7.7.2008
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13644&rb=0401
Cuối cùng thì, vượt qua mọi trở lực, cuốn Hoàng Sa, Trường Sa – Lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế của nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng cũng ra được.
Sách do Nhà xuất bản Tri Thức chịu trách nhiệm pháp lý và ấn hành theo phương thức liên kết giữa NXB với tác giả, một phương thức khá phổ biến từ nhiều năm nay: tác giả tự bỏ tiền đóng cho NXB một khoản gọi là “quản lý phí” để NXB đọc duyệt và cấp giấy phép, rồi cầm giấy phép ấy đi thuê in và tự bán, bán được thì thu hồi đủ vốn, không bán được thì…, chuyện này dịp khác xin sẽ kể dài dài.
Ấy thế nên mới có chuyện tôi đi bán sách về Hoàng Sa, Trường Sa.
Sách in đẹp, công phu, 400 trang, khổ 16x24, giá 86 ngàn đồng. Nội dung sách gồm những cứ liệu lịch sử lâu đời (văn bản và họa đồ) của Việt Nam và nước ngoài kể cả Trung Quốc, được hệ thống hóa, đã minh chứng rành mạch chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách cũng hệ thống hóa diễn biến tranh chấp cùng các văn bản pháp lý của các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ, đối chiếu với tiêu chuẩn công pháp quốc tế để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên hai quần đảo ấy.
Nghe tin sách ra, tôi liền gọi điện chúc mừng nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng và giục ông gửi gấp vài ba chục cuốn để tôi bán tại Đà Lạt. Tôi cũng điện đề nghị bạn hữu, đồng nghiệp của tôi ở các nơi giúp bán sách.
Cuộc bán sách khá lý thú, đáng được kể lại.
Những khách mua đầu tiên ở Đà Lạt đương nhiên là các bạn tôi, các cụ lão thành, các cựu chiến binh, các nhà giáo…, ai cũng lấy ngay một cuốn, không phải với giá bìa 86 ngàn mà đưa luôn 100 ngàn. Tiếp đó là những khách mà khi mời mua, thâm tâm tôi cũng có hơi ngại bị hờ hững (vì ấn tượng đáng lo về thái độ đối ngoại không tương xứng ở hàng lãnh đạo quốc gia trước đòi hỏi của tình hình), không ngờ lại được hồ hởi đón nhận: đó là ủy viên thường vụ trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, là chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh, rồi cựu phó chủ tịch Hội Văn nghệ, cựu giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình... Cũng mua với giá 100 ngàn cả. Tổng biên tập báo Đảng của tỉnh còn yêu cầu được mua hẳn 10 cuốn để cung cấp cho phóng viên, biên tập viên. Chi hội Văn nghệ thị xã Bảo Lộc nhận bán 10 cuốn. Tôi hỏi thăm trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy: “Trong tỉnh ủy, mối quan tâm đối với vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và ý thức cảnh giác trước âm mưu và hành động của chủ nghĩa bành trướng thế nào?” Được trả lời: “Rất quan tâm, rất cảnh giác anh ạ.” Mở đọc lướt mục lục cuốn sách, anh gật gù nói tiếp: “Tốt quá, tốt quá, thế là có thêm tư liệu để báo cáo thời sự.” Cũng là một tín hiệu đáng khích lệ. Hy vọng rằng các thành ủy, các tỉnh ủy trong cả nước đều được như thế.
Một giáo sư, giảng viên trường Đại học Đà Nẵng, nói với tôi (qua điện thoại): “Đọc bản tuyên bố ngày 6/9/1951 của Thủ tướng Trần Văn Hữu tại hội nghị quốc tế San Francisco thấy rất tự hào về ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ của người Việt Nam mình, đọc những phân tích của tiến sĩ luật Từ Đặng Minh Thu ở Đại học Sorbonne – Paris in trong phần phụ lục mới thấy bấy lâu Trung Quốc cứ cố dựa vào bức thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai để biện minh cho hành động xâm lấn của họ là họ cố tình quay lưng với công pháp quốc tế, cho nên bây giờ nhất định ta phải đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an mà đấu tranh.”
Vị giáo sư trẻ này là người giúp bán nhiều sách nhất, chỉ trong thời gian ngắn anh báo tin đã bán hết 30 cuốn, lại phải photo thêm 20 cuốn để tặng bạn bè. Anh cho biết các cán bộ lãnh đạo của trường anh đều là khách mua sách đầu tiên, anh còn đem sách tặng cho bí thư, chủ tịch thành phố Đà Nẵng và trao đổi ý kiến với các cán bộ ấy về quốc sự.
Rồi anh em ở Quảng Ngãi, Nha Trang, Huế đều báo tin đã bán hết sách. Tận Hải Phòng xa xôi, nhà văn già 74 tuổi Bùi Ngọc Tấn cũng nhận bán 10 cuốn, và độ mươi hôm sau bán xong đã gửi tiền vào.
Bán sách thì được nhận một khoản phát hành phí. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q Thắng cho biết, đem ký gửi ở các công ty sách thì khoản đó họ lấy 30 - 40% giá bìa. Tôi nói với anh em bạn hữu đồng nghiệp của tôi, mọi người thống nhất 20%, nhưng khi bán xong, nhiều anh em chẳng lấy đồng nào hoặc chỉ lấy chút xíu tượng trưng, còn gửi hết cả cho tôi. Tôi đã gom số tiền ấy cùng tiền phát hành phí của mình và cả tiền khách mua giá cao lại thành một khoản dành riêng đây và báo tin với NXB Tri Thức, đề nghị NXB lập một quĩ để tất cả những ai đi bán sách về Hoàng Sa, Trường Sa mà muốn góp tiền công phát hành cho việc ích nước lợi dân thì gửi vào quỹ.
Quỹ dùng chi những việc gì ?
Theo tôi thì quỹ này trước hết là dùng để đi thăm hỏi gia đình các liệt sĩ đã hi sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Tôi cũng đề nghị NXB Tri Thức cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng tổ chức biên soạn một cuốn ngắn gọn về Hoàng Sa, Trường Sa, in số lượng lớn với giá rẻ, để sao cho:
-
mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam
-
mỗi công dân Việt Nam
đều có thể có một cuốn.
Đồng thời phát động tổ chức việc bán sách rộng rãi đến tận thôn cùng xóm vắng.
-
người người đi bán sách về Hoàng Sa Trường Sa
-
người người mua sách về Hoàng Sa, Trường Sa.
Đồng thời tổ chức cuộc thi viết bài về lịch sử, địa lý Hoàng Sa, Trường Sa dùng cho sách giáo khoa.
Để người người Việt Nam từ già đến trẻ luôn biết và nhớ rằng còn một phần lãnh thổ lãnh hải máu thịt của Tổ quốc thân yêu đang nằm trong tay thế lực bành trướng Trung Quốc.
Để toàn Đảng toàn dân yêu cầu cơ quan lãnh đạo tối cao phải xem xét lại một cách căn bản mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, có phải trên thực tế bấy lâu nay mối quan hệ ấy là lợi bất cập hại?
Để mỗi đại biểu đại hội Đảng và các đoàn thể từ cơ sở tới trung ương, mỗi đại biểu dân cử từ hội đồng nhân xã tới quốc hội phải tỏ rõ lập trường dứt khoát và chương trình hành động cụ thể về nhiệm vụ chống bành trướng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải của Tổ quốc trình bày trước nhân dân, xem đây là tiêu chuẩn hàng đầu trong phẩm chất chính trị của người đại biểu, rồi đảng viên cùng nhân dân sẽ căn cứ vào đó mà quyết định lá phiếu khi bầu chọn.
Đồng thời rất cần tổ chức dịch sách về Hoàng Sa Trường Sa của ta sang tiếng Trung Quốc để sao cho mọi người dân Trung Quốc có được thông tin đầy đủ và chính xác về vấn đề này. Tôi tin rằng khi biết rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì người dân Trung Quốc nhất định sẽ không tán thành việc nhà cầm quyền Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa.
Đà Lạt 06.7.2008
Địa chỉ dành cho các bạn cần mua hoặc giúp bán sách:
NXB TRI THỨC 53 Nguyễn Du – Hà Nội. ĐT: 9454661. E-mail: lienhe@nxbtrithuc.com.vn
CÔNG TY TNHH THƯ LÂM 61/420A Phan Huy Ích Gò Vấp TPHCM. ĐT: 9968045
© 2008 talawas
No comments:
Post a Comment