Saturday, July 19, 2008

Ngô Nhân Dụng: Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa

Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa
Ngô Nhân Dụng


Bữa đầu tuần, trong mục này đã nhắc tới vụ hai công ty tài chánh Fannie Mae và Freddie Mac được chính phủ và Ngân Hàng Trung Ương Mỹ cứu, và kết quả có vẻ khả quan. Cả hai sẽ tồn tại và tiếp tục việc tài trợ những ngân hàng cho vay tiền mua nhà, sau khi Quốc Hội sẽ thay đổi quy chế của họ. Kế hoạch cứu nguy được loan báo chiều Chúa Nhựt. Bản tin kinh tế ra ngày Thứ Hai của Merrill Lynch, một công ty cố vấn đầu tư và môi giới tài chánh Mỹ, đã nhận xét rằng chính sách kinh tế của nước Mỹ có vẻ đang tiến dần tới “mô hình Thụy Ðiển,” The Swedish Model.

Mô hình kinh tế Thụy Ðiển có tính cách xã hội chủ nghĩa. Nhưng xin đừng lầm với thứ “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” mà đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn rêu rao. Thụy Ðiển là một nước theo kinh tế tư bản, các hoạt động kinh tế chủ yếu do tư nhân đảm nhiệm. Nhưng ở Thụy Ðiển chính phủ đánh thuế rất nặng để lấy tiền cung cấp cho những nhu cầu xã hội, giáo dục và y tế chung của nhân dân. Dân Thụy Ðiển chấp nhận như vậy, vì thế có thể coi là họ có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhưng có thật là nước Mỹ đang tiến tới mô hình kinh tế Thụy Ðiển hay không? Chúng ta phải nghi là điều đó khó xẩy ra. Các nhà phân tích của Merrill Lynch chỉ nhấn mạnh vào việc chính phủ Mỹ chấp nhận việc can thiệp trực tiếp vào thị trường. Những người nắm quyền kinh tế ở Mỹ thấy thị trường tài chánh, ngân hàng có thể gặp cơn khủng hoảng, không cứu Fannie Mae và Freddie Mac thì cả hệ thống sẽ lung lay. Việc cứu chữa có tính cách tạm thời. Còn việc thay đổi cách điều hành cả hệ thống là chuyện bắt buộc và lâu dài, chắc chắn họ sẽ làm.

Tuy vậy, thay đổi tới đâu chăng nữa thì nước Mỹ cũng vẫn đề cao quyền tự do kinh tế và vai trò của chính phủ bị giới hạn trong phạm vi bảo vệ luật lệ của nền kinh tế. Nhà nước ở Mỹ đóng vai trọng tài thi hành luật chứ không trực tiếp làm công việc mà các tư nhân có thể làm hay hơn. Ðó là tư tưởng căn bản của hệ thống chính trị Mỹ. Nhưng các chính trị gia lúc nào cũng có thể nhầm lẫn, có khi họ đi ra ngoài các quy tắc đó, nhất là khi cả hệ thống gặp khó khăn. Như khi thành lập Fannie Mae trong thời kinh tế khủng hoảng. Vì muốn giải quyết những khó khăn nhất thời, người ta có thể vi phạm vào những quy tắc lâu dài. Nếu tiếp tục sai lầm này thì họ có thể vô tình tiến tới một thứ “định hướng xã hội chủ nghĩa” thật, nếu không được dư luận lớn tiếng can ngăn!

Trong thực tế, chính phủ Mỹ đang xét lại các luật lệ về kiểm soát các ngân hàng và hệ thống tài chánh, với chiều hướng là sẽ thắt chặt hơn, nhiều ràng buộc các tư nhân hơn trước. Vì trong những năm gần đây hệ thống ngân hàng, tài chánh đã tự thả lỏng quá nhiều, gây ra tai họa chung. Cuộc khủng hoảng do các “món nợ mua nhà tiêu chuẩn thấp” (subprime mortgages) gây ra cho thấy là: Khi được tự do, ban giám đốc các công ty tài chánh và ngân hàng sẽ sử dụng quyền tự do của họ đến mức tối đa, không đề phòng rủi ro, gây nguy hiểm cho chính họ, và cho người khác. Những vụ khủng hoảng về những món nợ dưới tiêu chuẩn cho thấy trong hệ thống luật kinh tế, tài chánh vẫn có những lỗ hổng. Và khi tai họa đe dọa cả hệ thống thì nhà nước phải can thiệp.

Tai họa xẩy ra trước hết vì có những người vì lòng tham mà sinh ra liều lĩnh. Nhưng đối với cả hệ thống, đối với cả xã hội, thì nguyên nhân chủ yếu là luật lệ chưa đầy đủ để đề phòng và ngăn cản những hành động liều lĩnh có thể gây họa chung. Hành động can thiệp lâu dài là sửa lại luật lệ.

Chính phủ Mỹ đã can thiệp trực tiếp bằng việc xin Quốc Hội cho phép mở ngân khố rộng rãi hơn, cho hai công ty Fannie và Freddie vay nợ. Trực tiếp hơn nữa, chính phủ có thể mua cổ phần của các công ty này nếu họ cần tăng vốn mà không bán được cổ phần cho công chúng. Nhưng đây là một hành động hoàn toàn trái ngược với triết lý kinh tế tư bản, đề cao thị trường tự do. Cho nên các đại biểu Quốc Hội thuộc đảng Cộng Hòa đã kịch liệt phản đối và họ sẽ đặt ra những điều kiện mới trước khi bỏ phiếu, để khỏi di họa về sau.

Trong khi Quốc Hội còn bàn cãi thì nhu cầu “bảo vệ” hai công ty Fannie và Freddie vẫn còn đó. Hai ông khổng lồ này đang đóng vai tài trợ gần một nửa các món nợ mua nhà ở Mỹ, nếu họ cạn tiền thì kinh tế Mỹ sẽ suy yếu ngay. Ðể thị trường được an tâm, Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang, tức ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã nhận sẽ cho hai công ty “vay gấp” qua các món nợ kiểu “chiết khấu”, giống như các ngân hàng thương mại vẫn được vay. Gần đây, vì cuộc khủng hoảng subprime mà Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang đã cho các “ngân hàng đầu tư” cũng được hưởng quy chế này, để họ khỏi bị phá sản khi cần tiền gấp mà không xoay đâu ra.

Nhưng cho phép hai công ty Fannie và Freddie được vay theo lối chiết khấu là một chuyện rất lố bịch, các nhà lãnh đạo tài chánh ở Mỹ phải biết như vậy. Vì điều kiện đặt ra khi các ngân hàng vay theo lối chiết khấu là họ phải có vật bảo đảm, mà Ngân Hàng Trung Ương chỉ chấp nhận những chứng khoán bảo đảm rất an toàn. Trong đó có công khố phiếu của chính phủ Mỹ, và các trái phiếu do hai công ty Fannie và Freddie phát hành. Người ta đặt ra điều kiện đó khi tình trạng tài chính của hai công ty trên được coi là an toàn không kém gì chính phủ Mỹ! Nay chính các công ty này lại phải đi vay gấp thì không còn an toàn nữa! Một nghịch lý nữa là nếu các công ty trên cứ phát hành trái phiếu của họ, rồi dùng các trái phiếu đó bảo đảm để được vay Ngân Hàng Trung Ương, thì không khác gì hai công ty này được phép in tiền! Chắc chắn trong Quốc Hội Mỹ người ta sẽ nghĩ tới việc thay đổi luật lệ để không cho Fannie và Freddie dùng trái phiếu của chính họ làm bảo đảm khi họ vay của Ngân Hàng Trung Ương! Nếu không thì nước Mỹ sẽ tiến tới một thứ “định hướng xã hội chủ nghĩa” thật!

Cái gọi là kinh tế theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam trong thực tế phản lại lý tưởng Chủ Nghĩa Xã Hội như người Thụy Ðiển đang thực hiện ở nước họ. Kinh tế Việt Nam hiện nay là một thứ kinh tế tư bản hoang dã, đồng thời vẫn giữ di sản của chế độ Cộng Sản cũ, tức là nhà nước can thiệp trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh, đứng làm chủ cả hệ thống ngân hàng. Việc thành lập các tổng công ty và tập đoàn kinh tế ở Việt Nam cho thấy nhà nước Cộng Sản vẫn bảo vệ tư tưởng “quốc doanh làm chủ yếu.” Trong khi đó, họ lại dùng danh nghĩa “cổ phần hóa” để chuyển nhượng một phần quyền làm chủ các công ty đó cho tư nhân. Chuyển cho những tư nhân nào? Vì tin tức được đảng Cộng Sản giữ kín cho nên chúng ta chỉ có thể đoán là họ sẽ ưu tiên cho các đảng viên trở thành những ông chủ mới, đặc biệt là các vị trong chi bộ đảng ở các xí nghiệp và các thân hữu của họ. Những người này, mà trong nước gọi là bọn Tư bản Ðỏ và bọn Búa Liềm, sẽ đóng vai tư nhân chia quyền chủ nhân xí nghiệp với nhà nước Cộng Sản. Cứ như vậy, một phần tài sản quốc gia sẽ được chuyển cho một số tư nhân hưởng, trước mắt mọi người!

Với hình thức “nửa công nửa tư” như vậy, đảng Cộng Sản sẽ cho phép các công ty này “tự do kinh doanh” nhưng lại cho họ những cơ hội chiếm độc quyền, bằng cách ngăn cản các “tư nhân thứ thật” ở ngoài đảng, không cho tư nhân khác được bước vào cạnh tranh với “con cháu trong nhà” của đảng.

Khi đó, những xí nghiệp, tổng công ty, và tập đoàn kinh tế sẽ đóng vai trò “nửa công nửa tư” giống như hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac ở Mỹ.

Thứ nhất, những đảng viên đóng vai tư nhân sẽ lợi dụng vị thế nửa công nửa tư để tha hồ làm giầu, và có thể càng ngày càng lớn thêm. Thứ nhì, khi các công ty này tự gây họa vì những quyết định kinh doanh sai lầm, thì nhà nước sẽ phải đứng ra cứu. Tức là nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi của những “tư nhân” mà trước đó đã được nhà nước trao cho cổ phần với giá rẻ! Mà khi cứu các công ty này, nhà nước lấy tiền ở đâu? Tất nhiên, lấy tiền của dân chúng làm ăn cực nhọc và đóng thuế.

Hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac đã lợi dụng tình trạng “hiểu ngầm” là họ lúc nào cũng được chính phủ Mỹ bảo đảm, không lo chết, để đi vay nợ. Vì họ “an toàn” cho nên có thể vay với lãi suất thấp, rồi đem về cho vay lại. Họ được giới đầu tư Mỹ và quốc tế tin tưởng, số nợ của họ chỉ thua tổng số nợ của chính phủ Mỹ! Chính Trung Quốc đã đứng ra mua khoảng 500 tỷ Mỹ kim, bằng một phần ba những trái phiếu do hai công ty Fannie và Freddie bán ra nước ngoài.

Nhưng khi Fannie Mae và Freddie Mac có những hành động sai lầm, trước cảnh họ có thể bị phá sản kéo theo cả thị trường địa ốc ở Mỹ, thì lập tức cả Quốc Hội, chính phủ lẫn Ngân Hàng Trung Ương Mỹ phải chạy tới cứu ngay! Ðó là một thứ “Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa” mà ngay một nước tư bản như nước Mỹ cũng bị vướng mắc qua trường hợp hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac!

Cho nên, khi làm công việc chữa chạy cuộc khủng hoảng do Fannie và Freddie gây ra, Quốc Hội Mỹ sẽ phải xóa bỏ ngay tính cách “nửa công nửa tư” của hai công ty đó. Người dân Mỹ xót tiền, vì chính phủ lấy tiền của dân mà cứu cấp, sẽ đòi hỏi từ nay công tư phải chia ra minh bạch. Một xã hội sống trong quy tắc minh bạch, công khai, thì trước tiên phải phân biệt việc công và việc tư. Nếu không thì trong nền kinh tế Mỹ có một góc vẫn còn theo “định hướng xã hội chủ nghĩa!”

Còn ở Việt Nam? Ðến bao giờ người Việt Nam, được gọi là “người dân đóng thuế,” sẽ đứng lên đòi hỏi xã hội mình cũng phải sống trong quy tắc minh bạch, công khai?


Nguồn:
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=81652&z=7

No comments: