Thursday, July 17, 2008

'Không cho phép báo chí tư nhân'



Quan chức bộ Thông tin và Truyền thông một lần nữa khẳng định Việt Nam sẽ không có báo chí tư nhân, nhưng không loại trừ 'liên kết' với cá nhân hay tổ chức để phát triển.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn được trích lời nói tại hội thảo về Luật Báo chí sửa đổi rằng thực tế đã có sự tham gia của các cá nhân và tổ chức 'trong một số công đoạn của hoạt động báo chí như quảng cáo, phát hành'.

Tuy nhiên, ông Doãn nhấn mạnh: "Cá nhân, tổ chức có thể tham gia ở mức độ nào đó trong quá trình hoạt động của cơ quan báo chí nhưng cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung các ấn phẩm của cơ quan mình".

Trong dự thảo luật có điểm quy định các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tức các doanh nghiệp, sẽ có thể thành lập cơ quan báo chí.

Ông thứ trưởng cũng được trích lời nói chính phủ muốn khuyến khích mô hình tập đoàn báo chí.

Ông Đỗ Quý Doãn cho biết trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi sẽ trình Quốc hội, tuy không nói về mô hình tập đoàn nhưng "các cơ chế, chế tài đưa ra cũng đã nhắm tới để xu hướng này phát triển".

"Luật đưa ra quy định là cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu hoặc mô hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Đó là những cơ chế để báo chí có thể phát triển theo mô hình tổ hợp hoặc tập đoàn."

'Kinh doanh có điều kiện'

Ý tưởng hình thành tập đoàn báo chí đã được đưa ra từ ba năm trước, nhưng cho tới nay vẫn còn chưa triển khai mặc dù một số báo lớn ở Việt Nam trên thực tế đã hướng tới phương thức hoạt động của các tập đoàn báo nước ngoài.

Các tờ báo ngày lớn như Tuổi Trẻ TP HCM hay Thanh Niên đều đã trở nên những tổ hợp kinh doanh có lãi.


Cá nhân, tổ chức có thể tham gia ở mức độ nào đó trong quá trình hoạt động của cơ quan báo chí nhưng cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung các ấn phẩm của cơ quan mình.


Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn

Giới chức cho biết đang cân nhắc quy định về tài chính cho báo chí để phát triển thành chế tài khi mô hình 'kinh doanh có điều kiện' hoạt động.

Tuy nhiên, về mặt nội dung tư tưởng, dường như nhà nước muốn duy trì một hệ thống kiểm soát chắc chắn.

Gần đây đã có nhiều hoạt động chấn chỉnh báo chí về mặt nội dung, bảo đảm các 'cơ quan ngôn luận' đi đúng đường, đúng hướng.

Vụ hai nhà báo của Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị bắt hồi tháng Năm liên quan tới việc đưa tin về vụ nghi án tham nhũng lớn đã làm chấn động dư luận.

Dàn lãnh đạo của các tờ báo lớn, kể cả các tổng biên tập, cũng phải làm việc với cơ quan chức năng về quy trình đưa tin. Nhiều nhân vật đã "được sắp xếp lại công tác".

Dường như cởi trói thế nào và đến đâu vẫn là chủ đề còn chưa ngã ngũ.

--------------------------------------------------------------------------------


Nguyễn Hồng Quốc, Sài Gòn
Báo chí là “vũ khí sắc bén”, là "cơ quan tuyên truyền" của đảng. Nay các bạn đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, khác nào các bạn đòi tước đi “vũ khí” của Đảng! Nhưng “vũ khí” của Đảng trong thời đại internet này, xem ra, không còn sắc bén như trước nữa, thậm chí đã bị “cùn”. Đối với những ai thường xuyên sử dụng internet thì hơn 600 tờ báo đang chịu sự quản lý của nhà nước chỉ còn tác dụng về mặt thương mại theo kiểu “Phát hành cao - Lan tỏa rộng - Tiết kiệm chi phí - Tăng mãi lực” hoặc cung cấp những thông tin chung chung về đời sống xã hội như giá cả tiêu dùng, thời trang, trộm cắp, tai nạn giao thông, giật nợ…

Lượng người sử dụng internet ngày càng tăng cao thì “vũ khí” của đảng ngày càng giảm thiểu hiệu quả.! Cá nhân tôi, hiện nay, đã không còn buồn đọc báo Thanh Niên hay Tuổi Trẻ như trước đây nữa (trừ phần quảng cáo). Mọi thứ đang rơi dần ra khỏi tầm tay của đảng và thứ vũ khí duy nhất còn lại của đảng là vũ lực.
BBC
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080717_press_law.shtml

No comments: