Thursday, July 10, 2008

Các công ty Mỹ hợp tác khai thác dầu khí ở Việt Nam

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2008-07-09

Đẩy mạnh khai thác dầu khí ở Việt Nam là một trong những thỏa thuận hợp tác phát triển mà Việt Nam đạt được trong chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa qua.

RFA file photo

Trụ sở của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam - PetroVietnam.

Cùng thời gian, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế tài chánh cao cấp ở Việt Nam, cũng đến Houston (Texas, Hoa Kỳ) ký với tập đoàn Plains Exploration and Production hợp đồng khai thác lô 124 trong thềm lục địa Phú Khánh.

Trở lại Hà Nội, qua cuộc phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện, ông Bùi Kiến Thành trình bày một số dữ kiện và chi tiết trong tiến trình hợp tác thăm dò khai thác dầu khí giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tính đến ngày hôm nay.

Ông Bùi Kiến Thành: Tôi đi công tác bên Mỹ với tính chất là một doanh nhân. Từ nhiều năm nay tôi hợp tác với lại một số những tập đoàn dầu khí của Mỹ, ký hợp đồng hợp tác, khai thác, và thăm dò dầu khí ở Biển Đông với lại Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam.

Tính cho tới 2007 thì Việt Nam đã khai thác và xuất khẩu hơn 15 triệu tấn dầu, xếp vào hạng khoảng thứ 3 ở trong khu vực. Như vậy là về vấn đề đảm bảo năng lượng của Việt Nam là một thành quả rất là tốt.

Năng lượng rất là cần thiết cho phát triển, nếu mà không đảm bảo được năng lượng thì rất khó cho một nước có thể đảm bảo được độc lập về chủ quyền kinh tế của mình.

Tôi qua bên Mỹ kỳ này là cùng với một số những tập đoàn dầu khí xem thử những bước tới làm thế nào để sự hợp tác với lại Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam được phát triển mạnh mẽ hơn.

Mở rộng dò tìm, khai thác
Thanh Trúc: Thưa Ông, qua Houston kỳ này Ông đã gặp tập đoàn dầu khí nào của Hoa Kỳ và họ nhắm thăm dò cũng như khai thác lô nào trên thềm lục địa của Việt Nam?

Ông Bùi Kiến Thành: Kỳ này tôi làm việc chính xác là với một công ty ở Houston tên là Plains Exploration and Production, đã ký hợp đồng với lại Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam từ 2 năm nay trên lô 124 trong khu vực Phú Khánh.

Hai năm nay là thăm dò và năm tới là bắt đầu khoan; thì 2 năm nay đã đầu tư vào cũng khoảng chừng sáu bảy chục triệu đô-la rồi.

Đến khi khoan thì mỗi một lổ khoan phải khoan xuống ngoài biển tới hai ba bốn nghìn mét, thì mỗi lổ khoan cũng mười mấy hai chục triệu nữa.

Ký hợp đồng với Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam thì công ty này phải đầu tư trong 3 năm đầu khoảng chừng 85 triệu đôla mà sau đó nếu tìm được trữ lượng với lại số lượng khai thác thương mại thì sẽ đầu tư tiếp.

Như vậy con số đầu tư cũng lên đến hàng tỷ đôla mới có được số dầu để có thể khai thác thương mại được. Điều này bình thường thôi. Vấn đề đầu tư dầu khí thì con số đầu tư như vậy cũng bình thường.

Ngoài ra thì lãnh đạo của tập đoàn dầu khí tại Houston cũng bàn thêm về những việc có thể mở rộng quan hệ và hai bên cũng nhất trí rằng sẽ làm việc với nhau để xem các lô khác ở tại Nam Côn Sơn, hay là ở miền dưới gần Vũng Tàu - Bà Rịa, hay trong Vịnh Thái Lan rất là nhiều khả năng, thì như vậy sẽ phát triển quan hệ và ký với nhau những hợp đồng hợp tác để thăm dò khai thác tiếp.

Thanh Trúc: Thưa ông Bùi Kiến Thành, ngoài Plains Exploration And Production đã ký với Việt Nam, Ông có thể cho biết tên những tập đoàn dầu khí của Hoa Kỳ đã ký kết với Việt Nam trước nay?

Ông Bùi Kiến Thành: Còn có Chevron - một tập đoàn lớn, hay Conoco ký rất là lâu từ mười mấy năm nay. Khi xưa thì có Unoco, giờ Unoco đã bán lại cho Chevron. Xưa nữa thì có Mobil cũng đã ký với Việt Nam nhưng rồi Mobil lại nhập với một công ty khác thành ExxonMobil, nhập lại với nhau mà. Những tập đoàn dầu khí Mỹ hoạt động ở Việt Nam rất là mạnh từ mười mấy hai chục năm nay.

Vừa rồi đoàn của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Houston thì Thủ Tướng chúng kiến việc ký một hợp đồng khung giữa Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam và tập đoàn ExxonMobil trên hai lô 134 - 133 trên thềm lục địa Việt Nam.

Đầu tư dầu khí rất là lâu, từ ngày thăm dò tới khi có dầu sản xuất thì mất khoảng chừng 7 năm mới có kết quả.

Cần 600 tỷ đôla đầu tư

Thanh Trúc: Ông cũng đang xây dựng một quỹ huy động vốn từ nước ngoài, quy mô của sự vận động này như thế nào, thưa Ông?

Ông Bùi Kiến Thành: Theo ước lượng của một số chuyên gia về tài chánh thì trong 10 năm tới Việt Nam cần phải có một số vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đôla trong mọi lãnh vực, nhưng mà cái tiết kiệm nội địa của Việt Nam thì khoảng chừng ba bốn trăm tỷ đôla là nhiều, vì vậy cho nên Việt Nam cần huy dộng từ nước ngoài khoảng chừng ba bốn trăm tỷ đôla nữa.

Việc đầu tư trực tiếp, các tập đoàn nước ngoài đã đăng ký 30 tỷ hơn và như vậy tới cuối năm thì số đăng ký có lẽ lên tới bốn năm chục tỷ. Cũng vẫn chưa đủ, đấy là đầu tư trực tiếp chứ còn đầu tư gián tiếp tức là mua cổ phần, cổ phiếu của các công ty Việt Nam và có những số tài chánh để tài trợ cho lãnh vực tư nhân của Việt Nam đang phát triển rất mạnh.

Hiện nay Việt Nam có 300 nghìn các công ty tư nhân, và trong 10 năm nữa có lẽ lên tới 600 nghìn. Các công ty của lãnh vực tư nhân cần dùng tài chánh để phát triển.

Việc của tôi làm là làm sao huy động được những số vốn ở nước ngoài để có thể cung ứng đầy đủ số tài chính cần thiết cho các xí nghiệp tư nhân phát triển, và đồng thời cũng tài trợ cho những dự án lớn của nhà nước cần phải có những số vốn lớn để mà thực hiện.

Cái quan trọng nhất là chúng ta cần phải làm sao để tránh cái việc các tập đoàn tài chính nước ngoài có thể là có vai trò quá nặng nề đố với nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam cần phải làm thế nào mà tự chủ được vấn đề tài chính, thì đấy là một phần việc mà tôi cố gắng làm sao có thể xây dựng được những quỹ đầu tư vốn nước ngoài nhưng mà do ta quản lý.

Đương nhiên muốn thu hút vốn thì ta phải bảo đảm cho người đầu tư chắc chắn là người ta sẽ thu đựơc lợi nhuận hợp lý và an toàn; còn nếu mà đất không lành thì chim không đậu.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn chuyên gia kinh tế tài chánh Bùi Kiến Thành về bài phỏng vấn này.

RFA

No comments: