Sunday, July 6, 2008

Trung Quốc và Việt Nam nâng quan hệ lên đối tác hợp tác chiến lược toàn diện

Tuần báo Bắc Kinh
7/6/2008

Trung Quốc và Việt Nam nâng quan hệ lên đối tác hợp tác chiến lược toàn diện

Bốn cụm từ miêu tả quan hệ hiện nay của Trung Quốc với Việt Nam là: Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt. Bốn đặc điểm này cũng thế hiện tinh thần của mối quan hệ hai bên.

Trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 4 ngày mới đây của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, hai bên đã ra tuyên bố chung nâng quan hệ hai nước lên đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của mối quan hệ song phương.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã trao đổi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều vấn đề, đặc biệt chú trọng về hợp tác kinh tế và thương mại. Bản tuyên bố chung nêu rõ hai bên quyết tâm hoàn thành việc khảo sát đường biên giới và ký kết văn bản quản lý có liên quan vào cuối năm 2008. Hai bên quyết định đẩy mạnh các cuộc trao đổi cấp cao, thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước và nâng cấp thông tin trên một số lĩnh vực khác. Tuyên bố chung chỉ rõ hướng phát triển của mối quan hệ hai nước đi vào chiều sâu trong kỷ nguyên mới.

Hòa Sinh, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR) nhận định: "Tuyên bố chung thể hiện sự phát triển toàn diện mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước".

Năm 1999, lãnh đạo hai nước khẳng định nguyên tắc chỉ đạo quan hệ song phương gồm "Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện". Đầu thế kỷ XXI, lãnh đạo hai nước đều thuộc thế hệ mới nhưng mục tiêu chung tăng cường quan hệ song phương vẫn không thay đổi. Cuối tháng 10/2005, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào thăm Việt Nam và hội đàm với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Hai bên xác định "tinh thần 4 tốt" cho quan hệ song phương.

Chuyên gia nghiên cứu Hòa Sinh cho rằng thông qua tuyên bố chung qua chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam đã vạch ra tương lai phát triển quan hệ hai nước và xác định mục tiêu chiến lược phát triển. Chuyên gia Hòa Sinh chỉ ra 4 điểm chính qua chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh.

Thứ nhất, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi giữa hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam là hai nước XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Hai nước cùng chung lý tưởng, đi chung con đường và bối cảnh tương đồng. Trong giai đoạn hiện nay, hai nước có chung nhiệm vụ là chuyển từ nền kinh tế phát triển theo kế hoạch sang nền kinh tế thị trường. Hai Đảng có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và tránh chệch hướng trong quá trình xây dựng CNXH. Hơn, nữa, tăng cường trao đổi giữa hai Đảng cũng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước.

Điểm đáng chú ý thứ hai là hai bên quyết định thiết lập đường dây nóng và tăng cường trao đổi các đoàn lãnh đạo cấp cao. Việc làm này phản ánh mối quan hệ chính trị ngày càng gần gũi giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Thứ ba, hai bên nhấn mạnh hoàn thành công tác khảo sát biên giới chung và ký văn bản quản lý trong năm nay. Hai nước đã hoàn thành 80-90% công tác khảo sát dựa trên những nguyên tắc đã ký kết năm 1999. Hai nước đã chính thức tiến hành cắm mốc biên giới trên bộ từ năm 2002; phân chia đường biên giới dài 1.350 km. Tính chất phức tạp về địa lý là trở ngại lớn nhất cho việc phân định đường biên giới trên bộ. Giải quyết xong vấn đề biên giới sẽ thúc đẩy buôn bán qua biên giới và cải thiện tình trạng vận chuyển hàng hóa giữa hai nước. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang quan tâm tới việc cải thiện xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực biên giới. Trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, hai nước đã quyết định nâng cấp 9 tuyến đường vận tải qua biên giới. Hai bên cũng đang thực hiện đơn giản hóa thủ tục kê khai hải quan nhằm thúc đẩy buôn bán thương mại qua biên giới.

Thứ tư, hai bên khẳng định mục tiêu chung là duy trì ổn định ở khu vực biển Nam Trung Hoa (biển Đông) và xúc tiến các cuộc đàm phán có liên quan.

Hai bên hài lòng với những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Trong buổi gặp Tổng bí thư Nông Đức Mạnh hôm 31/5, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng dưới hình thức đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Trung Quốc và Việt Nam sẽ tăng cường lòng tin chính trị, đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực và phát triển theo chiều sâu mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh tuyên bố chung vạch ra đường đi mới cho tương lai của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.

Sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ nhiệm Ban nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á và châu Đại dương thuộc CICIR Trác Côn có bài viết đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo chỉ rõ 3 nhiệm vụ chính hai nước cần phải cùng nhau thực hiện, gồm tiến tới xã hội XHCN, giải quyết đúng đắn các vấn đề trong quan hệ song phương, nỗ lực xây dựng hòa bình lâu dài và thịnh vượng chung ở khu vực châu Á cũng như trên thế giới.

Trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam phát triển nhanh chóng. Trung Quốc trở thành bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2007, kim ngạch buôn bán song phương đạt 15 tỷ US$, là mục tiêu hai nước đặt ra cho năm 2010. Hai bên đã đạt được mục tiêu sớm hơn 3 năm so với kế hoạch. Giờ đây hai bước thúc đẩy chương trình hợp tác kinh tế, thương mại 5 năm. Phát biểu sau cuộc gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng trong tương lai gần, kim ngạch thương mại hai bên sẽ đạt mức 20 tỷ US$ mỗi năm. Thủ tướng Ôn Gia Bảo gợi ý hai nước cần nhanh chóng triển khai các dự án lớn trong các ngành công nghiệp chính gồm cơ sở hạ tầng, năng lượng và khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam.

Chuyên gia Hòa Sinh cho biết mấy năm gần đây, Trung Quốc và Việt Nam đã bắt đầu triển khai kế hoạch "Hai hành lang và một vành đai" gồm hành lang kinh tế Côn Minh-Lao Kay-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Hầu hết các thành phố trong 2 hành lang kinh tế đều nằm dọc tuyến biên giới giữa hai nước. Theo kế hoạch, Trung Quốc và Việt Nam tập trung tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại bằng cách thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ lẫn nhau về thương mại và đầu tư. Kế hoạch nay, được xem như cơ sở hợp tác tiểu khu vực có thể hỗ trợ thúc đẩy quá trình hình thành khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN.

Theo tuyên bố chung, hai bên đồng ý đưa ra mức tăng trưởng mới về thương mại, đồng thời phê chuẩn các biện pháp hữu hiệu nhằm cải thiện cơ cấu thương mại. thực hiện phát triển cân bằng quan hệ thương mại song phương cùng thắng. Hai nước tích cực thực hiện Hiệp định phân giới Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định đánh cá chung trong Vịnh Bắc Bộ nhằm phấn đấu đạt được kết quả đáng kể về khảo sát trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tư nhiên trong khu vực.

Cơ cấu thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện nay không cân bằng. Nếu vấn đề này không được giải quyết thỏa đáng có thể dẫn tới tình trạng trì trệ trong hợp tác kinh tế và buôn bán song phương. Số liệu cho thấy sắt thép, máy móc điện tử, nhiên liệu và phân bón chiếm khoảng 57% lượng hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam trong năm 2007. Ngược lại dầu thô, khoáng sản, cao su tự nhiên và than đá chiếm 52% lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2007.

Một số tổ chức quốc tế tỏ ý lo ngại tình hình tài chính hiện nay của Việt Nam chủ yếu phát sinh do lạm phát. Một vài nhà kinh tế khuyến cáo một khi Viết Nam lâm vào khủng hoảng tài chính, Trung Quốc có thể bị cuốn vào cuộc khủng hoảng đó. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng vấn đề tài chính ở Việt Nam hiện nay sẽ không ảnh hưởng tới hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Hà Phạm, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng các nước châu Á không bị ảnh hưởng nhiều do tình hình khó khăn tài chính hiện nay ở Việt Nam. Một số nước, trong đó có Trung Quốc, cần giúp Việt Nam vượt qua khó khăn kinh tế.


Nguồn: Tuần báo Bắc Kinh.

No comments: