Tuesday, July 15, 2008

Xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sau năm 1975 qua cuốn Hồi kí của học giả Nguyễn Hiến Lê

Dung Khanh

Lời nhà xuất bản trong mấy trang đầu của cuốn Hồi kí Nguyễn Hiến Lê do Nhà xuất bản Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh tái bản lần thứ sáu, năm 2006, có viết như sau:

“Ngòi bút của Nguyễn Hiến Lê, tâm hồn và con tim Nguyễn Hiến Lê ngay từ đầu đã thuộc về nhân dân, những người lao động, những ai cực khổ, bần hàn và bất hạnh. Niềm tự hào về dòng giống, tổ tiên và nỗi đau về dân tộc trước những cuộc ngoại xâm đã kéo Nguyễn Hiến Lê, một nhà văn luôn ý thức lánh xa những gì phù phiếm như chức tước, địa vị và sự giàu sang không lương thiện xích gần với Cách mạng và tự coi mình là người của Cách mạng, bởi lẽ dễ hiểu, những điều Cách mạng đang làm cũng chính là mơ ước của ông.”

Sau khi khẳng định nhân cách của người cầm bút và tấm lòng của ông Nguyễn Hiến Lê đối với đất nước, Nhà xuất bản Văn học, một cơ quan văn hoá chính thức của nhà nước Việt Nam, giới thiệu cuốn sách này như sau:

“Trên tinh thần tôn trọng một học giả nghiêm túc và được nhiều người mến mộ, kính nể ấy, Nhà xuất bản Văn học trân trọng giới thiệu cuốn hồi kí của ông. Tuy là hồi kí một người, một nhà văn, nhưng qua đấy người đọc cảm nhận được xã hội Việt Nam xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược mà nét hào hùng lẫn những vệt máu và nước mắt vẫn còn thấm đẫm mới rọi trên từng trang sử của dân tộc chúng ta. Từng sự kiện, từng con người (từ nhà chính khách cho đến nhà văn…) đều được cách nhìn Nguyễn Hiến Lê soi rọi và đánh giá.”

Và như thế, cuốn Hồi kí Nguyễn Hiến Lê đã được in tới sáu lần, đủ cho ta thấy sự hưởng ứng của độc giả và ảnh hưởng của nó tới độc giả trong nước như thế nào. Nhưng sau tất cả những lần tái bản, cho tới bản gần đây nhất, năm 2006, cuốn sách đều không được in lại một cách đầy đủ, có nhiều phần đã bị tỉa bớt mà theo Nhà xuất bản Văn học thì:

“Vì tác giả đã mất, Nhà xuất bản không thể cắt bỏ nhiều quá. Trong quá trình biên tập, chúng tôi chỉ lược bớt phần rườm rà và cắt những chỗ không thể nào để lại được. Chúng tôi mong bạn đọc thông cảm.”

Câu này làm độc giả không khỏi thắc mắc: nếu ông Nguyễn Hiến Lê còn sống, cuốn sách của ông có lẽ còn bị cắt bỏ nhiều hơn, thậm chí còn không được xuất bản (mà quả thật là vậy, ông mất năm 1984, vậy mà tới năm 1992 Hồi kí Nguyễn Hiến Lê mới được xuất bản lần đầu tiên trong nước). Tuy người đọc rất “thông cảm” với Nhà xuất bản Văn học, nhưng trong suốt 14 năm, sau 6 lần in, người ta phải tự đặt câu hỏi là: ông Nguyễn Hiến Lê, một học giả rất được trọng vọng ở Việt Nam, đã tâm sự những gì trong quãng đời cuối cùng của ông khiến cho cuốn sách của ông được xuất bản muộn màng và bị kiểm duyệt như vậy. Lời bạt của cuốn sách có nói: “Một lần nữa, chúng tôi tin rằng, xuất bản tập Hồi kí này là hết sức cần thiết, và rất bổ ích, nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng sẽ có những vấn đề cần phải tranh luận”. Vậy thì phải chăng những đoạn cắt bỏ đó - “những chỗ không thể nào để lại được” - là những vấn đề “cần phải được tranh luận”? Dù rằng “xét trên cảm hứng chung của ngòi bút Nguyễn Hiến Lê, chúng tôi vẫn thấy trước tiên đây là một học giả đầy trách nhiệm và xây dựng” như Nhà xuất bản đã nhận xét?

Phần “Mục lục” của cuốn Hồi kí Nguyễn Hiến Lê cho thấy cuốn sách gồm có 6 phần, chia làm 33 chương, những phần bị bỏ đi là chương XXI, XXII, XXIV (trong Phần IV), và chương XXX, XXXI, XXXII (trong Phần VI) mà nhà xuất bản bỏ trống không in, với một lời ghi chú vỏn vẹn là “xin để lại sau một thời gian nữa…”. Những chương này đã nói những gì khiến cho Nhà xuất bản Văn học (hay nói đúng hơn, nhà nước Việt Nam) phải giấu nhẹm, bưng bít hơn 23 năm sau khi ông Nguyễn Hiến Lê mất?

Câu trả lời được tìm thấy trong cuốn Hồi kí do nhà Văn nghệ - California – USA xuất bản năm 1988, in đủ 33 chương. Cuốn Hồi kí này đã được xuất bản hai năm sau khi ông Nguyễn Hiến Lê mất, toàn bộ được in làm ba tập, Tập I, II, III, và một phần trong cuốn Đời viết văn của tôi (Văn nghệ, 1986). Theo bản in cuốn Hồi kí của nhà Văn nghệ thì chương XXI, XXII, XXIV trong Phần IV – Nam Bắc chia hai - Chiến tranh Việt Mĩ gồm những tiết sau:

Chương XXI - Việt Nam chia hai (1954-1965)

A. Miền Nam
Gia đình Ngô Đình Diệm
Dẹp giáo phái - Truất Bảo Đại
Chính sách nhà Ngô
Dân nổi dậy chống đối - Hai vụ 11-11-60 và 26-2-62
Ấp chiến lược - Trận Ấp Bắc
Phật nạn - Đảo chánh 1-11-63

B. Miền Bắc
Pháp mất hết quyền lợi
Kinh tế suy - Đời sống khắc khổ
Cải cách điền địa - Vụ Quỳnh Lưu
Vụ Nhân văn - Giai phẩm
Kinh tế phát triển rất chậm
Bắc giúp Mặt trận Giải phóng miền Nam

Chương XXII - Chiến tranh Việt Mỹ (1965-1975)

Các chính phủ quân nhân
Mĩ đưa quân sang
Vụ Mậu Thân
Vừa đánh vừa đàm - Hiệp định Paris
Những bí mật trong chiến tranh Việt Mỹ
Mĩ rút về, quân Nam tan rã, chiến tranh chấm dứt

Chương XXIV - Xã hội miền Nam trong thời Mỹ

Kinh tế mền Nam từ 1954 đến 1974
Nhân số bộc phát - Nạn đói
Thị dân tăng lên quá mau - Nền kinh tế trái luật kinh tế
Sản xuất kém mà tiêu thụ mạnh
Đời sống quay cuồng
Cảm giác bất an - Thời đại kĩ nghệ điện tử
Phong hoá suy đồi


Ta có thể thấy ngay là những điều mà Nguyễn Hiến Lê viết về hai miền Nam, Bắc trong Chương XXI, vụ Mậu Thân, bí mật trong chiến tranh Việt - Mĩ trong Chương XXII, kinh tế, thời đại kĩ nghệ điện tử ở miền Nam trong Chương XXIV có thể là những điều sẽ làm cho nhà nước Việt Nam phải lúng túng bào chữa, lấp liếm nếu nó được in ra.

Nhưng có lẽ cái gai làm cho các nhà quản lý tư tưởng Việt Nam khó chịu nhất là những gì ông Nguyễn Hiến Lê đã viết trong Chương XXX, XXXI, và XXXII, trong Phần VI – Giai đoạn 1975-1981: Chương XXX tả lại đời sống xã hội miền Nam sau 6 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa; chương XXXI viết lại những kết quả sau 6 năm đó; Chương XXXII tập hợp những ý kiến của ông về lỗi lầm của Đảng và về tương lai của đất nước.

Câu cuối cùng trong lời bạt của Nhà xuất bản Văn học có viết: “Nhà xuất bản rất mong sự đóng góp của độc giả trong nước cũng như ngoài nước để lần in sau chúng tôi rút được những kinh nghiệm tốt hơn.” Chẳng lẽ những đóng góp này chỉ là những ý kiến về kĩ thuật ấn loát hoặc trang trí hình bìa? Vì theo nhà Văn học thì “qua đấy (cuốn Hồi kí) người đọc cảm nhận được xã hội Việt Nam xuyên suốt hai cuộc kháng chiến”, vậy thì độc giả, nhất là độc giả trong nước, có thể nên lên một băn khoăn là: Dù chúng tôi thông cảm cho nhà xuất bản đã cắt bỏ những chương quan trọng trên trong tất cả những lần tái bản, nhưng chúng tôi, với tấm lòng ngưỡng mộ một vị học giả quá cố, vẫn không khỏi thắc mắc tự hỏi ông Nguyễn Hiến Lê đã nhận xét những gì về xã hội Việt Nam sau cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ. Đến bao giờ chúng tôi mới đọc được toàn bộ cuốn Hồi kí của ông? Đã 16 năm rồi chứ đâu phải là ít?

Trong tinh thần tự do công luận đó, tôi xin trích ra sau đây chương XXX, XXXI, XXXII trong cuốn Hồi kí của học giả Nguyễn Hiến Lê. Có lẽ lý tưởng nhất là đăng nguyên văn những chương này, không thiếu sót một câu, một chữ, do Nhà xuất bản Văn nghệ in năm 1988; nhưng ba chương này rất dài, chiếm hơn ba phần tư (160 trang) cuốn Hồi kí, Tập III, tức là gần một phần năm của toàn bộ cuốn Hồi kí dầy non một ngàn trang. Mục đích của tôi là tóm tắt, thu gom lại những ý tưởng, câu viết của ông trong ba chương đã bị cắt bỏ trên thành một bài đọc ngắn để độc giả có thể biết ngay được tâm tư, trăn trở của ông sau 6 năm sống dưới chế độ cộng sản.

Tôi sẽ giữ đúng bố cục mà ông đã dàn trong ba chương này, và theo sát những ý tưởng, diễn biến trong cách viết của ông. Tôi cũng xin mạn phép thỉnh thoảng xen vào vài ý kiến cá nhân phụ thuộc, phần lớn là để cập nhật tình trạng xã hội Việt Nam mà, sau hơn 25 năm, đã có nhiều thay đổi.

Đọc tiếp:
http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?p=201528#post201528

No comments: