Sunday, July 20, 2008

Hà Tĩnh: Công trình ngọt hoá làm 1.200 dân "chịu đắng"




14:32' 19/07/2008 (GMT+7)

http://www.vietnamnet.vn/xahoi/2008/07/794445/

- Buổi chợ quê đìu hiu nơi xóm chài lác đác vài bóng người qua lại, các quán hàng bán trong chợ cũng chỉ lèo tèo ít bát hàu mà người dân chài mới mò được. Thế nhưng ít ai biết rằng chỉ cách vài ba năm trước, đây lại là khu chợ hết sức sầm uất và tấp nập của huyện.

Cuộc sống của người dân xóm Sông Hải và Sông Tiến (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) từ bao đời nay đều dựa vào con sông Nghèn hiền hoà và giàu thuỷ sản. Những nghề như: đăng đáy, nò lưới, đào hồ đập nuôi tôm, cá… đều phát triển mạnh và cho thu nhập kinh tế cao. Chính vì thế, đời sống của người dân hai thôn thuộc vào loại ổn định nhất của xã Thạch Sơn. Nhiều ngư dân trong thôn đã đầu tư khá nhiều vốn để sắm sửa thêm ngư cụ. Thế nhưng...




"Lành thành què"?

Năm 2004, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho tiến hành thi công Dự án công trình “Ngọt hoá sông Nghèn” (Ba ra Đò Điệm). Công trình này có tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt cho lưu vực thượng nguồn sông Nghèn, nhằm tạo nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt cho người dân thuộc ba huyện Thạch Hà, Can Lộc và Lộc Hà.

Tuy nhiên, “đại công trình” này khởi động thì cũng là lúc con sông Nghèn bị ảnh hưởng, không còn chế độ thuỷ triều như trước. Không có dòng chảy, con sông này từ nước lợ chuyển sang nước ngọt, cộng với các chất phụ gia được đổ xuống sông làm cho tôm cá không thể sống được.

Chỉ duy nhất có loài hàu nước lợ là còn sót lại, chúng bám chặt vào các vỉa đá bên bờ sông và các rễ cây mọc ở trên bãi sông. Hàu cũng chính là miếng ăn duy nhất còn lại của hơn 1.200 con người sống nhờ vào dòng sông này.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (xóm Sông Hải) ngày trước là hộ có thu nhập cao trong làng nhờ làm nghề khai thác và buôn bán thuỷ sản. Một tay chị đã xây dựng được ngôi nhà 6 gian rất đàng hoàng vừa nuôi 5 đứa con ăn học nên người.

Dự án Ngọt hóa sông Nghèn khởi công vào năm 2000 nhưng phải đến năm 2004 mới chính thức được động thổ xây dựng. Dự án do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, với mức tổng đầu tư khoảng 100 tỉ đồng.

Đây là dự án có ý nghĩa rất lớn đối với ngành nông nghiệp, công nghiệp của Hà Tĩnh. Ba huyện Thạch Hà, Can Lộc và Lộc Hà với khoảng 150 nghìn dân được hưởng lợi trực tiếp từ công trình này.

Khi dự án này hoàn thành, nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt cho vùng nông thôn của cả 3 huyện nói trên không phải dựa vào thời tiết như trước (khoảng 30 nghìn ha lúa, lạc, đậu tương, ớt cay... của cả vùng này trước nay đều sống nhờ nước... mưa).

Khi chúng tôi đến thăm, chị Hồng đang ngồi chẻ những vỏ hàu sắc nhọn, nước mắt rưng rưng kể: “Ngày trước tôm cua nhiều, cứ buổi chiều bơi thuyền ra mắc lưới, vài giờ sau cất lên là có năm, sáu trăm ngàn, có ngày còn bán được tiền triệu, cuộc sống thoải mái, sung túc. Thế mà Tết vừa rồi đến cây hương thắp cho tổ tiên ông bà cũng không mua nổi. Nay cả nhà chỉ còn biết trông vào mấy con hàu, nhưng có hôm cả ngày ba mẹ chỉ làm được khoảng 15 ngàn đồng không đủ mua gạo cho 6 miệng ăn chứ nói gì đến chuyện học của con cái. Nay còn hàu nên còn sống, này mai không còn hàu nữa không biết lấy gì mà ăn?”.

Mặc dù, trời nắng như nung nhưng dưới sông Nghèn nhiều cụ già và trẻ em vẫn mãi miết cắm đầu cặm cụi mò hàu để kiếm cái ăn qua ngày. Thấy chúng tôi, cụ Nguyễn Thị Thật chỉ tay vào chậu đựng lèo tèo vài ba con hàu nhỏ than thở: ”Mấy tháng trước hàu còn nhiều nên mỗi ngày tôi và thằng cháu còn kiếm được từ 15 đến 20 ngàn. Bây giờ cả 2 thôn ai cũng đổ xô ra đây để tìm hàu nên số lượng giảm hẳn, đã nửa ngày rồi mà tui và thằng cháu ngoại mới chỉ kiếm được có chừng này thôi”.

"Thôn nheo nhóc"

“Trước đây, đàn bà trong thôn ở nhà trông con cho chồng đi làm ở miền Nam, nhưng mấy tháng trước nhiều đứa cũng theo chồng đi nốt để lại cho mấy cụ già một bầy cháu nheo nhóc” - cụ Thật cho biết.

Đi một vòng quanh thôn mới thấy lời cụ Thật nói chằng hề sai. Khi mất nghề các lao động chính trong thôn đều lần lượt bỏ quê vào Nam tìm nghề kiếm sống, nên bây giờ nếu đến Song Hải và Song Tiến chỉ toàn gặp phụ nữ, trẻ con và người già cả. Trong thôn hầu hết các nhà đều cài then đóng cửa và vắng tanh bóng người người lớn, nhiều đứa trẻ khoảng từ 2 đến 5 tuổi ngồi trước thềm nhà khóc khản cả cổ gọi mẹ suốt ngày nhưng chẳng ai thèm để ý.

Nhiều nhà trước kia vốn có điều kiện quan tâm đến chuyện học hành cho con em thì giờ đành bất lực để cho con phải nghỉ học. Chị Nguyễn Thị Thanh (xóm Sông Hải) vừa khóc vừa kể: “Mấy đứa con tôi phải nghỉ học cả, hai đứa đầu mới đi Thái Lan lao động. Đứa thứ 4 mới học lớp 7 cũng vừa mới nghỉ, tôi phải khai thêm tuổi để làm chứng minh nhân dân mới đi Thái Lan kiếm ăn được. Đứa nhỏ nhất đang học lớp 3, không có tiền đóng đậu cô giáo nhắn nộp tiền mới cho học tiếp. Tôi bảo con cứ đi học, khi nào nhà trường không cho học nữa thì thôi. Thương con nhưng cha mẹ không biết làm sao, đành phải bắt con nghỉ học đi làm”.




Chị Nguyễn Thị Anh (thôn Sông Tiến) cũng chẳng khá hơn. Hai đứa lớn nhà chị đã nghỉ học từ năm ngoái, chỉ còn thằng út đang học lớp 8 nhưng do không có tiền đóng xây dựng trường và học phí nên nhiều hôm đến lớp cô chủ nhiệm bắt để cặp sách lại lớp rồi đi về nhà xin bố mẹ tiền đóng cho nhà trường. “Nhiều hôm cháu không chịu đi học, tôi bắt ép mãi cháu mới miễn cưỡng đi, nhưng nó không dám vào lớp vì sợ cô giáo hỏi tiền mà chỉ chơi ở cổng trường, khi nào tan học mới dám về” - chị sụt sùi kể.


Trong thôn có có trường hợp của em Nguyễn Thị Thơm, đang học là sinh viên Cao Đẳng Du lịch Huế năm thứ 2 cũng phải nghỉ học vào Nam làm thuê vì gia đình không có tiền cung cấp hàng tháng.

Ông Nguyễn Văn Hồng, xóm trưởng ở thôn Sông Tiến cho biết: “Chúng tôi có đề xuất chính quyền xã can thiệp với nhà trường để các cháu được đi học, nhưng các anh biết đấy, vận động các cháu đi học nhưng trong bụng mà không có gì thì làm sao mà ngồi học yên được”.

"Thôn nợ nần"

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND, ông Nguyễn Hữu Niêm - Chủ tịch xã Thạch Sơn cho hay: ”Thôn Sông Tiến và Sông Hải có 256 hộ với 1289 nhân khẩu sống dựa hoàn toàn vào ngư nghiệp. Trước năm 2000, thu nhập của nhân dân từ khai thác thuỷ sản cao nên đời sống sung túc, trong thôn hầu như hộ nào cũng có nhà ngói khang trang và tiện nghi đầy đủ. Nhưng từ khi tiến hành xây dựng công trình “Ngọt hoá sông Nghèn” đến nay, do chính quyền không dự tính hết được ảnh hưởng đối với người dân xung quanh nên đã làm cho các hộ rơi vào cảnh lao đao, khốn khó vì không còn nguồn thuỷ sản"

Theo lời ông Niêm thì cả hai thôn bây giờ số hộ nghèo tăng khoảng hơn 95% và gần 50% số hộ bị đói.



Chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Sông Hải) giọng buồn xo kể: "Khi đào hai hồ nuôi tôm gia đình tôi phải vay ngân hàng 52 triệu đồng, nếu làm ăn thuận lợi như những năm trước thì chỉ vài năm là trả hết nợ, nhưng ai ngờ lại rơi vào cảnh khốn cùng này. Bây giờ chạy ăn từng bữa còn chưa đủ chứ số tiền nợ khổng lồ đó thì gia đình không còn khả năng trả nữa”.

Thực tế, nhiều hộ trước đây được coi là năng động nhất thôn khi vay tiền về để đào ao thả cá, nuôi tôm thì bây giờ lại trở thành những con nợ của ngân hàng bởi từngày 1/3/2008, khi công trình Đò Điệm tiến hành đóng cống thì ao hồ trong vùng cũng cạn kiệt nước luôn. Số tiền vay nợ của người dân hai thôn để đầu tư vào việc nuôi tôm, cá lên đến hơn 3 tỷ đồng.

"Riêng số ngư cụ hơn 3 tỉ bạc của ngư dân mua sắm, khi công trình thi công thì đều không sử dụng cũng như không bán được cho ai. Đáng ra, UBND tỉnh phải có phương án hỗ trợ cho bà con để họ lấy số vốn đó chuyển sang nghề khác, nhưng đến thời điểm hiện tại khi số ngư cụ này do phơi nắng phơi sương đã mục nát gần hết nhưng vẫn chưa nhận được đồng nào” - ông Niêm có ý kiến.

Hà Vy - Duy Tuấn
Bài 2: Lợi thì có lợi nhưng... cơm chẳng còn
http://www.doi-thoai.com/baimoi0708_307.html

No comments: