Tuesday, July 8, 2008

Đảng ta đang chống ai?

Xuân Sơn (sinh viên Kinh tế quốc dân)

Đảng ta khi dạy chúng ta trong môn Chính Trị ở bậc đại học và cao đẳng thì luôn luôn nói phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, do vậy cũng xác quyết việc kiên trì xây dựng CNXH. Đến đây tôi xin mở dấu ngoặc đơn để nói thêm rằng: Cụ Bùi Tín khi đọc bài của bạn Đỗ Thuý Hường phê phán Luật Đất Đai không biết rằng chúng ta đã quy định hễ nói “đảng ta” chỉ có nghĩa là “không phải đảng tây”. Thế thôi. Do vậy, bài này tôi xin nhắc lại như vậy. Xin đóng ngoặc đơn.


Đảng chống lại ai nói khác đảng, dù chỉ là nói

Nếu chúng ta nói năng trái với quan điểm, lập trường của đảng ta thì bị coi là chống đảng. Ở nước ta, tội chống đảng là một tội rất nặng, nhưng trong bộ Luật Hình Sự lại không có tội này, không dám đưa “tội” này vào luật; bởi vì trên thế giới không ở nước nào có cái tội đó. Do vậy tội chống đảng đã bị biến thành tội chống Nhà Nước. Dẫu vậy, trong sinh viên chúng ta không ai thiểu năng trí tuệ tới mức không biết rằng đảng ta và nhà nước ta chỉ là một. Đảng ta sống bằng ngân quỹ nhà nước (thu của dân) và điều khiển nhà nước bằng cách ngang nhiên, trắng trợn đưa đảng viên nắm giữ tất cả các chức vụ chính quyền từ trung ương đến huyện xã. Trong các đoàn thể và trong quốc hội đang cũng không tha.

Mắc tội chống đảng, nếu nhẹ thì bị quản thúc, cải tạo tại gia. Nếu nặng hơn sẽ bị gọi là “bọn phản động” để bị xử tù. Nếu bọn phản động có lực lượng mạnh, ở nước ngoài mà đảng ta không làm gì nổi, thì đảng ta gọi là “thế lực thù địch”. Tìm hiểu kỹ, sẽ thấy chúng thù địch với đảng chứ không thù địch với dân.


Đảng chống “bọn phản động”, nhưng chúng ngày càng đông đảo

Tất nhiên, đảng ta chống lại người đã nói trái ý đảng, mà còn làm trái ý đảng.

Ví dụ, khi hiến pháp (do đảng ta soạn thảo ra) đã ban cho dân rất nhiều quyền: tự do ngôn luận, tự do bầu cử và ứng cứ, tự do lập hội, biểu tình…; nhưng nếu ai nói (dù có chứng cớ chắc nịch) rằng đảng nói thế mà không làm thế, lập tức đảng cho người sờ gáy luôn. Bạn nào không tin, cứ thử chính thức phát biểu công khai như vậy đi, sẽ thấy nhãn tiền ngay. Điều này thì khi thảo luận chính trị ở tổ (nếu không có thầy cô dự cùng) thì nhiều bạn đã nói rõ rồi. Vấn đề là nếu nói một cách chính thức và công khai thì “chết” chưa biết chừng. Còn nếu ai nói nhiều lần, nói để đảng “hiểu ra”, dù là nói ôn hoà, xây dựng… thì đảng coi là đã có hành động (làm), sớm muộn gì cũng thành “bọn phản động”.

Tình hình hiện nay là “bọn phản động” công khai ngày càng đông đảo. Đảng bỏ tù không xuể. Rắc rối là hễ bỏ tù thì lập tức các “thế lực thù địch” lại lên tiếng tố cáo đảng ta.

Tốc độ phát triển của “bọn” công khai trên tuy nhanh, nhưng không thể nhanh bằng “bọn phản động” ngấm ngầm. Ví dụ, như… tôi đây (và vài thằng bạn thân khác). Chúng tôi từ chỗ nói riêng với nhau rằng học môn Mác-Lê phát ngấy mà muốn… ói, rồi “tiến tới” đến chỗ cười khẩy, mỉa mai, đặt thành chuyện tiếu lâm các lời nói và việc làm giả dối, mất dân chủ, vi phạm nhân quyền… thì chúng tôi đã dấn sâu hơn vào con đường “phản động” rồi. Uất quá, viết bài đưa lên mạng (như bài này) thì đã “tiến xa” quá rồi. Tuy vậy, xin đảng hãy xét cho kỹ: có phải đảng đã đẩy chúng tôi vào con đường này?


Đảng chống lại các tổ chức ôn hoà, nếu nó tự thành lập

Các tổ chức này thành lập là dựa vào một quyền đã ghi trong hiến pháp. Về lý đời thì thế, nhưng lý đảng thì không thế. Hễ ai đăng ký xin thành lập thì bị đe doạ ngay. Nếu cứ thành lập (quyền của mình mà) thì “chết” ngay. Lý đời thì hễ có quyền thì cứ làm, nhưng lý đảng thì “quyền” gì cũng phải được phép. Bạn nào chưa tin, xin cứ thử. Ví dụ xin thành lập Hội giúp đảng chống tham nhũng, chẳng hạn. Đừng tưởng bở rằng đảng sẽ hoan nghênh.


Chúng tôi đang phân vân chuyện gia nhập Tập hợp Thanh niên Dân chủ của anh Nguyễn Tiến Trung và chị Nguyễn Trang Nhung: xin vào ngay, hay là đợi sau khi có mảnh bằng đại học (?). Tóm lại, là cân nhắc về nỗi sợ.

Báo công an đã gọi đích danh đây là tổ chức “phản động”, mặc dù mục tiêu của Tập hợp này rất ôn hoà, tiến bộ: tăng cường và mở rộng dân chủ trong thanh niên (đúng như mục tiêu lớn của đảng: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh).

Khốn nỗi, đảng ta độc quyền thực hiện mục tiêu do mình đề ra theo cách hiểu riêng của đảng ta. Ví dụ, để bầu quốc hội, thì không được tự ứng cử mà phải bầu theo một danh sách do đảng chọn sẵn. Đảng rất hiểu rằng cái Tập Hợp của anh Trung, chị Nhung chỉ muốn (ví dụ) làm cho quyền tự do bầu cử và ứng cử của thanh niên (và của dân) được thực chất hơn nữa; nhưng đảng cũng đủ nhạy cảm để thấy rằng dân chủ hơn nữa thì sẽ tới lúc đảng ta không còn làm cha quốc hội được nữa. Trách gì, THTNDC không bị xếp vào “bọn phản động” chống đảng?. Và phải bị đảng chống.

Đảng chống lại nông dân

Chúng ta được học rằng Công – Nông – Trí là nòng cốt của hệ thống chính trị nước ta. Nhưng trên thực tế, nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu thì số người “phản động” bất đắc dĩ trong nông dân đã đông đảo lắm. Có người nói đã tới nhiều chục triệu người. Nòng cốt cho số “phản động” này là dân oan mất đất (cảm ơn bài phân tích của nhóm Trần Hiền Thảo và Đỗ Thuý Hường về Luật Đất Đai).

Tôi có gốc từ nông thôn, mới theo cha mẹ lên sống ở đô thị từ mấy chục năm nay, vẫn theo cha mẹ về quê tảo mộ, giỗ tổ, dự cưới xin, ma chay... Tôi rất hiểu sự bất mãn của nông dân và rất đồng ý với nhận định rằng trong số hàng trăm ngàn (chục vạn) đơn tố cáo oan khiên thì 80% là của nông dân, hầu hết liên quan tới bị cướp đất. Vụ nghỉ hè này, tôi sẽ về quê vài tuần để có thêm tư liệu cụ thể.


Đảng đang chống lại công nhân

Chúng ta dù vô tâm đến đâu cũng biết rằng mấy năm nay ở đất nước “do giai cấp công nhân lãnh đạo” đã xảy ra hàng ngàn cuộc đình công mà nguyên nhân duy nhất là đảng để cho các ông tư bản bóc lột công nhân đến mức họ không thể nào sống nổi. Có Luật Đình Công hẳn hoi, nhưng chẳng hiểu đảng ta soạn luật “thế quái nào” mà cuộc đình công nào của giai cấp công nhân Việt Nam, xảy ra ngay trên đất nước Việt Nam cũng bị đảng cai trị ở Việt nam coi là bất hợp pháp. Gần đây, còn có “luật” bắt công nhân bồi thường nếu gây thiệt hại cho chủ.

Liệu tôi có nên noi gương nhóm Trần Hiền Thảo, Đõ Thuý Hường mà tìm hiểu Luật Đình Công để vạch ra tính chất… phản động của nó?


Đảng đang chống lại dân nghèo bán rong

Họ từ nông thôn, hết đường sinh sống ở quê, nay ra đô thị làm nghề “mạt hạng” (theo cách nói của chị họ tôi) mà vẫn đang bị đảng chống lại. Điều này mong các bạn quan sát, thu thập tư liệu để nói cho rõ hơn.

Đảng chống… tất

Nhà kinh doanh tư nhân, các vị văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo, các nhà hoạt động tôn giáo, dân Tây Nguyên… bất mãn ngày càng nhiều, càng lớn. Chịu ơn huệ lớn của đảng như cụ Nguyễn Khải mà còn trăng trối lại với đời bằng bài viết Đi tìm cái tôi đã mất, liệu dảng ta có thể chối cãi?


Ối! đảng ta ơi…
(THTNDC)

No comments: