Sunday, July 20, 2008

Quốc Hận 20-7-1954: Đoạn Trường Chia Ly

Ngược giòng lịch sử, cách đây khoảng 54 năm, quốc tặc Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho đồng đảng, thoả thuật với Pháp, ký kết hiệp định Genève ngày 20-7-1954, chia đôi hai miền Nam Bắc VN.

Hồi đó ở miền Bắc, chiến dịch “Cải Cách Ruộng Ðất” -- do Hồ ban hành từ năm 1952 – đang lan tràn đến các tỉnh Hà Nam, Nam Ðịnh…. và Ninh Bình. Thảm trạng đấu tố -- thực chất là cướp của giết người, vô cùng dã man tàn ác – làm cho dân chúng, càng ngày càng ghê tởm chế độ VC.

Trong khi đó, ở miền Nam thì Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm mới về nước chấp chánh. Ông phải đối phó với tình thế vô cùng đen tối --- ‘thù trong giặc ngoài’‘thập nhị xứ quân’ nổi loạn. Thế nhưng, ông đã vượt qua được cơn sóng gió và thành lập nền Cộng Hoà ngày 26-10-1955 -- thể chế Dân Chủ Tự Do đầu tiên trong lịch sử VN.

Trong giai đoạn lịch sử nêu trên, có khoảng 1 triệu đồng bào miền Bắc, đành phải gạt nước mắt, bỏ cả cơ nghiệp, di cư vào Nam với hai bàn tay trắng để lánh nạn Cộng Sản. Hệ quả là hàng trăm ngàn gia đình ly tán: Con mất cha, vợ phải xa chồng, anh chị em mỗi người một ngả. Thảm trạng này được thuật lại trong cuốn truyện ‘hồi ký’ 30 chiến tranh (1945-1975): Nửa Đường Gẫy Cánh (NĐGC).

Năm nay 2008, nhớ lại chuyện Quốc Hận năm xưa, chúng tôi xin trích đoạn 4 phần trong cuốn truyện dài NÐGC để phổ biến trên Diễn Đàn:

(Bài 1)

Quốc Hận 20-7-1954: Đoạn Trường Chia Ly

(Bài 2)

Quốc Hận 20-7-1954: Tấm Gíấy Thông Hành ‘Ðịnh Mệnh’

(Bài 3)

Quốc Hận 20-7-1954: Làm Sao Thoát Khỏi Trạm Công An Phạm Xá?

(Bài 4)

Quốc Hận 20-7-1954: Serpent, Chuyến Tàu Vĩnh Biệt

*

* *

(Nếu không nhìn thấy ảnh, xin quý vị bấm vào hàng chữ phía dưới)

http://i167.photobucket.com/albums/u156/LamSonVN/QuangBaNDGC1-1.jpg

*

Trước khi tiến sâu vào câu chuyện ‘Đoạn Trường Chia Ly’, chúng tôi xin tóm lược tình cảnh của gia đình ông bà Văn --- trong cuốn NĐGC --- trước bối cảnh lịch sử năm 1954:

Như hàng triệu người dân Việt, hiền hòa nhưng bất khuất, thương yêu gia đình mà không quên nghĩa vụ đối với đất nước, ông Văn đã chấp nhận xa nhà, vào “Liên Khu Tư” phục vụ cho phong trào kháng chiến chống Pháp gần 5 năm trời. Sau khi hiểu rõ sự thật về Cộng Sản trong Mặt Trận Việt Minh, ông liền viện cớ là ‘già yếu’ để xin trở về nguyên quán với gia đình --- vợ hiền và hai đứa con thơ: Tuấn và Thảo --- ở miền quê tỉnh Hà Nam.

Đây là vùng “kháng chiến” thuộc “Liên Khu Ba”, nên dân chúng miền quê phải sống trong cảnh ‘một cổ đôi tròng’. Ban ngày thì lính Pháp hành quân, hoặc cho phi cơ bắn phá. Ban đêm thì Cộng Sản hoành hành.

Đến năm 1954 thì hầu như cả vùng “Liên Khu Ba” đặt dưới quyền kiểm soát của Cộng Sản. Chúng cho thi hành chiến dịch “Cải Cách Ruộng Đất”. Thảm trạng đấu tố “địa chủ”--- vô cùng dã man, tàn ác --- diễn ra khiến ông bà Văn hoảng sợ, chỉ còn biết tìm đường, đem Tuấn và Thảo đi trốn vào Nam lánh nạn.


(From Wikipedia, the free encyclopedia.

Nếu không nhìn thấy ảnh, xin quý vị bấm vào hàng chữ phía dưới)

http://s167.photobucket.com/albums/u156/LamSonVN/488px-HD-SN-99-02045.jpg


Trong thời gian này, Hiệp Định Geneva 1954 đã được ký kết. Nên tất cả các ngả đường đều có công an, du kích và “bần cố nông” Cộng Sản canh gác để ngắn chặn dân chúng --- nhất là thành phần địa chủ --- đi lánh nạn. Trong tình cảnh ngặt nghèo, ông Văn lại còn bị buộc tội là “phản động” và bị công an VC bắt giam. Bà Văn cùng Tuấn và Thảo mỏi mòn trông chờ, nhưng không thấy ông Văn được thả về. Trong khi ấy, ngày di cư vào Nam --- theo Hiệp Định Geneva quy định --- sắp hết hạn.

Làm cách nào để bà Văn đem Tuấn và Thảo, trốn thoát vào Nam?

*

* *

(Bài 1)

Quốc Hận 20-7-1954: Đoạn Trường Chia Ly

*

Trước cửa nhà, Tuấn và Thảo đang chơi với mấy viên bi trên sân gạch. Khi thấy mẹ tiễn đưa bà Ký Giao ra ngoài cổng, hai em nhanh nhẹn đứng lên, cúi đầu "chào bà ạ". Bà Ký Giao mỉm cười khen "các cháu ngoan" rồi nắm chặt tay bà Văn, ân cần nói vài lời an ủi trước khi ra về.

- Như thế là chắc chắn, ông Văn đã được thả rồi đấy. Muộn lắm là dăm bẩy ngày nữa, ông sẽ về. Bà cứ yên tâm, lo liệu cho hai cháu như lời ông đã dặn dò.

- Vâng, cảm ơn bà.

Nhìn bà Ký Giao bước đi, bà Văn cảm động, đôi mắt ngấn lệ. Dù được an ủi, bà Văn vẫn không tránh khỏi lo âu cho thân phận của ông Văn, hiện giờ không biết phiêu bạt ở đâu? Bên cạnh nỗi khổ tâm ấy, bà Văn lại còn phải lo liệu cho Tuấn và Thảo đi vào Nam tỵ nạn. Mà đi trốn, thoát ra khỏi vùng Cộng Sản kiểm soát, không phải là chuyện dễ dàng!

Từ ngoài sân, bà Văn thẫn thờ đi vào trong nhà, tâm trí nặng trĩu suy tư và sợ hãi. Tiếng bọn công an quát tháo, hạch hỏi, tưởng như vẫn còn oang oang bên gốc cây cau -- nơi bà Văn bị chúng tra tấn hôm nào.

"Chồng mày can tội “phản động”, bây giờ đang trốn ở đâu?....... Nó được khoan hồng cả tháng nay, khi về nhà không đến trụ sở công an trình diện. Nó trốn ở đâu? Nó đi theo Tây phải không"?

Hôm ấy, trong lúc bọn công an tra tấn các nạn nhân, bà Ký Giao gỉa vờ nhặt cỏ ở góc vườn, để có thể "nhìn lén" sang nhà bà Văn ở bên kia hàng rào. Nghe tiếng khóc thảm thương của Tuấn và Thảo, bà đau lòng nhớ lại thảm cảnh của gia đình bà mấy năm trước, bị bọn lính Pháp hành hung. Nhưng chưa lần nào bà nhìn thấy bọn lính Pháp tra tấn trẻ con như công an Cộng Sản đã làm!

Khi chứng kiến thảm cảnh ấy, bà Ký Giao biết làm gì hơn là kiên nhẫn chờ đợi. Đến khi bọn công an đi nơi khác, bà mới chui hàng rào, sang nhà bà Văn để giúp đỡ các nạn nhân. Sống trong vùng Cộng Sản, bà Ký Giao hiểu rõ, hễ ai giúp gia đình "địa chủ", thể nào cũng bị bọn công an ghép vào ti "liên hệ". Nên bà Ký Giao phải thận trọng, kẻo không sẽ sa vào cảnh "làm phúc phải tội".

Thật ra, gia đình bà Văn đang bị công an theo dõi. Nên chuyện bà Ký Giao lén lút giúp đỡ bà Văn, không thể nào thoát khỏi "con mắt cú vọ" của chúng. Vì vậy, sau ngày sang thăm bà Văn, bà Ký Giao bị công an đến nhà hạch hỏi. Nhưng rồi, chúng muốn lợi dụng sự giao thiệp của hai gia đình để dò xét xem, ông Văn trốn ở đâu? "Tương kế tựu kế", ông Ký Giao liền bảo vợ, chụp lấy cơ hội ấy để sang thăm bà Văn mà không còn sợ hãi gì nữa. Mỗi lần gặp gỡ, bà Ký Giao đều nói an ủi để bà Văn yên lòng:

- Không có gì mà bà phải lo sợ. Sau khi được thả, chỉ vì đường xá xa xôi, ông Văn không thể nào về nhà sớm được. Trong khi chờ đợi, bà cứ thu xếp như lời ông dặn dò...

Mặc dù nói an ủi bà Văn như vậy, nhưng trong thâm tâm, bà Ký Giao vẫn thắc mắc:

- Ông Văn đã được thả, nhưng tại sao? Tại sao đến bây giờ mà vẫn không thấy ông về nhà?

Quả là chuyện kỳ quái đến độ oái oăm. Mấy tháng trước đây, công an Cộng Sản đã ập vào nhà, bắt ông Văn mang đi. Cả làng, cả xã đều biết chuyện ấy. Thế mà bây giờ, chúng lại buộc tội ông Văn đi "theo Tây". Như vậy là thế nào?

Sau khi bước vào trong nhà, bà Văn ngồi im lặng trên chiếc ghế đẩu, kê bên cạnh cửa sổ. Càng suy ngẫm, bà càng cảm thấy hoang mang, lo sợ. Có ba giả thuyết được nêu lên.

Thứ nhất là ông Văn đã chết trong trại giam, hoặc bị công an thủ tiêu, rồi chính chúng lại vu cáo cho nạn nhân đi "theo Tây" sau khi được thả?

Thứ hai là ông Văn lâm bệnh hiểm nghèo trên đường về. Từ trại giam, ông phải đi bộ, xuyên qua nhiều khu rừng thiêng nước độc trong vùng "Liên Khu Tư". Xe cộ không có, tuổi già sức yếu, làm sao ông có thể vượt qua được những khó khăn như thế?

Thứ ba là sau khi được thả, ông Văn nghe tin, lịch trình di cư vào Nam -- theo hiệp định Genève quy định -- sắp hết hạn. Ông tưởng là vợ con ông đã trốn thoát ra Hải Phòng -- theo lời ông dặn dò trước khi bị bắt giam. Nên ông hấp tấp, tìm cách đến đó để kịp ngày, cùng nhau vào Nam tỵ nạn.

Đó là ba giả thuyết, không biết đúng sai thế nào? Dù sao, chuyện khẩn thiết của bà Văn là lo cho Tuấn và Thảo vào Nam. Hiện thời, Cộng Sản đã nắm quyền kiểm soát thị xã Phủ Lý và thành phố Hà Nội. Chỉ còn lại Hải Phòng là nơi cuối cùng tiếp nhận đồng bào miền Bắc di cư vào Nam bằng tàu thủy. Như vậy, làm cách nào để Tuấn và Thảo trốn thoát ra Hải Phòng? Chẳng lẽ cứ để tình trạng bi thảm như thế này kéo dài mãi hay sao? Hai đứa trẻ thiếu ăn và bị cấm, không được đi học -- vì cha mẹ là "địa chủ". Ngày nào Tuấn và Thảo cũng hỏi mẹ vài ba lần: "Khi nào chúng con được đi học"? Hoặc: "Bao giờ bố được thả về"?

Nhìn qua cửa sổ, bà Văn ngồi lo nghĩ liên miên cả tiếng đồng hồ. Vết thương -- do công an tra tấn trước đây -- vẫn còn làm bà Văn đau nhức. Khi thấy Tuấn và Thảo "nhẩy cò cò" trên sân, bà Văn nhớ lại sáng hôm qua, khi bà dẫn hai em ra khỏi cổng thì bị bọn trẻ con hàng xóm gọi nhau, xúm lại buông những lời láo lếu:

- Chúng bay ơi! Ba mẹ con "địa chủ phản động".

- Đả đảo "địa chủ gian ác"! Đả đảo "Việt gian, làm tay sai cho Pháp".

Nếu không có cán bộ Cộng Sản xúi dục, làm sao đám trẻ nhỏ lại có thể nói như vậy? Nhiều lần bà Văn còn bị mấy đứa trẻ hung bạo, ném đá chặn đường không cho bà đi chợ.

Trong thời gian này, tỉnh Hà Nam hoàn toàn nằm trong tay Cộng Sản kiểm soát. Cờ đỏ sao vàng mọc lên như nấm. Văn thơ tuyên truyền được phổ biến rng rãi đến đoàn thể thiếu nhi trong làng:

Ngày quê em giải phóng

Bao phấn khởi vui tươi

Trường em xây dựng lại rồi thích chưa?

Ba gian đình sáng sủa

Bàn kê bằng cánh cửa

Mái ngói che nắng mưa

Ngày ngày học tập say sưa

Câu hò giọng hát sớm trưa vang lừng

Ngược lại luận điệu tuyên truyền, cuộc sống của đại đa số dân chúng đều nghèo khổ, lầm than. Quê hương hết ách thực dân thì sa vào thảm họa Cộng Sản. Không riêng gì gia đình bà Văn, mà hàng triệu người khác, kẻ bị đói khổ, người bị tù đầy. Ai muốn đi ra khỏi làng cũng phải xin giấy phép của công an Cộng Sản. Đầu làng, cuối thôn, ngã ba hay ngã tư, nơi nào cũng có "bần cố nông" canh gác để ngăn chặn đồng bào trốn vào Nam tỵ nạn.

Khi nhớ lại mấy tấm biểu ngữ: "Chào Mừng Đi Phát Động Quần Chúng Đấu Tranh Đã Về Làng" và "Đả Đảo Địa Chủ Bóc Lột Dân Nghèo!" treo ở đình làng, bà Văn rùng mình sợ hãi. Bà mường tưởng đến thảm cảnh đấu tố sắp sửa diễn ra.

- Mình đã gìa rồi, đằng nào cũng "xuống lỗ". Nếu trốn không thoát, bị đấu tố thì cũng đành lòng. Nhưng còn hai đứa trẻ, chẳng lẽ để chúng chết đói, hay chịu khổ sở cả đời như thế này hay sao?

Bà Văn lẩm bẩm như thế, rồi nhớ đến lời dặn dò hôm nào của ông Văn: "Lỡ có chuyện gì đột ngột xẩy ra, như tôi bị bắt giam chẳng hạn, bà phải lo liệu mang hai con vào Nam trước ngày di cư hết hạn".

Biết vậy, nhưng bà Văn làm cách nào cho Tuấn và Thảo vào Nam? Thoát khỏi vùng Cộng Sản, để đến thành phố Hải Phòng, là chuyện khó khăn vô cùng. Tuy nhiên, "khó khăn" không có nghĩa là "không làm được". Nếu không liều lĩnh, không trốn thoát, Tuấn và Thảo sẽ chịu thân phận "con cháu địa chủ". Hai em sẽ bị cô lập trong nhà cho đến khi chết đói.

- Phải đi trốn! Nhất định phải đi trốn!

Hết ngày này qua tháng khác, bà Văn đã mỏi mòn chờ đợi ông Văn. Nhưng bây giờ -- theo lịch trình của hiệp định Genève -- sắp hết hạn di cư vào Nam rồi. Làm sao bà chờ ông Văn thêm được nữa? Sau khi thành phố Hải Phòng giao cho Cộng Sản, "bức màn sắt" sẽ bao phủ cả miền Bắc -- từ ải Nam Quan đến sông Bên Hải -- không còn ai cựa quậy được nữa! Do đó, bà Văn thầm nghĩ, đi trốn được người nào hay người nấy. Nếu không, cả nhà sẽ sa vào thảm hoạ.

"Nhất định phải trốn"! Bà Văn quả quyết như vậy. Mặc dù bà hiểu rằng, từ miền quê lên tỉnh, càng ngày Cộng Sản càng kiểm soát chặt chẽ. Nhưng dù sao, "còn nước còn tát". Nên bà phải liều, không thể nào chậm trễ được nữa.

- Tuấn ơi! Thảo à! Hai con vào nhà, mẹ bảo.

Nghe mẹ gọi, Tuấn và Thảo nhanh chân bước vào trong nhà. Bà Văn đứng bên cửa sổ, im lặng một lúc lâu làm Tuấn thắc mắc.

- Mẹ bảo chúng con chuyện gì ạ?

Bà Văn nhìn vẻ mặt ngây thơ của từng đứa trẻ rồi ngập ngừng nói nhỏ:

- Hai con... phải hứa, không được... kể lại với bất cứ ai, rồi mẹ mới nói.

Tuấn và Thảo ngoan ngoãn cùng gật đầu "vâng". Bà Văn thì thầm:

- Các con muốn "lên Hà Nội thăm cô Hòa" không?

Thảo mừng rỡ:

- Bao giờ hở mẹ? Con muốn lên Hà Nội, thăm cô Hòa.

Nhìn ánh mắt ngây thơ của cô con gái, bà Văn càng cảm thấy đau lòng. Bà biết trước, cuộc hành trình của hai đứa trẻ đầy dẫy chông gai. Nhưng bà không còn chọn lựa nào hơn. Đi trốn trong thời gian này, lợi điểm duy nhất là công an Cộng Sản không để ý nhiều đến trẻ em. Chúng chú tâm đến người lớn tuổi -- là địa chủ -- trốn vào Nam. Nên đi cùng với Tuấn và Thảo, làm sao bà Văn có thể thoát khỏi các trạm gác của "bần cố nông" và công an Cộng Sản? Do đó, bà phải đi sau Tuấn và Thảo. Nhưng nếu bà không trốn thoát thì sao? Đây là nỗi khổ tâm nhất của bà: Khi hai em theo cô Hoà vào Nam, nếu không có cha mẹ, cuộc đời sẽ bơ vơ. Sống ở nơi xa lạ, làm sao cô Hòa có đủ khả năng giúp Tuấn và Thảo? Nghĩ đến tương lai đen tối của hai đứa con mình như vậy, làm sao bà Văn tránh khỏi đau lòng!

Hình ảnh thiểu não của mấy đứa trẻ nghèo khổ ở trong làng hiện ra trong ký ức của bà: Thằng Toán mất mẹ từ khi còn nhỏ. Năm nó lên 10, bố bị công an Cộng Sản bắt giam vì tội “phản động” rồi biệt tăm. Còn thằng Nuôi, năm 7 tuổi, bố bị bắt đi "dân công" tải đạn cho "Bộ Đội" rồi tử nạn. Còn mẹ nó bị Tây bắn chết khi hành quân qua làng. Nhiều lần bà Văn gặp, hai đứa trẻ mồ côi ấy đi lang thang xin ăn ở ngoài chợ. Đêm mùa đông lạnh buốt, chúng nằm co ro bên nhau ngủ ở góc đình làng. Trong cuộc chiến kéo dài suốt 8 năm trời, hàng chục ngàn trẻ em đột ngột trở thành những kẻ không nhà. Bà Văn chẳng ngờ, hai đứa con của bà, dần dần sẽ lâm vào thảm cảnh tương tự như thế.

Là người dân quê chất phác, mỗi khi nguy khốn bà Văn biết làm gì hơn là tin tưởng vào "phúc đức của ông cha để lại". Bà "cầu Trời khấn Phật" cho hai đứa con của bà "tai qua nạn khỏi". Tuy vậy, đôi mắt bà vẫn uớt lệ. Nhìn Tuấn và Thảo, trong lòng bà đau xót:

- Sáng sớm... Sáng sớm mai.

Nói được đến đó thì bà nghẹn lời. Cả phút sau bà mới nói tiếp:

- ... Mẹ không thể nào đi cùng với các con được. Hai con liệu, nương tựa nhau khi đi trốn. Trẻ con thì ít người để ý. Những người lớn tuổi như mẹ, thể nào cũng bị tình nghi là "địa chủ", khi đi đường sẽ bị công an chặn lại hạch hỏi, khó lòng mà thoát được.

Tuấn và Thảo mở tròn đôi mắt nhìn bà Văn. Hai em đều ngỡ ngàng khi biết bà Văn không đi cùng với chúng. Bà Văn ngưng lại trong giây lát rồi hỏi:

- Các con còn nhớ đường lên Hà Nội không?

Vừa dứt lời, bà Văn không giữ được xúc động, nên kéo hai đứa con ngồi xuống. Bà ôm chặt chúng vào lòng rồi sụt sùi than khóc:

- Bố mẹ chăm nuôi... mong mỏi cho các con lớn khôn. Nhưng đến nay... Tuấn 11 tuổi... Thảo mới lên 10... gia đình gặp thảm họa. Bố mẹ bị ghép vào thành phần "địa chủ". Nay mai, tất cả nhà cửa, ruộng vườn đều bị chiếm đoạt. Bố mẹ còn bị "bần cố nông" Cộng Sản, lôi ra đấu trường đấu tố. Nếu không trốn thoát, các con sẽ bị khốn đốn ....

.... Bà Văn vừa giải thích tình cảnh gia đình, vừa kể lể những biến chuyển của đời mình cho hai đứa con nghe. Trong giây phút bi quan, bà linh cảm hôm nay là ngày cuối cùng được nhìn thấy hai đứa trẻ thơ. Ngày mai, mẹ con sẽ vĩnh viễn xa nhau. Giọng bà Văn ấp úng, không khác gì kẻ sắp qua đời, đang nói mấy lời trối trăng trước khi nhắm mắt.

Tuấn và Thảo ngồi chăm chú nghe, trong lòng cảm thấy thương xót. Mặc dù hai em chưa đủ trí khôn để hiểu hết tình cảnh ngặt nghèo của gia đình. Nhưng thấy mẹ sụt sùi, Thảo thương cảm, khóc theo. Còn Tuấn, đôi mắt cũng ngấn lệ. Cậu bé bèn mím chặt môi để tránh khỏi xúc động thêm.

- Muốn trốn thoát.... các con phải đi vào lúc sáng sớm khi bọn công an còn đang ngủ say. Hai con không nên mang theo quần áo, mà cần mang sách vở, giấy bút, đựng trong chiếc túi vải như khi đi học.... Mẹ chỉ e ngại bọn công an trong làng, biết mặt các con. Nhưng thoát ra khỏi làng, các con không còn ngại ngùng gì nữa. Công an ở các nơi khác, không để ý đến trẻ con. Chúng đang chú tâm đến người lớn tuổi là địa chủ đi trốn. Vì vậy mẹ phải đi vào lúc nửa đêm. Một mình mẹ thì dễ dàng xoay sở, còn đi với các con thì khó có thể thoát được. Hai con lên Hà Nội trước, mẹ sẽ lên sau.

Giải thích như vậy để hai đứa trẻ an tâm. Nhưng bà Văn thầm nghĩ, dù đi trốn một mình lúc nửa đêm, bà vẫn khó thoát khỏi các trạm kiểm soát của bần cố nông và công an -- ngày đêm, thay phiên nhau canh gác. Nên chỉ còn con đường duy nhất là Tuấn và Thảo phải tự kiếm đường lên Hà Nội, rồi theo cô Hòa mà vào Nam. Còn bà, nếu may mắn trốn thoát thì hay. Nếu không, bà đành chấp nhận thảm cảnh gia đình ly tán. Nghĩ vậy, bà Văn lau nước mắt rồi tiếp tục, dặn dò hai đứa trẻ:

- Mỗi khi gặp người lạ, nhớ lời mẹ dặn, các con phải bình tĩnh, cứ làm như là "đang đi đến trường, đang đi học", giống như các trẻ em khác. Hai con cứ thản nhiên, vui đùa, nói chuyện với nhau, hoặc ca hát. Ca hát để bớt sợ hãi. Ca hát để giữ cho cử chỉ được tự nhiên.

Vừa dặn dò, bà Văn vừa lo sợ. Hai đứa trẻ mới chuẩn bị đi trốn, mà bà đã cảm thấy hồi hộp.

- Các con thuộc những bài hát nào, nói thử cho mẹ xem?

Thảo nhanh miệng:

- Bài "Mừng Hà Nam Giải Phóng".

Tuấn muốn cho mẹ yên tâm nên nói tiếp theo:

- Bài "Giải Phóng Điện Biên" nữa mẹ ạ.

Bà Văn khen các con:

- Đúng rồi, đó là những bài, mẹ muốn các con hát, rất hợp thời, mừng quê hương được "giải phóng" và "mừng chiến thắng Điện Biên". Nhớ hát, cả hai con cùng hát, trên đường cứ vui vẻ như lúc "đang đi học". Còn lối đi lên Hà Nội, Tuấn nhớ không? Thật là dễ dàng, ra khỏi làng, các con cứ theo con đê, đi theo hướng Bắc. Khi đến Phủ Lý, các con thuê xe xích-lô lên Hà Nội. Lúc đến Hà Nội, các con nói địa chỉ, xe sẽ chở các con đến tận nơi.

Cuộc hành trình được bà sắp xếp chu đáo. Để đề phòng những chuyện bất trắc có thể xẩy ra, bà dặn dò Tuấn và Thảo, "phải làm như vầy... như vầy". Mãi đến khi trời tối, bà Văn mới dọn cơm cho hai con ăn, rồi bảo chúng đi ngủ sớm ........

*

* *

....... Tiếng gà gáy báo hiệu trời gần sáng. Bà Văn uể oải ngồi dậy, rồi lật đật đi lấy ngọn đèn dầu, thắp sáng căn nhà. Làm xong bà trở lại, ngồi bên cạnh giường, đập nhẹ vào vai Thảo:

- Dậy, dậy sửa soạn đi kẻo trời sắp sáng rồi con ạ.

Thảo hé mắt nhìn bà Văn. Nhưng cô bé mệt mỏi, nên vẫn nằm nguyên như cũ. Bà Văn nhìn con, trong lòng vừa xót xa, vừa lo sợ cho cuộc hành trình định mệnh sửa soạn diễn ra.

- Dậy đi con. Dậy đi con.

Bà thúc dục Thảo lần thứ hai, lần thứ ba. Cô bé xoay người qua, rồi miễn cưỡng ngồi dậy, gục đầu vào vai bà Văn.

Bên góc phòng đối diện, Tuấn đang nằm ngủ trên giường. Khi nghe thấy tiếng động, cậu bé vươn vai, ngồi dậy. Tuấn biết là sắp sửa đến giờ chia tay nên bước đến ôm cổ bà Văn. Để rồi, ba mẹ con đều xúc động, không ai nói lời nào.

Suốt đêm qua, Tuấn và Thảo ngủ không yên giấc. Thảo thì thấp thỏm, trong lòng lo sợ bị công an Cộng Sản bắt giam. Cô bé nằm thao thức đến 2 giờ sáng. Tuấn thì cảm thấy thương mẹ khôn nguôi. Vì sau khi hai anh em đi rồi, ở nhà chỉ còn lại một mình bà Văn. Nằm trên giường suốt mấy tiếng đồng hồ, nhưng không thể nào cậu bé ngủ được. Mỗi lúc nhớ cha, Tuấn lại thở dài. Cậu bé còn mường tưởng đến trình lánh nạn. Chỗ nào cũng có "bần cô nông" hay công an Cộng Sản canh gác. Làm sao hai anh em có thể trốn thoát?

Còn bà Văn, sau khi quyết định cho con đi trốn thì lo nghĩ triền miên. Cả đêm, không thể nào bà ngủ được: Lo sợ cho hai đứa trẻ sẽ bị bắt và lo sợ cho thân phận của ông Văn. Tuy nhiên, bà vẫn nhất quyết, cho các con đi trốn. Vì đây là con đường duy nhất để hai đứa trẻ sống còn. Tuy nhiên đến giờ phút này, bà Văn chỉ cho Tuấn và Thảo biết, cuộc hành trình lên Hà-Nội là "đi thăm cô Hòa", để tránh khỏi cảnh đói khổ ở thôn làng. Còn chuyện trốn ra Hải Phòng để vào Nam, bà Văn lờ đi, không cho các con biết đến. Bà Văn tin tưởng, sau khi trốn thoát lên Hà Nội, thể nào Tuấn và Thảo cũng kể lại thảm kịch ở quê nhà cho cô Hòa nghe.

- Hai con phải vâng lời cô Hoà. Cô đi đâu, các con cũng phải đi theo.

Bà Văn dặn dò Tuấn và Thảo nhiều lần như thế. Nên khi đến Hà Nội, không Tuấn thì Thảo sẽ nói lại cho cô Hoà nghe. Tất nhiên, cô sẽ hiểu ý của bà Văn, muốn cô mang Tuấn và Thảo vào Nam.

Ngồi ôm con, bà Văn sụt sùi nghĩ đến thảm cảnh của gia đình từ khi sa vào thảm họa Cộng Sản. Không hiểu ông Văn bị thủ tiêu hay đang phiêu dạt ở nơi nào? Tình nghĩa vợ chồng, mấy chục năm vui buồn có nhau, chẳng ngờ trước khi vĩnh biệt, hai người không được nói với nhau nửa lời. Bà mỏi mòn mong chờ ông Văn hết ngày này qua ngày khác, nhưng vẫn biệt vô âm tín. Đến bây giờ, bà phải gấp rút, lo liệu cho Tuấn và Thảo vào Nam.

- Các con đi rửa mặt, thay quần áo, sửa soạn đi kẻo trễ.

Tuấn và Thảo vâng lời, làm theo lời mẹ nói. Trong khi ấy, bà Văn đi xuống dưới bếp, mang 2 bát cháo lên đặt trên bàn. Bà lấy túi vải đựng sách vở của hai đứa trẻ, mở ra kiểm soát rồi nhét vào bên trong mấy trái ngô luộc, 2 củ khoai nướng và lọ dầu gió hiệu "Con Hổ" phòng khi các con bị cảm.

- Hai con ăn cháo, rồi sửa soạn đi là vừa.

Tuấn và Thảo ngồi trên ghế, vẻ mặt thờ thẫn, nhìn 2 bát cháo trên bàn nhưng không muốn ăn. Bà Văn thúc dục:

- Cố ăn đi các con, kẻo không trên đường đi, lại đói bụng.

Nể lời mẹ, Tuấn và Thảo miễn cuỡng cầm bát cháo lên ăn. Bà Văn nhìn từng cử chỉ của hai đứa trẻ thì nhớ lại ngày giỗ cụ nội hồi đầu năm vừa qua. Chung quanh chiếc bàn ăn này, cả gia đình và họ hàng xum họp. Hình ảnh ông Văn ngồi ở đầu bàn hôm ấy, đang hiện rõ trong tâm tưởng của bà.

- Đây là lần cuối cùng nhìn hai đứa con ngồi ăn bên chiếc bàn này?

Bà Văn đăm đăm nhìn vẻ mặt ngây thơ của Tuấn và Thảo. Để che dấu thương đau, bà cúi xuống lau nước mắt. Cả phút sau, bà mới bước đến đứng bên cạnh Tuấn. Khi lấy tiền trong túi áo ra, đưa cho cậu bé, bà nghẹn ngào nói:

- Con.... giữ... để trả tiền xe và ăn quà.

- Vâng. Con xin mẹ.

Bà Văn lại còn cẩn thận, khẽ hỏi Tuấn:

- Con nhắc lại địa chỉ của cô Hoà xem nào?

- Số ..., đường Phạm Đình... Hà Nội.

Cậu bé nói khẽ, chỉ vừa đủ cho bà Văn nghe. Vì sống trong vùng Cộng Sản lâu năm, nên Tuấn có cảm nghĩ, lúc nào cũng có "công an nhân dân" nghe lén. Bà Văn tiếp tục, dặn dò các con:

- Nhớ lời mẹ nhé! Dù có thích, các con cũng không được đi ô-tô. Hai con phải thuê xích-lô. Các con biết tại sao không?

Ngưng trong giây phút, bà giảng giải:

- Xe ô-tô thường dùng để đi xa. Nên các con đi ô-tô, sẽ bị công an chặn lại, hạch hỏi. Còn xe xích-lô, thường dùng để di chuyển trong thành phố, nên ít khi bị tình nghi. Các con muốn cho mẹ yên tâm thì chớ quên điều này.

Dặn dò hai con kỹ lưỡng, rồi bà Văn nắm tay, lặng lẽ dẫn hai đứa trẻ ra ngoài cửa. Con chó mực tinh khôn cũng quyến luyến, bước theo chủ ra sân: Giây phút chia tay đã đến.

Bên ngoài, thỉnh thoảng lại có gió lạnh thổi qua. Phía sau luỹ tre xanh, ánh bình minh bắt đầu ló dạng. Nhìn cảnh vật thân thương trước sân nhà vẫn nguyên như cũ. Nhưng sáng nay, ba mẹ con bà Văn lại cảm thấy buồn thê thảm! Bà Văn vừa xúc động, vừa lo sợ cho cuộc hành trình định mệnh của hai đứa trẻ. Nhưng bà vẫn cố gắng, chỉ tay về phía bờ ao rồi nói:

- Hai con... đi theo lối này.

Tuấn và Thảo dùng dằng, chưa muốn đi. Mỗi em đứng một bên, nắm chặt tay bà Văn. Từ khi lọt lòng mẹ, lúc nào Thảo cũng ở bên cạnh bà Văn như hình với bóng. Bây giờ đến lúc chia tay, làm sao cô bé tránh khỏi ngậm ngùi và lo sợ? Tuổi thơ, Thảo chỉ mong muốn được mẹ nuông chiều, ấp ủ. Bà Văn hiểu tính tình cô con gái thì lại càng cảm thấy xót xa.

Còn Tuấn đứng bên cạnh mẹ, vẻ mặt buồn rũ rượi. Cậu bé không nói nửa lời, lúc nào cũng đăm đăm nhìn xuống đất nghĩ ngợi.

- Mẹ... à.

Bà Văn cúi xuống nhìn Thảo:

- Cái gì hở con?

Ánh mắt cô bé ngấn lệ nhìn mẹ rồi mếu máo:

- Mẹ cho... con ở nhà với mẹ. Con không... muốn đi nữa... Con không muốn xa mẹ.

Tuấn cũng nghẹn ngào:

- Chúng con đi rồi, còn lại mình mẹ ở nhà, lủi thủi một bóng... lỡ có chuyện gì thì sao?

Bà Văn xúc động nhưng vẫn cố nén lòng. Với giọng nói nhỏ nhẹ nhưng bà quả quyết để Tuấn và Thảo yên tâm:

- Không, các con phải đi. Mẹ sẽ đi sau. Tối nay hay trễ lắm là tối mai, ba mẹ con mình sẽ gặp nhau ở Hà Nội.

"Ba mẹ con mình sẽ gặp nhau ở Hà Nội"! Làm sao bà có thể quả quyết như vậy được? Bà thừa hiểu, con đường lánh nạn Cộng Sản còn đầy dẫy chông gai. Nhưng bà muốn tạo ra hy vọng để hai đứa trẻ bớt sợ hãi. Đó cũng là hy vọng hão huyền để bà bám víu cho cuộc đời bớt phần bi thảm. Đồng thời, bà còn muốn xua đuổi tất cả những ý tưởng đau thương cùng những điều bất hạnh, có thể xẩy ra cho Tuấn và Thảo khi đi lánh nạn. Để tránh khỏi xúc động, bà Văn chỉ tay về phía trước, rồi ra chiều ôn tồn nói với Tuấn và Thảo:

- Hai con men theo bờ ao này, rồi chui qua hàng rào, đi tắt ra đầu làng. Thôi các con đi. Đi nhanh, nhưng không được chạy. Vạn sự... may mắn... nhe con!

Bà Văn vừa nói xong thì Thảo khóc sướt mướt. Cô bé ngước lên nhìn bà Văn qua làn nước mắt:

- Mẹ... ơi!

Bà Văn không còn nén lòng được nữa, bèn cúi xuống, ôm chầm lấy cô con gái bé bỏng. Hai tay Thảo ghì chặt vào cổ bà Văn như đáp lại tình thương của mẹ trao cho. Tuấn đứng bên cạnh ngậm ngùi. Cậu bé cố mím môi, nhưng không làm sao ngăn được nước mắt. Tuấn bước lại gần, ôm chặt lấy vai mẹ. Một lúc lâu sau, bà Văn lấy lại bình tĩnh, lần luợt đẩy hai đứa con ra rồi ngẹn ngào nói:

- Thôi, các con đi... Các con phải đi, kẻo không lại trễ đấy. May mắn nhé.

Thảo vừa khóc vừa nũng nịu:

- Thôi, con không đi nữa đâu... Mẹ cho con ở nhà với mẹ.

Bà Văn cảm thấy xót xa, nhưng buộc lòng, phải thúc dục hai đứa trẻ:

- Không, các con phải đi. Tối nay mẹ sẽ gặp các con... ở Hà Nội. Thôi, đi nhé, trễ rồi các con.

Thảo sụt sùi, miễn cưỡng bước theo Tuấn đi về phía luỹ tre. Trong lúc này, trời đã sáng. Bà Văn đứng thẫn thờ nhìn theo hai đứa con thơ dại, đang lom khom chui qua hàng rào, rồi men theo bờ ao, bỏ nhà, bỏ quê hương, chấp nhận xa cha mẹ để đi lánh nạn Cộng Sản .….

*

..... Cả nửa tiếng đồng hồ, sau khi Tuấn và Thảo đi khuất, mà bà Văn vẫn còn đứng nguyên chỗ cũ. Như kẻ không hồn, bà ngẩn ngơ nhìn bên luỹ tre xanh, nhìn bên lối đi, nhìn chung quanh nhà. Nơi nào cũng vắng tanh.

Những kỷ niệm êm đềm từ thời xa xưa với hình ảnh của ông Văn cùng hai đứa con thơ, lần lượt hiện rõ trong tâm tưởng của bà. Bây giờ, còn lại mình bà, lủi thuỉ một mình! Nhìn cảnh quạnh hiu, bà xúc động, đưa hai tay lên ôm mặt, khóc nức nở. Nỗi khổ tâm nhất của bà là lo sợ cho hai đứa con thơ dại, đêm nay rồi ngày mai, không biết sẽ phiêu dạt về đâu?

Quả thật là thảm họa. Chồng bà bị công an Cộng Sản bắt giam rồi biệt tăm. Hiện thời thảm cảnh đấu tố lan tràn. Bà liều lĩnh cho con đi trốn thì mặc nhiên, bà đã chấp nhận mất luôn hai đứa con thơ! Chắc hẳn không bao giờ bà còn gặp lại nữa?

Sáng nay, mẹ tiễn con đi

Sáng nay, mẹ thấy trong lòng nát tan!

Từ ngày Cộng Sản tràn lan

Đau thương cao ngất núi ngàn con ơi!
Thương con mắt mẹ lệ rơi

Nhớ con, con đã xa vời quê hương

Bao năm ấp ủ tình thương

Giờ đây gặp cảnh đoạn truờng chia ly!

*

..... Vượt hàng rào, men theo bờ ao ra đến đường cái, Tuấn và Thảo vừa đi, vừa cảm thấy sợ hãi. Tuấn đi trước, Thảo theo sau. Hai em đều mở tròn đôi mắt, nhìn con đường làng vắng tanh. Năm nay Thảo 10 tuổi, thân hình mảnh khảnh, mái tóc dài xõa xuống ngang vai. Là con út nên lúc nào Thảo cũng được cha mẹ nuông chiều. Bây giờ Cộng Sản tràn lan, gia đình tan nát, cô bé biết nương tựa vào ai? Trong giây phút này, chỉ còn lại Tuấn, người anh của Thảo, nhưng chỉ hơn cô bé có 1 tuổi. Tuấn cũng sợ hãi, không kém gì cô em. Mặc dù trời đã sáng, nhưng khi đi đến gần cây đa ở đầu làng, cảnh vắng vẻ và mấy chiếc mả ở bên đường làm Thảo rùng mình.….

..... Cô bé nhớ lại, hôm nào nghe kể truyện ma hiện hình. Nhiều người đã quả quyết bảo rằng, linh hồn những người chết oan, mỗi đêm thường hiện về dương thế, "ngồi dưới gốc cây đa than khóc". Họ còn nhìn thấy, ma hiện nguyên hình cô thôn nữ, "ngồi xõa tóc bên đường, lè lưỡi dài cả mấy thước, dọa trẻ con qua lại..."

Càng nghĩ đến những câu chuyện ma quái như thế, Thảo càng sợ hãi. Cô bé sợ đến nỗi khi bước, hai chân đá vào nhau. Còn Tuấn, đôi mắt thao láo, nhìn trước nhìn sau. Cậu bé mang cảm giác như công an đang đuổi theo. Trong lòng hồi hộp, nhưng Tuấn vẫn nắm chặt tay cho Thảo bớt sợ. Cả hai anh em bước đều như hai cái máy.

Trong giây phút này, Tuấn là người duy nhất còn lại để che chở cho Thảo. Nghĩ như thế, Tuấn lấy lại được phần nào bình tĩnh. Thảo theo anh, đi băng qua cầu đá, rẽ sang con đường mòn, rồi bước lên đê.

"Theo con đê, đi thẳng hướng Bắc thì sẽ đến Phủ Lý". Tuấn nhớ lời mẹ dặn như thế. Nhìn về hướng mặt trời mọc, cậu bé lẩm bẩm:

- Phía tay phải là hướng đông thì trước mặt là hướng Bắc.

Tuấn mừng là mình đang đi đúng hướng. Cậu bé liếc mắt nhìn vào làng ở kế bên. Sau lũy tre xơ xác, mấy căn nhà tranh hiện rõ. Nhìn cảnh đồng quê, Tuấn chạnh lòng nhớ mẹ.

"Chúng con đi rồi, còn lại mình mẹ ở nhà, lủi thủi một bóng... lỡ có chuyện gì thì sao?"

Nhớ lại lúc chia tay, Tuấn cảm thấy đau buốt trong tim. Nhìn hai bên đường, thỉnh thoảng lại có lá cờ đỏ sao vàng treo trên cao. Vì không có gió, lá cờ ủ rũ, trông giống như miếng giẻ rách đỏ sẫm. Nên nhiều người gọi là "cờ Máu".

Tuấn liên tưởng đến những vũng máu của lương dân ở trong làng trước đây, đã bị công an Cộng Sản xử bắn, sau khi chúng kết tội họ là "Việt gian". Nhưng tuổi còn thơ, làm sao Tuấn có đủ trí khôn để hiểu rõ, mầu máu ấy là biểu tượng của thảm họa Cộng Sản mà dân tộc VN phải gánh chịu cả chục năm qua. Lịch sử đã cho thấy, nơi nào có "cờ Máu" cắm lên, nơi đó có nghèo khổ, lầm than, ngục tù và chạy trốn. Chính bản thân Tuấn và Thảo cũng đang đi trốn. Khi nhìn thấy màu cờ đỏ, Tuấn lại nhớ đến hôm nào, công an Cộng Sản ập vào nhà, bắt cả gia đình Tuấn, tra tấn dã man. Nghĩ vậy, cậu bé lại càng sợ hãi, đôi chân bước nhanh hơn trước.

Lúc bấy giờ, ở hướng đông, mặt trời lên cao trông giống như tấm mâm đồng, màu da cam. Tuấn nhìn thấy rõ, tháp chuông ở đầu làng Non. Đây là làng theo đạo Thiên Chúa. Trên đỉnh núi kế cận có cây Thập Tự Gía rất lớn, tưởng chừng ở xa năm ba cây số vẫn còn nhìn rõ. Thấy Tuấn nhìn về phía ấy, Thảo bắt chước làm theo. Cả hai em đều có ý cầu nguyện:

- Xin Đức Chúa Trời ban phước lành cho chúng con.

Thảo tiếp tục theo Tuấn bước trên đê với cảm giác sợ hãi. Cô bé thắc mắc:

- Lâu quá à! Bây giờ mới thấy được làng Non. Biết đến khi nào mình mới đến Phủ Lý?

Tuấn nhớ đến lời mẹ dặn: "Qua làng Non, còn phải đi qua núi Cõi nữa, mới đến được Phủ Lý. Từ Phủ Lý, lại phải thuê xe xích-lô lên Hà Nội".

Đường đi còn dài, còn nhiều chông gai và sợ hãi. Tuấn và Thảo có cảm giác, một phút sợ hãi lâu bằng một giờ. Một giờ chờ đợi, lâu bằng một ngày.

- Anh Tuấn, có ai ở phía trước?

Thảo khẽ hỏi như thế. Tuấn chưa kịp trả lời thì Thảo lại nói tiếp:

- Hình như họ vác cuốc trên vai.

Tuấn chăm chú nhìn về phía ấy và nói nhỏ với cô em:

- Mấy bác nông phu đi làm ruộng.

Vừa dứt lời, Tuấn nhớ đến lời mẹ dặn: "Mỗi khi gặp người lạ..... Hai con cứ thản nhiên, vui đùa, nói chuyện với nhau, hoặc ca hát. Ca hát để bớt sợ hãi. Ca hát để giữ cho cử chỉ được tự nhiên". Cậu bé hát mở đầu rồi Thảo hát theo sau:

"Mừng Hà Nam giải phóng... Ta mừng Hà Nam giặc tan say sưa liên hoan...Thoát ách quân thù đế quốc bạo tàn..."

Hai em hát hết bài này đến bài khác:

"Gỉai phóng Điện Biên, Bộ Đội ta tiến quân trở về... giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui..."

Trên đường, mấy bác nông phu vác cuốc trên vai. Dân quê buôn bán thì gánh hàng đến chợ. Mỗi lúc càng thêm đông người. Tuấn và Thảo yên tâm phần nào khi thấy nhiều trẻ em cùng lứa tuổi, đang cắp sách đến trường. Từng toán, năm ba học sinh, vừa đi vừa chuyện trò, đùa nghịch và ca hát.

Thế nhưng, ngay sau khi nhìn ngoại cảnh ấy, trong lòng Tuấn lại nơm nớp lo sợ. Mỗi lúc nghĩ đến đoạn đường từ Phủ lý lên đến Hà Nội, có nhiều trạm gác của công an, cậu bé càng hồi hộp. Mặc dù lo sợ hết chuyện này đến chuyện khác như thế, Tuấn và Thảo vẫn tiến bước. Cuộc hành trình lánh nạn Cộng Sản, hiển hiện còn nhiều gay cấn. Chẳng hiểu hai em có trốn thoát hay không?

(Xin xem tiếp bài 2: Tấm Giấy Thông Hành ‘Ðịnh Mệnh’)

*

* *



NXB Lam Sơn trân trọng giới thiệu cuốn truyện dài thời chiến tranh 1945-1975

Nửa Đường Gẫy Cánh

*

Trong ấn bản lần thứ 3 này, nhiều phần đã được tác giả Ðỗ Quốc Anh Thư sửa đổi. Qua 425 trang sách, dầy gấp đôi cuốn cũ, NĐGC có nhiều tình tiết hấp dẫn, kèm theo sự kiện lịch sử, để phản ảnh trung thực thảm cảnh 30 năm chiến tranh máu lửa (1945-1975).



Hai biến cố lịch sử xẩy ra ngày 20-7-1954 và 30-4-1975, đã làm cho hàng triệu người "đổi đời" đột ngột và vô cùng đau thương. "Nửa Đường Gẫy Cánh" chỉ là câu chuyện điển hình, cốt truyện được xây dựng trên sự thật --- xẩy ra trong thời gian chiến tranh.
Thảm cảnh của miền Nam trong cơn hấp hối và nỗi hận sầu "nước mất nhà tan" của hai Hoa Tiêu Không Quân VNCH trên Tuần Dương Hạm USS Blue Ridge ngày 30-4-1975.
Những bí ẩn của phi vụ "Không Số" --- do Hoa Tiêu VNCH và Hoa Kỳ đảm trách --- cùng hoạt động của các chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hổ dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh và ngã ba biên giới Việt-Miên-Lào.
Câu chuyện kinh hoàng và thảm cảnh đau thương của dân chúng VN trên hành trình tỵ nạn Cộng Sản nơi biển Đông: Từ tàu Greenboard đến tàu American Racer, trong trại tạm trú Wake Island và Fort Chaffee.


Xin liên lạc với Nguyễn Thứ Dũng

LamSonVN@SBCglobal.Net

Điện thoại 408-225-8476
http://www.vietnamexodus.org/vne0508/vnenews/bandocviet/QuocHan20-7_Bai1.htm

No comments: