Monday, July 21, 2008

Quan hệ Mỹ - Việt trong ấm ngoài lạnh

Frederick Brown
Gửi cho BBC từ Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ

Chuyến viếng thăm Washington của Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, từ ngày 23-25 tháng Sáu vừa qua, đã đánh dấu thêm một mốc chính trị trong việc hàn gắn mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đang diễn ra.
Thử hồi tưởng lại cuộc chiến nhiều đau khổ, và kết cục cay đắng của Đông Dương năm 1975 đối với Chính quyền Sài Gòn và những người miền Nam Việt Nam từng được Hoa Kỳ hậu thuẫn.

Là một người Mỹ từng phục vụ một số năm tại Việt Nam, thật khó cho tôi hình dung khoảnh khắc sau này khi một tổng thống Hoa Kỳ nói với lãnh đạo quốc gia cộng sản Việt Nam thống nhất rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ "chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam."

Đây không phải là một sự lỡ mồm của Tổng thống George W. Bush, mà là một lời khẳng định có chủ ý đã được tính toán cho những bước đi kế tiếp trong chính sách của Hoa Kỳ.

Đối với ông Nguyễn Tấn Dũng, đây là một sự thừa nhận của Mỹ đầy tính hoan nghênh - thực tế là cấp thiết - trước sự mở cửa chiến lược được tính toán cẩn thận của Việt Nam với Hoa Kỳ.

Chuyến thăm trở nên khẩn thiết vì sự sa sút kinh tế trầm trọng của Việt Nam.

Hòa giải

Sự hàn gắn, hay bình thường hoá, quan hệ Việt - Mỹ đã chưa bao giờ có một đích đến nghiễm nhiên.

Nhiều năm sau năm 1975, đã từng xuất hiện và duy trì một sự đối nghịch rộng lớn giữa hai bên đi kèm với một lòng thù hận sâu sắc về mặt ý thức hệ.

Đối với những viên chức Hoa Kỳ như bản thân tôi, cuộc chiến Việt Nam là một phần của một cuộc tranh đấu chống chủ nghĩa cộng sản trong thời kỳ chiến tranh lạnh với sự phân biệt rõ ràng "địch - ta".

Vào năm 1978, đã có một nỗ lực trong thời gian ngắn nhằm bình thường hoá quan hệ song phương trong nhiệm kỳ của Chính phủ Carter.


Biến cố 30-4 đánh dấu đỉnh điểm cay đắng cho sự can dự của Mỹ ở Việt Nam

Đây là giai đoạn Việt Nam xâm lấn Campuchia, còn Hoa Kỳ đã bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc.

Sau năm 1991, các quan hệ song phương đã được cải thiện với việc Việt Nam tham gia vào việc tái thiết lập nền chính trị ở Cam-pu-chia và sự hợp tác của Hà Nội với Washington trong việc tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong cuộc chiến.

Cùng với việc thể chế Liên Xô tan vỡ và rơi vào "sọt rác" của lịch sử, Việt Nam đã có rất ít sự lựa chọn và phải thừa nhận vào thời điểm đó rằng Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất của thế giới.

Việt Nam đồng thời tiến tới việc xem xét các lợi ích quốc gia sẽ được hưởng lợi ra sao từ việc cải thiện tốt hơn các mối quan hệ kinh tế và chiến lược với Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, chủ đề trung tâm trong chính sách đối ngoại "đa phương" của Việt Nam là việc cân nhắc cẩn trọng việc mở rộng và cải thiện các mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Còn ở trong khu vực, thể chế cộng sản Việt Nam không còn được coi là một lực lượng xung kích tiến tới mục tiêu gây ra sự "chuyển đổi xã hội chủ nghĩa" ở khu vực Đông Nam Á, như một số quốc gia từng quan ngại vào năm 1975.

Vì sao Mỹ quan tâm Việt Nam?

Vậy thì vì sao vào năm 2008, chúng ta, Hoa Kỳ lại quan tâm tới những gì đang xảy ra ở Việt Nam?

Với tôi, có một lý giải thuyết phục ủng hộ cho quan hệ song phương tiếp tục hướng về trước.

Nhưng đồng thời, chúng tôi - Hoa Kỳ, cần phải đối diện một cách khách quan và bình thản trước một số câu hỏi khó được đặt ra.

Trước hết, đó là chúng ta có thể chờ đợi gì một cách thực tiễn từ mối quan hệ hữu hảo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ? Điểm mạnh và điểm yếu ở đây là gì?

Đâu là biến số có thể có và đâu là ảo tưởng từ quan hệ này? Ngoài ra, Trung Quốc, luôn luôn là Trung Quốc, liệu cuối cùng Vương quốc này có thể có vai trò thống trị gì không?


Tiểu sử ông Frederick Z. Brown
Viện Chính sách Ngoại giao, trường SAIS thuộc Đại học Johns Hopkins
Chuyên nghiên cứu Việt Nam, Thái Lan, Campuchia
26 năm làm ở Bộ Ngoại giao Mỹ
Sách: Second Chance: The United States and Indochina in the 1990s (1989)

Các lợi ích kinh tế, thương mại đã và luôn là các chất xúc tác thúc đẩy các quan hệ song phương.

Các hãng Boeing, Caterpillar, Microsoft, Citibank và các ngân hàng quốc tế cùng các nhà đầu tư quốc tế khác đã gây sức ép đối với quốc hội và nhiều chính phủ kế tiếp nhau từ những năm thuộc thập niên 1980 và 1990.

Những áp lực này nhằm vào việc Chính phủ khai mở một thị trường mới ở khiêm tốn song có tiềm năng sinh lợi ở Á Châu.

Và một diễn biến chủ chốt là quyết định của Việt Nam vào năm 1986 nhằm vứt bỏ chủ nghĩa Mác theo hướng có lợi cho một nền kinh tế thị trường tự do.

Sự kiện này được biết tới với tên gọi chính sách 'Đổi mới' nổi tiếng.

Vào năm 2001, Hiệp định Thương mại song phương Mỹ -Việt mở đường cho một sự gia tăng nhanh chóng mậu dịch hai chiều.

Hoa Kỳ đã rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách "các quốc gia cần quan tâm đặc biệt - CPC" và chấp thuận trao cho Việt Nam quy chế quan hệ mậu dịch bình thường vĩnh viễn (PNTR) vào năm 2006.

Năm 2007, Việt Nam đã gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với sự đồng ý của Hoa Kỳ.

Vào cuối năm 2007, mậu dịch hai chiều đã đạt con số 12 tỉ USD (so với mức 222 triệu USD năm 1994.)

Cán cân thanh toán mậu dịch đã được duy trì thiên về hướng có lợi cho Việt Nam (với khoảng 8 tỉ USD giá trị xuất khẩu vào Hoa Kỳ.)

Về mặt đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Hoa Kỳ đứng trong nhóm 10 nước đầu tư hàng đầu ở Việt Nam.

Hoa Kỳ cũng là một trong ba quốc gia đầu tư lớn nhất nếu tính toán tới nguồn đầu tư của Mỹ thông qua các công ty Hoa Kỳ ở quốc gia thứ ba tại Singapore hay Thái Lan.

Việt Nam, từng được ví như "con hổ tiếp theo của Châu Á" đang gặp phải các vấn đề nhức nhối.

Thách thức

Trong khi một số thành tích về kinh tế từng tỏ ra ấn tượng, thì nhiều biến đổi tích cực khác đã không được thực hiện.

Nạn tham nhũng đã ăn sâu trong hệ thống và đảng cộng sản tự thân chính là thủ phạm nằm ở trung tâm của vấn đề.

Nếu Việt Nam tiếp tục mô hình tăng trưởng hiện nay, cũng mất ít nhất 20 năm nữa mới đạt được mực độ như mặt bằng kinh tế hiện tại của Thái Lan.

Lạm phát của Việt Nam tăng rất cao và đang diễn biến ở mức trên 20%. Chỉ số giá tiêu thụ cũng tăng vọt trong khi thị trường chứng khoán thì đang rớt điểm trầm trọng.

Chỉ số chứng khoán ở thị trường sơ khai này hiện có giá trị chỉ bằng phân nửa giá trị của nó vào tháng 12/2007.


Các công ty Mỹ để ý thị trường Việt Nam

Vì Việt Nam dựa vào thị trường xuất khẩu sang Hoa Kỳ, chẳng hạn với các mặt hàng may mặc và giày dép, khi thị trường này cùng các thị trường toàn cầu ở nơi khác có biến động, khả năng nền kinh tế Việt Nam duy trì mức độ tăng trưởng của nó đã bị phá huỷ.

Tất cả những vấn đề này đã đặt ra những thách thức to lớn đối với Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tiếp tục hỗ trợ kinh tế của Mỹ dành cho Việt Nam là thành tố thiết yếu trong mối quan hệ song phương. Chương trình USAID là một trong những hoạt động lớn nhất ở châu Á.

Tổ chức này cung cấp 90 triệu đôla năm 2007. Gần 100 triệu nữa đã được yêu cầu cho năm 2009.

Trợ giúp sức khỏe cho HIV/AIDS và các chương trình nhân đạo chiếm hơn ba phần tư của số tiền.

Một nỗ lực rất quan trọng (và tương đối ít được để ý) từ năm 2001 là "hỗ trợ thúc đẩy thương mại và cải tổ" (STAR) của USAID.

Chương trình giúp chính phủ Việt Nam thiết lập khung quản lý vững chắc cho nền kinh tế thị trường.

Sau yêu cầu từ chính Văn phòng Thủ tướng, STAR làm việc với chừng 50 bộ, cơ quan, ủy ban Quốc hội để tiến hành cải cách luật pháp và chính sách lien quan thương mại, đầu tư, Hiệp định BTA 2001, và việc Việt Nam gia nhập WTO.

Tác động cụ thể đến mức trung và thấp hơn trong cơ cấu hành chính Việt Nam tỏ ra rõ rệt và quan trọng.

Không phải dễ để có sự chấp nhận vai trò chủ động của Mỹ theo cách gần gũi như thế.

STAR là ví dụ tốt nhất chứng tỏ khi giải quyết những vấn đề cả hai phía cùng quan tâm, theo hình thức chuyên nghiệp, không phô trương, sẽ tạo ra được sự tin tưởng thực sự giữa chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên một số người trong Đảng Cộng sản vẫn cảm thấy bị "diễn biến hòa bình" đe dọa, mặc dù nó đang diễn ra xung quanh họ qua hàng loạt giao tiếp thường ngày với thế giới phương Tây, qua những đổi thay trong hệ thống giáo dục khiếm khuyết của Việt Nam.

Hai nước chúng ta có hệ thống chính trị khác biệt căn bản và có vị trí khác nhau trên vũ đài quốc tế.

Đồng ý có khác biệt

Chúng ta đồng ý có khác biệt về nhiều vấn đề quốc tế - Iraq, Iran, và Miến Điện.

Việt Nam giao thiệp với những chính thể ghét Mỹ (Cuba, Iran, Venezuela, Bắc Hàn) và chào đón những chuyến thăm nhà nước của lãnh đạo các nước này.

Sự quan tâm nhân quyền và tự do tôn giáo của Mỹ là nguồn cơn mâu thuẫn chủ yếu, đặc biệt trong các dân biểu Mỹ có cộng đồng lớn người Mỹ gốc Việt.


Những người bất đồng chính kiến được chính giới Mỹ quan tâm

Họ cố gắng – đến nay chưa thành – giữ quan hệ song phương trở thành con tin của cái mà cho rằng hồ sơ tồi tệ của Việt Nam.

Trong mấy năm gần đây, ở mỗi phiên họp của Quốc hội Mỹ đều đưa ra dự luật trừng phạt Việt Nam vì cáo giác vi phạm nhân quyền.

Đến nay những luật như thế thất bại, trước hết, vì chính phủ Bush xem Việt Nam có cải thiện dần dần (ít nhất là so với các nước trong danh sách CPC như Ai Cập, Pakistan, Saudi Arabia, và Iraq).

Và thứ hai, vì cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vẫn xem kinh tế đang phát triển của Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho buôn bán, đầu tư bất chấp những khó khăn gần đây.

Việt Nam đã nêu vấn đề bồi thường cho các nạn nhân Chất Da cam, chất diệt cỏ Mỹ sử dụng trong cuộc chiến mà Việt Nam nói là đã và vẫn đang làm hại hàng triệu người Việt.

Đây là một trong những "vấn đề di sản" nghiêm trọng và khó giải nhất trong quan hệ song phương.

Một ủy ban song phương, tư nhân, với hỗ trợ của Quỹ Ford và sự hợp tác của quốc hội và chính phủ Mỹ, đã được thành lập cho vấn đề này. Việt Nam cũng phê phán Mỹ là không đủ nỗ lực ngăn chặn những người Mỹ mà theo Việt Nam là đang kích động bất ổn ở Cao nguyên Trung phần.

Quan hệ chiến lược tay ba

Vậy, cần phải làm những gì? Không khó khăn nào được nhắc ở trên ngăn cản bước tiến vững chắc trong quan hệ song phương.

Hành động tích cực của Mỹ và những phản ứng quanh Chất Da cam và STAR, cùng sự tiếp tục hợp tác tốt của Việt Nam về vấn đề MIA, tỏ ra hiệu quả.

Mặc dù thương mại và "quyền lợi chiến lược" là lực đẩy, quan hệ song phương đã lấn sang nhiều khía cạnh và hoạt động khác. Chính thức mà nói, tiền gửi về của người Mỹ gốc Việt mỗi năm đã là hơn hai tỉ đôla.

Mỗi năm, Quỹ Giáo dục Việt Nam đưa nhiều sinh viên sang đại học Mỹ để học cao học và tiến sĩ trong các ngành cứng: kỹ sư, công nghệ thông tin và y khoa.

Tuyên bố chung của ông Bush – Dũng cho hay sẽ thành lập "nhóm Đặc trách Giáo dục cấp cao song phương để thảo lộ trình và nhận diện các thể thức hiệu quả cho việc nâng cao vấn đề hợp tác giáo dục".

Điều này có thể đem lại thực chất và chiều sâu cho mối quan hệ về lâu dài.

Có những bất đồng nhà nước không giảm giữa Việt Nam và Trung Quốc về Biển Nam Trung Hoa (hay Biển Đông) cũng như trong quan hệ thương mại và các vấn đề thực tiễn.


Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ có vẻ đã bước vào mối quan hệ chiến lược tay ba


Nhưng quan hệ giữa hai đảng cộng sản thì thân mật. Hai chính phủ mạnh mẽ phản đối "đa đảng" và bất kỳ điều chỉnh nào đối với sự độc quyền chính trị của đảng.

Quanh các vấn đề xa xôi ấy mà chúng tôi gọi là "chiến lược", Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ có vẻ đã bước vào mối quan hệ chiến lược tay ba.

Người Việt có câu "Nước xa không cứu được lửa gần". Hoa Kỳ cách nửa vòng trái đất – Trung Quốc thì ngay nơi biên giới phía bắc.

Đồng thời, không phía nào muốn có xung đột hủy diệt vì tranh chấp chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa (đường đi của đa số nguồn cung cấp dầu của Trung Quốc).

Đây là vấn đề làm Việt Nam mất lòng nhất, và là lĩnh vực cả Hà Nội cùng Washington phải rất tinh tế.

Thông cáo chung sau chuyến thăm của ông Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận nhu cầu "củng cố đối thoại cấp cao" và ủng hộ "thành lập các cuộc họp hoạnh định chính sách và chính trị quốc phòng để có các trao đổi thường xuyên và sâu hơn về các vấn đề chiến lược và an ninh".

Các đối thoại được đề xuất có thể thúc đẩy mối quan hệ an ninh.

Cả hai nước nhận thức rõ đòi hỏi tiến hành thế nào mà không làm Trung Quốc tin rằng Việt Nam là một phần trong "âm mưu" Mỹ - Việt đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Như lời của một nhà ngoại giao cao cấp Việt Nam, "Đây là quyền lợi tối quan trọng của việt Nam: một môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Nếu sự sắp xếp nằm trong quan hệ chiến lược của cả Việt Nam và Mỹ, chúng tôi sẽ đi theo. Nếu Mỹ nói, 'các anh hoặc theo hoặc chống chúng tôi', thì chúng tôi sẽ không đi đâu."

Cần nhớ rằng Việt Nam có hai ngàn năm đối phó với Trung Quốc – nước này là bậc thầy của “chính trị bất cân xứng” (mượn tựa đề cuốn sách gần đây của sử gia Brantly Womack).

Theo ông Womack, mặc dù Trung Quốc rõ ràng mạnh hơn Việt Nam nhiều, nhưng họ không thể dễ dàng ép Việt Nam làm điều họ muốn đơn giản bởi vì động cơ sống còn của Việt Nam chắc chắn mạnh hơn động cơ thống trị của Trung Quốc.

Quan hệ ngày càng phức tạp và lan rộng sang nhiều lĩnh vực trong quan hệ song phương Mỹ-Việt hiện đang tạo vị thế mạnh hơn cho Hà Nội chừng nào không bên nào cứ kỳ vọng quá mức vào khả năng thực tế bên kia đáp ứng được.

Chính vì lợi ích của mình mà Hoa Kỳ tiếp tục bồi đắp một cách từ tốn và thận trọng mối giao hữu 'trong ấm ngoài lạnh' và tỏ ra tự hào với cách chơi đó.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080721_us_vietnam_relations.shtml

No comments: