thiên Chúa về lịch sử đối với nhân loại. Phải biết xử dụng những tiêu chuẩn giá trị và những nguyên tắc vĩnh cửu của Thiên Chúa để duyệt xét lại thời đại của chúng ta.
Tiên tri Amos và Hosea đến với Miền Bắc Do Thái, và Isaiah và Micah đến với Miền Nam. Ở đó về phương diện tôn giáo thì gần như vô tôn giáo. Không có ai còn muốn nghe nói về đạo lý của Thiên Chúa nữa, mà chỉ muốn nghe bói toán, phù thủy nói về sự ích kỷ, giả dối và vô đạo đức. Phù thủy, mê tín dị đoan, và các tiên tri giả tràn ngập Do Thái. Những tà thần của nước lân bang ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt tôn giáo. Con người thiếu hẳn tình thương, đạo đức và sự thanh liêm chính trực để người khác có thể tin tưởng.
"Con người lương thiện đã biến mất khỏi đất Do Thái. Những nhà luân lý đạo đức chẳng còn bóng dáng một ai... nhân tính của con người thì sống như bụi gai. Bạn bè cũng chẳng còn tin tưởng được nữa. (7:MC 2,4,5,6). Các tu sĩ thì cũng sa đọa hư đốn, tham lam, ích kỷ và vô luân (priests were corrupt, selfish, immoral, and greedy). Không còn tìm thấy điều gì tốt đẹp nơi tầng lớp lãnh đạo tôn giáo và xã hội. Những con người này phạm đủ mọi thứ tội lỗi; nhân phẩm, nhân cách và nhân tâm u ám băng hoại đã giết chết ánh sáng tâm linh. Trong khi đó Micah cho rằng, luật giao ước là công bình, tự chế, lương thiện, cẩn trọng, nhân từ, chính trực liêm chính và khiêm cung bước đi bên cạnh Thiên Chúa.
Còn tôn giáo và chính trị thì vi phạm luật Giao Ước như sau: 1 - áp chế kẻ nghèo; 2 - lạm dụng quyền lực; 3 - thiếu sự liêm chính; 4 - cẩu thả, bừa bãi và bất xứng về tôn giáo; 5 - tiên tri giả; và 6 - đồi trụy vì tham trong tổ chức tôn giáo và chính quyền.
Ngoài ra Thiên Chúa còn dặn dò dân rằng: "Đừng khoác hào quang và vinh danh kẻ nào về sự khôn ngoan của nó. Đừng khoác hào quang và vinh danh thứ anh hùng. Đừng khoác hào quang và vinh danh những kẻ nhiều tiền lắm bạc; mà hãy vinh danh và khoác hào quang đúng chỗ --- đó là hiểu biết SỰ TRỜI, và biết đến Ta, vì Ta là Thiên Chúa của các ngươi (Jer. 9:23).
Jeremiah cho rằng: "Tội lỗi là chuyện của TÂM và tội lỗi ấy phải được giải phẫu để gột rửa ngay từ cội nguồn sinh ra tội lỗi; đó là TÂM con người.
Giao Ước được Chúa Jesus giáng thế đưa đến để chú trọng tới TÂM con người từ tâm đó con người mới bảo đảm sự sống đích thực trên cuộc đời này và sự sống trong vương quốc của Thiên Chúa (The Kingdom of God) về sau. CỨU CÁNH CHO SỰ SỐNG TRÊN CUỘC ĐỜI TRẦN THẾ chỉ có ý nghĩa là sống không chỉ để sống; mà sống là để sửa soạn cho CỨU CÁNH TỐI HẬU VĨNH CỬU CỦA ĐỜI NGƯỜI. Trong khi đó khi giáng thế, Chúa Jesus đã từng nhắc nhở các môn đệ của Chúa rằng: "Đừng nghĩ rằng Ta đến để bỏ luật Giao Ước cũ và các lời dậy của các tiên tri; Ta không đến để loại bỏ, nhưng mà đến để tiếp nối bổ túc và kiện toàn viên mãn cho toàn bộ luật Giao Ước của Thiên Chúa" (Mathew, 5:17, 18).
Các nhà thần học Hoa Kỳ cho rằng, bài học về những luật lệ của đạo đức (ethical rules) đã được chính Chúa Jesus rút ra từ luật của Moses. Và Chúa Jesus đã chấp nhận Cựu Ước như những lời của Chúa Cha. Tân Ước đã bước theo con đường đó để hoàn tất công trình lịch sử cứu độ cho toàn thể nhân loại. Như vậy Đất Hứa của Cựu Ước là Đất Hứa hữu hình ở Canaan, Tức Jerusalem ngày nay. Nhưng Đất Hứa của Tân Ước là Đất Hứa vô hình, tức vương quốc của Thiên Chúa (The Kingdom of God) là Vương Quốc Tâm Linh (The Kingdom of Spiritual Being) của nhân loại.
Chúa Jesus đến trần gian để thực hành công trình cứu độ của Thiên Chúa. Chính Chúa Jesus là trung gian và là chất keo nối liền con người với người Cha chung của tất cả nhân loại; bởi vì mối tương quan mật thiết giữa con người và Thiên Chúa đã đứt lìa gẫy đổ từ khi Adam và Eva ăn trái cấm tại Vườn Địa Đàng. Phải chăng trái CẤM là biểu tượng nói về DỤC VỌNG của con người? Và phải chăng con rắn chính là biểu tượng về sự cám dỗ của thế gian (temptation)? Thế gian chính là thế giới vô thường của thế giới vật chất hữu hình. Đức Phật gọi đó là thế giới giả tạm của sắc tướng vô thường. Các nhà hiền triết Đông phương gọi là thế giới của ngoại vật đang sinh sinh hóa hóa trong vũ trụ thiên nhiên. Con người từ khi đến với thế giới đó đều đã trở nên sa ngã (fallen men).
Trong truyện Khởi Nguyên, Thiên Chúa đã dựng nên con người từ cát bụi và đã thổi thần khí vào mũi Adam để đưa hơi thở vào sự sống và Adam đã trở thành một linh hồn hằng sống (living soul) (Gen. 2:71). Như vậy thần khí là linh khí, Thiên khí, khí hạo nhiên hay chính khí của trời đất vũ trụ theo các nhà Đạo Học Đông phương. Thần khí ấy đã tạo dựng nên con người và đem sự sống linh thiêng đến cho con người trên mặt đất này.
Khi giáng thế, Chúa Jesus đã phán với con người: "Ta là ĐẠO, là ĐƯỜNG, là SỰ THẬT và là SỰ SỐNG (I am the Way, the Truth, and the Life (Ga. 14:5). Sau khi Chúa Jesus chịu chết và phục sinh, trước khi về trời, Chúa đã cho các Tông Đồ biết: "Ta vẫn luôn luôn ở với các ngươi, và ở cho đến ngày sau chót của thế gian (I am with you always, even unto the end of the world).
Trong một cuộc đối thoại về các tôn giáo (1970) giữa Paul Twitchell, một học giả Kito giáo người Anh với một đạo sư Ấn Độ giáo tại Hy Mã Lạp Sơn -- ECKANKA, đã sống 400 năm và nay vẫn còn trẻ và vẫn còn sống trên Hy Mã Lạp Sơn, vị đạo sư này cho biết:
"Now let me tell you this, the teachers of all truth all teach us about the God Power; it has many names: God, Universal, Power, the Christ Power and others" (Paul Twitchell, "Dialogues With The Master" (1970), San Diego, CA, Illuminated Way Press, p.37).
"Bây giờ để tôi nói cho ông biết. Tất cả những vị thầy về chân lý, tất cả đều dậy chúng ta về Quyền Năng của Thiên Chúa. Quyền năng có nhiều tên gọi khác nhau, Thiên Chúa, Quyền Năng Vũ Trụ, Quyền Năng của Chúa Jesus và nhiều tên khác nữa." Riêng Chúa Jesus cũng mang nhiều biểu tượng khác nhau như Chúa đã phán:
Ta là Bánh của sự sống (I am the Bread of life).
Ta là Ánh Sáng thế gian (I am the Light of the world).
Ta là Người Chăn Chiên từ ái (I am the good Shepherd).
Ta là Cửa của nước Trời (I am the Door).
Ta là Người đã sống lại từ cõi chết (I am the Resurrection).
Ta là cây Nho (I am the true Vine).
Ta là Đạo (I am the Way).
(Trích từ: Willmington's Guide to the Bible, trang 614)
Đây đúng là Thiên Chúa Toàn Năng (God of Mighty), mà Chúa Jesus là hiện thân của tất cả quyền năng ấy. Adam thứ nhất được dựng lên từ trần gian, tức từ cát bụi và Adam thứ hai, theo các nhà thần học Hoa Kỳ thì Adam thứ hai từ Trời mà xuống để làm Con của Con Người (Son of Man), khoác xác phàm để đem chính đời sống của Người, đem tình thương yêu vô hạn đến cho nhân loại bằng cách hy sinh mạng sống của chính mình để chịu khổ hình, chịu đóng đinh và chịu táng trong mộ sâu và ba ngày sau thì phục sinh. Tất cả những điều dậy dỗ không chỉ bằng lời; mà Chúa đã đem THÂN GIÁO để nói về ĐẠO LÝ, về CHÂN LÝ và về SỰ SỐNG của chính Thiên Chúa để mong chỉ cho nhân loại thấy đâu là CHÂN LÝ, đâu là ĐẠO LÝ và đâu là SỰ SỐNG tốt đẹp cho tất cả nhân loại.
Trước khi Chúa về trời, Chúa đã rửa chân cho các Tông Đồ, và dặn họ rằng: "Ta rửa chân cho các ngươi vì lòng yêu thương các ngươi. Các ngươi hãy yêu thương lẫn nhau như Ta đã yêu thương các ngươi. Từ việc làm đó, con người sẽ nhận ra các ngươi là môn đệ của Ta (Ga. 13: 33,35). Như vậy TÌNH YÊU là nền móng căn bản cho cuộc sống giữa con người và đấng Tạo Hóa, giữa con người và anh em của họ. Chúa đã hỏi Simon cả ba lần: "Simon, con có yêu Thầy không?" Và cả ba lần Simon đều trả lời là: "Con yêu Thầy lắm." Chúa dặn Simon rằng, "nếu yêu Chúa thì hãy săn sóc đàn chiên, nuôi sống đàn chiên và dìu dắt giáo hóa đàn chiên của Thiên Chúa."
ĐÂY LÀ TRUYỀN THỐNG CỦA GIÁO HỘI KITO GIÁO và cũng là truyền thống của tất cả các tôn giáo và các dòng đạo lý Đông phương và Tây phương muốn đem đến để xây dựng cho đời sống con người. Chúa đã nói với Simon, tức thánh Phê Rô : "Này con là đá, trên viên đá này Ta xây giáo hội." Và những viên đá xây nên giáo hội mang một biểu tượng rực rỡ nhất, chói lòa nhất, vĩnh cửu nhất, vĩ đại nhất -- BIỂU TƯỢNG ĐÓ CHÍNH LÀ TÌNH YÊU. Cuộc đối thoại giữa Chúa Jesus và Simon đã cho thấy được cả hai đều nhắc đi nhắc lại ba lần để cùng nói về tình yêu. Có ĐỨC TIN mới có TÌNH YÊU; có TÌNH YÊU mới có HY VỌNG cho tương lai, không chỉ tương lai cho ngững người Kito giáo, mà cho tất cả nhân loại.
Do đó, giáo hội của Chúa Jesus xây trên trần gian này đặt trên ba cột trụ chính: ĐỨC TIN (Faith), TÌNH YÊU (Love), và HY VỌNG (Hope).
Tôn giáo và đạo lý, theo quan niệm của "con người", càng ngày càng khô héo, càng ngày càng rũ liệt tàn tạ, càng ngày càng hấp hối hắt hiu trong cuộc sống. ĐỨC TIN, TÌNH YÊU và HY VỌNG bị dìm chết tức tưởi trong dòng sống chỉ thấy tôn thờ NGẪU TƯỢNG và BÁI VẬT. Con người ra sao thì quan niệm của họ như thế. Con người quan niệm ra sao thì họ sống theo thế đó, và cuộc sống của họ đã tạo ra thế giới ngày nay.
Nếu con người có cái TÂM xấu xa (evil conscience),
Nếu con người có cái TÂM yếu đuối (weak conscience),
Nếu con người có cái TÂM tăm tối (dark conscience),
Nếu con người có cái TÂM quá phàm tục (defile conscience),
thì họ sẽ tạo ra cuộc sống đúng như thế. Tâm xấu xa, tâm yếu đuối, tâm tăm tối, hay tâm phàm tục chính là chững người cha đẻ ra nền văn minh tôn thờ ngẫu tượng và bái vật cho thời đại này (Idolatrous civilization). Trong đó ba thành phần cột trụ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với cuộc sống mà họ đã tạo ra. Tôn giáo tôn thờ ngẫu tượng và bái vật. Trí thức tôn thờ ngẫu tượng và bái vật, và chính trị tôn thờ ngẫu tượng và bái vật.
Trên dòng sống của một thế giới tôn thờ ngẫu tượng và bái vật thì TÌNH YÊU phải chết, ĐỨC TIN phải chết và HY VỌNG cũng không làm sao sống được.
NỘI KHỞI TÂM TRUYỀN CỦA GIÁO HỘI TIÊN KHỞI (42-303 AD)
Theo các sử gia viết về lịch sử Giáo Hội (B. K. Kuiper, "The Church in History" (1951), Giáo Hội Tiên Khởi chỉ là một nhóm nhỏ nghèo nàn, thiếu học, nhưng GH đã vượt qua bao khó khăn để chịu đựng những thử thách kinh hoàng, những khổ đau chồng chất, những cay đắng vô bờ và cuối cùng là những khổ hình, khổ nạn với những cái chết muôn vàn đắng cay để cho những giọt máu tử đạo được gieo xuống cho ĐỨC TIN, TÌNH YÊU và HY VỌNG đâm hoa kết trái đến muôn đời. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn luôn che chở và soi sáng và dẫn dắt GH. Chuyển điểm lớn lao của lịch sử chính là từ lúc GH bị trục xuất khỏi chiếc nôi là Jerusalem. Từ đó thánh Phao Lồ đã tiến về Judea, Samaria, Antioch tại Assyria. Sau đó thánh Phao Lồ đã tiến chiếm trái tim của Roma, trung tâm của đại đế quốc La Mã. Tại Roma, Constantive (307) đã hãnh diện trở thành Kito hữu và biến Kito giáo thành quốc giáo. Chính tinh thần Kito giáo đã làm cho đế quốc La Mã sụp đổ vào năm 476.
Thánh Phao Lồ đã đưa ánh sáng văn minh tinh thần (spiritual civilization) cho La Mã, và giúp để ổn định xã hội cho các quốc gia đang bị La Mã chiếm đóng thành Kito giáo. Mãi đến năm 1000 mà cả Âu châu vẫn chưa biết đọc, biết viết. Nhiệm vụ thiêng liêng (Holy Mission) của GH là Kito hóa Âu châu và các giáo sĩ của GH đã giáo dục các quốc gia Âu châu. Trong đó nước Pháp được Kito hóa đầu tiên. Chính quân sĩ của La Mã đã truyền Kito giáo vào nước Anh khi La Mã đang thống trị quốc gia này. Sau đó là Đức, Đan Mạch, Na Uy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga Sô, và Hy Lạp. Năm 711-718 Hồi giáo tiến chiếm Âu châu, lấy Constantilope, Syria, Palestine, Ai Cập, và Bắc Phi châu. Chính Clovis đứng lên cứu Âu châu cho Kito giáo.
Theo Kniper thì mặc dù thời GH tiên khởi kéo dài khoảng 300 năm, nhưng thời các thánh Tông Đồ chỉ kéo dài khoảng 100 năm. Sau đó suy thoái vì chưa có Thánh Kinh. Và GH thượng cổ đã hiểu sai và diễn dịch sai Thánh Kinh của Cựu Ước và Tân Ước và những lời dậy của các thánh Tông Đồ. Họ thu nhận Kito hữu bừa bãi làm cho GH bị phân hóa.
Thời kỳ của các GIÁO PHỤ từ thế kỷ 4 và thứ 5 gồm có Ambrose, Jerome và Augustine. Tác phẩm quan trọng nhất là The City of God và Historical Philosophy. Nhà dòng đầu tiên xây tại Alexandria, Ai Cập, năm 46 chính Ambrose, Jerome và Augustine đã cho du nhập vào Âu châu. Ngoài ra thánh Ambrose đã đến Bethlehem, Do Thái để học tiếng Do Thái và sau đó dịch Thánh Kinh ra tiếng La Tinh; và lần đầu tiên Âu châu có Thánh Kinh từ đó.
Mãi đến năm 461, GH mới có Giáo Hoàng đầu tiên là Giáo Hoàng Leo I. GH Lớn mạnh, bành trướng và ảnh hưởng sâu và rộng tại các quốc gia Âu châu vì máu tử đạo của các thánh Tông Đồ đổ ra ngay từ Jerusalem đến Roma. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong suốt 2000 năm Thánh sử của Kito giáo -- bởi vì đây là giai đoạn NỘI KHỞI TÂM TRUYỀN và QUI TÂM HƯỚNG NỘI để ánh sáng của Thiên Lý cháy đỏ rực rỡ trong TÂM những con người Kito hữu đầu tiên trên trần gian này.
Phật giáo gọi ánh sáng đó là trí huệ bừng sáng. Các nhà hiền triết Đông phương gọi ánh sáng đó "chiêu minh linh giác" của lương tri, lương năng của con người đã chinh tâm thành ý.
Sau thời kỳ của GH đi vào NỘI KHỞI TÂM TRUYỀN và QUI TÂM HƯỚNG NỘI để truyền bá Phúc Âm cho con người; sau GH tiên khởi, thì GH bắt đầu bước vào thời kỳ NGOẠI TÁC CÔNG TRUYỀN, TÂM TƯ HƯỚNG NGOẠI (461-2008). Hai thời kỳ lịch sử này mang đặc tính khác nhau rõ rệt và hậu quả lịch sử của hai thời kỳ TÂM TRUYỀN và CÔNG TRUYỀN cũng hoàn toàn khác biệt nhau. Ngày nay muốn tìm hiểu đặc tính của mỗi thời kỳ của Thánh sử 2000 năm Kito giáo thì như Đức Phật đã khuyên: "Lấy đại ngã làm đuốc soi đường, lấy đại ngã làm nơi nương tựa, lấy giáo luật làm đuốc soi đường, và lấy giáo luật là nơi nương tựa, ngoài ra đừng tin vào ai cả."
Thánh Phao Lồ cũng đã nói: "Chúng ta phải vâng theo Thánh Ý Chúa hơn là vâng theo con người (Act. 29-30). Thông điệp của Chúa Jesus dậy Hội Thánh Tiên Khởi là: "Và các ngươi sẽ đón nhận được quyền năng khi thần khí (Chúa Thánh Thần) đến với các ngươi và các ngươi sẽ là chứng nhân của Ta tại Jerusalem, Judea và Samaria, cũng như khắp cùng mặt đất" (Act. 1:8). "John đã làm phép rửa tội bằng nước, nhưng những ngày sắp tới các ngươi sẽ được thánh tẩy bằng thần khí."
Hình ảnh của thập tự giá trên đồi Golgotha mang ý nghĩa gì đối với con người và đối với toàn bộ văn minh tinh thần của nhân loại? Phải chăng ở đó Thiên Chúa chỉ cho con người thấy đâu là ý nghĩa của tình yêu và đau khổ. Thiên Chúa quá yêu thương con người và muốn hy sinh chính thân mình và đã đổ máu của chính mình vì yêu thương con người. Và điều quan trọng hơn cả là con người phải yêu thương anh em của họ, như chính Thiên Chúa đã yêu thương họ. Nếu con người biết thực sự yêu thương nhau thì họ sẽ sẵn sàng hy sinh cho nhau; sẵn sàng chết vì nhau. Đó là mối tương quan mà Thiên Chúa và tất cả các tôn giáo muốn xây dựng cho con người dưới trần gian này.
Nếu Thiên Chúa và con người chỉ có thể gặp gỡ nhau trên thập tự giá; thì con người và con người cũng không thể gặp nhau ở bất cứ nơi nào -- ngoại trừ trên thập tự giá. Bởi Thiên Chúa là tình yêu -- nên, con người không thể nào gặp được Thiên Chúa nếu họ không có tình yêu và không biết yêu thương là gì.
Đó là tất cả lý do con người gọi Đạo Phật là Đạo TỪ BI! Các nhà hiền triết và đạo học Đông phương gọi Đạo Nho là Đạo NHÂN, và Kito giáo gọi là Đạo BÁC ÁI. Nếu ĐỨC TIN, TÌNH YÊU và HY VỌNG là nền móng căn bản cho đời sống của những người Kito giáo; thì làm thế nào để biết con người có đức tin không, có tình yêu không và có hy vọng không -- nếu không có những thử thách?
Qua luật Giao Ước, Thiên Chúa đã phán với con người rằng: "Ta đưa đến với các ngươi sự sống và sự chết, lời chúc phúc và lời nguyền rủa; vì vậy hãy tự chọn lựa sự sống, ngỏ hầu các ngươi và con cháu các ngươi có thể sống (Deut. 30:19).
Thập tự giá là biểu tượng của khổ đau tột cùng, là quằn quại khắc khoải, là tủi nhục cay đắng vây phủ tứ bề và thập tự giá cũng là hình ảnh của sự chết kinh hoàng nhất, bi tráng nhất, trầm hùng nhất và cũng buồn bã nhất trong lịch sử nhân loại mà quyền lực chính trị và tôn giáo của thế gian đã dành cho Thiên Chúa của họ.
Nhưng thay vì oán than, trách móc, nguyền rủa hay kết án những kẻ đã đóng đinh mình, Chúa Jesus đã cầu nguyện: "Lạy Cha xin Cha tha thứ cho chúng; bởi vì chúng không biết việc chúng làm." Đúng như Đức Thế Tôn đã từng nói: "Con người chẳng có tội gì, ngoài tội vô minh" (ignorant). Để cứu vớt và giải phóng con người thoát khỏi sự vô minh, mịt mờ và mù quáng, Đức Phật đã réo gọi con người tìm kiếm ánh sáng giác ngộ; và Đấng Cứu Thế thì cho con người biết chính Chúa là ánh sáng thế gian và muốn các thánh Tông Đồ trở thành muối cho đời, và là ánh sáng để dẫn dắt tất cả nhân loại qui tâm hướng nội để tìm kiếm lại ánh sáng đang ngủ thiêm thiếp, ngủ miên man trong tâm con người.
Đó là mục tiêu tối hậu của việc QUI TÂM HƯỚNG NỘI để có NỘI KHỞI TÂM TRUYỀN để đưa dắt con người về lại với chính họ và về lại với đạo lý, chân lý, và thiên lý -- nơi họ đã sinh ra và từ đó con người đã ra đi để đến với trần gian, một trần gian không chỉ có sinh - lão - bệnh - tử; mà trần gian này còn đầy dẫy sự mù quáng vô minh. Và thập tự giá là hình ảnh man rợ nhất, tàn độc nhất, phũ phàng nhất của con người trên trần gian này dành cho con người. Chính con người, hay chính vì sự vô minh của con người đã biến cuộc sống chung của con người trên trần gian này thành ra một địa ngục kinh hoàng suốt bao ngàn năm của lịch sử.
Tuy nhiên, thập tự giá, dù mang hình ảnh của sự chết, nhưng không có sự chết -- thì không có sự phục sinh. Vì thế thập tự giá và nơi gặp gỡ giữa tình yêu và sự đau khổ, giữa đức tin và sự thử thách, giữa sự chết và sự phục sinh, giữa Thiên Chúa và con người, giữa sự đau khổ và hạnh phúc, giữa đạo lý và sự vô đạo, giữa bóng tối và ánh sáng, và cuối cùng là giữa xiềng xích nô lệ trói buộc và sự giải phóng để đưa đến sự tự do toàn diện con người.
Thập tự giá, cho đến hôm nay, văn minh nhân loại vẫn chưa kịp nhân ra ý nghĩa sâu thẳm về biến cố trọng đại đã xảy ra trên đồi Golgotha vào 2000 năm trước đây. Biến cố lịch sử đó thật sự mang ý nghĩa gì?
Emil Brunner, giáo sư thần học, trong cuốn sách nhỏ viết về "Faith, Hope and Love", xuất bản tại Hoa Kỳ, có đưa ra một đoạn như sau để con người suy nghĩ:
Trên cây Thập Tự Giá của Chúa Jesus, Thiên Chúa nói với con người: "Đó là nơi các ngươi phải đến. Jesus, Con của Ta, đã bi treo lên ngay chỗ lẽ ra dành cho các ngươi. Bi kịch của Con Ta cũng chính là bi kịch của đời sống các ngươi. Ngươi đứng lên chống lại kẻ nào thì chúng sẽ treo cổ các ngươi. Nhưng, hãy biết rằng, Ta đau khổ thay vì các ngươi phải đau khổ; và vì các ngươi, và cũng bởi vì Ta yêu thương các ngươi trong sự chán ghét giận hờn cái gì làm nên các ngươi. Tình yêu của Ta dành cho các ngươi quá lớn lao rằng Ta gặp gỡ các ngươi trong tình yêu với tình yêu của Ta thể hiện trên thập tự giá. Ta không thể gặp các ngươi bất cứ ở đâu khác. Các ngươi phải gặp Ta tại nơi đó bằng cách nhận ra chính hình ảnh của các ngươi với người đang treo trên thập tự giá. Từ sự nhận biết như thế -- Ta, Thiên Chúa, có thể hội ngộ với các ngươi, hội ngộ ngay trong TÂM sâu thẳm của các ngươi, để nói với các ngươi về điều gì Ta đã nói với Con Ta, 'Con yêu dấu của Ta'." (My beloved Son) (trang 21).
Thật quá sõ sàng, bi kịch của Chúa Jesus trên thập tự giá đúng là bi kịch của kiếp sống của con người. Tuy nhiên lại có rất ít người thực sự hiểu được Ý NGHĨA SÂU THẲM CỦA SỰ ĐAU KHỔ. Con người bước vào cuộc đời trần thế bằng tiếng khóc ngay khi con người chưa biết cuộc đời là gì. Đó là dấu hiệu báo cho con người biết KIẾP NHÂN SINH TRÊN CUỘC ĐỜI TRẦN THẾ NÀY BUỒN BÃ LẮM, KHỔ ĐAU LẮM, TRÁI NGANG LẮM, ĐỘC ÁC TÀN BẠO LẮM. Vì thế mà Nguyễn Du mới than thở:
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Vì vậy kiếp nhân sinh cũng là kiếp đọa đày -- bởi vì ở đó chính con người tạo ra sự buồn bã cho con người, chính con người làm đau khổ con người, chính con người gây ra những trái ngang chồng chất cho nhau và chính con người tạo ra sự độc ác tàn bạo cho anh em đồng loại của họ. Những kẻ thiếu hiểu biết thì oán trời, trách người; chỉ có những nhà hiền triết và các bậc thánh nhân mới "thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân" -- trên không oán Trời, dưới chẳng trách người.
Con người đứng trước bi kịch nhân sinh -- bi kịch quá buồn bã và đau khổ, con người thường thắc mắc: 1- con người từ đâu đến; 2- sự hiện hữu của con người có ý nghĩa gì? và 3- rồi con người sẽ đi về đâu? Đây là ba câu hỏi có liên quan đến sự sống và sự chết của con người. Qua bao ngàn năm, qua bao thời đại và qua bao thế hệ, toàn bộ sản phẩm trí tuệ gọi là "trí thức" của con người tự làm ra (man made) vẫn hoàn toàn bất lực trong việc trả lời thỏa đáng ba câu hỏi ngắn ngủi đó của con người. Chính sự bất lực thê thảm của mọi tầng lớp trí thức từ Đông qua Tây từ bao ngàn năm qua cho thấy, con người không có gì để tự mãn và kiêu hãnh về những vốn liếng hiểu biết của họ khi nó chưa bằng "một nắm lá trong lòng bàn tay của Đức Phật". Trước sự bao la của vũ trụ và đất trời thiên nhiên, con người phải khiêm tốn và khôn ngoan nhận ra rằng, chúng ta chỉ là những "hạt cát".
Tuy nhiên, con người -- dù chỉ là hạt cát nằm bơ vơ hiu hắt và quạnh hiu ở đâu đó trong vòm trời này biết "lấy đại ngã làm đuốc soi đường, lấy đại ngã làm nơi nương tựa; lấy giáo luật làm đuốc soi đường, lấy giáo luật làm nơi nương tựa" -- thì con người, dù vẫn nhỏ nhoi như hạt cát vẫn cưu mang một sức sống vô bờ, một ánh sáng chói lọi và một tiềm năng tuyệt vời.
Trong khi đó đời sống trí thức của con người thời hiện đại (1453-2008), thời đại của khoa học kỹ thuật và triết học duy lý đã vứt bỏ, không chỉ cái ĐẠI NGÃ TÂM LINH của họ, mà vứt bỏ luôn GIÁO LUẬT của trời cao nên không còn ánh sáng để soi sáng và không còn gì để nương tựa. Sản phẩm lịch sử chính yếu của thời hiện đại là:
Chủ nghĩa nhân bản không có lương tâm.
Chủ nghĩa cá nhân không có lương tâm.
Khoa học không có lương tâm.
Triết lý không có lương tâm.
Chính trị không có lương tâm.
Tôn giáo không thi hành đức tin và bất lực trước tội ác chính trị.
Văn hóa không còn tình người.
Thực tế đó cho thấy văn minh của thời hiện đại là một thứ văn minh tôn thờ ngẫu tượng và bái vật (Idolatrous civilization). Trong nền văn minh đó, ĐỨC TIN đã chết, TÌNH YÊU đã tàn tạ héo úa và HY VỌNG cũng trôi theo dòng cuồng loạn của tâm tư.
Trái lại, chỉ có một nhóm nhỏ nghèo nàn, thiếu học bị trục xuất khỏi chiếc nôi của GH Kito giáo là Jerusalem để tiến chiếm được trái tim Roma của đại đế quốc La Mã và cuối cùng làm sụp đổ luôn đại đế quốc La Mã vào thế kỷ thứ 5. Đây là một bài học lịch sử văn minh vô cùng trọng đại, không chỉ cho GH Kito giáo, không chỉ các quốc gia Âu châu; mà cho tất cả văn minh nhân loại. Con người phải khôn ngoan nhận ra rằng toàn bộ nền văn minh tinh thần của cả Đông phương và Tây phương đang bi nền văn minh tôn thờ ngẫu tượng và bái vật của Âu châu khống chế và đè bẹp. Muốn thoát ra con người phải tìm mọi cách để phục hưng lại toàn bộ giá trị nền tảng của các nền văn minh tinh thần.
Con người và xã hội con người không thể chối bỏ sự cần thiết của mọi giá trị vật chất, nhưng nếu để giá trị vật chất trở thành giá trị tối thượng thì mọi giá trị tinh thần sẽ bị quên lãng và hủy diệt như đã diễn ra từ thời Phục Hưng tới ngày nay (1453-2008). Vì thế con người cần tìm lại sự thăng bằng cho cuộc sống về mọi phương diện, và đặc biệt là sự thăng bằng giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần (material and spiritual civilization). Muốn hiểu được thế nào là sự mất mát ê chề của văn minh tinh thần thì nên nhìn vào những bi kịch não nề mà con người phải gánh chịu khi đi hoằng dương và truyền bá những giá trị tinh thần của dòng đạo lý để vực lại ĐỨC TIN cho con người, đem lại TÌNH YÊU cho con người, và đem lại HY VỌNG cho thế giới con người.
Trên cái hành trình "nan hành khổ hạnh" ấy, con người đã chứng kiến hình ảnh kinh hoàng và buồn bã của Thập Tự Giá trên đồi Golgotha, và hình ảnh của một nhóm nhỏ nghèo nàn và thiếu học tại Đông phương lên đường hoằng dương và truyền bá ĐẠO LÝ CỦA TRỜI CAO cho thế giới Tây phương từ 2000 năm trước đây (the True Way of God), rồi từ Tây phương truyền đi khắp mặt đất cho đến ngày hôm nay (2008). Đây là những bước chân đầu tiên của những con người đi xây nên GIÁO HỘI TIÊN KHỞI.
Chính thánh Phao Lồ cho biết, trong một ngày một cuộc bách hại đã xảy ra cho GH tại Jerusalem, và làm cho các thánh Tông Đồ bị tan tác khắp nơi tại các vùng như Judea, Samaria. Vương quyền là Saul đã khởi đầu những bước phá hủy GH, ông đã cho truy lùng từ nhà này qua nhà khác để lôi những người đàn ông và cả những người đàn bà vào ngục tối (Act. 8: 1-3).
Nếu đức tin là một thành tố căn bản cho cuộc sống của tín hữu Kito giáo thì đức tin đó cần được thử thách. Paul W. Posey cho rằng "không ai được cứu độ chỉ vì họ mua cuốn Thánh Kinh; và cũng không ai được cứu độ vì họ đọc Thánh Kinh mà không tuân hành theo giáo luật."
Bởi vì Thánh Kinh là giáo luật và giáo luật là Thánh Kinh.
Ở giai đoạn Tiên Khởi, Tân Ước là Giáo luật và Phúc Âm chính là nội dung của Giáo luật ấy. Chúa Jesus đã ủy thác cho Simon săn sóc đàn chiên, nuôi sống đàn chiên và dìu dắt, giáo hóa đàn chiên của Thiên Chúa. Đàn chiên chỉ là biểu tượng để nói vể toàn thể nhân loại. Đây là đàn chiên của Thiên Chúa không phải đàn chiên của con người; nuôi sống là nuôi sống đời sống tâm linh cho con người; và dìu dắt giáo hóa là dìu dắt giáo hóa cuộc sống tâm linh của con người để đưa con người đi vào vương quốc của Thiên Chúa (The Kingdom of God) và sửa soạn xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa dưới trần gian này.
Điều quan trọng hơn cả là GH Tiên Khởi gồm toàn những người Đông phương nên họ hiểu giáo luật của Tân Ước theo tinh thần Đông phương. Khi truyền vào Tây phương, Thánh Kinh đã bị giải thích và diễn giải sai như các sử gia đã nhận xét -- bởi vì giáo luật của cả Cựu Ước và Tân Ước đã được nhìn theo tinh thần duy lý (rationalism) và khoa học.
Thời đại này, khi duyệt xét lại lịch sử 2000 năm Kito giáo thì phải duyệt xét theo TINH THẦN ĐÔNG PHƯƠNG, nghĩa là phải lấy ĐẠI NGÃ TÂM LINH làm đuốc soi đường và lấy GIÁO LUẬT CỦA CỰU ƯỚC và TÂN ƯỚC làm đuốc soi đường để con người tìm lại chính mình và tìm lại những gút mắc chằng chịt của mọi thực tế của lịch sử để hy vọng tìm thấy một giải mã cho lịch sử.
Thực tế lịch sử cho thấy Giáo Hội Tiên Khởi: 1- Là những con người Đông phương. 2- Các Thánh Tông Đồ thuộc tầng lớp thiếu học và nghèo khó trong đáy tầng xã hội Do Thái; 3- Hành trình truyền bá Phúc Âm của họ mang tính chất "nan hàng khổ hạnh"; 4- Cuộc sống của họ là Qui Tâm Hướng Nội để có Nội Khởi Tâm Truyền; và 5- Qui Tâm Hướng Nội nên đã được chính Thiên Chúa Tâm Truyền trợ giúp và soi sáng trên suốt một cuộc Nan Hành Khổ Hạnh của họ; và 6- Họ đem đến một ý nghĩa sâu thẳm về sự đau khổ của con người, và những phần thưởng vô biên từ sự đau khổ đó; và 7- Họ đã làm nổi bật được sự thăng hoa màu nhiệm nơi những con người có NỘI KHỞI TÂM TRUYỀN. Một sức mạnh tuyệt vời của ĐẠO ĐỨC VĨNH CỬU, và một ánh sáng rực rỡ chói lòa của đời sống tâm linh và tinh thần (spiritual being) nơi con người khi họ lên đường quần thảo và giao tranh với bóng tối của thế gian; 8- Họ nan hành khổ hạnh; bởi vì họ đã đói, đã khát, đã bị xua đuổi và phỉ báng, đã bị ném đá, bị xô vào tù ngục tăm tối và cuối cùng cũng bị đóng đinh như Thiên Chúa của họ; và 9- vì nan hành khổ hạnh, nên họ trở thành mẫu mực ngàn đời cho ĐỨC TIN, TÌNH YÊU và HY VỌNG, không chỉ cho GH Kito giáo, cho Âu châu; mà cho đàn chiên của Thiên Chúa và tất cả anh em của họ trên khắp trần gian tăm tối và đau khổ này từ Đông qua Tây và từ Bắc xuống Nam.
Where there is Faith there is Love.
Where there is Love there is Peace.
Where there is Peace there is God.
Where there is God there is Hope.
(Mary L. Wagner)
Nơi nào có Đức Tin nơi đó có Tình Yêu.
Nơi nào có Tình Yêu nơi đó có Hòa Bình.
Nơi nào có Hòa Bình nơi đó có Thiên Chúa.
Nơi nào có Thiên Chúa nơi đó có Hy Vọng.
Từ đó hình ảnh của các Thánh Tông Đồ cho thấy Đức Tin của họ đã thể hiện trọn vẹn trên nan hành khổ hạnh để truyền bá Phúc Âm cho con người. Vì thế Thánh Phê Rô (Peter) mới nói: "Sự khổ nạn gian nan càng lớn thì phần thưởng đời đời càng lớn hơn Để đi đến mức độ đau khổ như những tín hữu phải chịu đựng bây giờ. Chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao khi chúng ta vào được nước trời (nước trời trong lòng chúng ta; bởi vì chúng ta đã nhìn thấy phần thưởng cao quý ấy qua chính sự đau khổ của chúng ta (1 Peter. 4:13).
Các nhà thần học Hoa Kỳ cho rằng, Thiên Chúa đem đến những đau khổ trên đường đời để xô đẩy chúng ta quay về với Thiên Chúa, và làm những điều giúp chúng ta thoát khỏi vòng vây hãm của vị kỷ vị ngã. Mẫu mực điển hình nơi Thánh Phao Lồ là một bằng chứng hùng hồn cho thấy sự đau khổ của nan hành khổ hạnh có liên quan mật thiết đến sự phát triển lớn mạnh đời sống tâm linh của chúng ta.
God has not promised skies always blue,
Flower strew pathways all our lives through.
God has not promised sun without rain,
Joy without sorrow, life without pain;
But he has promise strength for the day.
Rest for the weary, Light for the day.
(Dick Johnson)
Chúa đâu hứa bầu trời sẽ mãi mãi xanh lơ,
Suốt đường đời hoa trải bước chân đi.
Chúa đâu hứa dưới ánh mặt trời chẳng có mưa rơi,
Niềm hoan lạc vắng bóng u sầu, cuộc đời chẳng thấy đớn đau;
Nhưng Chúa hứa ban cho sức mạnh trong đời.
Khi mệt mỏi có chỗ nương tựa, trong đường đời có ánh sáng dẫn đường.
Vì thế các Thánh Tông Đồ, dù đã thấy Thánh Phao Lồ bị ném đá và nguyền rủa tại Lystra, nhưng họ vẫn kiên cường đón nhận thử thách sức mạnh của đức tin trước quá nhiều khổ đau trên đường hoằng dương Đạo lý của Thiên Chúa, và truyền bá Phúc Âm. Nhưng tất cả vẫn cho rằng, Thiên Chúa đem đến những gian nan khốn khó và những đau khổ tủi nhục cho cuộc đời của những tín hữu Kito bởi nhiều lý do và có nhiều mục đích làm sao để những thử thách đó làm cho đức tin trở thành mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên ý chí phấn đấu của các Thánh Tông Đồ như có một sức mạnh siêu nhiên khiến cho đức tin của họ trở thành sắt thép hơn. Họ nói: "Chúng ta chịu trăm cay ngàn đắng, nhưng vẫn không bị nghiền nát; băn khoăn bối rối khôn tả xiết, nhưng không thể tuyệt vọng chán nản; bị hành hình tơi tả, nhưng vẫn bám chặt lấy mục tiêu; bị dìm xuống bao nỗi chết, đắng cay, mà vẫn không bị hủy diệt (v v. 8-9). Chỉ vì tình yêu dành cho Thiên Chúa và dành cho đồng loại anh em, Thánh Phao Lồ vẫn nhắc lại với các tín hữu Galatians: "Nếu anh em là môn đồ của Chúa Jesus ... tất cả vấn đề chỉ là ĐỨC TIN, đức tin đó được thể hiện trong tình yêu thương của anh em dành cho kẻ khác (Galatians 5:6).
Trên hành trình đăng đẳng của nan hành khổ hạnh, lời của tiên tri Isaiah vẫn còn khắc sâu trong tâm của những con người chứng nhân của Thiên Chúa trước thế giới con người:
"Đừng sợ hãi, bởi vì Ta sẽ cứu vớt các ngươi. Ta đã nhân danh tên Ta mà réo gọi tên của các ngươi. Các ngươi là con cái Ta. Khi các ngươi vượt qua các dòng sống điêu linh, Ta sẽ có bên các ngươi; khi các ngươi phải vượt qua sông sâu chảy xiết, nước sẽ không thể ngập trên đầu các ngươi. Khi các ngươi bước qua lửa cháy, các ngươi sẽ không bị thiêu đốt, lửa cũng không làm cháy bỏng thịt da. Bởi vì Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, là đấng chí thiện, chí thánh, đấng cứu thế của các ngươi (Isa. 43:1-3).
Chính Chúa Jesus là mẫu mực rõ nét nhất để cho con người noi theo, con người cần mẫu mực đó khi họ phải bước qua những khó khăn thử thách, những tra tấn hành hình sự khổ đau tủi nhục, và những cám dỗ giăng mắc khắp nơi trên vạn nẻo đường đời, nhưng các môn đệ của Chúa vẫn hiên ngang, vẫn thản nhiên bước theo con đường Đạo lý của Thiên Chúa (The true Way of God) -- bởi vì chẳng bao giờ quên lời dặn của Thầy mình:
"Kẻ nào không vác thập giá của họ, và không theo bước chân của Ta thì không xứng đáng với Ta. Kẻ nào cố giữ sự sống cho riêng mình thì sẽ mất mát sự sống, nhưng kẻ nào quên mình vì danh Ta, thì sẽ tìm được sự sống đích thực (v v. 38-39).
Nói tóm lại, bổn phận và trách nhiệm của Giáo Hội Tiên Khởi là gì và mục đích của GH là gì? Các nhà thần học Hoa Kỳ cho rằng, Thiên Chúa là đấng Cứu Chuộc sẽ gặp gỡ con người trong đời sống của mỗi cá nhân cũng như giúp họ những gì mà họ cần có trong cuộc sống, và sự thay đổi chuyển hóa đời sống Thiên Chúa sẽ hướng dẫn và tác động để được đến một đời sống mới mẻ và tốt đẹp cho con người. Thiên Chúa ưu tư tới SỰ THAY ĐỔI CHUYỂN HÓA ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI TRONG XÃ HỘI.
Và chuyển hóa tâm thức sẽ đương nhiên dẫn đến sự thay đổi chuyển hóa đời sống xã hội và đời sống các quốc gia và cả thế giới. Từ những quan điểm nền tảng đó, con người phải thấy Cựu Ước và Tân Ước không khác gì các dòng Đạo Học Đông phương. Nếu các nhà Đạo Học Đông phương đều cho rằng trời đất và vũ trụ thiên nhiên với tâm của con người chỉ là MỘT (Thiên lý tại nhân tâm), thì luật của Giao Ước trong Cựu Ước và Tân Ước cũng là luật thiên nhiên. Thánh Kinh là luật thiên nhiên và luật thiên nhiên là Thánh Kinh.
Trong cuốn "The Confession of Augustine", Thánh Augustine đã đưa ra hai điều rất quan trọng: phần đầu nói lên ý nghĩa là tất cả vạn vật trong thiên nhiên đều tốt đẹp; trong đó Thiên Chúa là nguồn gốc và là trung tâm đã sản sinh ra vạn vật tất cả đều có giá trị. Và phần thứ hai ông cho rằng mỗi vật đều tốt đẹp nếu ở đúng vị trí trật tự của nó (natural order), trật tự đó biểu thị cho cái chân thiện mỹ của mỗi vật, nó sẽ làm nên cả một trật tự của vũ trụ. Thánh Augustine tuyên bố rằng, bởi vì nếu những vật bị tách lìa khỏi cái chân - thiện - mỹ của nó, thì không còn tốt đẹp nữa. Từ điểm đó muôn vật đều giữ đúng vị trí trong thiên nhiên thì sẽ sản sinh ra tất cả mọi sự hài hòa tốt đẹp. Nhưng nếu tính tự nhiên trở nên hư hỏng vì những xấu xa thì tính tự nhiên mất đi. Tuy nhiên, không có sinh vật nào tuyệt đối xấu cả; bởi vì tất cả vạn vật còn đang trong tiến trình biến hóa, trở nên, trở thành.
Con người cũng thế, con người đều có khả năng sáng tạo, nhưng quyền năng này bị giới hạn. Con người được tạo nên thành một khả năng tương đối; họ khác với đấng Tạo Hóa. Họ được tạo ra từ vật chất và đã phú cho cái thiên tính (divine character) để sống và tiến hóa. Con người là tạo vật hữu hình của Tạo Hóa, và họ có thể trở thành siêu việt qua khả năng sáng tạo của họ. Thiên Chúa luôn luôn muốn soi sáng và trợ giúp cho con người hướng tới vị trí cao quý trong trật tự đạo đức của Thiên Chúa, chính từ cái trật tự đạo đức đó mà thế giới được tạo thành.
Qua các tiên tri, Thiên Chúa đã nói về ý hướng của Thiên Chúa và mục đích của Thiên Chúa trong lịch sử. Thiên Chúa đã tỏ mình cho biết chính Thiên Chúa là đấng Tạo Hóa, là toàn năng, tối thượng và là đấng sẽ cứu chuộc con người. Thiên Chúa đã gọi trật tự của trần gian là trật tự giả tạm (temporal order) có sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn duy trì trật tự giả tạm đó và sẽ đem đến cho trật tự giả tạm một sự tựu thành viên mãn, đó chỉ là một phần của sự thành tựu trong lịch sử; và sự tựu thành trọn vẹn viên mãn (completion) nằm ở giai đoạn kết thúc của lịch sử. Điều này có ý nghĩa là -- đây là sự đòi hỏi nơi các tiên tri và Chúa Jesus đến để hoàn tất cái Thiên Mệnh để đem Vương Quốc của Thiên Chúa đến với lịch sử. Trật tự giả tạm rồi sẽ qua đi nhưng sự vĩnh cửu thuộc về Thiên Chúa...
Sau chót từ khi con người là một tạo vật hay sinh vật (creature) mang bản tính tự nhiên của nó, định mệnh của họ sẽ được định đoạt bởi đấng Tạo Hóa, định mệnh ấy chỉ có ý nghĩa tốt đẹp khi mối tương quan mật thiết giữa con người và đấng sáng tạo ra vũ trụ được phục hoạt. Sự hoàn tất đó sẽ đến khi con người nhận ra KHUÔN MẶT NGÀN ĐỜI của họ (True self). (trích E. Clinton Gardner "Biblical Faith and Social Order", p.105). Muốn giúp con người tìm được khuôn mặt ngàn đời đó thì phải đi vào Nội Khởi Tâm Truyền.
Nói tóm lại, những quan niệm sai lầm và hẹp hòi của tôn giáo và chính trị là nguồn gốc đã khai sinh ra "sự hư hỏng đồi trụy thê thảm của lịch sử của con người." Muốn đánh giá lại lịch sử, con người không thể đem quan niệm của riêng con người để duyệt xét --- mà phải nương tựa vào ĐẠI NGÃ TÂM LINH và GIÁO LUẬT của các chính giáo. Khi con người đã nhận ra Cựu Ước và Tân Ước chính là luật của trời đất và vũ trụ thiên nhiên, thì con người cũng phải nương tựa vào những nền tảng căn bản đó để xem xét lại mọi thực tế của lịch sử. Và cuộc duyệt xét cho chúng ta thấy TINH THẦN GIÁO HỘI TIÊN KHỞI là một ánh đuốc soi đường rực rỡ nhất, chói lòa nhất và đáng tôn vinh ngợi khen nhất. Ở đó cuộc cải cách tôn giáo (reformation) vào đầu thế kỷ 16 (1517) phải được coi là một nỗ lực cứu vãn nền văn minh Kito giáo đã và đang bị bao kẻ thù hung hiểm tấn công tứ bề, tấn công liên tục bao thế kỷ qua. Nếu muốn chiến thắng tội ác chính trị đã và đang gieo bao đau thương thảm khốc cho tất cả nhân loại từ Đông qua Tây, thì con người phải tìm lại quan niệm tôn giáo và chính trị của Tân Ước và Cựu Ước, cũng như các bậc giáo chủ đã dậy. Chỉ đến khi đó ánh sáng của vương đạo mới có thể thay đổi và chuyển hóa "sự suy đồi hư hỏng thê thảm của lịch sử con người."
Oklahoma, Tháng 4 - 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment