Tuesday, July 8, 2008

Tổng thống Ba Lan Lech Walesa từng tiếp tay với an ninh cộng sản?

ân Anh, thông tín viên đài RFA
2008-07-06
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/a-historical-book-about-the-past-of-LechWalesa-causes-shocks-in-Poland-VAnh-07072008095305.html

Một quyển sách mang tựa đề ”Cơ quan an ninh và Lech Wałęsa - một phần tiểu sử”, gây chấn động dư luận về quá khứ của vị Tổng thống dân chủ đầu tiên của Balan, ông Lech Wałęsa.

Đối Thoại : Một câu hỏi quan trọng cần được nêu lên !
Với sự ứng xử cuả đảng CSVN về vấn đề biên giới và lãnh hải, câu hỏi đặt ra là, có bao nhiêu và ai là điệp viên cuả Tàu trong Chính trị bộ cuả đảng CSVN




Bìa cuốn "Cơ quan an ninh và Lech Wałęsa - một phần tiểu sử". Phto courtesy of ipn.gov.pl

Sách vừa chính thức ra mắt bạn đọc tại Ba Lan đã gây ngay sự chú ý về thái độ của dư luận và chính giới với quá khứ cộng sản, với sự thật và phương cách làm sáng tỏ sự thật khi đất nước vừa thoát khỏi thể chế độc tài.

Biểu tượng của phong trào dân chủ Đông Âu

Nhân vật biểu tượng cho phong trào dân chủ tại Đông Âu, Tổng thống đầu tiên của Ba Lan không cộng sản, người được nhận Nobel Hòa Bình nay lại bị các nhà viết sử cho rằng từng tiếp tay với an ninh cộng sản và bách hại các đồng chí cùng hàng ngũ đối lập với thể chế cộng sản hà khắc.

Cuốn sách do Viện Tưởng Niệm Quốc Gia của Ba Lan xuất bản với tư cách là đơn vị có nghĩa vụ điều tra các vụ án của thể chế nazi, cộng sản và ghi nhận lịch sử cận đại của Ba Lan những năm 1944 – 1990.

Sách của hai sử gia trẻ Sławomir Cenckiewicz và Piotr Gontarczyk đưa ra các bằng chứng cho thấy cựu Tổng thống Ba Lan, ông Lech Wałęsa, vào những năm 70 từng có liên hệ mật thiết với Ban An Ninh. Chấn động hơn cả, với bí danh ”cộng tác viên mật Bolek”, ông Lech Wałęsa, theo như các dẫn chứng của sách, từng cộng tác với an ninh để trục lợi cá nhân, từng nhận tiền thưởng cho các thông tin ông chuyển tới an ninh cộng sản.

Việc Wałęsa cộng tác với cơ quan an ninh cộng sản kéo dài trong 5 năm liền và tới năm 1976, Wałęsa mới từ chối không tiếp tục cộng tác.

Dư luận chấn động

Nhưng điều làm dư luận sôi sục hơn cả là vào những năm 90, khi được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Ba Lan không cộng sản, Wałęsa đã không đủ nghị lực để thổ lộ với dư luận về quá khứ đen tối của mình, và chính vì thế quá khứ của Wałęsa luôn như một trái bom nổ chậm.

Nguy hiểm tới nỗi với tư cách tổng thống, ông phải hành động theo lô-gíc của kẻ thù cũ, cố ý đi ngược lại các quy định về bảo vệ tài sản lịch sử để thủ tiêu các tang chứng về quá khứ liên lụy cộng sản của mình.

Cũng vì vậy, Wałęsa nhập vào nhóm những người không muốn minh bạch hóa tài liệu thuộc thể chế cũ. Điều này bị đánh giá là can nguyên khiến Ba Lan, dầu thể chế đã dân chủ, nhưng thực sự chính quyền hoàn toàn bị các manh mối của thể chế cũ đội lốt dân chủ điều khiển.

Đề tài nhạy cảm

Nói chuyện với đài chúng tôi, một trong hai tác giả cuốn sách, sử gia Piotr Gontarczyk tâm sự về vai trò của việc viết sử tại chính trường Ba Lan hậu cộng sản, về thái độ của dư luận đối với quá khứ và về tầm quan trọng của sự thật cho nền dân chủ bền vững.

Vân Anh: Thưa ông, khi cuốn sách chưa ra mắt thì đã có một làn sóng phản đối mạnh mẽ, rằng cuốn sách phục vụ mục đích bôi nhọ thần tượng Wałęsa, ông bình luận sao ạ?

Piotr Gontaczyk: Chiến dịch triệt hại cuốn sách trên hết là do các chính trị gia cầm đầu, còn các sử gia thì ngồi yên chờ đợi cuốn sách ra đời để đọc và chấm điểm giá trị công trình nghiên cứu và cho tới giờ thì các sử gia đánh giá cuốn sách tích cực.

Còn các chính trị gia trước kia từng tấn công quyển sách thì bây giờ không còn to tiếng nữa. Thật sự cả tôi và đồng tác giả Sławomir Cenckiewicz không ngạc nhiên với những phản ứng quyết liệt bởi Lech Wałęsa là một trong những nhân vật quan trọng nhất của lịch sử Ba Lan, đồng thời xung quanh ghi vấn ông có cộng tác với an ninh mật vụ từ trước tới nay có nhiều nhưng chưa được làm sáng tỏ.

Đề tài này cũng có quá nhiều dây mớ liên quan tới các chính trị gia nên phản ứng quyết liệt cũng là chuyện có thể đoán trước. Thế nhưng như chúng tôi thấy thì mọi tang chứng và các dẫn chứng khoa học chúng tôi đưa ra trong sách đã làm cho các sử gia ngả về phía bênh vực cuốn sách còn chính giới thì không còn lớn tiếng nữa.

Vân Anh: Vâng, thế nhưng theo như ông nói thì phải hiểu rằng không khí căng thẳng xung quanh cuốn sách trên hết là bởi nó động đến đề tài nhạy cảm, chứ không phải chỉ bởi nhân vật chính của sách là Wałęsa?

Piotr Gontaczyk: Không phải vì nhân vật chính là Lech Wałęsa mà trên hết là bởi cuốn sách buộc tất cả phải trả lời câu hỏi mấu chốt là phải làm gì với các hồ sơ cũ của chế độ gián điệp cộng sản, của mật vụ, công an, an ninh.

Dư luận bị chia đôi. Có người nói là các tài liệu đó không còn giá trị và không cần biết ai từng nằm trong bộ máy mật vụ, ai không. Những người khác cho là phải minh bạch hoá toàn bộ hồ sơ bởi nếu không đối diện với quá khứ, như Ba Lan gần 20 năm qua, xây dựng đất nước độc lập trong dối trá, để các mối liên hệ mật vụ tiếp tục tồn tại.

Nền dân chủ của Ba Lan sẽ lành mạnh hơn nếu 20 năm trước đã có thanh lọc và minh bạch hóa tài liệu cộng sản. Cuốn sách của chúng tôi rơi vào tâm của sự việc vì vậy tranh cãi mới nổi lên xung quanh cuốn sách.

Lịch sử và Chính trị

Vân Anh: Và cuốn sách đã làm nên một cuộc cách mạng?

Piotr Gontaczyk: Tôi không biết nữa, với tư cách là sử gia, chúng tôi không muốn nhập vai người đánh giá. Chúng tôi rất mong quyển sách được đọc và các dữ kiện được chấp nhận. Cuốn sách cho thấy tầm qua trọng của việc không minh bạch quá khứ mang tới hậu quả khôn lường như thế nào.

Lech Wałęsa, với tư cách lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết ông là biểu tượng cho công cuộc tranh đấu, để rồi với tư cách Tổng thống Ba Lan dân chủ, ông cầm đầu nhóm nhân sự ngang nhiên đi ngược pháp lý để hủy hoại tài liệu chứng minh góc tối của Wałęsa.

Vân Anh: Thế bây giờ các tác giả của cuốn sách coi sản phẩm của mình là sản phẩm lịch sử hay là chính trị?

Piotr Gontaczyk: Trên hết chúng tôi là những sử gia, chúng tôi muốn có được khỏang cách rõ ràng với chính trị thế nhưng chúng tôi hoàn toàn ý thức được rằng đó là điều không thể.

Sách của chúng tôi trình bày tiểu sử, ”một phần tiểu sử” phức tạp của Lech Wałęsa những năm 70-76 và ý nghĩa của chúng với cách hành xử của Lech Wałęsa trong những năm 80 và rồi ảnh hưởng nghiệt ngã của chúng đối với vị tổng thống Ba Lan những năm 90.

Và quả thật Lech Wałęsa đã bỏ ra nhiều nỗ lực để quá khứ của ông không bị minh bạch hóa.

Vân Anh: Thế nhưng các ông có ý thức được, rằng dư luận nhìn các ông như những quan tòa phán xử? Các tác giả cảm thấy ra sao khi phải gánh chịu trách nhiệm lớn lao như vậy? Và từ đâu các ông có từng ấy nghị lực để làm đề tài này?

Piotr Gontarczyk: Cô đề cập tới vấn đề triết lý sâu xa. Cả tôi và anh Cenckiewicz đều nghĩ rằng chỉ có sự thật mới có ý nghĩa, sự thật mới giải thoát được con người. Còn các sử gia thì có thể làm gì hơn nếu không viết sự thật, vai trò và cũng là bổn phận của các nhà sử học đối với xã hội là vậy.

Mà nếu không nghiên cứu về nhân vật Wałęsa thì còn nghiên cứu ai trong lịch sử cận đại Ba Lan? Chúng tôi nghiên cứu, biết được sự thật và chúng tôi không thể tiếp tục dấu kín sự thật thêm 20 năm nữa.

Vân Anh: Chúng tôi cũng rất muốn biết về phản ứng trên thế giới về cuốn sách là như thế nào ạ?

Piotr Gontarczyk: Vâng thì cuốn sách đã gây chú ý không chỉ tại Ba Lan nhưng đặc biệt các quốc gia trong lịch sử từng ít nhiều chạm trán với cộng sản đều rất quan tâm tới đề tài. Và bài học quan trọng nhất mà Ba Lan để lại cho các nước là không có nhân vật lịch sử nào hoàn toàn trắng hay hoàn toàn đen.

Ông Wałęsa của nước chúng tôi sẽ vẫn luôn là biểu tượng cho những năm tháng đấu tranh của Ba Lan, không ai tước đi danh hiệu của ông. Thế nhưng để xã hội phát triển bình thường thì quan trọng hơn cả là mở cửa cho sự thật, minh bạch hoàn toàn quá khứ bởi nếu quá khứ chúng ta có chút cặn bẩn mà chúng ta cứ dấu nó dưới sàn thì hậu quả thật khôn lường.

Cuộc chiến quá khứ

Vừa rồi là cuộc nói chuyện của chúng tôi với sử gia Piotr Gontarczyk, một trong hai tác giả công trình nghiên cứu quá khứ của cựu lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết đồng thời là cựu Tổng thống Ba Lan - Lech Wałęsa.

Trước khi sách được công bố, cuộc chiến quá khứ luôn ngả về phía Wałęsa kể cả trước tòa vì các tài liệu thật được cho là đã bị ông Wałęsa hủy hết, chỉ còn các bản sao và phim chụp.

Riêng ngài Wałęsa thì từng thách thức sẽ đâm đơn kiện tới chủ tịch Viện Tưởng Niệm Quốc Gia, ông cũng nói ông không phải Bolek và hứa sẽ tiết lộ Bolek thật sự là ai.

Nhưng chỉ 2 ngày sau khi quyển sách ra mắt, ông tuyên bố không tiếp chuyện báo giới và cho tới nay ông cũng chưa khởi kiện và chưa tiết lộ thêm gì về Bolek.

(Vân Anh, thông tín viên RFA tại Ba Lan)
--------------
Một câu hỏi khác: Có bao nhiêu, và ai đóng vai như Lech Wałęsa, làm đặc tình cho cs trong PTDCVN ???

No comments: