Thursday, July 10, 2008
Trần Diệu Chân: Kinh tế định hướng XHCN đang tiêu chảy cấp
Kinh Tế Định Hướng XHCN Đang Tiêu Chảy Cấp
TS Trần Diệu Chân
Chỉ có những ngôn từ đặc thù của chế độ Cộng Sản Việt Nam (CSVN) - tự nhận là Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) - mới có thể lột tả được chính xác và linh động những hiện tượng do chính chế độ này tạo ra. Điển hình là mô hình Kinh tế thị trường của thế giới khi được định hướng bởi XHCN ở Việt Nam (VN), nó đã biến thái và suy trầm tới mức khủng hoảng “cấp tính” mà chỉ có hiện tượng nhiễm khuẩn đường ruột - đang lan tràn khắp nước và được những nhà lãnh đạo Hà Nội gọi một cách sáng tạo là "Tiêu Chảy Cấp" - mới có thể nói lên được tính chất của sự việc. Vậy hình thái “tiêu chảy cấp’’ của nền kinh tế VN hiện tại ra sao, nguyên ủy từ đâu và liệu có thể cứu vãn bằng cách nào? Tác gỉa bài này không dám có tham vọng và khả năng để đưa ra giải pháp, chỉ xin phép có những góp ý của một người quan tâm đến tình hình đất nước và những gợi ý căn bản để rũ bỏ một định hướng sai lầm.
Tờ Wall Street Journal (WS) số ra ngày 24 tháng 6, 2008 đã tóm lược tình trạng kinh tế ở Việt Nam như sau: “Việt Nam đang vật lộn với nạn lạm phát cao ngất, một thị trường chứng khoán đang chìm lỉm, một mức thâm thủng mậu dịch căng phồng và tình trạng lao động bất an. Cùng lúc đó, vụ bắt giữ hai nhà báo mới đây đã gây ra nhiều lo ngại về một chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến lớn hơn (1)”. Liên tục trong mấy tháng vừa qua, các cơ quan truyền thông và tài chính thế giới đã cùng chia xẻ chung nhận định trên với tờ WSJ là nền kinh tế Việt Nam đang bị khủng hoảng trầm trọng. Nhà cầm quyền Hà Nội rõ ràng là không thể che dấu các diễn biến tiêu cực, đang cố đưa ra những biện pháp cứu vãn, cầu cứu thế giới, biện bạch để trấn an và ... chạy tội.
Nguyên do vì đâu mà một nền kinh tế đang được ca tụng là "con hổ" hay "phép lạ" của Châu Á bỗng chốc tụt giốc thê thảm như vậy?
Bản Chất Tiêu, Chảy:
Đặc tính thứ nhất của nền kinh tế định hướng XHCN hiện nay là tiêu pha phung phí, đầu tư bừa bãi, làm lãng phí và tiêu hủy tài nguyên đất nước và tinh hoa trí tuệ của dân tộc, tiền chảy vô tội vạ vào túi các thành phần đặc quyền và tham nhũng (loại vi khuẩn dễ lây lan và đang tác hại mạnh nhất tại VN – hơn cả Aids, H5N1 và phẩy trùng tiêu chảy). Hãy xét từ căn bản vốn liếng đầu tư của quốc gia xem đã bị lãng phí như thế nào tại Việt Nam.
Các nguồn vốn của Việt Nam bao gồm:
• Đầu tư ngoại quốc (FDI: Foreign Direct Investment)
• Tiền thế giới trợ giúp nhân đạo (humanitarian aid)
• Tiền thế giới cho vay kể cả ODA (Official Development Assistance) với lãi xuất thấp
• Tiền lời do trao đổi hàng hóa và dịch vụ với thế giới (hiện đang bị thâm thủng)
• Tiền từ người VN ở hải ngoại gởi về.
Những nguồn vốn này có được đầu tư và xử dụng đúng đắn để phục vụ người dân hay không; tức là có được đầu tư khôn ngoan vào các lãnh vực chuyên biệt của dân tộc để tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo phúc lợi để làm thăng tiến đời sống, và giúp cho đất nước trả nợ? Có được đầu tư để làm thăng tiến nền khoa học, kỹ thuật của nước nhà hầu có thể có những sáng tạo riêng để trao đổi với thế giới? Có được đầu tư vào giáo dục để phát triển tiềm năng trí tuệ của đất nước? Có được đầu tư vào lãnh vực điện, nước, y tế, nhà cửa, đường xá v...v... để nâng cao phẩm chất đời sống của người dân; vào việc cải tiến nhu cầu giao thông và thông tin - một nhu cầu thiết yếu để nâng cao hoạt động kinh tế - hay không?
Câu trả lời hiển nhiên là KHÔNG, hoặc quá ít KHÔNG đủ, vì nếu có thì nền kinh tế đã không bị phá sản và người dân đã không bị cơ cực như ngày nay sau khi nhiều tỷ đô la đã đổ vào Việt Nam từ giai đoạn chấm dứt nền kinh tế tập trung vào cuối thập niên 80. Những thành qủa tăng trưởng kinh tế liên tục từ gần một thập niên qua là do hầu hết nỗ lực của thành phần kinh tế tư nhân và đầu tư ngoại quốc, thành phần kinh tế quốc doanh đã liên tục thua lỗ và là một gánh nặng cho nước nhà trong hơn 3 thập niên qua. Mức tăng trưởng trung bình 8% hằng năm - từ con số âm - trong 10 năm cũng chưa phải là một điều đáng mừng vì không mang tính chất vững bền (sustainable development), chưa phản ảnh được tiềm năng của dân tộc, lại còn tạo ra vô số những tiêu cực trong xã hội như chênh lệch giầu nghèo, đạo đức xã hội băng hoại, hệ thống giáo dục lạc hậu, tham nhũng tràn lan, bất công đầy rẫy, tội phạm gia tăng, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán tình dục, dân oan bị cướp nhà, cướp đất, chăm sóc y tế xuống dốc v...v...
Nguồn vốn dồi dào đã bị tiêu xài hoang phí qua nhiều hình thức và tuôn chảy phí phạm qua nhiều ngõ ngách:
1. Đổ vào hàng ngũ công an, cảnh sát và quân đội để theo dõi và đàn áp người dân: bịt miệng các nhà đấu tranh dân chủ và dân oan khiếu kiện; bắt giam, tra khảo các vị lãnh đạo tinh thần, các nhà báo, giáo chức, trí thức, thanh niên yêu nước, có lương tâm và đảm lược lên tiếng. Guồng máy công an khổng lồ có mục tiêu là bảo vệ chế độ và những kẻ tham ô quyền lợi; việc giữ gìn an ninh quốc gia trong thời bình không cần đến số quân đội và công an chìm, nổi nhiều như thế.
2. Phí phạm trong những dự án gian lận để rút ruột do tham nhũng chủ động.
3. Tiền chảy vào túi của gian thương cấu kết với tư bản đỏ đã chỉ giúp một thiểu số trở nên giầu có, trong khi đó đại đa số người dân vẫn càng ngày càng lam lũ, cực khổ. Khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Tiềm năng nhân lực của dân tộc bị tiêu hủy.
4. Thiểu số giầu có và quyền lực lấy của công chi tiêu phung phí cho cá nhân và gia đình, mua hàng nhập cảng không mang tính chất sản xuất (thí dụ mua vàng để tích trữ, mua xe đắt tiền, tốn xăng để đi, mua rượu đắt tiền để nhậu ...); do đó nguồn tiền chảy ngược ra thế giới bên ngoài thay vì được đầu tư chính đáng, chưa kể đến những số tiền kếch sù bỏ vào các chương mục hải ngoại để đề phòng ngày họ mất quyền lực. Số nợ khổng lồ của quốc gia – chui vào túi thiểu số - sẽ là gánh nặng cho các thế hệ mai hậu.
5. Hiện tượng phân biệt đối xử với các thành phần quần chúng khiến những người giỏi không được trọng dụng, người thiếu khả năng và kiến thức lại có cơ hội để làm những quyết định sai trái và hoang phí của công.
6. Không biết trọng dụng nhân tài khiến nguồn chất xám của đất nước bỏ ra đi hoặc xin ở lại các quốc gia tân tiến sau khi đã tốt nghiệp đại học (hiện tượng chảy máu chất xám). Các chuyên gia ở hải ngoại, dù thương yêu dân tộc, cũng không muốn về phục vụ một hệ thống tham nhũng, quan liêu, cường quyền, độc tài, vô trách nhiệm, kém tổ chức, công an trị, vô luật lệ và không tôn trọng nhân quyền.
Bản Chất Phi Lý:
Một hệ thống độc tài thường đưa đến những hiện tượng phi lý, đầy mâu thuẫn và không thuốc chữa như sau:
1. Người không có chuyên môn nhưng nhờ quen biết với những thành phần quyền lực, nhờ đút lót sẽ giữ những trách vụ quan trọng trong guồng máy điều hành đất nước.
2. Người có tài nhưng không chịu khuất phục bạo lực và phi lý, dám nói lên những điều đúng, điều hay sẽ bị đuổi việc, bị bỏ tù, bị lưu đày hay cấm cửa không được đặt chân đến đất nước.
3. Tin tức thị trường bị bưng bít và gian trá, do đó những quyết định đầu tư hay hoạt động thị trường bị sai lệch.
4. Hệ thống hành chánh cồng kềnh, thiếu hiệu năng, nên không thể có những đối sách nhặm lẹ để ngăn chặn hay sửa đổi kịp thời các hậu qủa sai lầm hoặc các ảnh hưởng tiêu cực từ thế giới bên ngoài.
5. Hệ thống đảng trị - tức đảng là trên hết và người của đảng nắm giữ vị trí quyền lực then chốt dù thiếu tài, kém đức, và mục tiêu bảo vệ đảng ưu tiên hơn mục tiêu làm đúng cho nền kinh tế hay phục vụ quyền lợi chung của toàn dân – đưa đến những quyết định hoàn toàn sai lầm mà lãnh đạo đảng không hề chịu trách nhiệm trước quốc dân.
Một số những thí dụ điển hình của hiện tượng phi lý tại Việt Nam mà tác gỉa James Hookway trên tờ WSJ đã nêu ra là các hoạt động đầu tư bừa bãi của các công ty quốc doanh thuộc nhà nước CSVN như sau (2): “Tập đoàn Dầu khí Việt nam (Vietnam Oil & Gas Corp), hay còn gọi là PetroVietnam, đã chuyển hướng vào ngành ngân hàng và hiện thời đang cho xây dựng một khách sạn 5 sao tại khu kinh doanh mới ở ngoại ô Hà Nội, mặc dù Việt Nam đang chờ đợi cả một thập niên để cho công ty này hoàn tất một xưởng lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Tập đoàn điện lực Việt Nam (Vietnam Electricity Corp) đã đầu tư nặng nề vào ngành viễn thông và mới đây đã cam kết 250 triệu Mỹ kim vào việc phát triển một khu du lịch gần bờ biển, làm nhiều người Việt Nam giận dữ vì họ vẫn phải chịu đựng cảnh bị cúp điện. Vinashin, tức là Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam, cũng khuếch trương vào ngành ngân hàng, giao dịch chứng khoán và thậm chí nấu cả bia rượu”.
Hậu Quả Cấp Tính:
Từ những bản chất nêu trên, nền kinh tế định hướng XHCN của Việt Nam đang phải đương đầu với những nguy cơ trầm trọng như sau:
1. Lạm phát vào cuối tháng 6, 2008 là 27%: do lưu lượng tiền từ đầu tư ngoại quốc đổ vào qúa nhiều so với khả năng điều hướng những đồng tiền đó vào các hoạt động sản xuất để có đủ hàng tiêu thụ và xuất cảng. Cùng lúc, thâm thủng chi tiêu của nhà nước CSVN và giá bất động sản thổi phồng làm gía sinh hoạt tăng nhanh. Đây là những lý do chính so với những ảnh hưởng tiêu cực đến từ bên ngoài và đang chi phối cả thế giới như giá xăng nhớt cao hay đồng đô la mất giá (khiến tiền đồng cột với đô la bị mất giá theo), vì rõ ràng không quốc gia nào trong vùng bị ảnh hưởng nặng như Việt Nam. Những biện pháp chống lạm phát bằng cách giảm lưu lượng tiền tệ lưu hành như bán công trái, tăng lãi xuất, bắt ngân hàng gia tăng dự trữ ngoại tệ, giới hạn mua tiền đô la, giảm chi tiêu của nhà nước ... đều không hiệu qủa vì hiện tượng thao túng của các công ty quốc doanh và cơ quan nhà nước các cấp.
2. Thị trường chứng khoán mất 60% cho tới cuối tháng 6, 2008 và trở thành thị trường tệ nhất thế giới. Các nhà đầu tư ngoại quốc bỏ chạy hoặc tránh xa thị trường Việt Nam (3).
3. Thâm thủng mậu dịch lên tới 17 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2008, tương đương với 13% GDP (tổng sản lượng nội địa). Dự đoán con số này sẽ lên tới 30 tỷ vào cuối năm vì nhu cầu nhập cảng gia tăng và vì đồng tiền VN mất gía. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ chỉ ở mức $19.93 tỷ vào cuối năm 2007 (Morgan Stanley đoán là $27 tỷ trong bài viết ngày 8 tháng 7, 2008 (9)) - qúa ít để có thể trang trải mức thâm thủng mậu dịch, và do đó Việt Nam có nguy cơ phá sản.
4. Đồng tiền VN mất giá trầm trọng so với đồng đô la. Cho tới cuối tháng 6, 2008, mất tới gần 20% (từ 16,000 đồng cho $1 trở thành 19,000 đồng. Con số này được ngân hàng Morgan Stanley ước tính lên tới 20,500 vào cuối năm nay). Người dân thấy đồng VN mất gía thì sợ hãi: người giầu đem tiền đồng đi mua vàng hoặc đô la, khiến tiền đồng lại càng mất gía hơn so với đô la (cái gì thị trường muốn thì gía lại tăng), và cứ thế vòng tròn luẩn quẩn tiếp diễn. Lạm phát càng gia tăng thì đồng Việt Nam lại càng mất gía, và càng mất giá thì lạm phát lại càng gia tăng (vì hàng nhập cảng lại càng đắt) ... cứ thế vòng tròn luẩn quẩn tiếp diễn.
Thuốc Đắng Dã Tật:
Toa thuốc cho từng cơn bệnh: lạm phát, thâm thủng mậu dịch, thị trường chứng khoán tụt dốc, tiền đồng phá giá ... không thiếu trong tủ sách kinh tế thế giới và kiến thức của các chuyên gia Việt Nam. Rất tiếc là một số phương thức căn bản đã được áp dụng nhưng không hiệu quả chỉ vì vấn nạn cốt lõi của ‘’định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”.
Truyền thống đảng trị và tham nhũng của XHCN đã đưa đến những ràng buộc chồng chéo giữa quyền và lợi của những người ban hành và thi hành luật/lệnh; hệ qủa là những biện pháp giải quyết các vấn nạn đã rơi vào khoảng không. Thí dụ, các tập đoàn công ty nhà nước đã nhúng tay vào việc mở ngân hàng và tha hồ mượn tiền ở mức lợi tức thấp để đầu tư bừa bãi - như vào bất động sản, khiến giá nhà gia tăng, lạm phát gia tăng, và khi việc làm ăn lỗ lã, chỉ có tiền thuế của dân là bị nướng cháy, không cá nhân nào chịu trách nhiệm. Vừa thổi còi, vừa đá bóng là sự vi phạm trầm trọng nguyên tắc "tương phản quyền lợi (conflict of interest)" ở những xã hội độc tài. Thành phần quốc doanh cũng như nhà nước CSVN đã là trở lực của chính những biện pháp chữa cháy do họ đưa ra khi vi phạm nguyên tắc căn bản này.
Từ những phân tích và nhận xét trên, toa thuốc duy nhất để vực lại con bệnh kinh tế hiện nay tại Việt Nam là thay đổi, chứ không phải chỉ cải tổ, guồng máy điều hành bằng những người có thực tài; phải phân định các ngành, bộ với trọng trách khác nhau và phải có thực quyền cũng như chịu trách nhiệm với quốc dân; phải chấm dứt việc để các quyết định chính trị hay bộ phận chính trị chi phối các quyết định kinh tế; phải có một hệ thống làm việc thông suốt, minh bạch và dân chủ - lá phiếu cử tri sẽ là phương tiện thưởng phạt đối với người lãnh đạo bộ phận do người dân chọn lựa; phải có tự do thông tin, và nền tư pháp độc lập với các ban ngành để thực thi công lý. Toa thuốc có thể rất đắng và khó nuốt đối với nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, nhưng nếu thực tâm muốn điều trị con bệnh kinh tế, họ sẽ phải hiểu "thuốc đắng mới dã tật!”.
Những suy thoái kinh tế hiện nay đã là câu trả lời rõ rãng nhất cho bài toán 20 năm mở cửa kinh tế nhưng xiết chặt chính trị của nhà cầm quyền Hà Nội. Nếu đảng CSVN tiếp tục duy trì bộ máy độc tài thoái hóa, khước từ mọi thay đổi của một cơ chế chính trị dân chủ đa nguyên, thì những chính sách cải tổ hiện nay cũng chỉ là công việc chắp vá tạm bợ. Lịch sử cổ kim đã cho thấy, khi những vấn đề cơm áo của người dân không được giải quyết sòng phẳng thì sự phẫn hận của người dân chính là ngòi nổ chính trị kinh hoàng nhất cho một thể chế cầm quyền bạo ngược.
Tài liệu tham khảo:
1. Vietnam's Troubled Economy
Monday, Jun. 09, 2008 By MARTHA ANN OVERLAND/HANOI
http://www.theodora.com/wfbcurrent/vietnam/vietnam_economy.html
http://www.time.com/time/world/article/0,8599,1812810,00.html?imw=Y
http://www.vvg-vietnam.com/economics_cvr.htm
2. Công Ty Nhà Nước Đổ Thừa Cho Các Tai Họa Kinh Tế
Vietnam's Premier to Shake Up State Companies
Wall Street Journal June 23, 2008; Page A11. Vietnam's Premier to Shake Up State Companies Firms' Borrowings Partially Blamed For Economic Woes. By JAMES ...
http://www.viet-studies.info/kinhte/NTDung_SOE_WSJ.htm - Cached
3. RFI - Giới doanh nhân ngoại quốc tạm ngưng đầu tư
Một số tập đoàn châu Á đình chỉ đổ vốn vào Việt Nam trong khi chờ đợi chính quyền
Hà Nội khắc phục các khó khăn kinh tế.
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/103/article_285.asp -
4. Sàn chứng khoán VN sụp theo đồng bạc HCM
Bill Bonner – Trà Mi lược dịch
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5194
5. Vietnam's Inflation Accelerated to 26.8% in June (Update1)
By Beth Thomas and Shamim Adam
http://www.bloomberg.com/apps/news?pid=20601080&sid=aIp..hI7GVE0
6. Bush Faces Tricky Balancing Act With Vietnamese PM Visit
Henry J. Pulizzi, Wall Street Journal
7. Việt Nam - Ngươi đang ở đâu và sẽ đi đến đâu? (Kỳ 31)
Vietnam Feels The Heat
http://www.viet-studies.info/kinhte/VN_feels_heat_FEER.htm
Far Eastern Economic Review, May 2008, By Jonathan Pincus and Vu Thanh Tu Anh.
8. NLĐO - Tai phat dich tieu chay cap nguy hiem tai 3 tinh phia Bac ...
Jun 27, 2008 ... (NLd)- Ngay 26-6, Cuc Y te du phong va moi truong (Bo Y te) cho biet, dich tieu chay cap nguy hiem co nguon goc tu phay khuan ta da tai phat ...
http://www.nld.com.vn/tintuc/suc-khoe/229991.asp - Cached
9. Pháp cảnh báo nguy cơ khủng hoảng ngoại hối của Việt Nam
Trọng Nghĩa, Bài đăng ngày 08/07/2008 Cập nhật lần cuối ngày 08/07/2008 16:54 TU, http://www.rfi.fr/actuvi/articles/103/article_337.asp
Nguồn:
http://vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=7883
http://tiengnoitudodanchu.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=6137
--------------------
Các nguồn vốn của Việt Nam cũng bao gồm:
- tiền bán tài nguyên quốc gia : dầu thô, mỏ quặng, ...
- thuế , ngân sách quốc gia
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment